Thành ngữ dân gian “Ăn hại đái nát” bắt nguồn từ đâu?

Câu nói “ăn hại đái nát” dùng để chỉ người vô tích sự, chẳng được việc gì. Ăn hại thì ai cũng biết, nhưng ít ai biết “đái nát” liên quan đến việc đi đòi nợ.

Hoa Nguyễn
07:00 29/05/2022 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mắng người vô tích sự

Trong từ điển Bách khoa Tri thức, “ăn hại đái nát” chỉ một người vô tích sự, chỉ biết ăn không biết làm, không những vậy còn gây ra nhiều điều tệ hại cho người khác. Còn trong cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì định nghĩa “đã không làm gì có ích mà lại còn làm hại đến lợi ích của người khác”. 

PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho biết, khi chê trách, mắng mỏ một người mà được đánh giá là một kẻ vô dụng, đã chẳng làm được một việc gì có ích mà còn lại làm phương hại đến lợi ích của người khác, người ta hay dùng thành ngữ "ăn hại đái nát" để ám chỉ. 

thanh-ngu-dan-gian-an-hai-dai-nat-bat-nguon-tu-dau-5

Những người bị mắng là “ăn hại đái nát” bản thân họ cũng sẽ cảm thấy xấu hổ vì sự kém cỏi của mình, không những không giúp ích được cho mình mà còn liên lụy đến người khác. Ở đây dùng phép so sánh giữa hai quá trình đối ngược nhau là “ăn” - “đái”. Và hệ quả hiển nhiên của quá trình “ăn hại” đó sẽ là “đái nát”. Có ý kiến cho rằng “đái nát” nghĩa là đái nát nhà, nát cây cối,... Những người này ngoài việc “ăn” và “đái” thì chẳng làm được việc gì hay một cách so sánh khác họ không khác gì các loài động vật bậc thấp.

Chiêu đòi nợ độc đáo

Qua nghiên cứu nhiều tài liệu, PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian cho đến tận ngày nay. Đó là nhiều con nợ vay tiền nhưng mãi không chịu trả, chây ì, khất lần khất lượt, chủ nợ đòi cũng không được. Có người do hoàn cảnh túng thiếu, mùa vụ thất thu nên chưa trả được nhưng cũng có người do tính cách muốn vay mà không muốn trả. Tuy nhiên, lẽ đời có vay thì phải có trả, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, không ai cho không ai cái gì.

thanh-ngu-dan-gian-an-hai-dai-nat-bat-nguon-tu-dau-1

Có chủ nợ khi đòi không được thì cho người đi bắt nợ, xiết nợ để thu lại những gì mình cho vay, cho mượn. Cảnh bắt nợ có từ thời ngày xưa xảy ra ở nhiều nơi rất thương cảm. Ngoài ra thời trước chủ nợ còn sai gia nhân, đầy tớ nhà mình đến tận nhà con nợ để nằm vạ theo kiểu "giang hồ". Họ kéo quân đến ở khiến gia chủ phải nuôi cơm, không những vậy mọi sinh hoạt như ăn uống, bài tiết, tiểu tiện... đều diễn ra ngay trong nhà, rất bệ rạc và bẩn thỉu. Hành động ấy khiến nhà con nợ trở thành hôi thối, xơ xác, nát nhà, nát cây, nát đất. Mục đích làm cho gia chủ phải mau mau tìm đủ mọi cách mà trả nợ cho xong. Chính từ sự tích dân gian này mà tiếng Việt có thêm thành ngữ "ăn hại đái nát": Chỉ vì món nợ cần đòi/Ăn hại đái nát người đời cười chê.

Văn hóa gắn với miếng ăn

Với hình thức đòi nợ “tra tấn” như vậy các con nợ sẽ không thể chịu đựng nổi, ăn không ngon ngủ không yên. Cũng từ những hình ảnh đó mà dân gian mới có hình ảnh ví von so sánh “nhất tội nhì nợ”. Có tội thì van lạy, nhưng vẫn phải đền tội. Có nợ cũng van lạy, nhưng cũng vẫn phải trả nợ. Cho nên ở đời khổ nhất là bị tội, rồi sau đó đến mắc nợ. Vậy nên câu thành ngữ trên cũng khuyên chúng ta không nên làm điều gì trái pháp luật, trái đạo đức để phải đền tội. Đồng thời cũng không nên ăn tiêu phung phí để khỏi mang nợ. Vướng vào tội, nợ thì khó mà sống yên ổn được và đương nhiên cũng sẽ trở thành người “ăn hại đái nát”, vô tích sự, làm khổ bản thân cũng như gia đình và xã hội.

thanh-ngu-dan-gian-an-hai-dai-nat-bat-nguon-tu-dau-9

Ngoài ra để chỉ những người vô tích sự, dân gian ta còn có câu “ăn hại đái khai”, “ăn không ngồi rồi”, “ăn dầm nằm dề”... Theo TS Đinh Đức Thành, Viện Hán Nôm, hình ảnh miếng ăn trong ca dao, tục ngữ, văn hóa dân gian Việt Nam khá phổ biến. Điều này được lý giải ở nhiều luận cứ khác nhau. Miếng ăn, nước uống là nhu cầu cơ bản hàng ngày của mỗi người nhưng nếu không được thỏa mãn thì sẽ sinh ra tâm lý coi trọng từ đó dẫn đến hình thành nhiều thói hư tật xấu khó mà tránh được.

Xem thêm: Trong mắt học giả Phương Tây, người Việt xưa có phong tục và truyền thống gì?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận