Ca sĩ Ngọc Quân và cơ duyên đến với dòng nhạc Phật giáo

Với niềm đam mê ca nhạc, lại có tâm Phật, anh đã đem đến người nghe những giai điệu tâm linh thật bình an, thư thái và an lạc.

Hoài Lương
13:53 22/06/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Anh chính là ca sĩ Nguyễn Ngọc Quân, đang sinh sống và làm việc tại một tỉnh thuộc khu vực miền Trung. Phóng viên đã có buổi trò chuyện với anh về niềm đam mê và cuộc sống tâm Phật của anh.

Xin chào anh! Anh vui lòng giới thiệu sơ lược đôi nét về bản thân?

Mình tên là Ngọc Quân- pháp danh Quang Huy. Mình tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế- ngành Công nghệ thông tin năm 2001 nhưng rồi với niềm đam mê ca hát từ nhỏ nên sau đó mình tiếp tục theo đuổi việc học nhạc chính thức tại Học Viện Âm Nhạc Huế- khoa Thanh nhạc.

Gia đình nhỏ của mình gồm có vợ và con gái 4 tuổi đang sống ở thành phố Đà Nẵng.

Ca-si-ngoc-quan-dam-me-voi-dong-nhac-phat-giao1
Ca sĩ Ngọc Quân với niềm đam mê và cuộc sống tâm Phật của anh

Như vậy cơ duyên nào đưa anh đến với Phật giáo?

Mình từ nhỏ sống trong đại gia đình đều theo đạo Phật, thờ Phật như một tín ngưỡng, mình đã quen thuộc với đạo Phật đến nỗi gần như không nghĩ ngợi nhiều về điều đó nữa. 

Nhưng nếu nói đến một sự lựa chọn có chủ đích, một sự xác tín với chính bản thân mình thì cơ duyên đã đưa mình đến với đạo Phật chính là sau khi Mẹ mình qua đời đúng vào ngày Lễ Vu lan vào năm DL 2010. 

Cơ duyên đó đã khiến mình sau đó đã lựa chọn đạo Phật như một con đường mình cần đi, một lối sống mình muốn theo đuổi.

Lý do gì đã khiến anh lại chọn niềm đam mê với dòng nhạc Phật giáo?

Đam mê của mình chính là ca hát và mình cũng cảm thấy mình có ít nhiều khả năng trong lĩnh vực này. 

Vậy từ đây mình sẽ phụng sự đạo Phật bằng chính niềm đam mê ca hát này của mình. Mình sẽ dùng tài năng của mình để ca ngợi đạo Phật, cố gắng dùng tài năng chính mình để lôi kéo sự chú ý của công chúng đến với các triết lý sâu xa của đạo Pháp một cách tự nhiên nhẹ nhàng thông qua âm nhạc. 

Sâu xa hơn, với hạnh nguyện của mình, mình còn nghĩ đến các dự án hoằng pháp bằng âm nhạc trong tương lai, ví dụ như nếu có điều kiện học tiếp Thạc sỹ thì đề tài mình hướng đến sẽ là nghiên cứu về Âm nhạc Phật giáo hoặc là các chương trình hoằng pháp bằng âm nhạc như của ni sư Choying Dolma- chỉ bằng việc hát các câu chú, với giọng hát trong trẻo và thánh thiện ni sư đã đi khắp thế giới lôi kéo sự chú ý của thế giới đến với âm nhạc Phật giáo hay là việc đĩa CD ghi âm tiếng tụng kinh của các nhà sư Tây Tạng đã thắng giải Grammy danh giá của Mỹ vào năm 2004.

Giờ đây, trong một bối cảnh xã hội có quá nhiều bất an với bệnh tật, tai ương thì ai ai cũng biết đã đến lúc phải tu rồi. Đạo Phật cũng đã được biết đến rộng rãi và cũng đã thấm sâu vào sinh hoạt của đại bộ phận cộng đồng dân tộc Việt rồi. 

Thế nhưng đâu đó vẫn còn một khoảng trống, một khoảng ngăn cách nào đó đã khiến cho việc tiếp cận với đạo Phật một cách tự nhiên gặp trục trặc, khó khăn, nhất là với giới trẻ- một lực lượng kế thừa lớn lao của xã hội. Điều này mình cũng suy ngẫm và chiêm nghiệm ra từ chính những trải nghiệm của mình trước đây. Chính vì điều đó mình nghĩ đến âm nhạc, âm nhạc chính là một cầu nối, một sự thu hút thuyết phục nhất, một phương tiện giúp xóa nhòa các khoảng cách một cách tài tình nhất. 

Kỷ niệm khi hát nhạc Phật giáo làm anh nhớ nhất là gì?

Nói về kỳ niệm đáng nhớ nhất thì phải nói về Chương trình ca nhạc từ thiện nhân Đại Lễ Vu lan năm 2010 của Chùa bát Nhã Đà Nẵng Tổ chức, Chương trình này tổ chức 3 đêm liên tiếp và mỗi đêm có 1 chủ đề riêng và đối tượng làm từ thiện riêng. 

Đêm thứ 2 với chủ đề “Vu lan về, Mẹ ở đâu?” nhắm vào đối tượng là trẻ em lang thang cơ nhỡ và nạn nhân chất độc Da Cam. Mình đã khóc nghẹn ngào khi hát bài hát “Vì sao em Chết”. 

Bởi vì ca từ bài hát đó quá hay và đặc biệt khi nhìn xuống phía dưới hàng ghế khán giả thì thấy các em của trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc Da cam hồn nhiên và vui tươi càng làm mình xúc động. 

Những tưởng chừng không thể  hoàn thành phần biểu diễn đó, nhưng may sao mình đã kìm được để hát như ngày mai không được hát vậy. 

Được biết cả 2 vợ chồng anh đều ăn chay, anh đã làm sao mà cả hai vợ chồng đều ăn chay?

Vợ mình là giáo viên dạy Yoga, cô ấy là một Phật tử thuần thành nữa. Cô ấy là người ăn chay trước cả mình theo phương pháp ăn chay của Yoga nghĩa là không ăn cả nấm. 

Ca-si-ngoc-quan-dam-me-voi-dong-nhac-phat-giao2
Trong cuộc sống anh luôn được vợ con ủng hộ và hỗ trợ

Trước đây ở trong nhà mình vợ mình chỉ chịu nấu chay thôi, ra ngoài hoặc tiếp khách thì có thể tự do đụng gì ăn nấy để không bị động. 

Nhưng rồi gần đây tự nhiên mình nghĩ về việc mình đã có đủ hiểu biết về chuyện ăn uống và sinh mạng nữa mà vẫn còn tiếp tục cho phép thoải mái việc ăn uống bên ngoài nữa thì không được nên tụi mình thống nhất ăn chay trường luôn. 

Vì hiểu bản chất của việc này nên việc ăn chay chẳng có gì khó khăn cả. 

Vợ anh có chia sẻ những khó khăn hay các hoạt động tâm đạo nào với anh không?

Gia đình bên vợ của mình đều là phật tử thuần thành cả. Ông bà nội, bác bên vợ của mình là cư sĩ tại gia rất được yêu quý ở Đà Nẵng nên thật sự nhân duyên đến với Phật giáo phần nhiều cũng là từ sự hiện diện của vợ mình bên cạnh mình đấy chứ. 

Cô ấy là người ăn chay nên cũng chính là người đồng thuận với mình chuyện ăn chay chẳng chút khó khăn gì. 

Vợ mình cũng yêu nhạc không kém gì mình nên mỗi khi mình đi biểu diễn cho các chùa hay đi làm thiện nguyện ở chùa cô ấy đều động viên khuyến khích và lo liệu mọi thứ cho mình được làm điều mình muốn. Gần đây khi con gái đã lớn cô ấy còn chịu hát song ca với mình trong các chương trình cúng dường phật sự nữa. Đó là một sự hỗ trợ rất lớn từ phía gia đình.

Không những vậy, khi mình than thở về việc nhạc sỹ bị thiếu chất liệu, thiếu lời để viết ca khúc Phật giáo thì cô ấy liền gửi luôn mấy bài thơ rất hay về Phật giáo cho nhạc sỹ phổ thơ luôn (cười).

Ca khúc Lời kinh trên đá, Ối à viết về Bát nhã Tâm kinh, Giác ngộ, Xoay, Thiền Trăng… đều là các ca khúc phổ thơ của vợ mình (cười).CD Kinh chiều mình đã thực hiện vào cuối năm 2013 vừa rồi có công lớn từ sự khuyến khích và quyết liệt của cô ấy mới được phát hành dẫu chỉ là phát hành nội bộ do kinh phí còn hạn hẹp.

Nếu anh hỏi có sự tương trợ gì từ phía vợ không thì mình thành thật mà trả lời rằng mình đang vô cùng thuận lợi (cười).

Mỗi lần đi biểu diễn xa hay làm gì, việc ăn chay đó có khiến anh gặp khó khăn gì hay không?

Trước đây mình cứ lần lữa việc ăn chay cũng chính là vì sợ gặp rắc rối mỗi khi đi diễn hay đi làm việc bên ngoài nhưng giờ ăn chay rồi thì thấy chẳng khó khăn gì hết. 

Mà cũng thật hay là từ khi ăn chay mình gặp được nhiều người ăn chay trường lắm, đi đâu đến đâu cũng gặp người giống mình nên thế nào cũng… có đồ ăn à (cười!). 

Ca-si-ngoc-quan-dam-me-voi-dong-nhac-phat-giao3
Anh cho biết khi nói mình ăn chay ai cũng tỏ ra rất tôn trọng và không bao giờ bị ép cụng ly

Hay nữa là khi mình nói mình ăn chay ai cũng tỏ ra rất tôn trọng và không bao giờ bị ép cụng ly hết chứ nếu là trước đây, việc từ chối uống bia rượu trong các cuộc gặp gỡ là một việc hết sức phiền toái đối với mình.

Lời cuối cùng của bài viết anh có nhắn gửi gì đến các bạn trẻ hiện nay?

Mình sinh năm 1979, đến tuổi này nói trẻ thì chẳng trẻ lắm nhưng mình thì chưa chịu nhận mình già đâu (cười!) nên mình cũng hiểu lắm tuổi trẻ. Chỉ cần nhớ lại những gì mình đã trải qua là mình đã ở đó với những cảm xúc, sự nông nổi, những dồn nén bên trong, cảm giác đơn độc, cảm giác bơ vơ đôi khi không biết nên làm gì nên chọn gì. 

Nếu bảo mình nhắn gửi điều gì đó, có lẽ mình sẽ nhắn rằng các bạn hãy cứ hồn nhiên, cứ sống đúng lứa tuổi của mình và trong khi đó cũng hãy chuẩn bị cho mình một thiên hướng hay một con đường tâm linh đúng đắn, cái mà rồi thì rốt cuộc bạn sẽ biết bạn cần nó đến mức nào.

Xin cảm ơn anh!

Hoài Lương (thực hiện) 

Nghệ sĩ kể: MC Đại Nghĩa trải lòng về hành trình 10 năm ăn chay trường

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận