Đừng nghĩ "khẩu xà tâm Phật" là người tốt, gieo khẩu nghiệp ắt gặt quả báo
Nếu bạn thật sự là người có tâm tính tốt thì cũng nên thể hiện ra bằng lời nói tốt đẹp, đó chính là cách tu khẩu để tránh được quả báo xấu. Miệng luôn nói lời ác độc đối với người khác, thì chẳng ai có thể tin vào tâm Phật của bạn đâu.
Chúng ta gieo khẩu nghiệp nhưng không hề hay biết
Cụm từ khẩu nghiệp ngày càng phổ biến dù ở chốn văn phòng, mạng xã hội hay trong đời sống hằng ngày. Người ta nhắc đến "khẩu nghiệp" có thể là mang tính chất vui đùa, cũng có khi là lời trách móc.
Khẩu nghiệp có nguồn gốc từ Phật giáo, tồn tại hàng nghìn năm qua. Theo quan điểm của nhà Phật, khẩu nghiệp là nghiệp do miệng gây nên, khi bất cứ những gì ta nói ra đều có tác động lợi hoặc hại, tốt hoặc xấu, xảy ra ngay tức thì hoặc để lại hậu quả sau này.
Lời nói từ miệng không thể có khả năng tấn công hay gây tổn thương về thân thể, tuy nhiên, theo đạo Phật, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất.
Dù lời nói từ miệng chỉ thoảng qua như làn gió bay đi ngay nhưng với người nghe, có thể khắc sâu, cảm nhận buồn hay vui, đều sẽ nhớ mãi.
Chắc hẳn trong cuộc sống chúng ta từng có trải nghiệm, lời nói vô tình có thể khiến người nói ra day dứt, cũng có thể khiến người nghe đau khổ cả cuộc đời. Lời nói ác ý có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến sự đổ vỡ, dẫn đến sự đau khổ tột cùng, dẫn tới mọi sự phiền não…
Giáo lý nhà Phật chỉ ra 10 nghiệp lớn của con người, trong đó có 4 nghiệp từ miệng gây ra đó là nói dối; nói lời hung ác; nói lưỡi đôi chiều và nói lời thêu dệt. Không khó để nhận thấy, đây là 4 lỗi khá dễ gặp trong những cuộc sống đời thường của mỗi người.
Loại khẩu nghiệp phổ biến trong môi trường công sở, khi có va chạm về quyền lợi trách nhiệm, người ta thường "có nói không", "không nói có" với mục đích đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, bao biện cho sai lầm của bản thân.
Trong đời sống, lời thêu dệt, lời hung ác có mặt ở khắp các câu chuyện. Chúng ta có thể là thủ phạm hoặc trở thành nạn nhân mà chính bản thân còn không biết.
Bạn hãy suy nghĩ xem, đã bao giờ trong câu chuyện bàn về người khác nhưng bạn lại thêm bớt vài tình tiết, phóng đại cho câu chuyện thêm hấp dẫn chưa? Có thể bạn nghĩ đơn giản là thêm chút tình tiết cho vui nhưng điều đó lại có thể làm mọi chuyện đi xa hơn, khiến người nghe hiểu nhầm về người khác.
Rất nhiều câu nói trong mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, giữa người thân trong gia đình, giữa con người trong các bối cảnh xã hội, chúng ta chỉ nói với mục đích giải tỏa bức xúc. Tuy nhiên, lời nói những lúc cáu giận, sân hận, dễ là những lời nói hung ác khiến người khác buồn lòng và bị tổn thương.
Với sự phát triển của công nghệ, của mạng xã hội, thì đây cũng là nơi tồn tại khẩu nghiệp. Không chỉ dừng lại ở lời nói trực tiếp như trước đây, những chia sẻ, bình luận bạn viết trên mạng xã hội, cũng có thể tạo khẩu nghiệp. Sử dụng những lời độc ác, bịa chuyện, thô tục, xúc phạm đến người khác cũng có thể được xem là một dạng khẩu nghiệp. Chỉ cần bạn nhấn chuột tán thành, ủng hộ những lời ác ngữ đều nguy hiểm cả, vì nhiều lần làm như vậy, không ai kiểm soát, không ai khuyên nhủ nên lâu ngày sẽ trở thành một thói quen.
Tâm Phật hướng thiện, khẩu nghiệp chút không sao?
Chúng ta thấy những vết thương trên thân thể qua thời gian rồi cũng lành lại hơn là tổn thương do lời nói gây ra. Lời nói ác ý gây hậu quả thậm chí còn nặng nề hơn rất nhiều so với vết thương trên cơ thể. Lời nói không suy nghĩ gieo khẩu nghiệp, khiến chính người nói ra phải chịu hậu quả, không những thế còn khiến những người liên quan bị ảnh hưởng.
Nhiều người nghĩ đơn giản rằng, khẩu nghiệp là cách giải trí sau những giây phút làm việc căng thẳng. Họ luôn miệng buông những lời nói ác nghiệt rồi lại ngụy biện rằng "khẩu xà, tâm Phật" tức tuy nói khó nghe vậy thôi nhưng tâm họ không hề có ác ý hại ai. Tuy nhiên, nếu tâm họ thực sự tốt thì sẽ tự biết suy nghĩ kỹ càng về lời ăn tiếng nói của bản thân. Chính những lời nói bông đùa đi quá giới hạn hay những lời ác ý đã gây ra những vụ việc vô cùng thương tâm.
Lời khẩu nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng như nào thì chúng ta cũng đã ít nhiều chứng kiến trong cuộc sống. Còn người nói ra bị ảnh hưởng như nào mà Phật giáo lại nhấn mạnh đó là nghiệp báo lớn nhất?
Luật Nhân quả xuyên suốt giáo lý nhà Phật, con người đều phải chịu hậu quả cho những suy nghĩ, lời nói, hành động của mình. Một khi chúng ta đã gieo nhân thì ắt phải gặt quả, đã có nghiệp ắt phải trả. Quả từ khẩu nghiệp đưa đến thường đến rất nhanh và sẽ chi phối đối với đời sống của tự thân người đó. Do đó, người buông lời khẩu nghiệp cũng sẽ chịu hậu quả chứ không thể vô can, không phải chẳng sao cả như cách họ tự an ủi bản thân tuy khẩu xà nhưng tâm Phật.
Có những người nói mà không suy nghĩ chỉ cho sướng miệng, buông lời ác độc, lời cay cú chửi bới, nhục mạ người khác, gây bạo lực tinh thần. Điều đó thể hiện lối sống kém đạo đức, thiếu văn minh trong lời nói, phản ánh nhân cách con người thiếu sót. Trong giao tiếp, hậu quả dẫn đến uy tín cá nhân bị hạ thấp. Những người như vậy, lâu dầu sẽ chẳng ai muốn kết giao, bởi chẳng ai muốn gần một người tỏa ra năng lượng xấu bởi những lời cay nghiệt.
Khi nói lời dối trá, dù chỉ để vui đùa hay mục đích trục lợi thì khi bị phát hiện chân tướng cũng khiến bạn bị người xung quanh xa lánh, không còn tin tưởng vào bạn nữa. Lời nói dối có là tâm ý hay là ác ý thì đều là nghiệp xấu, làm tổn hại danh dự của chính bản thân bạn.
Trong mối quan hệ giao tiếp, nếu nói lời khiêu khích châm chọc, khiến người khác dễ nảy sinh sự đố kỵ, tạo ra xích mích không đáng có. Nói lời khích bác có thể bị trả thù hoặc bị ghét bỏ, lâu dần mất hết những mối quan hệ tốt.
Người hay khẩu nghiệp khó thể nào được người khác quý mến, thậm chí bị đánh giá là ứng xử thiếu văn hóa. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình khẩu nghiệp chỉ để cho vui, lời nói khó chịu vậy thôi chứ bạn là người tử tế. Trong xã hội hiện đại, không phải ai cũng có đủ kiên trì để tìm hiểu về tâm tính của bạn, khi mà tiếp xúc đã thấy những lời ác khẩu từ bạn.
Nếu bạn thật sự là người có tâm tính tốt thì cũng nên thể hiện ra bằng lời nói tốt đẹp, đó chính là cách tu khẩu để tránh được quả báo xấu. Miệng luôn nói lời ác độc đối với người khác, thì chẳng ai có thể tin vào tâm Phật của bạn đâu.
Xem thêm: Dù Đức Phật dạy nhiều điều nhưng chỉ cần nhớ 3 nguyên tắc vàng nếu muốn cả đời an lạc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận