Quy y Tam Bảo có phải là đi tu không và nghi thức quy y Tam Bảo chi tiết nhất
Quy y Tam Bảo là bước khởi đầu mang tính định hướng, giác ngộ từ một phật tử cảm tính thành phật tử đúng pháp dưới ánh sáng của giáo lý nhà Phật.
Mục lục
Quy y Tam Bảo là gì và quy y Tam Bảo có phải là đi tu không?
Mặc dầu quy y Tam Bảo chỉ là bước khởi đầu trong quá trình học Phật nhưng nếu không có bước tiền đề này thì không thể có các bước tiếp theo. Đệ tử Phật lấy việc thọ giới mà phân cấp bậc, quy y Tam Bảo là việc căn bản nhất theo mới đến thọ ngũ giới, Tam giới, Mười giới, Tỳ kheo giới, Bồ tát giới. Và hiểu một cách đơn giản, mọi giới pháp đều lấy quy y Tam Bảo làm nền tảng cơ bản. Vậy, quy y Tam Bảo là gì?
Quy y là gì? "Quy y" có nghĩa là quy đầu, ngưỡng tượng, y thác. Quy y trong Phật giáo có nghĩa là nguy y Tam Bảo (chỉ Phật, Pháp, Tăng). Nghĩa là y thác vào Phật, Pháp, Tăng ba ngôi có thể bảo hộ che chở, cũng gọi là Quy y Tam Bảo.
Hiểu một cách chi tiết, quy có nghĩa là quay về, trở về, theo về. Y có nghĩa là nương nhờ, thuận theo, làm theo lối đã định. Tóm lại, quy ý nghĩa là cứu tế; vì nương vào đó mà người ta vĩnh viễn thoát khỏi mọi khổ ách. Người mến mộ Phật Pháp khi nhập môn tất phải thực hiện nghi thức quy y, thệ nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng mới chính thức được xem là một đệ tử của nhà Phật.
Tam Bảo là gì? Tam Bảo nghĩa là 3 ngôi báu gồm: Phật, Pháp, Tăng. Theo giáo lý nhà Phật, trên thế gian này, vàng bạc châu báu, danh vọng là quý báu nhưng nó đâu thể cứu con người khỏi khổ, sống, già, bệnh, chết mà lắm khi nó còn khiến con người khổ thêm. Nhưng Phật, Pháp, Tăng có đủ năng lực dẫn dắt con người ra khỏi cái khổ. Bởi thế, người đời mới tôn sùng Phật, Pháp, Tăng là 3 ngôi báu, hay chính là Tam Bảo.
Phật là đáng giác ngộ hoàn toàn, phước, trí đầy đủ. Bên trong không bị các phiền não hoặc nghiệp làm loạn. Bên ngoài không bị hoàn cảnh thuận, nghịch làm trở ngại. Phật được tự tại giải thoát.
Pháp được hiểu là một thuyết vô thượng của Phật. Đây là những phương thức, đường lối của phật dùng để hướng chúng sinh đến giác ngộ, giải thoát như Ngài.
Tăng là những vị xuất gia chân chính. Tăng thủ tuyệt đối theo giáo lý nhà Phật. Đồng thời, Tăng cũng là người đem giáo lý nhà Phật truyền bá trong nhân gian để chúng sinh được giác ngộ.
Song để đạt được kết quả tu hành thiết thực, người Phật tử cần phải chí tâm, duy nhất cho sự quy y. Có nghĩa là, sau khi quy y Phật rồi, không quy y thiên, quỷ, thần, vật. Bởi những vị ấy là chúng sinh trong tam giới, vẫn chưa hoàn toàn được giải thoát như Phật.
Sau khi quy y Pháp rồi thì không quy y ngoại đạo tà giáo. Vì những thuyết ấy chưa chu toàn dẫn đến chỗ giác ngộ hoàn toàn. Và sau khi quy y Tăng thì không được quy y thầy tà bạn ác. Bởi những người ấy thường có suy nghĩ lỗi lầm dẫn đến khổ đau cho cuộc sống.
Như đã chia sẻ ban đầu, quy y Tam Bảo mặc dầu chỉ là bước khởi đầu trong quá trình học Phật nhưng nếu không có bước tiền đề này thì sẽ không có những bước tiếp theo. Đệ tử Phật lấy việc thọ giới để phân cấp bậc, quy y Tam Bảo là việc căn bản nhất sau đó mới đến Ngũ giới, Tam giới, Mười giới, Tỳ kheo giới và Bồ tát giới. Quy y Tam Bảo chính là bước nền tảng và việc quy y Tam Bảo cụng không có hạn lượng nhất định.
Trong lục đạo chúng sinh, trừ Địa ngục là không thể quy y Tam Bảo thì các nơi khác như Người, Trời, Qủy, Thần và Súc vật chỉ cần phát tâm quy y, Phật giáo đều tiếp nhận cả.
Phật tử sau khi phát nguyện trước Tam Bảo luôn phải tự trau dồi đạo đức của bản thân bằng cách phát nguyện thọ tì năm giới cấm (không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không suy nghiệm) bản thân vì thế tránh được ác nghiệp.
Nói về việc tự tu tập, thọ trì giới cấm, nhiều Đại Đức chốn thiền môn cho rằng, chỉ cần tự thân phát nguyện học tập, nghiên cứu Phật pháp (nghe giảng trực tiếp từ băng đĩa, đọc kinh, tham gia các lớp học giáo lý) mới dần dần lãnh ngộ được. Hiểu cách khác, bản thân phật tử, nếu không học tập giáo lý thì sẽ hiểu sai về lời Phật dạy và từ đó dẫn đến những hành vi không đúng theo ánh sáng chỉ dẫn của Phật pháp, lạc lối trầm luân.
Trong quy y Tam Bảo có 3 bậc: Đồng thể Tam Bảo; Xuất thế gian Tam Bảo; Thế gian trụ trì Tam Bảo.
Trong đố thế Tam Bảo có:
- Đồng Thể Phật Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tánh sáng suốt.
- Đồng Thể Pháp Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một pháp tánh từ bi, bình đẳng.
- Đồng Thể Tăng Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tánh thanh tịnh, sự-lý hòa hợp.
Xuất thế gian Tam Bảo gồm:
- Xuất Thế Gian Phật Bảo: là chỉ cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật A-Di-Đà, Chư Phật trong mười phương ba đời, đã tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian.
- Xuất Thế Gian Pháp Bảo: là chỉ cho Chánh pháp của Phật, có công năng làm cho chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian, như Tứ-đế, Thập-nhị nhân-duyên, Lục -độ v.v...
- Xuất Thế Gian Tăng Bảo: là chỉ cho các vị Thánh-Tăng đã thoát ra ngoài sự ràng buộc của thế gian như đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Ca-Diếp, A-Nan v.v...
Thế gian trụ trì Tam Bảo:
- Thế Gian Trụ Trì Phật Bảo: là chỉ cho Xa Lợi của Phật, tượng Phật đúc bằng kim khí, chạm trổ bằng danh mộc, tô bằng đất, đắp bằng xi măng, thêu bằng vải, hay vẽ trên giấy.
- Thế Gian Trụ Trì Pháp Bảo, là chỉ cho ba tạng Giáo điển: Kinh, Luật, Luận viết hay in trên giấy, trên vải, trên lá buôn v.v...
- Thế Gian Trụ Trì Tăng Bảo, là chỉ các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni tu hành chân chánh, đạo đức trong sạch, giới luật trang nghiêm trong hiện tại.
Có một vấn đề mà rất nhiều người thắc: "Quy y Tam Bảo có phải là đi tu không?". Sư phụ Thích Trúc Thái Minh từng giảng: Ba ngôi Tam Bảo thật là quý, hiếm gặp trên đời. Người tu học Phật muốn tăng trưởng trong việc thực hành Pháp thì việc đầu tiên cần làm là quy y Tam Bảo, thọ trì 5 giới (5 điều đạo đức) của Phật tử tại gia.
Song trong đạo Phật không có sự bắt buộc, ép buộc ai phải quy y, thuận theo Phật mà đó là quyền tự do, quyết định của mỗi người. Thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều Phật tử quy y Tam Bảo, bởi họ tin tưởng giáo lý của nhà Phật.
Sau lễ quy y, có người chính thức trở thành Phật tử, có người chọn xuất gia và có người chọn tại gia. Việc này hoàn toàn tùy duyên, không gượng ép.
Nghi thức quy y Tam Bảo chi tiết nhất
Tam Bảo chính thực là chỗ dựa vững chắc nhất cho tất cả chúng sinh, giúp chúng sinh thoát khổ. Lễ quy y Tam Bảo là lễ quan trọng nhất trên đường tu tập của chúng ta. Nó là cuộc khởi hành để đến mục đích giải thoát. Chính vì thế, không thể xem thường hoặc cử hành nghi lễ này một cách bừa bãi. Nghi lễ quy y Tam Bảo được tiến hành như sau:
Đầu tiên, gột rửa thân tâm trong sạch:
Vì đây là buổi lễ quan trọng nhất trên con đường tu tập nên trước khi tiến hành nghi lễ Phật tử cần chuẩn bị trang phục chỉnh tề, sắm khai lễ thỉnh chư Tăng đến trái đường, đảnh lễ và cầu xin chư Tăng rủ lòng từ bi truyền trai quy giới cho mình.
Trước ngày hành lễ, thân tâm phải được gột rửa sạch sẽ. Phật tử tắm sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, đó là Thân. Còn về Tâm, phật tử phải ba phen sám hối, cho ba nghiệp được thanh tịnh. Nhờ thầy tẩy gội cả trong lẫn ngoài, ta mới xứng đáng đón nhận pháp thanh tịnh cao quý của Tam Bảo.
Thứ hai, nghi lễ:
Giới tử chuẩn bị khai lễ, khánh, cử đại diện vào phương trượng tác bạch cầu thỉnh chư Tăng truyền trao quy giới. Khi thỉnh chư Tăng đến trước bàn thờ Tổ, vị đại diện đứng giữa bạch: “Bạch trên Thượng tọa, Đại đức Tăng, chúng con là… bấy lâu có lòng khát ngưỡng quy giới, nay đủ duyên lành, cần cầu trên Thượng tọa, Đại đức Tăng, thùy từ lân mẫn, truyền trao quy giới cho chúng con được ân triêm công đức.”
Khi được chư Tăng hoan hỷ chấp nhận rồi, giới tử lễ ba lễ. Sau khi chư Tăng nguyện hương lễ Tổ xong, giới tử thỉnh Giới Sư lên chánh điện. Lên chánh điện, Giới Sư nguyện hương, đảnh lễ Tam Bảo, tụng chú Đại bi, tán lư hương, kệ khai luật. Thỉnh Giới Sư lên bàn truyền giới. Giới Sư tụng bài tán lư hương, kệ khai luật. Sau đó Giới Sư khai đạo.
Thứ ba, giới sư khai đạo giới tử:
Ba cõi không yên, như ở trong nhà lửa. Muốn xa lìa cõi khổ, thì phải nương về ngôi Tam Bảo. Người muốn thoát khỏi biển sanh tử luân hồi, không thể bỏ qua sự thọ trì giới pháp mà được. Giới như chiếc bè báu đưa người qua biển khổ; giới như đất bằng phẳng, muôn vật đều từ đấy phát sinh; giới như ngọn đèn sáng, chiếu phá các chỗ tối tăm; giới là con đường tắt đưa đến cõi nhơn thiên, là cửa ngỏ vào cảnh Niết Bàn. Nếu người nào giữ được thanh tịnh, cho đến trong giây phút quy y Tam Bảo, ở đời vị lai cũng được chứng quả Niết Bàn.
Thứ tư, sám hối"
Người quy y Tam Bảo trước phải sám hối cho bản thân thanh tịnh. Người khi thọ giới, trước cần phải sám hối trừ phiền não cho tâm được thanh tịnh, mới có thể lãnh thọ quy giới. Sám hối nghĩa là biết hối hận, nhận lỗi, chừa bỏ, đổi lại cho tốt, không cho tội lỗi mới phát sinh.
Giới tử quỳ thẳng sám hối: Đệ tử chúng con tên là… kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, lỡ tạo những điều tội lỗi, ngày hôm nay thành tâm sám hối, thề tránh các điều dữ, nguyện làm các việc lành, cúi xin Tam Bảo từ bi gia hộ, khiến cho đệ tử, tội diệt phước sanh, căn lành thêm lớn, tai quan nạn khỏi, hiện tiền phước huệ trang nghiêm, một hậu sanh về cõi Phật. (đọc 3 lần, lễ Phật 3 lễ)
Thứ năm, giảng nghĩa quy y Tam Bảo.
Thứ sáu, truyền thọ Tam quy, Tam kết
Người có duyên lành phát tâm quy y Tam Bảo, nên vận hết tâm thành nghe lời chỉ dẫn từ Giới Sư mà phát nguyện. Nếu tự mình không đọc phát nguyện Tam quy và không xưng tên họ thì quy y bất thành. Do vậy Giới Sư hướng dẫn, giới tử phát nguyện theo:
Đệ tử chúng con tên là… xin suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. (3 lần).
Đệ tử chúng con suốt đời quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi. Quy y Phật rồi, khỏi đọa vào Địa ngục. Quy y Pháp rồi, khỏi đọa vào Ngạ quỷ. Quy y Tăng rồi, khỏi đọa vào Bàng sanh. (3 lần).
Thứ bảy, giới sư khuyên dạy.
Thứ tám, giới sư giảng về phái quy y.
Thứ tám, hồi hướng:
Giới Sư trở lại điện Phật tụng hồi hướng và tam tự quy y. Thỉnh Giới Sư trở về nơi thờ Tổ giới tử dâng lời cảm tạ tri ân. Sau đó thỉnh Giới Sư trở về phương trượng.
Lợi ích của quy y Tam Bảo
Quy y Tam Bảo có nhiều lợi ích khác nhau. Song nhà Phật đưa ra 8 lợi ích cơ bản sau:
- Thành đệ tử Phật.
- Là nền tảng của sự thọ giới.
- Giảm khinh tội chướng.
- Chứa nhóm phước đức rộng lớn.
- Chẳng đọa ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).
- Người và loài chẳng phải người (phi nhân) đều chẳng thể nhiễu loạn.
- Tất cả việc tốt đều sẽ thành công.
- Được thành Phật đạo.
Ích lợi của việc quy y Tam Bảo, trong kinh Phật nói đến rất nhiều, nay chỉ đơn cử một vài ví dụ :
1. Kinh Ưu Bà Tắc giới có nói : Nếu người quy y Tam Bảo thời trong tương lai sẽ được phước báo to lớn không thể cùng tận, ví như có được của báu mà người trong cả nước vận chuyển trong bảy năm cũng không hết được, công đức của việc quy y Tam Bảo còn lớn hơn thế gấp ngàn vạn lần.
2. Kinh Triết Phù La Hán có nói xưa kia có một vị Thiên tử ở cung trời Đao Lợi khi phước trời đã hết, Thiên tử tự biết sẽ bị đầu thai vào loài Heo, rất lấy làm lo sợ liền thỉnh cầu Thiên vương cứu giúp, Thiên vương không cứu được nên khuyên Thiên tử nên đến cầu cứu Phật. Phật dạy Thiên tử quy y Tam Bảo, nên sau khi chết không đọa vào lòai Heo, mà còn được sanh làm người, gặp Xá Lợi Phất học đạo chứng đắc thánh quả.
3. Trong kinh Sát Cách Y Pháp Thiên Tử thọ Tam Quy có nói : Xưa có một vị thiên tử ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên khi phước trời đã tận còn bảy ngày nữa sẽ chết, những sự hoan lạc, những thiên nữ đẹp không còn thân cận, những tướng mạo uy nghi đều đã thay đổi, mùi hôi bốc ra từ thân thể và thiên tử cũng biết rằng sẽ bị đầu thai vào lòai súc sinh, Thiên vương biết được liền dạy thiên tử phát tâm quy y Tam Bảo sau bảy ngày thiên tử vãng sanh, Thiên vương muốn biết thiên tử sanh vào đâu, nhưng không thể quán chiếu thấy được bèn đến hỏi Phật. Phật liền dạy rằng : “Thiên tử nhờ công đức quy y Tam Bảo đã được sanh lên cõi trời Đâu Suất”.
4. Kinh Hiệu Lượng Công Đức có nói : Nếu như có người xây Tháp cúng dường tất cả chư vị Thánh nhân chứng đắc nhị thừa trong Đông, Tây, Nam, Bắc tứ đại bộ châu, công đức tuy lớn nhưng vẫn không thể sánh bằng công đức quy y Tam Bảo.
5. Kinh Mộc Hoạn Tử có nói ngày xưa có vị Tỳ kheo Sa Đẩu chuyên tụng trì danh hiệu của Tam Bảo trong suốt mười năm, chứng đắc sơ quả Tu đà hòan, nay ở tại thế giới Phổ Hương làm vị Bích Chi Phật.
Phật cũng đã từng dạy, nếu người quy y Tam Bảo thì được tứ đại thiên vương, sai 36 vị thiện thần hộ trì, 36 vị thiện thần này còn có trăm ngàn vạn ức hà sa quyến thuộc cũng theo hộ trì người quy y Tam Bảo. Nhưng chúng ta cũng cần biết rằng, mặc dầu quy y Tam Bảo có thể cầu hiện thế bình an nhưng mục đích cuối cùng của việc quy y Tam Bảo vẫn là trở về và làm sống dậy tự tánh Tam Bảo trong mỗi người mới đúng là quy y Tam Bảo chân chánh vậy.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận