Bắt con tằm tự nhả tơ, dệt vải - Bí quyết độc nhất vô nhị của làng nghề Phùng Xá
Nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Ðức (Hà Nội) hình thành từ năm 1929, được duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Đi khắp thôn làng, đâu đâu cũng vang lên tiếng máy dệt, một thứ âm thanh đặc trưng tạo nên hồn cốt của làng.
Phương pháp làm lụa bí truyền : Để cho con tằm tự dệt vải
Làng Phùng Xá, Huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội 40km là một nơi có cảnh vật phong thủy hữu tình với sự uốn lượn duyên dáng của dòng sông Đáy tạo nên một bức tranh thơ mộng. Nơi đây gắn liền với nghề dệt từ năm 1929 và được gìn giữ, duy trì phát triển cho đến ngày nay. Theo thuyết xưa truyền lại thì cụ tổ làng nghề là cụ Hoàng Tiến Gan, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Hơn nữa lại là người con của làng quê có nghề chăn tằm ươm tơ nhưng vẫn chịu cảnh khổ cực, không đủ quần áo để mặc. Vì vậy cụ đã nung nấu nghề dệt.
Năm 1928, cụ Gan rời làng đi Bắc Ninh, Hà Đông để học hỏi về nghề dệt vải. Đến năm 1929, cụ mang nghề dệt về làng. Cụ tổ chức một nhóm thợ, vừa làm vừa truyền nghề, vừa đóng máy vừa dựng giá thành khung. Để ghi nhớ công đức cụ, dân làng đã lấy ngày mồng 2 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ ông tổ làng nghề.
Hiện nay ở xã Phùng Xá có nghệ nhân tiêu biểu là bà Phan Thị Thuận, người đã mở lối đi mới cho nghề dệt tằm truyền thống. Bà Thuận đã có công phục dựng lại một quy trình sản xuất khép kín sáng tạo: Để tằm tự dệt tơ thành các sản phẩm có một không hai. Bà đem đặt các con tằm sát với nhau trên một mặt phẳng và chúng tự nhả tơ, quấn vào nhau, đan thành tấm thảm bông phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên mà không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp.
Không chỉ có tính thẩm mỹ cao, chất lượng tuyệt hảo, phương thức này còn tiết kiệm được nhiều chi phí nhờ giảm bớt các công đoạn phức tạp như kéo kén, ươm tơ, cào bông… Có thể nói, đây là một sáng tạo đầy bất ngờ, đồng thời cũng là một kỹ thuật quan trọng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nghề dệt thủ công truyền thống.
Giữ gìn và phát huy nghề dệt truyền thống của địa phương
Với lòng yêu nghề và muốn giữ nghề truyền lại cho con cháu, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận luôn cố gắng tìm tòi, nghiên cứu nhằm hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm của quê hương. Bà cho biết:
“Gắn bó với lá dâu, con tằm từ thuở nhỏ, hiểu rõ vẻ đẹp của nghề nên khi thấy các hộ gia đình lần lượt bỏ nghề, tôi rất buồn. Quyết giữ nghề truyền thống, tôi đi xin lá của những vạt dâu còn sót lại để nuôi tằm. Sau này, tôi tìm được nguồn cung cấp lá dâu ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cách nhà 20km, từ đó, ngày nào cũng đi lấy lá về chăn tằm. Dần dần, một số hộ gia đình tâm huyết cũng giữ nghề nuôi tằm, ươm tơ và được chính quyền tạo điều kiện. Nghề dệt lụa truyền thống quê tôi cứ thế hồi phục…”.
Hiện nay, làng nghề dệt Phùng Xá có hơn 83 thành viên, trong đó có 15 công ty, hơn 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, có 7 nghệ nhân, số lao động thường xuyên tại địa phương từ 5.500 lao động trở lên.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phùng Xá Nguyễn Văn Kiên, các hộ dân ở xã Phùng Xá đã bước đầu thành công với những sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng cao, vừa làm giàu cho cá nhân, vừa góp phần giữ nét đẹp đặc trưng của quê hương.
Sản phẩm khăn tơ tằm, chăn tơ tằm tự dệt và khăn tơ sen của xã Phùng Xá đã được huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội đánh giá là sản phẩm tiềm năng 5 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ kết quả này, thành phố sẽ hoàn thiện hồ sơ trình lên Trung ương tiếp tục đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao – thứ hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Làng nghề dệt Phùng Xá đã trở thành làng nghề dệt lụa truyền thống không chỉ là nét đẹp văn hoá riêng độc đáo của vùng, mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc, là một đặc trưng kinh tế của đất nước.
Xem thêm: 4 bảo vật "đỉnh của chóp" xuất hiện trong lễ đăng quang của vua Khải Định, hiện nay như thế nào
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận