Nội dung bài văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du chi tiết nhất
Văn tế thập loại chúng sinh hay còn được gọi là Văn chiêu hồn. Đây là một trong số tác phẩm xuất sắc và vô cùng nổi tiếng của thi hào Nguyễn Du được viết vào những năm đầu thế kỷ 19.
Đôi nét về Văn tế thập loại chúng sinh
Văn tế thập loại chúng sinh hay còn được gọi là văn tế chiêu hồn hay văn chiêu hồn, là một tác phẩm xuất sắc và vô cùng nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm. Hiện chưa rõ thời gian ra đời của tác phẩm, chỉ biết rằng bài văn tế được sáng tác vào những năm đầu thế kỷ 19.
Trong văn bản do Đàm Quang Thiện ghi chép lại có dẫn lời của ông Trần Thanh Mại trên tờ "Đông Dương tuần báo" năm 1939, theo đó thì Nguyên Du đã viết ra bài văn tế này sau một đợt dịch bệnh khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Khắp nơi đều âm khí nặng nề, ở các ngôi đền, chùa, người ta lập đàn cầu siêu cho các vong linh nơi chín suối.
Tuy nhiên GS. Hoàng Xuân Hãn lại cho rằng, có lẽ Nguyễn Du đã viết tác phẩm này trước cả khi Truyện Kiều ra đời, tức là khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812).
Từ Điển Văn Học cho biết, người đầu tiên phát hiện bài văn tế này là Lê Phước tại chùa Diệc ở thành phố Vinh. Nhưng cổ nhất là bản khắc ván năm 1895 của nhà sư Chính Đại được lưu trữ ở chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Từ hai bản này, Hoàng Xuân Hãn đã khảo chứng kỹ lưỡng và đã đưa ra được một văn bản khác có độ tin cậy cao hơn.
Trong phần giới thiệu Thơ Chữ Hán Nguyễn Du có đoạn:
Cuộc sống “mười năm gió bụi” từ 1786 đến 1795 của Nguyễn Du như thế nào, thì ông đã phản ảnh rõ trong Thanh Hiên Thi Tập. Suốt mười năm ấy, nay đầu sông, mai cuối bể, ăn nhờ ở đậu, túi rỗng không, đau ốm liên miên, nghèo không tiền mua thuốc, nhiều lần muốn về quê nhà ở Hà Tĩnh, nhưng ở đó nhà cũng không có, mà anh em thì mỗi người một ngả… Đến khi được trở về nhà tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An thì ông đã là nhà nho, mới hơn ba mươi tuổi mà tóc đã bạc trắng, bệnh tật, có lúc bệnh mấy tháng liền, chỉ nằm chờ chết, trong nhà bếp lạnh tanh… Cho đến khi ông ra làm quan với triều Nguyễn, gia phả chép: Dầu làm đến chức Á Khanh mà ông vẫn giữ vẻ thanh nhã đơn giản như một học trò nghèo. Trong Nam Trung Tạp Ngâm, ít ra cũng có hai bài thơ nói đến vợ con ăn đói, mặt xanh như lá rau… Tất cả những chi tiết đó giải thích tại sao Nguyễn Du thuộc tầng lớp trên mà trong thơ ca lại có một mối đồng tình thắm thiết với những người vốn thuộc tầng lớp thấp… Điều này thấy rất rõ trong bài Văn Tế chiêu hồn.
Chủ đề và bố cục của bài văn tế
Chủ đề của bài văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, xuyên suốt trong tác phẩm đều tập trung đề cập tới một thế giới vong hồn vô cùng bi thương, đau khổ. Đây là một góc tối của xã hội trần thế ở thời điểm lúc bấy giờ. Tuy nhiên nội dung của tác phẩm có sự khác biệt ở chỗ nó không thể hiện sự sang hèn, giàu nghèo. Tất cả chúng sinh ở đây đều giống nhau, họ phải chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn. Bởi thế ai cũng đều rất đáng thương.
Bài Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyên Du viết theo thể thơ song thất lục bát, với tổng cộng 184 câu thơ được biết bằng chữ Nôm. Bố cục của tác phẩm theo các nhà phê bình văn học thì nó được chia thành 4 phần, bao gồm:
Phần 1: Gồm 20 câu thơ đầu, nội dung miêu tả về khung cảnh của một buổi chiều mùa thu tháng 7. Khung cảnh ấy có mưa dầm nhuốm màu bi thương khiến cho Nguyễn Du cảm thấy chạnh lòng và thương cảm cho tất thảy chúng sinh đang sống bơ vơ lạnh lẽo nơi cõi âm mà lập đàn cầu siêu.
Phần 2: Gồm 116 câu thơ tiếp theo được tác giải chỉ đích danh những nguyên nhân khiến cho 10 loại cô hồn phải thiệt mạng.
Phần 3: Gồm 20 câu thơ tiếp theo được Đại thi hào miêu tả một cách cụ thể về cuộc sống khổ đau thê lương của những cô hồn đó.
Phần 4: Gồm 28 câu thơ còn lại, nội dung chính là lời cầu xin phép màu từ đức Phật, giúp cho những cô hồn này được giải thoát và mời họ tới nhận phần lễ cúng siêu độ.
Nội dung bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du
Dưới đây là nội dung Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du đầy đủ chi tiết nhất:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Dịp đường lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh…
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên…
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói ai hèn ai ngu!
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ độ về Tây phương.
oOo
Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh
Chí những lăm cất gámh non sông
Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau!
Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở
Khôn đem mình làm đứa thất phu
Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa
Cho hay thành bại là cơ
Mà Cô Hồn biết bao giờ cho tan.
Cũng có kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Trên lầu cao dưới dòng nườc chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.
Đau đớn nhẽ không hương không khói
Hồn ngẩn ngơ dòng suối rừng sim.
Thương thay chân yếu tay mềm
Càng năm càng héo một đêm một dài.
Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son thác sống ở tay
Kinh luân găm một túi đầy
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.
Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm,
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh
Ngàn vàng khôn đổi được mình
Lầu ca viện hát tan tành còn đâu?
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén nhang?
Cô Hồn thất thểu dọc ngang
Nặng oan khôn lẽ tìm đường hóa sinh?
Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đổi mình vào cướp ấn Nguyên Nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Phơi thây trăm họ nên công một người.
Khi thất thế tên rơi đạn lạc
Bãi sa trường thịt nát máu rơi
Mênh mông góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét
Khí âm huyền mờ mịt trước sau
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?
Cũng có kẻ tính đường trí phú
Mình làm mình nhịn ngủ kém ăn
Ruột rà không kẻ chí thân
Dẫu làm nên để dành phần cho ai?
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ
Của phù vân dẫu có như không
Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi.
Khóc ma mướn, thương gì hàng xóm
Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm
Ngẩn ngơ trong quảng đồng chiêm
Nén hương giọt nước biết tìm vào đâu?
Cũng có kẻ rắp cầu chữ qúy
Dẫn mình vào thành thị lân la
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân.
Dọc hàng quán gặp tuần mưa nắng
Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
Anh em thiên hạ láng giềng người dưng
Bóng phần tử xa chừng hương khúc
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang
Cô Hồn nhờ gửi tha phương
Gió trăng hiu hắt lửa huơng lạnh lùng.
Cũng có kẻ vào sông ra bể,
Cánh buồm mây chạy xế gió đông
Gặp cơn giông tố giữa dòng
Đem thân chôn rấp vào lòng kình nghê.
Cũng có kẻ đi về buôn bán
Đòn gánh tre chín dạn hai vai
Gặp cơn mưa nắng giữa trời
Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?
Cũng có kẻ mắc vào khóa lính
Bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan
Nước khe cơm vắt gian nan
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời
Buổi chiến trận mạng người như rác
Phận đã đành đạn lạc tên rơi
Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương!
Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con tá biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi
Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan.
Cũng có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi mình vào chiếu rách một manh
Nắm xương chôn rấp góc thành
Kiếp nào cỡi được oan tình ấy đi?
Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa cây
Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh thủy quái
Người thì sa nanh sói ngà voi
Có người hay đẻ không nuôi
Có người sa sẩy có người khốn thương.
oOo
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi
Hoặc là nương ngọn suối chân mây
Hoặc là điếm cỏ bóng cây
Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ
Hoặc là nương Thần từ, Phật tự
Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông
Hoặc là trong quãng đồng không
Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre
Sống đã chịu một bề thảm thiết
Ruột héo khô dạ rét căm căm
Dãi dầu trong mấy mươi năm
Thở than dưới đất ăn nằm trên sương
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi bồng trẻ dắt già
Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe Kinh.
oOo
Nhờ phép Phật siêu sinh Tịnh Độ
Phóng hào quang cứu khổ độ u
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền trút sạch oán thù rửa không.
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại
Chuyển pháp luân tam giới thập phương
Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương
Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.
Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao
Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe Kinh.
Kiếp phù sinh như hình như ảnh
Có chữ rằng: ”Vạn cảnh giai không”
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật Giáo
Của có khi bát cháo nén nhang
Gọi là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.
Ai đến đây dưới trên ngồi lại
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêụ
Phép thiêng biến ít thành nhiều
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sanh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.
Nam-mô chư Phật, Pháp, Tăng
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.
Vượt thời gian, bài Văn tế thập loại chúng sinh của đại Thi hào nguyễn Du cứ thế lặng lẽ và tan thấp vào trái tìm người đọc, người nghe. Nó toa ra một thứ sức mạnh vô biên, làm thay đổi cả tư tưởng và cách sống của con người. Tạo được những hiệu quả lớn và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Bởi tác phẩm đã được cháy lên từ lò luyện của chủ nghĩa nhân văn, khởi phát từ thế kỷ thứ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX. Tác phẩm còn được nuôi dưỡng bền lâu bởi chủ nghĩa nhân văn trong chính con người Nguyễn Du.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận