Người nhẫn nhục là người tu theo đạo Phật vô ngã
Người có tâm hồn yếu đuối, hay xao động không thể gọi là người nhẫn nhục. Nhẫn nhục là có một sức mạnh, giữ tâm mình không bị xao động, lung lay, không bị hoang mang.
Nghĩa là đứng trước lời nói xấu của người khác, chúng ta vẫn không hoang mang, lo lắng cho danh dự bị tổn thương và tìm cách cải chính. Khi bị người ta xúc phạm chửi mắng, chúng ta vẫn không dao động, không giận hờn, không buồn bã. Giữ được tâm vững vàng như vậy, phải có một sức mạnh nội tâm rất lớn.
Những người tâm còn ích kỷ không bao giờ là người nhẫn nhục được vì ích kỷ sẽ đưa đến chấp ngã nặng. Hễ chấp ngã nặng, khi bị xúc phạm, bị xâm phạm chúng ta sẽ rất khó chịu, không chịu đựng được sự xúc phạm.
Tâm tự ái cũng làm cho chúng ta không là người nhẫn nhục được. Vì tự ái là coi trọng thể diện. Người tu theo đạo Phật phải vô ngã mới nhẫn nhục được.
Tâm còn xao động cũng không thể là người nhẫn nhục được. Vì dễ xao động, khi người ta xúc phạm, chúng ta sẽ mất bình tĩnh và không còn nhẫn nhục. Muốn trị xao động, muốn nhẫn nhục được, chúng ta phải tu Thiền định.
Người hay giận hờn, thù hận cũng không chịu được xúc phạm nên không thể nhẫn nhục được.
Tóm lại, tâm còn ích kỷ, tự ái, xao động hay thù hận đều không thể chịu được sự xúc phạm của người khác nên không thể nhẫn nhục.
Chúng ta từng nghe câu chuyện về ngài Bạch Ẩn. Ông là tấm gương tiêu biểu về hạnh nhẫn nhục. Ngài Bạch Ẩn thuộc dòng Lâm tế, ở nước Nhật. Ngài khán công án. Một hôm, không hiểu vì lý do gì, ngài bị Thầy đánh một cái rơi từ trên thềm xuống. Vì chùa ở trên dốc núi nên Ngài bị rơi xuống rất sâu và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Ngài đã ngộ Đạo.
Ngài đến trình Thầy và được Thầy chấp nhận. Sau đó, Ngài về làng quê chăn bò thuê. Việc làm này không rõ nhằm mục đích gì, có thể là Ngài muốn rèn luyện hay hàm dưỡng điều gì đó. Khi sống ở làng, Ngài cũng ăn chay, tụng kinh lễ Phật, tỏ ra hiền lành nên mọi người gọi là ông sư, và ai cũng thương quý Ngài.
Ngài cất chòi ở và chăn bò thuê được một thời gian thì trong làng xảy ra chuyện. Một cô gái chưa chồng bỗng dưng bụng ngày một to. Khi cha mẹ tra hỏi, lúc đầu cô chối quanh co, sau đó cảm thấy không ổn nên cô đã đổ tội cho ông sư. Có lẽ cô cho rằng như vậy là đỡ rắc rối nhất. Cha mẹ cô nghe vậy, đến mắng chửi
Ngài thậm tệ. Ngài chỉ hỏi :“Vậy à” rồi im lặng. Từ đó, người làng coi Ngài không ra gì nữa. Giá trị quan trọng nhất của một người tu là phạm hạnh trong sạch. Ngài phạm tội nặng như vậy, còn gì giá trị nữa. Khi đứa bé được sinh ra, người ta mang đến giao cho Ngài nuôi. Ngài nhận em bé nhưng không biết nuôi như thế nào. Hằng ngày, Ngài phải ẵm em bé đi xin sữa hàng xóm.
Thời gian trôi qua chừng vài năm, cô gái cảm thấy ray rứt bèn thú thật, bố đứa bé không phải là vị sư tội nghiệp kia mà là anh chàng bán cá ngoài chợ. Biết sự thật, cha mẹ cô gái đến xin lỗi Ngài. Lúc này, Ngài cũng chỉ nói: “Vậy à”, rồi trả đứa bé lại cho mẹ nó, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Đó là một tấm gương nhẫn nhục tuyệt vời. Ngài đã chịu đựng sự vu khống, sự nhục nhã, mất thể diện, mất danh dự một cách bình an, không hề oán ghét giận hờn. Quả là một sự nhẫn nhục rất tiêu biểu, rất đúng nghĩa.
Trong bài Khiêm hạ, chúng ta đã bàn về vấn đề danh dự của người tu hành. Người tu không coi trọng danh dự, vì còn đặt vấn đề danh dự nghĩa là vẫn còn chấp ngã. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta sống bừa bãi, phóng túng.
Dù không coi trọng danh dự nhưng chúng ta vẫn sống rất đàng hoàng, nghiêm túc. Sống như vậy là chúng ta muốn giữ tín tâm cho mọi người đối với Phật pháp. Nhìn gương tu hành đứng đắn, nghiêm túc của chúng ta, người đời sẽ tin con đường Phật pháp là chân chính.
Mặt khác, lối sống nghiêm túc, có Đạo đức sẽ sớm đưa chúng ta đến sự giải thoát, giác ngộ. Chúng ta đừng nghĩ rằng, sống đàng hoàng, đứng đắn để được người đời ca ngợi, tôn trọng. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ tránh được sự nhầm lẫn, một lúc nào đó xem danh dự, thể diện là quan trọng.
Trở lại trường hợp Ngài Bạch Ẩn, chúng ta thấy Ngài tu rất đúng, không coi trọng danh dự, thể diện nên đã nhẫn nhục một cách phi thường. Trong khi đó, Ngài vẫn sống rất đàng hoàng, nghiêm túc. Đó là thái độ rất đúng của người tu theo đạo Phật.
Bởi vậy, trong cuộc sống, có lúc bị người ta chỉ trích, nói xấu, chúng ta cũng không phản ứng, không trả đũa, không cải chính, không biện minh, lòng không hề oán hận, tiếp tục sống cuộc đời rất đàng hoàng, Đạo đức tốt đẹp. Người sống như vậy người biết nhẫn nhục cao độ.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận