Đạo hiếu và chữ hiếu trong nhà Phật
Đạo hiếu được hình thành từ hàng ngàn năm, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên. Sau này được Nho giáo phát triển và thể chế hoá thành chuẩn mực đạo đức.
Đạo hiếu là gì?
Mỗi năm, vào dịp lễ Vu Lan, chúng ta đều tập hợp đông đủ ở đây, để cùng đọc lại những lời dạy của đức Phật về chữ Hiếu, thân tình nhắc nhủ nhau thực hiện những lời dạy đó một cách trọn vẹn trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Đạo Hiếu được hiểu theo ba nghĩa đơn giản như sau: Đối xử tốt với cha mẹ, ông bà, tổ tiên; Giữ vững và phát huy truyền thống, nề nếp gia phong của gia đình; Giữ tang lễ cho đúng cách. Như vậy, Hiếu không chỉ thể hiện ở sự chăm sóc chu đáo, mà còn là ở thái độ, tình cảm và còn cả tín ngưỡng, tâm linh đối với các giá trị truyền thống của gia đình.
Trong đạo Phật, người phật tử không nói dối. Nói mà không làm là một hình thức nói dối. Đức Phật từng dạy rằng, nói lời hay mà không làm cũng không khác gì hoa đẹp mà không có hương. Đối với cha mẹ, chúng ta phải hết lòng hiếu kính, phụng dưỡng, nhất là khi cha mẹ già yếu, cần tới người chăm sóc.
Đức Phật từng dạy rằng, việc săn sóc người ốm cũng như săn sóc Đức Phật. Nếu người ốm đó là cha mẹ của chúng ta thì sự săn sóc đó phải chu đáo gấp trăm nghìn lần. Đáng tiếc rằng ở thế gian, người ta thường không làm được điều như vậy. Cha mẹ già yếu, đau ống lại bị con cháu bỏ rơi. Chúng ta là Phật tử, tuyệt đối không được làm thế. Bởi vì làm thế không những trái với đạo lý thông thường mà còn trái với lời Phật dạy.
Hiếu kính cha mẹ là một truyền thống rất tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Rất nhiều câu ca dao tục ngữ phản ánh rất thực tế vấn đề này:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con
Hoặc:
Trải bao gian khổ không sờn
Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền.
Đạo Phật vào Việt Nam, lại càng củng cố thêm truyền thống tốt đẹp đó:
Đêm đêm khấn nguyện Phật trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Đạo hiếu và chữ hiếu trong nhà Phật
1. Đức Phật tán tán công lao của cha mẹ là to lớn khó lòng đền đáp
Đó là những câu ca dao Việt Nam mà hầu như mọi người chúng ta đều học thuộc lòng. Thế nhưng lời dạy của Đức Phật về chữ Hiếu lại cụ thể hơn rất nhiều. Ngài từng nói: ""Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha... Vì cớ sao? Ví rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này".
2. Gia đình có con cái hiếu thảo với cha mẹ được Phật tán thán ngang bằng với Phạm Thiên
Đức Phật nhắn nhủ chúng ta nên hiếu kính với cha mẹ, săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Bởi vì làm như vậy cũng không đủ để trả ơn họ. Nhưng theo đúng quy luật nhân quả, công đức của người con hiếu thảo cũng vô cùng to lớn, và Đức Phật đã tán thán công đức của những gia đình có người con hiếu thuận như sau:
"Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ cha mẹ ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường".
"Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các Đạo sư ngày xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha, đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời"
Đức Phật là bậc bậc giác ngộ lớn, không có gì là không thấy, không biết. Nhân thế nào quả thế ấy, đức Phật biết rõ như trong lòng bàn tay. Những điều Phật biết, Phật thấy, thì chúng ta lại không biết không thấy, hoặc chỉ biết và thấy một cách đại khái.
Công đức, quả báo của những gia đình và những người con cái hiếu thuận với cha mẹ, quả thực là lớn lao vô cùng, nhưng chỉ có đức Phật mới thấy rõ, biết rõ và giảng giải lại cho tất cả chúng ta được biết một cách thật là sinh động và cụ thể.
3. Con cái hiếu thuận với cha mẹ sẽ được sinh Thiên
Đức Phật cũng nói thêm, với những người con hiếu thuận, tất sẽ được cha mẹ yêu mến. Những người con như thế sau khi qua đời sẽ được sinh lên cõi trời. Ở đây sẽ được sống sung sướng, an lạc một đời mà loài người chúng ta không tưởng tượng nổi.
Thờ mẹ cha đúng pháp,
Buôn bán đúng, thật thà,
Gia chủ không phóng dật,
Được sinh Tự Quang Thiên
Tự Quang Thiên là một cõi trời, trong đó chúng sinh có thân hình đẹp đẽ chói sáng. Trong bài kệ trên của kinh Sutta Nipata, chúng ta chú ý câu:
Thờ cha mẹ đúng pháp,
Buôn bán đúng, thật thà...
Thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ đúng pháp
Hiếu thuận thờ kính cha mẹ là điều tốt lành, được Đức Phật tán thán, nhưng phải thờ kính hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ bằng tiền bạc do chính mình làm ra chứ không phải tiền do làm ăn phi pháp, sát sinh, nói dối, lấy của không cho,...
Nếu tiền để phụng dưỡng cha mẹ là tiền làm ăn phi pháp mà ra thì cũng không thể tránh khỏi quả báo bởi những những hành vi bất thiện của mình. Và như vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự bào chữa cho những hành vi bất chính của mình.
Con cái vì mẹ cha mà làm điều ác, điều bất thiện thì cũng sẽ chịu quả báo và sẽ bị đọa xuống địa ngục. Và không thể viện lý do rằng, mình làm điều ác để phụng dưỡng cha mẹ, cho nên không chịu quả báo.
Giáo dục cho con cái nhận thức được việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc đau ốm, về già là những việc làm tuân theo lẽ tự nhiên. Mặc dù nhiều người trong chúng ta ly hương, lập nghiệp ở nơi khác nhưng phải thường xuyên thực hành nghe lễ thờ cúng tổ tiên. Qua đó giải thích, giáo dục cho con cái về cội nguồn của dòng họ, biết ơn các bậc tiền nhân, phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn. Cha mẹ phải tìm hiểu và giới thiệu cho con cái về gia phả, truyền thống gia đình, dòng họ để các con biết: “Như cây có cội, như sông có nguồn”, từ đó bồi đắp thêm niềm tự hào về gia đình, dòng tộc mình.
Ngoài ra, giáo dục đạo hiếu cho lớp trẻ còn phải mở rộng từ nhà trường cho đến xã hội. Tuỳ vào đối tượng cụ thể mà sẽ có nội dung và hình thức giáo dục phù hợp, không để bị rập khuôn, máy móc. Đặc biệt, giáo dục về đạo hiếu hiệu quả nhất đó là thông qua tấm gương người thật, việc thật trong đời sống.
Xem thêm: Nghiệm quả khi làm ăn gian dối
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận