Những ca khúc hào hùng làm sống lại khoảnh khắc Đại thắng mùa xuân 1975

Đại thắng mùa xuân 1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, mở ra một giai đoạn mới tương lai rạng rỡ của đất nước. Thời khắc lịch sử này cũng đã trở thành nguồn cảm hứng để các nhạc sĩ tạo ra những bài ca hào hùng để làm làm sống mãi thời khắc đất nước chính thức được "đoàn viên" này.

Thái An
08:45 30/04/2021 Thái An
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

5h30 sáng 30/4/1975, quân ta từ 4 hướng đồng loạt tổng tiến công vào Sài Gòn. Cả thành phố rung chuyển. Tất cả các cầu và đầu mối giao thông quan trọng trong thành phố Sài Gòn bấy giờ đã được các đơn vị đặc công đánh chiếm trước và khống chế. Địch chống cự phản kích yếu ớt, thậm chí có những căn cứ án binh bất động, như chờ quân Giải phóng tới tiếp quản. Các đơn vị xe tăng, thiết giáp và xe cơ giới quân ta ào ào tiến vào như vũ bão, đi tới đâu cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc tung bay tới đó.

Mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng qua cầu Thị Nghè, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe tăng ta húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập. Trung úy Bùi Quang Thận cùng một số chiến sỹ nhanh chóng lao lên ban công tầng thượng của tòa nhà giật bỏ lá cờ ngụy và kéo lá cờ giải phóng lên cột cờ cao nhất của Dinh Độc Lập vào lúc 11h30’ ngày 30/4/1975.

nhung-bai-hat-lam-song-lai-ngay-30-thang-4-nam-1975
Các chiến sĩ quân giải phóng giương cao ngọn cờ chiến thắng trưa ngày 30/4/1975.

13h30 cùng ngày, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện chấm dứt chế độ Việt Nam cộng hòa. Đây cũng là giờ phút báo hiệu khoảnh khắc cuối cùng về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ kéo dài 21 năm ở Việt Nam.

Kể từ đó, ngày 30/4/1975 - Đại thắng mùa xuân 1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam anh hùng, đồng thời, mở ra một giai đoạn mới tương lai rạng rỡ của đất nước. 

Dấu mốc lịch sử này cũng đã trở thành niềm cảm hứng sáng tạo lớn cho giới nghệ thuật và giúp cho các nhạc sĩ bấy giờ tạo nên nhiều ca khúc mãi mãi đi cùng năm tháng. Đây cũng là những khúc ca như làm sống lại những khoảng khắc huy hoàng của dân tộc trong không khí những ngày đầu được hưởng nền độc lập, tự do sau nhiều năm gian khổ kháng chiến.

Những bài hát tiêu biểu có thể kể đến về thời kỳ này bao gồm:

Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh - Xuân Hồng

Là một người tham gia cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với nhiệm vụ giao liên và sôi nổi trong các hoạt động văn nghệ ở chiến trường, nhạc sĩ Xuân Hồng đã tạo ra những ca khúc nổi tiếng với ca từ miêu tả sống động không khí sinh hoạt trên chiến trường và hậu phương của nhân dân Việt Nam từ thời chiến tới thời bình.

Lời bài hát “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” được hoàn thiện ngay trong khoảnh khắc tác giả hòa mình vào biển cờ hoa và niềm vui chiến thắng lịch sử của ngày 30/4/1975.

Ca từ bài hát đã lột tả chân thực cảm xúc của tác giả cũng như người dân thành phố mang tên Bác trong ngày hội toàn thắng. Thông qua "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh", người nghe hoàn toàn có thể cảm nhận được không khí vui mừng hân hoan trong ngày Đại thắng mùa xuân 1975.

Nhận xét về "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh", nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật - Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh cho biết: "Cái đẹp trong Mùa xuân trên TP Hồ Chí Minh là một cái đẹp long lanh cả nhạc và lời. Đây là một sáng tạo hết sức nghiêm túc, chân thật của tác giả mà hàng ngàn người hát cũng được, một người hát cũng được, hợp ca, song ca cũng được… Một sáng tác đi vào quần chúng để họ dễ dàng thuộc, dễ dàng hát là một nghệ thuật rất cao”.

Đất nước trọn niềm vui - Hoàng Hà

Cố nhạc sĩ Hoàng Hà là tác giả của nhiều bài ca viết trong thời gian kháng chiến của dân tộc, trong đó, "Đất nước trọn niềm vui" của ông là một trong số các ca khúc hay nhất viết về Đại thắng mùa xuân 1975.

Bài hát “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội, ngay khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn. Bài ca là những ca từ báo hiệu về một chiến thắng đang đến rất gần của quân đội nhân dân Việt Nam và ngày đất nước thống nhất luôn được mong chờ đang dần trở thành hiện thực.

Chia sẻ về tác phẩm của bản thân, nhạc sĩ Hoàng Hà cho biết, ngay trong đêm ông viết xong bài “Đất nước trọn niềm vui” ông đã cùng con trai lớn của mình là NSƯT Hoàng Lương hát say sưa suốt đêm. Nhạc sĩ kể, ông viết bài hát đó từ đêm 26/4 có nghĩa là chưa có rừng cờ chiến thắng, niềm vui “đi trong muôn ánh sao vàng cờ đỏ tung bay” là niềm vui trong tâm hồn, trong mơ ước khi nghĩ về ngày vui trọn vẹn.

Nhạc sĩ đã viết bằng dự cảm nhưng cũng bằng niềm tin tuyệt đối của mọi người dân Việt Nam sống trong thời kỳ lịch sử ấy.

Ngay sau ngày sáng tác, bài hát được giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam và người được giao trọng trách thể hiện ca khúc này là nghệ sĩ Trung Kiên. Và rồi những lời ca hào hùng, đầy cảm xúc như “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay” hay “Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương!"... đã trở thành hiện thực ghi vào lịch sử. Tên bài hát Đất nước trọn niềm vui về sau đã được chọn làm tên của một tuyển tập nhạc ấn hành năm 1975 và tái bản năm 1985 về đề tài sự kiện 30/4/1975.

Bài hát được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng 1/5/1975 cùng với ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Đối với Nhạc sĩ Hoàng Hà viết bài hát “Đất nước trọn niềm vui” chỉ trong một ngày, nhưng là kết quả đúc kết cả quá trình, một đời ông tham gia cách mạng và hoạt động âm nhạc.

Đặc biệt, cho tới thời điểm "Đất nước trọn niềm vui" được hoàn thiện, nhạc sĩ Hoàng Hà cũng chưa một lần được đặt chân tới Sài Gòn.

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng - Phạm Tuyên

"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" là tác phẩm được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác dưới yêu cầu của ông Trần Lâm - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam ngày đó - nhằm chuẩn bị chào mừng Đại thắng mùa xuân 1975.

Nguồn cảm hứng chính cho sáng tác này đến từ tin tức anh hùng Nguyễn Thành Trung thành công ném bom phá hủy sân bay Tân Sơn Nhất để ngăn chặn bước tiến của địch. "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" là những ca ghi lại cảm xúc hồi hộp, vui sướng của vị nhạc sĩ ngay trong khoảnh khắc được nghe tin mừng.

Bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" được hoàn thiện chỉ trong 2 giờ đồng hồ và chính thức thu thanh ngay trong ngày 30/4/1975. Chiều ngày 30/4 bài hát phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt lúc 17 giờ của Đài tiếng nói Việt Nam, chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có lần chia sẻ: “Nhiều người đã hỏi tôi vì sao ca khúc này lại có sức hút đến vậy. Ca khúc này được tôi viết vào đúng ngày 30/4/1975, ngày giải phóng đất nước, nhân dân cả nước vỡ oà trong hạnh phúc vì bao nhiêu hy sinh, mất mát, đấu tranh kiên cường trong suốt 30 năm để thắng lợi. Có lẽ, ca khúc này có sức sống lâu bền trong tâm hồn người Việt vì nó thể hiện được niềm vui sướng, hân hoan vỡ oà của nhân dân trước những chiến thắng mà phải rất khó khăn, gian khổ, kiên cường mới thực hiện được”.

“Tôi còn nhớ, trong một sự kiện văn hoá mà tôi được tham gia tại Nhật Bản vào năm 1979, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi người Nhật lại hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” ở sự kiện này. Tôi hỏi họ tại sao các ông lại hát ca khúc này, họ trả lời rằng, dù ca khúc này có hoàn cảnh sáng tác cụ thể nhưng họ vẫn thích hát vì nó thể hiện tinh thần, ý chí của người Việt Nam. Tôi rất cảm động khi nghe vậy. Với người nhạc sĩ, ca khúc được sống mãi trong lòng công chúng, được mọi người yêu mến… đã là hạnh phúc không gì đong đếm được”, nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự.

Xem thêm: Người lính 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ chia sẻ bí quyết sống trường thọ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận