Câu chuyện về Đạm Phương nữ sử kêu gọi nữ quyền cho giới quần thoa

Đạm Phương nữ sử vốn xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, nhưng bà không bó mình nơi phòng khuê mà tự tạo lập tương lai riêng cho bản thân mình. Ngoài ra, bà góp phần to lớn kêu gọi nữ quyền cho giới quần thoa. 

Hoa Nguyễn
10:00 26/03/2022 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đạm Phương nữ sử có tên thật là Công Nữ Đồng Canh (1881-1947), cha bà là Hoằng Hóa Quận vương Miên Triệu, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng. Tuy sống trong thời phong kiến nhưng bà không giống như những người con gái khác mà “xông pha” nơi “trường văn, trận bút”, để lại bao dấu ấn cho người đời mãi nhớ đến. 

Ảnh hưởng của gia đình hoàng gia

Cha của Công Nữ Đồng Canh, ông Hoằng Hóa Quận vương (1835-1905) là người học rộng, tài cao và có khiếu văn thơ. Ông từng là thành viên của Mạc Vân thi xã do Miên Thẩm đứng đầu. Sau khi đi sứ sang Pháp, ông trở về nước và ở nhà viết sách “Ước đình thi sao”, “Ất Sửu như Tây nhật ký”. Trong tác phẩm “Mười ngày ở Huế”, tác giả Phạm Quỳnh đã đánh giá hai cuốn sách trên là “những bài văn nghị luận, thiết thực, có ích”. Trong khi ấy, mẹ Công Nữ Đồng Canh là vợ thứ hai của Miên Triệu cũng là người hay chữ. Ngay từ nhỏ, thấy con gái đã thể hiện sự thông minh và ham học. Vì vậy bà đã dạy chữ Hán cho con, rồi sau đó mời thầy đồ từ Nghệ An vào dạy. 

dam phuong nu su 7

Năm Giáp Ngọ 1894, Miên Triệu dời nhà ra phía nam núi Dẫn Khiêm lập nên “Học bán tịnh xá”, ở gần Lạc Tịnh viên và phủ Vĩnh Trinh của công chúa Quy Đức. Tại đây, công chúa Quy Đức mở lớp dạy cho các cung nữ. Công Nữ Đồng Canh cũng theo học ở đây và được công chúa quý mến vì có khiếu văn chương, ham hiểu biết.

Trong tác phẩm nghiên cứu “Đạm Phương nữ sử (1881-1947)” của Nguyễn Khoa Diệu Biên và Nguyễn Cửu Thọ đã khẳng định “Đồng Canh đã chịu ảnh hưởng của truyền thống tốt đẹp trong gia đình, đặc biệt sâu sắc là của thân sinh Miên Triệu và công chúa Quy Đức”. Đồng Canh không chỉ tinh thông Hán học, thông thuộc sử Nam, sử Trung mà còn giỏi cả chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. 

Về hình dung, Đồng Canh được miêu tả là “dáng người mảnh mai, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to và sáng, sống mũi cao, nước da trắng mịn”. Tính cách là người đoan trang, nhân hậu, yêu thiên nhiên.

Dù được sống trong cảnh nhung lụa, giàu sang nhưng trước cảnh khói lửa của chiến tranh Đồng Canh rất xót xa cho vận mệnh của nhân dân cũng như đất nước. Chính tâm hồn nhạy cảm ấy đã tạo nên nhiều áng văn thơ mang hồn Đạm Phương vậy. 

Tròn phận nâng khăn, sửa gối

Năm 16 tuổi, Công Nữ Đồng Canh xuất giá theo chồng là nghè Sáu Nguyễn Khoa Tùng. 

Bố chồng của Đồng Canh là ông Nguyễn Khoa Luận vốn đậu cử nhân, làm quan nhà Nguyễn nhưng vì có tư tưởng chống Pháp nên ông đã từ quan về với điền viên.

Ông Miên Triệu dù là tôn thất nhà Nguyễn, nhưng lại rất quý mến Nguyễn Khoa Luận bởi cái tinh thần ấy. Khi Nguyễn Khoa Luận phu nhân sang nhà dạm hỏi Đồng Canh cho con trai thứ sáu Nguyễn Khoa Tùng, ông Miên Triệu mới ướm ý:

“Con gái tôi kém cỏi lắm, chẳng biết làm gì, cả ngày chỉ đọc sách ngâm thơ. Về làm dâu, sợ không giúp được việc cho nhà chồng”.

dam phuong nu su 9

Sau khi nghe vậy, bà thông gia tương lai đã đáp lại rằng: “Dụng nhân như dụng mộc. Cây có thứ mọc hoang ngoài vườn, có thứ trồng trong chậu kiểng. Nhà tôi đã có người nuôi heo gà, chăm vườn tược. Cô dâu thích văn thơ, về tôi dành cho làm văn thơ”. Ông Miêu Triệu lấy làm vui lòng lắm. 

Khi về làm dâu, mặc dù còn trẻ tuổi nhưng Đồng Canh đã biết làm đẹp lòng bố mẹ chồng, đối với chồng ăn ở đủ nghĩa. Vào những lúc rảnh rỗi Đồng Canh lại đọc sách, ngâm thơ và hai vợ chồng cũng đã có cả tập thơ chung. 

Khi gia đình chồng gặp khó khăn, bổng lộc ít đi, Đồng Canh đã mua thêm đất trồng dâu, nuôi tằm để kéo tơ, dệt vải, nhận hàng thêu thùa, từ đó giúp gia đình có thêm tiền để chi tiêu và nuôi con cái ăn học.

Bài “Với nữ sĩ Đạm Phương” của Trần Thị Như Mân đăng trên tạp chí sông Hương số 12, tháng 4/1985 đã viết rằng: “Sinh trưởng trong một hoàn cảnh như bà Đạm Phương, lại biết tự mình tham gia lao động thủ công, phải nói là một việc làm hiếm có. Vì trong xã hội bấy giờ, thiếu chi người gặp khó khăn thực sự, nhưng vẫn không chịu lao động, chỉ quen sống đài các bằng sự dựa dẫm bà con xung quanh”.

Còn một điều đặc biệt nữa là khi ấy chồng bà - ông nghè Sáu Khoa Tùng có vợ hai - bà Hồ Thị Lệ. Bà Đồng Canh đối xử với bà Lệ rất tốt, giống như em gái mình, còn giúp bà Lệ học chữ quốc ngữ. Con cái hai bà ai sinh ra trước làm anh, làm chị, ai sinh ra sau làm em, không phân biệt con bà này, bà nọ. Đó thực sự là một tư tưởng tiến bộ, cởi mở trong thời bấy giờ. 

Hồn thơ nữ sử

Trong “Đạm Phương nữ sử (1881-1947)” cho biết Công Nữ Đồng Canh đã biết sáng tác từ rất sớm và sau đó sắp xếp những bài thơ chữ Hán của mình thành hai bộ là “Đông quán thi tập” và “Tú dư xích độc”. Ngoài ra, bà còn có tập thơ sáng tác chung với chồng có tên gọi “Hiệp bích thi cảo” cùng nhiều bài thơ quốc ngữ đăng trên báo chí với từ ngữ thuần Việt. 

dam phuong nu su 6

Thơ của Đạm Phương nữ sử được khen là lời thơ trong sáng, giản dị mà thấm thía, hàm súc, thể thơ đa dạng, bên cạnh những thể tứ tuyệt, song thất bát cú, cổ phong truyền thống bà còn làm thể lục bát, song thất lục bát. Hồn thơ của bà đa sầu, đa cảm, nên dễ rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên. Ví dụ như bài “Trùng du Trúc Lâm tự” đăng trên “Hữu Thanh tạp chí” ngày 1/1/1922 có câu:

“Sóng tùng nhấp nhố mây ngàn liệng,

Gió trúc vo ve nước suối chen”. 

Hay bài “Thược dược vàng mới nở” đăng trên “Trung Bắc tân văn” tháng 2/1925 có đôi câu:

“Hoa nhuộm vàng non trăm vẻ khéo,

Lá đơm xanh nghít một màu in”. 

Thơ của bà được khen ngợi nhiều nhất có thơ vịnh sử vì đây là một đề tài tương đối khó. Trong “Tìm hiểu thơ và từ của Đạm Phương nữ sử” trong hội thảo khoa học “Đạm Phương nữ sử-Chân dung nhà văn hóa đầu thế kỷ XX” năm 2011 khen là “đã thổi được hồn cốt của thời đại và cái nhìn mới đầy cảm thông của một phụ nữ đối với các nhân vật lịch sử”. 

Thơ của bà có đề tài đa dạng phong phú, nội dung tiến bộ, cao thượng, dùng từ thuần Việt, trong sáng, được xem là “ở một khía cạnh nhất định, Đạm Phương nữ sử đã đóng góp cho quá trình hiện đại hóa thơ ca nói riêng và văn học Việt Nam nói chung”. 

Thơ của bà được đăng trên khắp các báo, tạp chí như: Nam Phong tạp chí, Hữu Thanh tạp chí, Trung Bắc tân văn... Bạn thơ là những danh nhân tên tuổi như Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng… 

Xem thêm: Hé lộ danh tính người Việt đầu tiên làm cho Học viện Viễn Đông Bác cổ ở Đông Dương

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận