Khó có chuyện vua Gia Long lợi dụng 1 bài thơ để trừ khử trung thần Nguyễn Văn Thành

Sử sách còn chép rằng, khi Nguyễn Văn Thành chết, vua Gia Long đã dụ rằng: Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức".

Đỗ Thu Nga
07:00 09/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vụ án của trung thần

Nguyễn Văn Thành (1758 – 1817), là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn đồng thời là một trong những người có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên (vua Gia Long) của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam (1802-1945). Tổ tiên của ông là xứ Thuận Hóa (phủ Triệu Thông, huyện Quảng Điền, tổng Phú Ốc, xã Bác Vọng). Tằng tổ là Nguyễn Văn Toán dời vào Gia Định. Tổ là Nguyễn Văn Tính lại dời đến ở Bình Hòa. Cha ông là Nguyễn Văn Hiền lại dời vào Gia Định. 

Sử sách ghi: "Nguyễn Văn Thành trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ". Nguyễn Văn Thành chính là người bôn ba theo vua Gia Long (Nguyễn Ánh) từ lúc khó khăn nhất cho đến khi giang sơn thống nhất. Thế nhưng cuộc đời vị trung thần ấy lại được nhắc đến nhiều nhất qua nghi án "bài thơ phản".

Nguyễn Văn Thành có con trưởng là Nguyễn Văn Thuyên, đỗ hương cố năm Ất Hợi 1815, vốn là người hâm mộ văn chương, thường làm thơ, ngâm vịnh với kẻ sĩ đương thời. Thời bấy giờ nghe người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, ông Thuyên có làm một bài thơ tặng.

Mộ bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ (ghi chép lịch sử thời vua Gia Long) nhắc đến bài thơ có nội dung sau: Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt - Dành để chiếu bên ta muốn chờ - Vô tâm ôm mãi ngọc Kim Sơn - Tây sành mới biết ngựa Ký Bắc - Thơm nghìn dặm lan trong hang tối - Vang chín chằm phượng hót gò cao - Phen này nếu gặp tể (tướng) trong núi - Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ”.

vua-gia-long-va-vu-an-trung-than-tu-tu-vi-phan-uat-0
Tượng thờ trung quân Nguyễn Văn Thành (phải) và Tả quân Lê Văn Duyệt tại đình Trung Hậu

Bài thơ đó đến tai triều đình, trong đó có cả vua Gia Long. Có lẽ do Nguyễn Văn Thành là một công thần khai quốc nên có không ít người ghen tị. Nhân cơ hội này, những người có hiềm khích với ông đã dựa vào 2 câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn truất ngôi vua của cha con ông.

tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn, (do Dtbooks và NXB Hồng Đức) ấn hành kể lại: “Năm 1814, khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (mẹ của Hoàng thái tử Cảnh - con trai của Nguyễn Ánh) băng hà, nên để chọn người chủ tế trong lễ tang, vua Gia Long đã không tự quyết đoán (mặc dù ông có toàn quyền làm thế), mà ông đưa vấn đề ra để lấy ý kiến quần thần. Trong buổi đình nghị, trung quân Nguyễn Văn Thành có đề nghị chọn con Đông cung Cảnh (đã qua đời năm 1801) làm chủ tế vì đây là dòng chánh, và theo lẽ “đích tôn thừa trọng”. Khi cân nhắc và quyết định, nhà vua đã không nghe theo đề nghị của ông Thành, vì lẽ dù Hoàng tử Đảm (sau là vua Minh Mạng) là con dòng thứ, song đã được bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu nhận làm con nuôi”.

Sử xưa có chép, sau chuyện chọn người chủ tế lễ tang vào năm 1814, Nguyễn Văn Thành vẫn giữ nguyên ý định chọn Hoàn tổn Đán, con trai Hoàng thái tử Cảnh (tức cháu đích tôn của vua Gia Long) làm người kế vị. Trong khi nhà vua giữ quyết định chọn hoàng tử Đảm. 

Theo tác giả Lê Nguyễn: “Vào thời điểm này, vấn đề trở nên phức tạp, vì có sự đan xen giữa vụ án Nguyễn Văn Thuyên, con Trung quân Nguyễn Văn Thành, với việc chọn người kế vị. Và đây cũng chính là tâm điểm của vấn đề. Biết được sự bất như ý của cha, đầu năm 1816, con Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên sinh lòng bất mãn thay cha, khi tiếp môn khách là Nguyễn Trương Hiệu, đã nhờ Hiệu chuyển cho hai người khác một bài thơ mà hai câu cuối được qui là có ý bội nghịch: “…Thử hồi nhược đắc sơn trung tể/Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky” (Sơn tể phen này dù gặp gỡ/Giúp nhau xoay đổi hội cơ này). Vụ việc vô cùng… căng khi Hiệu đem sự tình báo với Thiêm sự bộ Hình Nguyễn Hựu Nghi. Hay tin, Nghi sai Hiệu đem thơ cáo với Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành vừa được gọi về triều để ông Duyệt dâng lên nhà vua. Tuy nhiên, vua Gia Long vẫn bình thản trước điều bất ngờ này, “… vua cho rằng sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về” (Đại Nam thực lục – tập 1).

Đến tháng 3 âm lịch năm 1816, vua Gia Long cho sai Thượng thư Trịnh Hoài Đức viết chỉ dụ lập Hoàng tử Đảm làm Thái tử rồi đưa cho quần thần xem, ai đồng ý thì ký tên vào (Sđd trang 920). Đến đây thì gần như mọi người đều ký tên vào. Riêng chỉ dụ lại không đến tay Nguyễn Văn Thành được vì ông không còn được vào chầu nữa.

Vào tháng 4 âm lịch năm 1816, triều thần đem vụ án Nguyễn Văn Thuyên ra xét và xin hạ ngục Nguyễn Văn Thành. Nhưng vua Gia Long không đồng ý, chỉ thu ấn Trung quân rồi cho ông về nhà riêng. Song dựa vào lời khai của Lê Duy Hoán, con cháu nhà Lê cũ đề nghị trị tội Nguyễn Văn Thành cho nên vào tháng 5 âm lịch năm 1817, tức hơn một năm sau vua Gia Long mới xuôi theo, ra lệnh bắt giam Thành. 

Nhận thấy cả triều đình chống lại mình, Nguyễn Văn Thành quá phẫn uất nên đã về nhà uống thuốc độc tự tử. Sau này có một số ý kiến thông qua câu chuyện này để suy diễn, cho rằng, vua Gia Long lợi dụng vụ án Nguyễn Văn Thuyên để trừ khử trung quân do ông dám "phản đối" việc lập Hoàng tử Đảm làm Thái tử trước đấy.

Vua Gia Long không muốn giết trung thần

Như đã nói, từ vụ việc Nguyễn Văn Thành tự vấn, một số người suy diễn rằng, vua Gia Long lợi dụng vụ án Nguyễn Văn Thuyên để trừ khử trung thần do ông phản đối Hoàng tử Đảm làm thái tử. Thực hư hoài nghi này ra sao?

Nghiên cứu Lê Nguyễn phân tích rất rõ về vai trò của vai Gia Long ở câu chuyện này rất rõ trong sách Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn (do Dtbooks và NXB Hồng Đức) vừa ấn hành: “Mặc dù ý kiến của Nguyễn Văn Thành về việc chọn người chủ tế lễ tang bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu không được vua Gia Long chấp thuận, song trong lễ di quan và an táng diễn ra vào tháng 3 ÂL 1815 (lễ tang kéo dài hơn 1 năm), vua Gia Long vẫn cử ông làm Tổng bộ sứ, chỉ huy toàn bộ việc di quan và an táng bà hoàng hậu. Đến tháng 9 ÂL năm đó, Hữu quân Quận công Phạm Văn Nhơn chết, nhà vua cũng giao ông Thành lo việc tang. Điều này cho thấy vua Gia Long không hề chấp nhất việc Nguyễn Văn Thành đề xuất ý kiến khác với mình”.

Còn nếu lấy lý do về nghi án "bài thơ phản" của Nguyễn Văn Thuyên thì hoàn toàn bất ngờ đối với vua Gia Long. Bởi vì khi được Tả quân Lê Văn Duyệt báo lên, nhà vua vẫn giữ thái độ bình tĩnh. Vua cho rằng, sự trạng chưa rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về". Vì: “Nếu muốn nhân chuyện bài thơ để trừ khử Nguyễn Văn Thành, sao nhà vua không chụp ngay cơ hội mà còn trù trừ?”, tác giả Lê Nguyễn đặt nghi vấn.

Từ đó, bằng những tư liệu trong Đại Nam thực lục (tập 1), nhà nghiên cứu đi vào giải thích: "Khi vụ bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên vừa nổ ra, một số quan lại đã tỏ thái độ "bảo hoàng hơn vua", xúm lại tố Nguyễn Văn  Thành, trong đó có Ký lục Quảng Trị tên Nguyễn Duy Hòa. 

vua-gia-long-va-vu-an-trung-than-tu-tu-vi-phan-uat-5
Vua Gia Long

Cụ thể, tháng 2 âm lịch (năm 1816), nhân Lễ tế Nam Giao, bộ Lễ tâu xin không cho Nguyễn Văn Thành dự vì đang là người có tội, vua Gia Long đã dụ rằng: 'Văn Thành là người trọng thần của nước, con là Văn Thuyên dù có càn bậy, nhưng việc còn mờ tối, há nên nghe thuyết một bên mà vội xa bề tôi huân cựu sao?' ". Khi đó, dù xảy ra nhiều việc lùm xùm nhưng nhà vua ra lệnh vẫn cho Nguyễn Văn Thành dự lễ bình thường.

Sách đã dẫn của tác giả Lê Nguyên cho biết thêm: "Tháng 4 âm lịch (năm 1816), vụ án Nguyễn Văn Thuyên tiếp diễn, vua sai Lê Văn Duyệt tra hỏi, Thuyên nhận tội. Một số quan lại xin hạ ngục Nguyễn Văn Thành, song 'vua nói: Văn Thành vốn là kẻ có tội; nhưng thể thống đối với đại thần, cũng nên có cách xử trí', bèn sai thu ấn và khiến về ở nhà riêng”. Tháng 6 ÂL nhuận 1816, tiếp tục vụ án Nguyễn Văn Thuyên, đình thần đề nghị xử Nguyễn Văn Thành tội chết, vua Gia Long thấy chưa thỏa đáng, yêu cầu bàn lại. Tháng 10 ÂL 1816, một chuyện quan trọng xảy ra: một kẻ tên Hữu lấy trộm ấn Tả quân của Lê Văn Duyệt rồi khai là do Nguyễn Văn Thành sai biểu. Nếu muốn trừ khử Nguyễn Văn Thành một cách chính danh thì đây là cơ hội tốt nhất, song “vua cho Hữu nói trước sau không đúng, lại không có căn cứ, không muốn xét kỹ sợ liên lụy cho người, bèn sai giết Hữu và bỏ việc ấy đi”.

Nếu căn cứ vào các tư liệu trên thì có thể thấy rằng, mỗi chuyển biến của vụ án Nguyễn Văn Thuyên, vua Gia Long đều có quyết định sau cùng nhẹ hơn  đề nghị của đình thần. 

 "Lúc nhận được đề nghị tống giam Nguyễn Văn Thành thì nhà vua chỉ quyết định thu ấn trung quân, cho về nhà riêng, khi họ đề nghị xử tử Nguyễn Văn Thành thì Gia Long yêu cầu bàn lại và sau đó chỉ quyết định tống giam. Vì vậy không thể nói là nhà vua chỉ vì chuyện bài thơ Nguyễn Văn Thuyên mà tìm cách trả thù người thuộc hạ của mình", tác phẩm mới của tác giả Lê Nguyễn nhận định.

Và theo bài viết "Vụ án của trung thần và nước mắt tiền nhân" trên báo Tuổi trẻ cũng có viện dẫn như sau: Sau khi Nguyễn Văn Thành chết, việc được tâu lên vua. Vua liền triệu Hoàng Công Lý hỏi rằng: “Văn Thành khi chết có nói gì không?”. Công Lý đem hết lời Thành nói thưa lên. Vua giận nói rằng: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”.

Bỗng có quân lại nhặt được tờ di chiếu trần tình của Văn Thành ở nhà quân đem dâng. Vua cầm tờ biểu khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.

Vụ án Nguyễn Văn Thành khép nhưng để lại những dấu hỏi lớn trong triều đình. Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, còn con trai của ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị trảm quyết.

(T/h Thanh Niên, Tuổi Trẻ)

Xem thêm: Vùng đất linh dị có 'huyệt đạo đế vương' được vua Gia Long xin từ 'quỷ thần': Giai thoại và sự thật!

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận