Huyền thoại cô gái đôi mươi đánh thắng hổ dữ trong lễ khánh thành chợ Bến Thành
Trung Hoa nổi tiếng với giai thoại Võ Tòng đánh hổ mà ít ai biết rằng đất Việt cũng có anh hùng thắng hổ từng xuất hiện trong lễ khánh thành chợ Bến Thành.
Môn võ “đánh hổ” trứ danh
Đầu thế kỷ 19, Võ Thị Trà vốn là hậu duệ của các bộ tướng Tây Sơn phải đến vùng đất Tân Khánh (nay là phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên và phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) lánh nạn. Cô gái mở quán nước, treo một thanh kiếm trên quầy. Sở hữu nhan sắc xinh đẹp nhưng Võ Thị Trà lại không hề “liễu yếu đào tơ” mà lại sở hữu những đường kiếm như “rồng bay phượng múa”, tài võ nghệ khiến nhiều người khâm phục.
Cũng từ đó, Võ Thị Trà thu nhận đệ tử để truyền thụ võ thuật. Môn võ ngày càng phát triển, hình thành môn võ Tân Khánh – Bà Trà đến tận ngày nay. Võ Thị Trà có nhiều đệ tử, trong đó có 2 đệ tử chân truyền là anh em Võ Văn Ất (còn gọi là Hai Ất) và Võ Văn Giáp (còn gọi là Ba Giáp) đều có sở trường dùng trường côn.
Thời ấy, hổ thường về làng bắt gia súc, khiến người dân sợ hãi không dám ra ngoài. Chỉ 2 anh em Ất và Giáp đã phải đối mặt với hổ dữ không dưới 10 lần. Trong đó, đáng nhớ nhất là nơi Hố Ngỡi cạnh làng Tân Khánh (nay là Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên). Đối mặt với 3 con hổ dữ, hai anh em sau gần một canh giờ quần thảo đã giết được đối thủ.
Từ đó, danh tiếng 2 anh em trở nên nổi tiếng, môn võ Tân Khánh của Võ Thu Trà được gọi là môn võ đánh hổ. Người dân nhiều đời sau còn truyền tụng chuyện anh em ông Ất - Giáp đánh hổ ở Bàu Lòng cùng câu nói: “Cọp Bàu Lòng – Võ Tòng Tân Khánh”, thậm chí còn xem Võ Tòng Tân Khánh giỏi hơn Võ Tòng bên Tàu.
Cô gái đôi mươi xuất hiện trong lễ khánh thành chợ Bến Thành
Năm 1912, chợ Bến Thành được hãng thầu của Pháp là Brossard et Maupin xây dựng. Tháng 3/1914, cây cầu xây xong và tổ chức lễ khánh thành. Thời đấy, lễ khánh thành chợ mới được gọi là lễ khai thị, diễn ra trong 3 ngày là 28, 29 và 30/3/1914 thu hút hơn 100.000 người Sài Gòn và các tỉnh lân cận đổ về.
Thời điểm này, người Pháp ở Sài Gòn đã nghe danh đánh hổ của hai anh em ông Ất và Giáp nhưng còn nửa tin nửa ngờ. Nhân dịp khai trương chợ Bến Thành năm 1914, chính quyền Pháp đã mời ông Ất đến trình diễn màn đánh hổ. Con hổ này được bẫy khi đang tiến hành khai hoang đồn điền cao su ở miệt rừng rậm phía bắc Thủ Dầu Một.
Khi đó, ông Ất đã 60 tuổi, thân hình vẫn còn tráng kiện. Ông từ chối lời mời, để con gái mới ngoài đôi mươi đi thay. Cô gái tên Võ Thị Vuông (hay còn gọi là Năm Vuông), được cha truyền hết tài võ nghệ, trong đó có cả môn võ đánh hổ. Trước sự lo lắng của nhiều người, ông Ất chỉ cười và khẳng định, ông biết rõ khả năng của con gái, nếu có gì bất trắc ông sẽ vào hỗ trợ.
Dù ông Ất tin tưởng con gái nhưng mọi người thì lại khác. Họ khó có thể tin rằng một cô gái trẻ tuổi, vóc dáng nhỏ bé mới ngoài 20 có thể đánh được hổ. Điều này càng khiến nhiều người hiếu kỳ, mong ngóng đến ngày khánh thành chợ Bến Thành để tận mắt chứng kiến.
Cuộc đấu này người phương Tây cũng lấy làm kỳ lạ. Trận thi đấu hiếm có được ghi chép lại trong cuốn sách “Những môn võ bí truyền trên thế giới” (John F. Gilbey, bản dịch tiếng Việt của hai tác giả Lạc Hà và Phạm Xuân Thảo, do nguyệt san Võ Thuật xuất bản tại Sài Gòn năm 1970).
Cuộc đấu gay cấn giữa cô gái trẻ và mãnh thú
Đúng phần được mong chờ nhất trong lễ khánh thành chợ Bến Thành, Võ Thị Vuông xuất hiện trong bộ quần áo nai nịt gọn gàng, cầm theo ngọn lao có đầu bịt sắt nhọn tiến vào khu vực đấu với hổ dữ.
Vừa thấy người, hổ dữ đã gầm lên nhảy vào vồ cô gái. Năm Vuông nhanh chóng tránh được, hồ vồ hụt thì gầm lên, xoay mình cực nhanh đập đuôi tấn công liên tiếp bằng móng vuốt. Hổ nhanh nhưng cô gái trẻ còn nhanh hơn; thủ pháp biến hóa khôn lường khi tiến khi lùi, lúc nhảy qua lúc nhảy lại.
Tấn công liên tục nhưng không trúng, mãnh thú gầm lên khiến người xem sợ hãi. Cô gái trẻ vô cùng thông minh khi liên tục tránh đòn để tiêu hao sức hổ. Lợi dụng ngọn lao sắc, cô Năm Vuông đâm thẳng vào hổ khi nó hồ vụt, khiến con vật chảy máu đầm đìa và dần xuống sức.
Qua vài giờ giao đấu, cả người và hổ đều đã nhuộm máu đỏ. Nhiều người lo lắng hỏi ông Ất có nên giúp sức không nhưng ông chỉ mỉm cười. Con hổ dần kiệt sức, biểu hiện cũng chậm chạp hơn. Lúc này, cô gái ra đòn mấu chốt trúng vào yết hầu con hổ, hạ được mãnh thú. Khi đó đã 12 giờ trưa.
Màn giao đấu này được xem là kinh điển trong làng võ thuật, được ghi lại trong cuốn sách “Những môn võ bí truyền trên thế giới” nguyên tác tiếng Anh của tác giả John F. Gilbey. Ngày nay, địa danh “Truông Bà Năm Vuông” nằm ở cạnh làng võ Tân Khánh – Bà Trà. Đây chính là nơi bà Năm Vuông đánh hổ ở chợ Bến Thành khi xưa từng đánh bại toán cướp chỉ bằng cây đòn gánh trên tay.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận