Hoạn quan duy nhất trong lịch sử Trung Quốc lên ngôi hoàng đế: Hậu duệ là nhân vật lừng lẫy thời Tam Quốc

Trong nhiều bộ phim Trung Quốc, hoạn quan thường được chọn làm nhân vật phản diện. Tuy nhiên, vẫn có một trường hợp trở thành hoàng đế một cách đường đường chính chính, tạo ra tiền lệ chưa từng có.

Thùy Nguyễn
15:00 22/10/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, không ít hoạn quan xuất hiện làm rối loạn kỷ cương triều đình. Nổi tiếng nhất phải kể đến Ngụy Trung Hiền thời Minh Hy Tông. Người này được gọi là “Cửu thiên cửu bách tuế”, dân gian còn lưu truyền câu nói rằng: “Chỉ biết có Trung Hiền, chứ không biết có hoàng thượng”. Tuy nhiên, hiếm có hoạn quan nào có thể ngồi được lên ngai vàng.

Thế nhưng, vẫn có một hoạn quan duy nhất được làm hoàng đế. Khác biệt ở chỗ, người này quyền hành khuynh đảo triều đình nhưng lại được người đời tôn kính. Người đó không ai khác chính là Tào Đằng.

Tào Đằng có tự là Quý Hưng, sinh năm 100. Theo như ghi chép trong Tam quốc chí, Tào Đằng là hậu duệ khai quốc công thần nhà Tây Hán là Tào Tham. Thời Hán Huệ Đế, Tào Tham giữ chức Tướng quốc, dù ngày ngày ăn chơi hưởng lạc, không màng chính sự nhưng vẫn được dân chúng kính yêu. Không giống Tào Tham, Tào Đằng có khởi điểm là hoạn quan, trải qua 4 đời hoàng đế và được người đời kính phục. 

Hết lòng phò tá thái tử

Thời Hán An Đế, Tào Đằng khi ấy mới 19 tuổi, giữ chức Hoàng môn tòng quan, là người cẩn thận kỹ càng lại an phận biết điều. Mẹ Hán An Đế là Đặng Thái hậu thấy Tào Đằng còn trẻ mà đã trầm ổn, lại trạc tuổi thái tử Lưu Bảo nên chọn ông làm người hầu hạ đèn sách cho thái tử. 

hoan-quan-duy-nhat-trong-lich-su-trung-quoc-len-ngoi-hoang-de-1

Năm 125, Hán An Đế mất, thái tử Lưu Bảo lên ngôi lấy hiệu là Hán Thuận Đế. Tào Đằng được phong là Trung thường thị - chức quan lớn bậc nhất trong số các hoạn quan thời nhà Hán. Năm 144, Hán Thuận Đế băng hà, thái tử Lưu Bỉnh lên ngôi lấy hiệu là Hán Xung Đế. Xung Đế lên ngôi khi mới chưa đầy 2 tuổi nên Lương Hoàng hậu (vợ Hán Thuận Đế) và anh trai bà là đại tướng quân Lương Ký nắm đại quyền trong tay.

Chỉ một năm sau, Hán Xung Đế mắc bệnh qua đời. Khi đó, Lương Hoàng hậu và Lương Ký lập Hán Chất Đế mới 8 tuổi lên ngôi để tiếp tục thao túng quyền lực. Dù còn nhỏ nhưng Hán Chất Đế đã thông minh hơn người và rất ghét Lương Ký. Có lần Hán Chất Đế còn chỉ thẳng mặt Lương Ký mà mắng: “Ngươi là loại tướng quân ngang ngược”.

Cho rằng Hán Chất Đế lớn lên sẽ là mối nguy lớn, Lương Ký cho người bỏ thuốc độc giết hoàng đế. Hoàng tộc nhà Hán chỉ còn Lưu Chí và Lưu Toán là có thể lên ngôi. Lưu Toán bản tính thông minh ngay thẳng nên được các đại thần và Tào Đằng nể phục. Tuy nhiên, khi ông đến gặp, Lưu Toán luôn tỏ thái độ khinh bỉ một hoạn quan khiến ông oán giận. 

Lương Ký thì lại muốn lập Lưu Chí để dễ bề thao túng triều đình. Tuy nhiên, do áp lực từ các đại thần, Lương Ký chưa biết lập ai thì Tào Đằng bàn rằng: “Tướng quân là ngoại thích mà lại quản lý việc triều đình sẽ không thể tránh khỏi những sai sót. Lưu Toán là người thông minh, nếu lên ngôi thì chuyện tướng quân gặp nạn chỉ là sớm muộn. Chi bằng lập Lưu Chí lên ngôi, như vậy vừa có thể bảo vệ được mình lại tha hồ hưởng vinh hoa phú quý”.

hoan-quan-duy-nhat-trong-lich-su-trung-quoc-len-ngoi-hoang-de-2

Nhận được sự ủng hộ của Tào Đằng - hoạn quan quyền lực nhất trong triều nên Lương Ký càng thêm quyết tâm. Năm 132, Lương Ký và Tào Đằng phò tá Lưu Chí lên ngôi, lấy hiệu là Hán Hoàn Đế. Sau đó, Tào Đằng được phong làm Phí Đình hầu, dù quyền cao chức trọng nhưng vẫn cẩn thận, khiêm nhường, nghiêm cấm họ hàng cậy quyền mà tác oai tác quái. 

Theo ghi chép, Tào Đằng trong hơn 30 năm không gây ra lỗi lầm gì đáng kể và nổi tiếng vì tính khiêm nhường. Ông không thù dai, lại còn chủ động kết thân và tiến cử nhiều người có tài với Hán Hoàn Đế, được cả người trong và ngoài triều coi trọng và khâm phục. Khi Tào Đằng qua đời, triều Hán không còn xuất hiện một hoạn quan nào có đức tính khiêm nhường, trung thành như ông. 

Tuy nhiên, Tào Đằng cũng không tránh khỏi bị người khác bêu xấu. Theo Tam Quốc chí của sử gia Trần Thọ, Viên Thiệu trước khi khởi động chiến dịch Quan Độ từng sai người viết hịch kể tội Tào Tháo và tiện nhắc luôn đến Tào Đằng với những lời lẽ như sau: “Ngày nay Tư không Tào Tháo, ông nội là Đằng vốn làm Trung thường thị, cùng với bọn Tả Quán - Từ Hoàng gây tai nghiệt, phóng túng hung ác, tàn ngược dân chúng”.

Danh chính ngôn thuận làm hoàng đế

Tào Đằng là hoạn quan nên không có con trai ruột. Tuy nhiên, ông có nhận nuôi một người con trai là Tào Tung, chính là cha của Tào Tháo. Do đó, có thể nói Tào Tháo lừng lẫy thời Tam Quốc chính là cháu trai của Tào Đằng. 

hoan-quan-duy-nhat-trong-lich-su-trung-quoc-len-ngoi-hoang-de-3

Thời Hán Linh Đế (168 – 189), triều đình đổ nát do sự hoành hành của Thập Thường thị, một nhóm hoạn quan chuyên quyền, lũng loạn xã tắc. Phản loạn nổi lên khắp nơi, thái độ của xã hội với hoạn quan ngày càng không tốt. Lợi dụng điểm này, Viên Thiệu đã động chạm “nòi giống hoạn quan” của Tào Tháo, đánh đồng Tào Đằng với nhóm hoạn quan hung ác, bạo ngược.

Tào Tháo liên tục chèn ép hoàng đế, giúp thế lực nhà Ngụy ngày càng lớn mạnh. Năm 220, con trai Tào Tháo là Tào Phi đã soán ngôi nhà Hán, mở ra triều đại nhà Ngụy, tôn Tào Tháo là Vũ Hoàng Đế. Còn con trai Tào Phi là Tào Duệ sau khi lên ngôi lại tôn hoạn quan Tào Đằng làm Cao Hoàng Đế.

Năm 266, Tư Mã Viêm lật đổ triều Ngụy và lên ngôi hoàng đế, thành lập nhà Tây Tấn. Tây Tấn giữ nguyên các đế hiệu của vương triều Ngụy, tức là công nhận tư cách hoàng đế của hoạn quan Tào Đằng. Các triều đại sau của Trung Quốc cũng làm điều tương tự.

Do đó, Tào Đằng danh chính ngôn thuận trở thành 1 trong 5 hoàng đế của nhà Ngụy; là hoạn quan duy nhất trong lịch sử Trung Quốc và thế giới đạt được danh hiệu chí tôn này.

Xem thêm: Trước khi chết Lã Bố hét to 6 chữ gì mà nếu Tào Tháo nghe theo thì lịch sử Tam Quốc sẽ phải viết lại?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận