Phật dạy: Phước thiện bố thí luôn có ưu thế hơn người không bố thí

Ở trong đời này, người có phước thiện bố thí luôn luôn có ưu thế hơn người không bố thí. Bố thí và cúng dường là một trong những hạnh tu căn bản của hàng Phật tử tại gia. Nhất là trong mùa an cư kiết hạ, khi chúng Tăng tập trung về một chỗ, không đi hóa duyên thì sự hộ trì của hàng cư sĩ lại càng mạnh mẽ hơn.

Hoài Lương
14:08 15/07/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ai cũng biết, thực hành hạnh phước thiện bố thí và cúng dường thì được phước. Nhưng bố thí để “được quả báo lớn, đến chỗ cam-lồ, diệt tận” thì không phải ai cũng tỏ tường.

Bố thí là gì ?

Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ Tát. Nguyên âm chữ Phạn là Dàna có nghĩa là sự cho, dịch sang tiếng Hán Việt là Bố thí. Bố là khắp, thí là cho. Bố thí là cho khắp tất cả.

Nếu nói như vậy thì hơi đơn giản và mơ hồ. Vì cho khắp tất cả có nghĩa là cho khắp tất cả những gì mình có, hay cho khắp tất cả chúng sinh?

phuoc-thien-bo-thi-luon-luon-co-uu-the-hon-nguoi-khong-bo-thi-1
Bố thí hay cúng dường là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ Tát

Khi ta đi đường gặp một kẻ nghèo khó đứng xin ăn, ta lấy năm đồng hay một cắc ra cho họ, thì ta gọi đó là bố thí cho kẻ nghèo. Trong gia đình khi ta cho con cái vật gì thì ta chỉ gọi đó là cho. Đối với những người có địa vị xã hội cao hơn ta, hay đối với hàng ông bà chú bác thì ta không gọi là cho mà gọi là Tặng hay Biếu.

Rồi khi vào chùa đối với Tam Bảo ta lại có tiếng gọi khác là cúng dường. Cũng là một hành động cho mà lại có nhiều tên gọi khác nhau vì đó là tùy ở nơi đối tượng của sự cho, tức là người nhận. Mùa Xuân Tết đến, ta không thể đem một món quà đến gặp ông chủ của mình mà nói rằng: ‘Tôi xin bố thí cho ông chủ món quà’, hoặc gặp một vị Thầy ta nói: ‘Con xin bố thí cho Thầy’, hoặc ta cũng không thể nói: ‘Ba cúng dường cho con một hộp bánh’, v…v…

Như ta đã thấy Bố thí gồm có nhiều nghĩa: cho, tặng, biếu, cúng dường, bố thí. Nhưng để giản tiện bớt cho những trang sau, ta tạm gọi tất cả những cái đó là Bố thí.

Chín đức của hạnh bố thí

Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần có tài vật cùng với tấm lòng rộng mở thì đã có thể tùy duyên bố thí. Quả đúng như vậy, nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần mà chưa đủ để hình thành nên phước báo lớn.

Muốn bố thí có phước báo lớn thì người bố thí, vật được thí và người nhận thí phải đầy đủ chín đức. Thế Tôn đã nói về chín đức của nguyện bố thí như sau:

“Một thời Đức Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ta sẽ nói về chín đức của nguyện bố thí, các thầy khéo suy nghĩ đó, Ta sẽ diễn bày nghĩa ấy.

Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lãnh lời Phật dạy, Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Thế nào là chín đức của nguyện bố thí? Tỳ-kheo nên biết, đàn việt cúng thí thành tựu ba pháp, vật được thí cũng thành tựu ba pháp, người nhận vật thí cũng thành tựu ba pháp.

Thế nào là thí chủ đàn-việt thành tựu ba pháp? Ở đây, thí chủ đàn-việt được thành tựu lòng tin, thành tựu thệ nguyện, cũng không sát sanh. Đó gọi là thí chủ đàn-việt thành tựu ba pháp.

phuoc-thien-bo-thi-luon-luon-co-uu-the-hon-nguoi-khong-bo-thi-2
Người bố thí nếu thành tựu chín pháp được quả báo lớn, đến chỗ cam-lồ, diệt tận

Thế nào là vật được thí thành tựu ba pháp? Ở đây, vật thí thành tựu sắc, thành tựu hương, thành tựu vị. Đó là vật thí thành tựu ba pháp.Thế nào là người nhận thí thành tựu ba pháp? Ở đây, người được thí thành tựu giới, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ. Đó là người nhận thí thành tựu ba pháp.

Như thế, bố thí thành tựu chín pháp này, được quả báo lớn, đến chỗ cam-lồ, diệt tận. Phàm thí chủ muốn cầu được phước ấy thì nên tìm phương tiện thành tựu chín pháp. Như thế, các Tỳ-kheo nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”. (Trích từ Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Chín nơi cư trúcủa chúng sanh, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.203)

Mới hay, người có điều kiện về tài vật mà muốn bố thí đúng như pháp thì bản thân họ phải tu tập, ít nhất là thành tựu ba pháp, tức thành tựu lòng tin, thành tựu thệ nguyện và không sát sanh.

Lòng tin ở đây chính là tin vào Tam bảo, tin vào phước quả của hạnh bố thí. Chính tấm lòng, thệ nguyện sẻ chia một phần tài vật mà mình kiếm được sẽ góp phần cải thiện phước báo của mình.

Nên càng sẻ chia, bố thí và cúng dường thì phước đức càng tăng trưởng. Quan trọng hơn, người thí chủ phải có căn bản về đạo đức, tâm từ sung mãn, biểu hiện cụ thể là tôn trọng sinh mạng, không sát sinh hại vật.

Kế đến, vật thí cũng phải thành tựu ba pháp, tức thành tựu sắc, thành tựu hương, thành tựu vị. Ngày xưa, vật bố thí thường là thực phẩm nên đồ ăn với hình thức đẹp, hương thơm và vị ngon là những tiêu chí để thể hiện rằng thí chủ đã hết lòng, tận tâm trong việc bố thí.

Còn ngày nay, để tiện lợi nhiều bề người ta thường bố thí bằng tiền mặt, vậy thì đồng tiền mà mình đem bố thí và cúng dường cũng phải “sạch”, không xuất phát từ sự gian dối, lừa gạt, nhũng nhiễu, giết hại mà có. Vật đem cho càng thanh tịnh bao nhiêu thì phước báo của người cho càng vô lượng bấy nhiêu.

Đặc biệt là người nhận thí cũng phải thành tựu ba pháp, đó là giới, định và tuệ. Bởi thí cho người mà không tu hành, đạo đức thấp kém thì chắc chắn người thí được ít phước báo hơn. Vì thế, phát tâm bố thí và cúng dường cũng cần đúng người, đúng chỗ, gieo phước vào các thửa ruộng tốt.

Như cúng dường cho chúng Tăng tinh chuyên tu hành trong ba tháng an cư kiết hạ chắc chắn sẽ mang lại phước báo thù thắng hơn vì chư vị luôn trau dồi để thành tựu giới, định và tuệ. Mặt khác, ân đức của thí chủ rất to lớn nên người nhận thí phải tự hoàn thiện mình thì mới có thể trả được nợ tín thí đàn-na.

Do vậy, khi người thí, vật thí và người nhận thí đều thanh tịnh thì tất cả đều “được quả báo lớn, đến chỗ cam-lồ, diệt tận”.

Tích bố thí nước

Trong bộ Apādāna tích Ngài Ðại Ðức Tỳ khưu ni Udakadāyikātherī tóm lược như sau: Thời kỳ Ðức Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Ðại Ðức Tỳ khưu ni Udaka-dāyikātherī, là người đàn bà nghèo, sống bằng nghề đội nước dùng đến các nhà phú hộ, nhà các vị quan, nhà giàu có... 

khi nhìn thấy những người giàu có làm phước thiện bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng, bà suy xét rằng: “Người ta có nhiều của cải, họ muốn làm mọi phước thiện bố thí thật dễ dàng, còn ta nghèo khổ thiếu thốn, không có vật gì đáng để làm phước thiện bố thí được cả; kiếp này ta đã nghèo khổ, ta không bố thí, kiếp sau ta lại càng nghèo khổ hơn nữa; tốt hơn, ta nên đội nước để làm phước thiện bố thí vậy".

Bà suy xét như vậy, từ đó về sau, hằng ngày bà làm phước thiện bố thí nước đến chư Tỳ khưu Tăng để uống, để dùng. 

Trong chùa, chỗ nào có đồ đựng nước uống, bà đổ đầy nước uống, chỗ nào đựng nước dùng, bà đổ đầy nước dùng, vì thế chư Tỳ khưu Tăng được đầy đủ nước uống, nước dùng. 

Sau khi bà chết, do phước thiện bố thí nước cho quả tái sanh cõi thiện giới: cõi trời và cõi người hưởng được mọi sự an lạc.

Ðến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân người đàn bà ấy, do phước thiện cho quả tái sanh làm người, đến hầu Ðức Phật nghe pháp, xin Ðức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. 

Sau khi trở thành Tỳ khưu ni không lâu, bà tiến hành thiền tuệ, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, khi hết tuổi thọ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

phuoc-thien-bo-thi-luon-luon-co-uu-the-hon-nguoi-khong-bo-thi-3
Khi người thí, vật thí và người nhận thí đều thanh tịnh thì tất cả đều “được quả báo lớn, đến chỗ cam-lồ, diệt tận.

Bố thí nước có 7 quả báu

1- Ðược nhiều kiếp làm vua trời.

2- Ðược nhiều kiếp làm Ðức chuyển luân thánh vương.

3- Tránh khỏi sa vào 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh.

4- Ở nơi nào, nơi ấy có nước đầy đủ.

5- Ít bệnh hoạn ốm đau, có sắc thân xinh đẹp.

6- Dầu mùa nắng hoặc mùa lạnh, khi cầu mưa, thì có mưa ngay.

7- Diệt được phiền não ô nhiễm.

Ðó là 7 quả báu của phước thiện bố thí nước.

Tích bố thí dép

Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna bay lên cõi Tam thập tam thiên, nhìn thấy một lâu đài nguy nga tráng lệ, có nhiều thiên nữ hầu hạ, bèn hỏi rằng:

- Này thiên nữ, tiền kiếp cô đã tạo phước thiện gì, kiếp này cô hưởng sự an lạc như vậy?

Thiên nữ Upāhanadāyikā trả lời Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna:

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna, con là thiên nữ Upāhanadāyikā.

Kiếp trước, khi ở cõi người vào thời Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, con nhìn thấy vị Tỳ khưu đang đi bát, con có dâng một đôi dép đến vị Tỳ khưu. 

Do năng lực phước thiện bố thí dép ấy, cho quả được tái sanh lên cõi Tam thập tam thiên, trong lâu đài xinh đẹp, có thiên nữ hầu hạ, hưởng sự an lạc như thế này.

Lời Phật dạy: "Nhân" của tài lộc chính là bố thí, chỉ khi có thiện niệm bố thí cho người thì mới đắc được phúc báo 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận