Lời Phật dạy: Những hành động làm tổn hại phúc báo, gây nghèo khó suốt 3 đời
Phúc báo của một người là do tu tập hành thiện bố thí mà có được. Lắng nghe lời Phật dạy, con người nên tránh xa những hành động gây tổn hại phúc báo dưới đây.
Chúng ta thường nghe nhắc đến phúc báo nhưng không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa của từ này. Phúc báo của một người chính là quả báo tốt đẹp đến với người đó có nguyên nhân xuất phát từ một hành vi lương thiện trong quá khứ. Hiểu đơn giản, nghĩa là hôm nay bạn làm việc tốt, trong tương lai một điều tốt đẹp cũng sẽ đến với bạn.
Phúc báo của một người là do tu tập hành thiện bố thí mà có được. Chúng ta nếu biết học từ, bi, hi, xả một cách chân chính tức cũng có thể làm bố thí một cách chân chính, từ đó mới có được phúc báo.
Nếu con người không tu tâm dưỡng tính thì dù có được chút lợi ích nhất thời những vẫn không thể mang đến sự an vui đích thực. Phúc báo có được từ sự tu tập chân chính, tự nhiên mà đến, không gây chút áp lực hay phiền não nào. Phúc báo đến tự nhiên mới là bền vững.
Lời Phật dạy, con người nên tu dưỡng bản thân, làm việc tốt, tránh xa những hành động gây tổn hại phúc báo dưới đây:
Bất hiếu với cha mẹ
Bất hiếu với đấng sinh thành là tội nặng nhất của đời người. Con người dù sinh ra trong cảnh bần cùng hay gia đình giàu có, nếu có tấm lòng tôn kính và hiếu nghĩa với cha mẹ, người lớn tuổi thì như là tích phúc báo cho mình.
Người tích phúc sẽ không dễ mất phúc, đối xử tử tế với người khác chính là đối xử tốt với chính mình. Hiếu thảo với cha mẹ là cách cải thiện số mệnh tốt nhất. Không hiếu thảo với cha mẹ là hành động gây tổn hại phúc báo của bản thân. Xung đột với cha mẹ, bất kính người lớn là nguyên nhân gây tổn phúc tiêu lộc.
Người bất hiếu sẽ bị tiêu giảm phúc phần của mình, sự nghiệp không tốt, gia đình không hòa thuận, làm việc gặp nhiều khó khăn phiền toái.
Sát sinh
Xuất phát từ quan niệm con vật sinh ra là để phục vụ nhu cầu ăn uống cho con người, nhiều người xem việc sát sinh, cướp đi mạng sống của loài vật là chuyện bình thường.
Giáo lý nhà Phật chỉ ra rằng, sinh mạng của chúng sinh dù là người hay vật thì đều bình đẳng. Loài vật cũng có cảm giác sợ hãi, đau đớn, sân hận khi bị cướp đoạt mạng sống. Do đó, sát sinh là tàn nhẫn, không phải hành động bình thường của người lương thiện.
Dù chúng ta thường xuyên hay chỉ thỉnh thoảng sát sinh cũng đều tạo ác nghiệp. Người sát sinh cơ thể thường ốm yếu nhiều bệnh, tuổi thọ ngắn, cuộc sống bần cùng, tướng mạo xấu xí, oán khí rất nặng.
Đức Phật đưa tội sát sinh vào giới cấm thứ nhất trong ngũ giới. Trong các tội nghiệt, sát sinh là hành động gây tổn hại phúc báo lớn nhất.
Phá thai
Trong quan điểm của đạo Phật có thuyết luân hồi, nghĩa là khi một người mất đi, thần thức của họ vẫn sống. Thần thức không tồn tại dưới dạng vật chất nên người bình thường không thể nhìn thấy được. Thần thức của người đó sẽ tồn tại 49 ngày rồi tự mất đi. Tùy theo nghiệp của người chết sẽ được đầu thai theo 6 nẻo luân hồi. Đó là cõi Trời, cõi Người, cõi Atula, cõi Địa ngục, cõi Ngã Quỷ, cõi Súc sinh.
Khi đó, nếu được đầu thai làm người thì phải có ba yếu tố. Thứ nhất là tình cha, hai là thuyết mẹ, ba là hơi ấm (tức thần thức). Khi cái thai đó bị người mẹ bỏ đi, thần thức sẽ bị tổn thương, chịu nghiệp bất thiện. Bởi người mẹ đó đã tước mất những cơ hội mà cuộc sống trần thế có thể mang đến cho nó để tìm kiếm nghiệp thiện. Như vậy, cơ hội để linh hồn đứa trẻ đó đầu thai thành kiếp người ở kiếp sau rất khó.
Nhà Phật chỉ ra rằng, thai nhi được 7 tuần tuổi được coi là một mạng sống hoàn chỉnh. Trong vòng bảy tuần, nếu người mẹ nào phá bỏ đã mang tội rồi, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Còn nếu quá bảy tuần mà cố ý nạo phá thai thì đồng nghĩa với việc họ đã mắc tội sát sinh và phải gánh họa theo luật Nhân quả.
Phá thai cũng là giết chết một sinh mệnh trước khi nó được sinh ra, trên thực tế đây cũng là một loại sát sinh, là hành động gây tổn hại phúc báo của con người.
Người phụ nữ phá thai nhiều lần thường phát hiện cơ thể mình bị tổn hại nghiêm trọng, sức khoẻ giảm sút, công việc không được suôn sẻ, thậm chí công việc của chồng cũng bị ảnh hưởng, gia đình không hòa thuận, liên tục gặp những chuyện xấu.
Tà dâm
Tà dâm là chỉ quan hệ bất chính giữa nam và nữ, thủ dâm, ý dâm, xem các loại phim sách có nội dung khiêu dâm các loại… Người phạm vào tội tà dâm sẽ bị tiêu giảm phúc khí, tuổi thọ của mình một cách nghiêm trọng.
Người có lòng tà dâm thường sẽ bị tổn hại sức khỏe, hao tổn trí lực, sự nghiệp không thuận lợi, hao tổn tiền tài, gia cảnh suy sụp, thậm chí có thể nhiễm nhiều bệnh tật nguy hiểm, sống cuộc đời nghèo khó.
Không tôn kính Thần Phật
Con người muốn đạt tâm hạnh tốt đẹp để chính cuộc đời mình được an lạc. Điều đó không thể đạt được nếu thiếu tâm hạnh ban đầu là tôn kính Thần Phật.
Tôn kính Thần Phật là công đức căn bản sinh ra mọi công đức khác, là tâm hạnh căn bản sinh ra mọi tâm hạnh khác.
Hiểu và Tôn kính Phật là đạo đức căn bản của mọi đạo đức khác. Tuy nhiên hầu như chúng ta bỏ quên, xem thường, và không thấy hết tầm quan trọng của tâm hạnh vô cùng đặc biệt này. Mỗi ngày chúng ta vẫn lễ Phật, không ít thì nhiều, nhưng sẽ lễ với tâm hời hợt dần theo ngày tháng. Vì vậy chúng ta không đạt được những công đức vi diệu từ việc lễ lạy đó.
Những người không có sự tôn kính đối với Thần Phật, hay nói lời phỉ báng chỉ khiến chuốc họa vào thân, cuộc sống vì thế nhiều trắc trở.
Trời đất vạn vật đều là do Sáng Thế Chủ khai sáng, nếu con người đối với Thần Phật không có tâm kính ngưỡng, tôn trọng, thậm chí là tự cao tự đại, vô pháp vô thiên, phúc thọ sẽ bị tiêu giảm.
Kiếm tiền bất chính
Khổng Tử dạy rằng: “Người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý”. Người có tiền thì phải có tâm, nếu không thì có tiền rồi cũng gặp họa không giữ được một đồng.
Con người nếu dùng cách bất nhân, bất nghĩa, hại người để có được nhiều tiền, có thể đạt lợi ích nhất thời nhưng cuối cùng sẽ nhận tai họa. Không chỉ bị phá tán tiền tài, mà còn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Sống vô ơn bội nghĩa
Cổ nhân có câu: “Người đang làm, trời đang nhìn”, tuy là những việc con người cho là đơn giản nhưng nếu không phù hợp với đạo lý đất trời thì cũng sẽ nhận lấy quả báo.
Người có tâm tính tốt, có trái tim thiện lương là cách tạo phúc báo cho bản thân. Người luôn ghi nhớ mang ơn người khác, thì phúc phần cũng sẽ được tăng trưởng thêm. Ngược lại, người quên ơn bội nghĩa, thì sẽ bị tiêu giảm phúc phần.
Trong cuộc sống, hãy luôn ghi nhớ ơn nghĩa, sự giúp đỡ của người khác đối với mình. Người biết báo ơn người sẽ càng gặp được nhiều người giúp đỡ. Nếu quên ơn bội nghĩa, trời đất ma quỷ đều khinh bỉ, không ai muốn giúp đỡ, bởi vì người quên ơn đã khiến cho bản thân mình sống trái ngược với đạo lý trời đất, cách xa nhân nghĩa.
Bực tức nóng giận
Khổng giáo cho rằng: “Nhẫn nhất thời chi khí, miễn bá nhật chi ưu”, nghĩa là “Dằn cơn giận trong một lúc thì khỏi ưu phiền cả trăm ngày”.
Phật nói: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các người”. Giáo lý Đạo Phật với mục tiêu “diệt trừ phiền não và mọi khổ đau” nên Đức Phật đã lưu ý đến việc khuyên chúng sinh từ bỏ nóng giận, vì đó là nguyên do tạo ra phiền não.
Không giận hờn là giữ được bình tĩnh trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Giận hờn là tính xấu tai hại chẳng khác ngọn lửa tàn bạo, đốt cháy cả người giận lẫn những người chung quanh.
Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, là “Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra”.
Và tiếp theo còn nói “Nhất sân chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” là “Lửa giận hờn một khi đã phát ra, có thể đốt cháy và làm tiêu tan muôn mẫu núi rừng công đức”.
Bao nhiêu phiền não xảy đến đều do ta chẳng biết kiềm chế cơn giận mà ra. Đức Phật khuyên mỗi người nên lấy lòng từ bi và tính ôn hòa để thắng phẫn nộ. Đồng thời, chúng ta còn phải thận trọng lời nói, giữ gìn ngôn ngữ cho nhẹ nhàng, đúng đắn và không bao giờ nên thốt ra những lời nặng nề thô lỗ làm đau lòng người khác. Tức giận không chỉ hại mình, hại người mà còn làm tổn hại phúc báo.
Tiêu xài hoang phí
Có những người khi có nhiều tiền thì sử dụng một cách hoang phí vào các cuộc chơi vô bổ, các tệ nạn xã hội... hoặc do lòng tham muốn có được nhiều tiền nhưng không phải đổ mồ hôi qua một canh bạc. Đồng tiền khi đó chẳng khác gì con rắn độc quay lại cắn ta, biến ta thành kẻ trắng tay.
Tiết kiệm cũng là một loại đức phúc, không lãng phí chính là tích đức cho bản thân. Cổ nhân có câu: “Tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức”.
Người tiêu xài hoang phí là tự làm tổn hại phúc báo của bản thân. Do đó, chúng ta phải siêng năng làm lụng và tiết kiệm, sử dụng khéo léo, khôn ngoan đồng tiền để nó trở thành công cụ tiếp tục kiếm ra tiền mà không mắc sai lầm tiền bạc khiến bản thân nghèo khó.
Xem thêm: Đừng nghĩ "khẩu xà tâm Phật" là người tốt, gieo khẩu nghiệp ắt gặt quả báo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận