Phật dạy: Vui mừng khi thấy người khác hạnh phúc

Nhờ có lòng tha thứ nên ta mới đủ chịu khó khuyên người vượt qua lầm lỗi. Có bốn dấu hiệu để biết từ tâm đã hiện diện trong tâm hồn của mình, từ đó cảm thấy vui mừng khi người khác hạnh phúc.

Hoài Lương
06:00 30/09/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Muốn giúp đỡ người

Như đã nói, quy luật tâm lý thông thường là khi thương ai, ta luôn muốn giúp đỡ người đó. Tình thương đó là ân nghĩa quá khứ hiện lại. Bây giờ với tâm Từ bi thương yêu hết tất cả chúng sinh, đương nhiên chúng ta cũng bị một tâm lý thôi thúc là làm cái gì đó cho chúng sinh được an vui hạnh phúc.

Phật dạy tâm từ bi càng nhiều thì sự thôi thúc càng lớn. Càng hiểu đạo, chúng ta càng hiểu rõ bản chất cuộc đời thật là đau khổ. Chung quanh ta, mọi người không khổ vì điều này thì cũng khổ vì điều khác. Không ai thực sự trọn vẹn sung sướng.

Huynh đệ ta bệnh yếu, đạo tâm còn sơ cơ… vẫn là điều khiến ta lo lắng. Nhiều ngôi chùa chưa có sức giáo hóa người dân quanh vùng… vẫn là điều khiến ta lo lắng.

phat-dayvui-mung-khi-thay-nguoi-khac-hanh-phuc-01
Càng hiểu Đạo, chúng ta càng hiểu rõ bản chất cuộc đời thật là đau khổ

Tất cả những sự thôi thúc đó đều chứng tỏ tâm từ bi đã thực sự hiện diện nơi chính mình.

Ngược lại, nếu chúng ta quan niệm về một đời sống tu hành nhàn nhã, không bận tâm về nỗi khổ của ai, chỉ muốn chiều chiều phe phẩy cái quạt bước dạo trên lối cỏ ướt sương, ngắm trăng lên từ đỉnh đồi lộng gió, hoặc ngồi nhấp một ngụm trà ngát hương xem hoa quỳnh chầm chậm nở…, chúng ta đã đi sai lời Phật dạy!

Thiếu tâm Từ bi, Phật dạy chúng ta đang nuôi dưỡng sự ích kỷ trong lòng mình. Mà sự ích kỷ nào rồi cuối cùng cũng đưa đến đau khổ.

Phật dạy người tu đúng sẽ là người rất bận rộn vất vả cực khổ vì tha nhân, nhưng niềm vui trong tâm thì tràn đầy. Đây là điều rất lạ. Chúng ta cứ tưởng rằng lo cho người khác sẽ làm mình cực khổ, nhưng không, ngược lại, chính vì đem niềm vui đến cho người khác mà tâm ta tự nhiên có niềm vui và sức mạnh. Niềm vui này không mong cầu mà được.

Xót xa trước nỗi khổ của tha nhân

Dấu hiệu thứ hai khi có từ tâm hiện diện là biết xót xa trước nỗi khổ của tha nhân. Tâm xót xa đó gọi là bi.

Người tu đúng là người bất động khi nghịch cảnh đến với mình, nhưng lại xót xa khi thấy chúng sinh đau khổ. Người tu sai là thích giữ tâm bất động, kể cả khi đứng trước nỗi đau của người khác.

Chúng ta sẽ thắc mắc, chẳng lẽ chư Thánh cũng động tâm xót xa sao?

Xin thưa, chư Thánh cũng thương xót chúng sinh đau khổ, và thương xót rất sâu sắc, chỉ khác với chúng ta là sự thương xót đó không xao động sôi bỏng như chúng ta, vì các Ngài có định lực vững vàng.

Chúng ta thương xót chúng sinh có kèm theo sự ray rứt, xao động, vì chưa có định, nhưng vẫn là đúng. Chỉ vì sợ xao động mà chúng ta không thương xót nỗi khổ của chúng sinh tức là chúng ta đã đi sai đường của Phật Pháp.

Nếu chúng ta không bận lòng vì nổi khổ của tha nhân, tức là chúng ta đang đi dần vào trạng thái thờ ơ lãnh đạm vô tình. Mọi người đều như thế thì đạo Phật sẽ trở nên thụ động và suy yếu dần dần.

Chúng ta chỉ được quyền bất động với nghịch cảnh của chính mình, chứ không được thản nhiên trước nỗi đau của người khác.

Trong Tứ vô lượng tâm, Phật dạy đệ tử phải có bi tâm vô lượng, tức là phải có lòng thương xót không còn giới hạn, chỉ vì nổi khổ trên đời là vô hạn.

phat-dayvui-mung-khi-thay-nguoi-khac-hanh-phuc-02
Chúng sinh là vô lượng nên công đức làm được cũng vô cùng, và Hỷ tâm chúng ta cũng là vô biên vô lượng.

Vui mừng trước hạnh phúc của người

Vui mừng khi thấy người khác hạnh phúc là Hỷ tâm trong bốn tâm Từ Bi Hỷ Xả.

Thông thường thì khi thương yêu ai ta mới vui mừng vì hạnh phúc của người đó. Đối với người ta không thương, hạnh phúc của người đó lại làm cho ta bực tức ganh tị. Con mình thi đậu thì mừng, con hàng xóm thi đậu thì tức. Thói đời là như vậy.

Nhưng bây giờ là đệ tử Phật, tình thương chúng ta trải đều với tất cả mọi người, như vậy bất cứ hạnh phúc của ai cũng khiến ta vui mừng cả. Rồi khi thấy người làm được nhiều việc công đức tốt lành, chúng ta cũng phải biết vui mừng như chính mình làm được.

Với hỷ tâm như thế, tâm đố kỵ sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Vì chúng sinh là vô lượng nên công đức làm được cũng vô cùng, và Hỷ tâm chúng ta cũng là vô biên vô lượng.

Biết tha thứ

Dấu hiệu thứ tư của từ tâm hiện diện là biết tha thứ, tức là xả tâm.

Chữ xả có nhiều nghĩa tùy theo category, nhóm. Xả có nghĩa là buông bỏ, không dính mắc vào thế gian; xả cũng có nghĩa là vượt qua được tâm tự hào bí mật trong thiền định. Còn trong Tứ vô lượng tâm, xả có nghĩa là tha thứ.

Sống ở trên đời này, nếu chưa thành Phật thì ai cũng còn có lỗi cả. Mình cũng còn khuyết điểm và người chung quanh cũng vậy. Điều quan trọng là phải biết tha thứ nhau để tiếp tục thương yêu nhau.

Nguyên tắc của tâm lý là khi thương ai, ta dễ tha thứ khi người đó có lỗi. Có nhiều đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, vậy mà cha mẹ vẫn kiên tâm chịu đựng tha thứ mãi để mong con có ngày hối hận quay về. Biết tha thứ là đức độ lớn của những bậc chân sư thánh triết.

phat-dayvui-mung-khi-thay-nguoi-khac-hanh-phuc-03
Phật dạy ta phải có bổn phận tìm cách giúp người sửa chữa để họ tiến lên, chứ không được bỏ mặc.

Tuy nhiên , có 2 cực đoan mà người đệ tử Phật nên tránh khi thấy người khác có lỗi:

- thứ nhất, thấy người có lỗi, ta liền đem ra công kích, chê bai, rêu rao, khinh bỉ, với tâm ác độc.

- Thứ hai, thấy người có lỗi, ta bỏ mặc cho họ tiếp tục phạm lỗi, xem như không dính dáng gì tới mình cả.

Cả hai đều là sai lầm, và có tội.

Khi thấy lỗi của người, nếu ta đem ra chê bai, sau này ta sẽ mắc đúng lỗi lầm đó. Ngược lại, nếu ta bỏ mặc, sau này ta cũng mắc đúng lỗi lầm đó.

Ngoài ra, ta còn có thể bị quả báo mù hay điếc vì ta đã làm ngơ giống như không nghe không thấy trước sai lầm của người khác. Đúng ra, ta phải có bổn phận tìm cách giúp người sửa chữa để họ tiến lên, chứ không được bỏ mặc.

Nếu có duyên, ta có thể góp ý trực tiếp; nếu ít duyên, ta có thể nhờ người đức độ nói giùm. Phật Pháp mỗi ngày sẽ được hoàn thiện phát triển nếu chúng ta biết giúp nhau vượt qua lỗi lầm như thế.

Dĩ nhiên là chỉ bởi lòng thương yêu chúng ta mới được phép nói về lỗi lầm của huynh đệ. Nếu không có lòng thương yêu, chúng ta không đủ sức thuyết phục, mà chỉ đem lại giận hờn tự ái nhiều thêm.

Nhờ có lòng tha thứ nên ta mới đủ chịu khó khuyên người vượt qua lầm lỗi.

Vì chúng sinh vô lượng, lỗi lầm chúng sinh cũng là vô lượng, nên Xả tâm chúng ta cũng phải vô biên vô lượng như thế.

Phật dạy: Thông cảm cần có trí tuệ, trực giác và tình thương

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận