Nguồn gốc của Kinh Pháp Hoa và ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa

Kinh Pháp Hoa được Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng trên đỉnh núi Linh Thứu trước khi ngài nhập Bát Niết Bàn. Dưới đây là nguồn gốc và ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa, quý Phật tử có thể tham khảo.

Loan Nguyễn
15:42 24/06/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguồn gốc của Kinh Pháp Hoa

Kinh Pháp Hoa có tên đầy đủ là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Đây là một trong những bộ Kinh Đại thừa quan trọng nhất, được lưu truyền rộng rãi ở các nước Á Đông như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Theo tài liệu ghi chép lại, Kinh Pháp Hoa được Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng trên đỉnh núi Linh Thứu trước khi ngài nhập Bát Niết Bàn, tức vào chặng đường cuối của sự nghiệp hoằng hóa chúng sinh (ngũ thời giáo): Hoa Nghiêm, A-hàm, Phương Quảng, Bát Nhã và Pháp Hoa - Niết Bàn (theo quan niệm của Thiên Thai Tông).

Kinh này trình bày nhiều quan điểm chủ yếu của Phật giáo Bắc Tông và có ảnh hưởng lớn đến nhiều tông phái khác nhau của Đại thừa như Thiên Thai tông (lấy kinh này làm kinh căn bản), Thiền tông, Phật giáo Nichiren (với chủ trương niệm danh tự kinh: Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh)... 

Kinh Pháp Hoa được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau: tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Pháp... Thông thường các dịch bản dựa trên bộ kinh dịch từ tiếng Phạn của ngài Cưu-ma-la-thậpđã biến đổi chút nhiều (có thêm các phần kệ, vài phẩm...), bản tiếng Việt lưu hành phổ biến nhất có lẽ là bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

Nội dung của Kinh Pháp Hoa

Ông Tỳ kheo Liên Thành Ân từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật, quỳ gối, trịch vai áo bên phải, thưa hỏi như sau:

- Kính bạch Đức Thế Tôn: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là kinh Đức Thế Tôn dạy sau cùng để chỉ “Tri Kiến Phật” của mỗi người, nhưng vì Đức Thế Tôn dạy ẩn ý nên chúng con không lãnh hội được. Vậy, kính xin Đức Thế Tôn dạy rõ từng phẩm một cho chúng con hiểu, kính xin Đức Thế Tôn dạy chúng con?

Đức Phật dạy ông Tỳ kheo Liên Thành Ân:

- Này Tỳ kheo Liên Thành Ân. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này có 28 phẩm, mỗi phẩm có ẩn ý riêng. Như Lai chỉ nói đại cương thôi. Sau này, ông có thắc mắc điều chi hãy hỏi ông Ma Ha Ca Diếp, ông ấy sẽ dạy cho.

Đức Phật dạy đại cương 28 phẩm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa:

Phẩm 1: Tựa: Đây là nguyên do Như Lai nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong hang núi Kỳ Xá Quật nơi thành Vương Xá.

Phẩm 2: Phương tiện: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này khó có người tu, nên Như Lai dùng phương tiện chỉ Phật tánh của mỗi người.

Phẩm 3: Thí dụ: Kinh Diệu Pháp Liên Như Lai dạy để đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên khó hiểu. Vì vậy Như Lai phải đưa ra nhiều thí dụ thì các ông mới hiểu, như:

- Các ông đang vui chơi trong nhà lửa.

- Dụ các ông ra ngoài nhà lửa để nhận 3 xe.

Phẩm 4: Tín giải: Các ông là người giàu sang, có rất nhiều của cải mà không dám nhận, mà lại đi làm người cùng tử xin ăn, cầu xin người khác, rồi tự nguyện xin làm tôi tớ cho họ.

Phẩm 5: Dược Thảo dụ: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là kinh như là “Thần dược” giúp cho con người hết 16 thứ bệnh của tánh Người.

Phẩm 6: Thọ ký: Ai nhận được Phật tánh của chính mình thỉ Như Lai thọ ký cho sau này sẽ được thành Phật.

Phẩm 7: Hóa thành dụ: Những sự dụng công tu hành của ông nếu có kết quả, là có kết quả của ảo bóng thôi.

Phẩm 8: Ngũ bá đệ tử thọ ký: Như Lai thọ ký cho những đệ tử có duyên lớn với pháp môn giải thoát, trong đó có 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu với Như Lai.

Phẩm 9: Thọ học, vô học nhơn ký: Như Lai thọ ký bất cứ người nào có học hay không học mà nhận ra Phật tánh của chính mình đều được thành Phật.

Phẩm 10: Pháp sư: Như Lai thọ ký cho những người, lúc nào cũng mong được thành Phật, dù người này chỉ cần một niệm nhỏ muốn thành, thì người này Như Lai cũng thọ ký cho họ. Người này khi còn ở nơi thế giới loài người là một Pháp sư dạy pháp môn Thanh tịnh thiền.

nguon-goc-cua-kinh-phap-hoa-va-y-nghia-cua-kinh-phap-hoa-2021-1

Phẩm 11: Hiện Bửu tháp: Bửu tháp mà từ dưới đất hiện lên là Bửu tháp thật, còn Bửu tháp mà từ hư không rớt xuống là Bửu tháp không thật. Người tu mà nhận được Phật tánh từ trong thân phát ra là thật,

Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa: Có 2 phần:

Một: Đề Bà Đạt Đa là vị Bồ tát thử thách Như Lai trong nhiều đời tu theo chánh pháp Thanh tịnh thiền. Đây là một vị Thiện tri thức đối với Như Lai.

Hai: Như Lai Huyền ký: Đến đời Mạt Thượng pháp ở tại “Đất Rồng” có người Nữ thành Phật.

Phẩm 13: Trì: 500 vị A La Hán quyết chí giữ gìn kinh Diệu Pháp Liên Hoa này. (Dịch đúng nghĩa là 500 vị Bồ Tát nguyện gìn giữ kinh Diệu Pháp Liên Hoa này).

Phẩm 14: An Lạc hạnh: Như Lai dạy, hiện tại và tương lai, ai gìn giữ kinh Diệu Pháp Liên Hoa này thì được 2 cái lợi:

Một: Thân tâm thường an lạc.

Hai: Hạnh của người tu giải thoát.

Phẩm 15: Tùng địa dũng xuất: Ở một nước có 2 nơi tự bùng lên pháp môn Thanh tịnh thiền này mà không có người truyền lại.

Phẩm 16: Như Lai thọ lượng: Như Lai dạy các ông: Số lượng người đời Thượng pháp, Trung pháp thì số người đạt được “Bí mật Thanh tịnh thiền” không có là bao nhiêu. Phải đến dời Mạt Thượng pháp trở đi, thì số người giác ngộ “Yếu chỉ thiền Thanh tịnh”, không tính hết được. Người đạt được “Bí mật Thanh tịnh thiền” rất nhiều. Còn người được “Rơi vào Phật giới” nhiều nhất từ khi Như Lai dạy pháp môn Thanh tịnh thiền này.

Phẩm 17: Phân biệt công đức: Ai giúp cho người khác giác ngộ “Yếu chỉ Thanh tịnh thiền”, được một phần công đức nhỏ. Ai giúp người khác đạt được “Bí mật Thanh tịnh thiền” thì được công đức lớn. Ai giúp cho người khác được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh” thì công đức vô lượng.

Phẩm 18: Tùy hỷ công đức: Phần công đức này, người vô tình làm ra, như: Thấy người khác phổ biến kinh Diệu Pháp Liên Hoa, là kinh giúp cho người khác giác ngộ giải thoát, mình vui lòng tham gia. Những người tùy hỷ làm theo này, tự nhiên nhận được công đức mà mình không hề biết.

Phẩm 19: Pháp sự công đức: Giải nói người khác biết thâm sâu của kinh Diệu Pháp Liên Hòa này, giúp cho nhiều người giác ngộ và giải thoát.

Phẩm 20: Thường Bất Khinh Bồ Tát: Đây là phẩm nói về Bồ tát Thường Bất Khinh, Bồ tát tu hạnh Thanh tịnh thiền. Lúc nào vị Bồ tát này gặp ai cũng nói câu: “Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài rồi đây sẽ được thành Phật”. Vị Bồ tát ấy là Như Lai đó. Người nghe mà cám ơn, còn chửi hay đánh Như Lai, Như Lai lúc nào cũng sống bằng tánh Phật thanh tịnh của chính mình.

Phẩm 21: Như Lai Thần lực: Vì muốn cho nhiều người tin là có Phật, nên Như Lai dùng Thần lực Thanh tịnh thiền để cho loài Người thấy được chư Phật ở Mười phương và vô số Bồ tát.

Phẩm 22: Chúc lụy: Lời di chúc của Như Lai: Duy nhất chỉ có kinh Diệu Pháp Liên Hoa này, mới đưa người thọ trì đúng, thì mới giải thoát được.

Phẩm 23: Dược Vương Bồ Tát bổn sự: Như Lai nói về Bồ tát Dược Vương truyền bá kinh Diệu Pháp Liên Hoa này, Ngài dùng mọi phương tiện để giúp cho nhiều người giải thoát.

Phẩm 24: Diệu Âm Bồ Tát: Như Lai thuật lại: Khi Như Lai còn là Bồ tát, Như Lai thường sử dụng Âm thanh của tiếng nói giúp cho nhiều người được giác ngộ và giải thoát.

Phẩm 25: Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ môn: Như Lai nói về thuật của Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài sử dụng Âm thanh Thanh tịnh để giúp cho ai nghe mà muốn giác ngộ giải thoát. Tất cả những người muốn giải thoát đều nghe được Âm thanh của Ngài.

Phẩm 26: Đà La Ni: Đây là phẩm mà Như Lai sử dụng chú Đà La Ni, để giúp cho nhiều người giác ngộ và giải thoát, tức vượt ra ngoài sức hút của vật lý Trần gian này.

Phẩm 27: Diệu Trang Nghiêm Vương bổn sự: Ở thế giới loài Người, làm vua là cao quí nhất, nhưng khi đạt được “Bí mật Thanh tịnh thiền”, thì chức Vương quyền kia coi như là bọt bóng vậy.

Phẩm 28: Phổ Hiền Bồ Tát khuyến phát: Bồ tát Phổ Hiền nguyện giúp những người các đời sau, ai trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa này đều được thành tựu cả.

nguon-goc-cua-kinh-phap-hoa-va-y-nghia-cua-kinh-phap-hoa-2021-2

Ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa

Tư tưởng Kinh Pháp Hoa rất đa dạng nhưng tựu chung có những tư tưởng cốt yếu như: khẳng định quan niệm Nhất thừa, Phật tính và Pháp thân sa thường hằng.

Nhất thừa 

Quan niệm này được trình bày, phân tích tổng quát ở phẩm Phương tiện và được triển khai qua các thí dụ ở phẩm Thí Dụ, phẩm Tín Giải, phẩm Dược Thảo Dụ, phẩm Hóa Thành Dụ. Giáo pháp của Phật chỉ ra khổ và con đường diệt khổ. Khi khổ đoạn tận thì giác ngộ.

Đức Phật bảo Xá-Lợi-Phất: "Các đức Phật Như-Lai chỉ giáo hóa Bồ-Tát, những điều làm ra thường vì một việc : chỉ đem tri kiến Phật chỉ cho chúng sinh tỏ ngộ thôi", Xá-Lợi-Phất! Đức Như-Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sinh nói pháp không có các thừa hoặc hai hoặc ba khác. Xá-Lợi-Phất! Pháp của tất cả các đức Phật ở mười phương cũng như thế.

(...)

Xá-Lợi-Phất! Trong cõi nước ở mười phương còn không có hai thừa hà huống có ba!

Phẩm 2. Phương Tiện, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Tuy nhiên, vì căn cơ của mỗi chúng sinh khác nhau nên khả năng tiếp thu kiến thức là khác nhau. Do đó, nếu dùng pháp quá cao siêu để thuyết cho người có căn cơ thấp thì họ sẽ nhanh nản chí trong khi nếu dùng pháp quá hiển nhiên để thuyết cho người hiền trí thì họ sẽ nhanh nhàm chán.

Xá-Lợi-Phất ! Nay ta cũng lại như thế, rõ biết các chúng sinh có những điều ưa muốn, thân tâm mê chấp, ta tùy theo bản tính kia dùng các món nhân duyên lời lẽ thí dụ cùng sức phương tiện mà vì đó nói pháp.

(...)

Xá-Lợi-Phất! Các đức Phật hiện ra trong đời ác năm trược, nghĩa là: Kiếp trược, phiền-não- trược, chúng-sinh-trược, kiến-trược, mệnh-trược. Như thế, Xá-Lợi-Phất, lúc kiếp loạn trược chúng sinh nhơ nặng, bủn xỉn, tham lam, ghét ganh, trọn nên các căn chẳng lành, cho nên các đức Phật dùng sức phương tiện, nơi một Phật thừa, phân biệt nói thành ba. Xá-Lợi-Phất! Nếu đệ tử ta tự cho mình là A-la-hán cùng Duyên-giác mà không nghe không biết việc của các đức Phật Như-Lai chỉ giáo hóa Bồ-Tát, người này chẳng phải là đệ tử Phật, chẳng phải A-la-hán, chẳng phải Duyên-giác.

Phẩm 2. Phương Tiện, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Cũng giống như các loài cây dù cùng được tưới bởi cùng một cơn mưa nhưng vẫn sinh trưởng, phát triển sai khác nhau (phẩm Dược Thảo Dụ). 

Phật cũng như là cha của chúng sinh, khi thấy các con mình đang chìm đắm trong ngôi nhà tam giới mà không biết lo sợ nên đành phải dùng phương tiện phân biệt từ một Phật thừa thành tam thừa để tiện bề giáo hóa chúng sinh nhưng sau khi trình độ của chúng sinh được nâng lên thì dùng mỗi Phật thừa nhằm đưa tất cả chứng Phật quả (Phẩm Thí dụ). 

Con đường tu thành Phật rất gian lao như con đường tìm kiếm châu báu: khi dắt các thợ mỏ qua nhiều nẻo đường gian lao, nhận thấy những người ấy dường như sức lực tàn tạ, ý chí lung lay nên vị thuật sĩ đã dùng pháp thuật tạo ra thành thành phố để người đi nghỉ chân (các quả vị A-la-hán, Duyên Giác) mà lấy sức tiếp tục hành trình ấy (phẩm Hóa Thành Dụ). 

Tuy nhiên, một số người đã tu theo pháp của Phật chứng được quả A-la-hán thì lại suy nghĩ rằng mình đã nhập Niết-bàn không cần tinh tấn nữa như những kẻ tìm kho báu ở Hóa Thành Dụ hay gã cùng tử sau nhiều ngày lang bạt, được phú ông thuê hốt phân thì lại tham thích việc này mà không có chí hướng vươn lên (phẩm Tín Giải). 

Do đó, Phật buộc phải thuyết kinh này nhằm đưa các hành giả thoát khỏi ý chí hạ liệt mà tiến tới Phật quả (mục đích cuối cùng của con đường giải thoát).

Phật tính 

Phật tính hay Như Lai Tạng là một trong những ý niệm quan trọng của Đại thừa. Mỗi chúng sinh đều có sẵn trong mình Phật tính tức khả năng giác ngộ thành Phật hay nói theo kinh Pháp Hoa là Tri kiến Phật. Tuy nhiên, do bị vô minh che đậy mà hầu hết chẳng ai có thể tự nhận biết về kho tàng ấy.

Chẳng hạn, Bảo châu trong áo (Phẩm Ngũ Bách Đệ Tử Thụ Ký) dù có ngọc quý trong túi áo nhưng người này vẫn không hề hay biết mà phải lặn lội, vất vả để kiếm sống. 

Do đó, nhân duyên Phật ra đời cũng vì muốn khai thị cho chúng sinh Tri kiến Phật ấy (phẩm Phương Tiện). 

Kinh đã trình bày ý niệm về Phật tính trong mỗi chúng sinh qua các lần thụ ký. Phật Thích Ca thụ ký cho các vị đã chứng quả A-la-hán như Xá Lợi Phất (phẩm Thí Dụ), Ma-ha Ca-diếp, Mục-kiền-liền, Tu-bồ-đề (phẩm Thụ Ký) và các vị khác (phẩm Ngũ Bách Đệ Tử Thụ Ký), những vị tỳ-kheo chưa chứng quả A-la-hán (bậc hữu học) như ngài A-nan-đà, La-hầu-la... 

Đi xa nữa là thụ ký cho các tỳ-kheo-ni (Phẩm Trì) như người dì Kiều-đàm-di, thê tử của ngài (trước khi xuất gia) là Du-già-đa-la... (khả năng giác ngộ không bị ngăn cản bởi giới tính) mà đặc sắc nhất là hình tượng Long Nữ (phẩm Đề-bà-đạt-đa): người này đã thành Phật trong một khoảnh thời gian ngắn hơn việc cúng dường Phật (sự giác ngộ vượt lên mọi ngăn cách giới tính - chống lại sự kỳ thị giới bấy giờ). Hay thậm chí, đỉnh điểm là ngài cũng thụ ký cho Đề-bà-đạt-đa một vị ác tỳ-kheo đang chịu thống khổ ở ngục A-tỳ do những lần hãm hại Phật xuất phát từ sự đố kỵ của bản thân. 

Ngoài ra, không những là những nhân vật có mặt tại thời điểm ấy mà Phật cũng thụ ký cho bất kỳ người nào (trong đời hiện tại, vị lai) thụ trì, giảng giải Kinh Pháp Hoa. Như vậy, tất cả chúng sinh đều được Phật thụ ký - thể hiện tinh thần cốt yếu của kinh Pháp Hoa: đưa mọi chúng sinh đến chỗ Tri kiến Phật.

Pháp thân thường hằng

Mỗi vị Phật toàn giác đều có ba thân: Pháp thân, Ứng thân và Báo thân. Trong đó, Pháp thân không chỉ có ở Phật mà tồn tại ở mọi chúng sinh.

Xem thêm: Nguồn gốc của Kinh Địa Tạng và lợi ích của Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận