Ý nghĩa "Tam Bảo tự tâm", Phật tử nào cũng cần hiểu rõ
Tam Bảo bên ngoài là đối tượng, Tam Bảo bên tự tâm là bản chất. Nương nhờ Tam Bảo bên ngoài để chúng ta phát triển Tam Bảo của tự tâm.
Hiểu đúng về Quy y Tam Bảo
Quy y Tam Bảo là thuật ngữ về một nghi lễ đặc trưng của đạo Phật. Đây được coi như điểm khởi đầu mang tính định hướng, giác ngộ từ một “phật tử cảm tính” thành “phật tử đúng pháp” dưới ánh sáng, giáo lý đạo Phật.
Quy y Tam Bảo thường được hiểu là những người mang tâm thức tín ngưỡng đơn thuần, sau một thời gian tu tập đưa bản thân trở về nương tựa vào 3 ngôi báu là Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Sangha). Ngoài ra, cũng có thể cắt nghĩa, “quy” nghĩa là quay về, “y” nghĩa là nương tựa.
Ngày nay, khái niệm Quy y Tam Bảo đang bị không ít người hiểu sai, trần tục hóa nên vô tình khiến lễ này trở nên lệch lạc ngay từ tâm thức. Cần hiểu rằng, đệ tử Phật thường được phân chia thành 2 hạng, xuất gia và tại gia.
Hạng xuất gia thường sống trong chùa viện, không lập gia đình. Còn đệ tử Phật tại gia, có gia đình, con cái, sự nghiệp như mọi người. Nhiều nơi vì chưa hiểu đạo nên xem việc Quy y Tam Bảo cũng giống như xuất gia, không lập gia đình. Quan niệm này khiến không ít người e ngại khi phát tâm quy y.
Cũng có không ít người hiểu, Quy y Tam Bảo nhằm mục đích dễ dàng "xin xỏ thần Phật", cầu cúng tâm linh cầu phước lợi. Lối suy nghĩ này rất sai lầm. Nói cách khác, nếu quy y chỉ là sự mong cầu có một pháp danh để mỗi dịp lên chùa xin xỏ thì đó là biểu hiện của tâm thức u mê, lạc trong vòng xoáy sân si.
Quy y Tam Bảo là "bước chân" cảm ngộ đầu tiên của một người trên đường đạo. Và sau khi có được sự gieo duyên, người Phật tử không nhất thiết phải thường xuyên vào chùa, buông bỏ những việc thế gian.
Có một điều quan trọng, Phật tử sau khi Quy y Tam Bảo phải trau dồi đạo đức bản thân bằng cách phát nguyện thọ trì năm giới cấm (không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện) bản thân vì thế mà tránh được ác nghiệp.
Bất kỳ ai muốn Quy y Tam Bảo, trước hết phải tự thân mình tìm hiểu và cảm nhận được những giá trị cao đẹp của Đạo Phật rồi nguyện nương tựa và thực hành theo. Và chỉ có như vậy, tín đồ mới chính thức trở thành Phật tử đúng pháp.
Tam Bảo tự tâm
Phật pháp bao giờ cũng phải đủ hai mặt, Tam Bảo bên ngoài là đối tượng, Tam Bảo bên tự tâm là bản chất, Nương Tam Bảo bên ngoài, chúng ta phát triển Tam Bảo tự tâm. Trong ngoài hỗ trợ để viên mãn công phu tu hành, là mục tiêu chánh yếu của đạo Phật. Tánh giác sẵn có nơi chúng ta là Phật bảo. Lòng từ bi thương xót cứu giúp chúng sanh là Pháp bảo.
Tâm hòa hợp thảo thuận với mọi người là Tăng bảo. Nhờ Phật bảo bên ngoài, chúng ta đánh thức tánh giác của mình, trở về nương tựa tánh giác của mình là Quy y Phật. Nhờ Pháp bảo bên ngoài, chúng ta dấy khởi lòng từ bi đối với chúng sanh, trở về nương tựa với lòng từ bi của mình là Quy y Pháp.
Do chư tăng bên ngoài gợi cho chúng ta có tinh thần hòa hợp thuận thảo, trở về nương tựa tinh thần hòa hợp thuận thảo của mình là Quy y Pháp. Phật Pháp Tăng bên ngoài là trợ duyên giúp chúng ta phát khởi Phật Pháp Tăng của tự tâm.
Ví dụ như thầy giáo làm trợ duyên cho đứa học trò mở mang kiến thức của nó. Có ông thầy cần cù, mà đứa học trò lười biếng không chịu học, ông thầy cũng trở thành vô ích.
Cũng thế, có Tam Bảo bên ngoài, người Phật tử không cố đánh thức Tam Bảo của chính mình, Tam Bảo bên ngoài cũng trở thành vô nghĩa. Tam Bảo bên ngoài là điều kiện tối thiết yếu của người Phật tử, nhưng có được giác ngộ giải thoát chính là khả năng của Tam Bảo tự tâm.
Chỉ biết có Tam Bảo bên ngoài là chấp sự bỏ lý. Một bề tin vào Tam Bảo của tự tâm không cần biết đến Tam Bảo bên ngoài, là chấp lý bỏ sự. Người Phật tử chân chánh phải viên dung sự lý mới khỏi trở ngại trên đường tu.
(T/h PLVN, Phật giáo)
Xem thêm: Quy y Tam Bảo có phải là đi tu không và nghi thức quy y Tam Bảo chi tiết nhất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận