Kiến thức văn học [P1]: Vì sao tác phẩm văn học phải có nhân vật điển hình?

Trong Tắt đèn, Ngô Tất Tố xây dựng nhân vật điển hình là chị Dậu. Vậy, nhân vật điển hình là gì và vì sao tác phẩm văn học cần có nhân vật điển hình?

Đỗ Thu Nga
10:30 12/01/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhân vật điển hình là gì?

Điển hình là hình tượng nghệ thuật đặc sắc, độc đáo được miêu tả sinh động, hấp dẫn, khái quát được những nét bản chất nhất, quan trọng nhất của con người và đời sống.

Nhân vật điển hình là kiểu nhân vật tiêu biểu, có những nét nổi bật, mang nét chung khái quát cho một loại kiểu nhân vật. Nhân vật được coi là điển hình nếu nó tiêu biểu đại diện cho nhiều người có cùng nét tính cách, cuộc đời, số phận giống nó. Có thể nói, nhân vật điển hình là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân vật mang tính cụ thể, vừa không lặp lại nhưng vẫn mang những phẩm chất, đặc điểm chung để có thể trở thành đại diện tiêu biểu cho con người trong xã hội. Nói như nhà văn Nga Tuốc-ghê-nhi-ép: “Điển hình là con người cụ thể của một thời.”.

Cơ sơ của điển hình nghệ thuật là điển hình xã hội. Theo cách hiểu truyền thống, điển hình phải được cấu tạo sao cho có thể phản ánh một loại hiện tượng nào đó của đời sống. Vì thế điển hình luôn gợi ra hiện tượng của nó, làm liên tưởng tới cái tương tự ở ngoài đời. Nhân vật điển hình thường khái quát số phận và tính cách của một loại người, một tầng lớp hay một giai cấp.

Chị Dậu (Ngô Tất Tố, Tắt đèn) là điển hình về số phận và tính cách của người phụ nữ nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Cũng có khi nhân vật điển hình khái quát một loại hiện tượng xã hội nổi bật, phổ biến trong đời sống tinh thần của một dân tộc ở một thời điểm lịch sử cụ thể, chẳng hạn điển hình “con người thừa” trong văn học Nga thế kỷ XIX.

Vi-sao-tac-pham-van-hoc-phai-co-nhan-vat-dien-hinh

Nhân vật điển hình còn có thể khái quát một loại tư tưởng, một loại ý thức tồn tại phổ biến trong xã hội. Các nhân vật “quỷ sứ” như Man-phơ-rết, Ca-in, Lu-xi-phe của Bai-rơn, Giăng Van-giăng, Gia-ve của Huy-gô, Pi-e, An-đơ-rây của L. Tôn-xtôi; Ra-xcôn-ni-cốp của Đốt-xtôi-ép-xki, nhân vật người điên trong Nhật kí người điên của Lỗ Tấn, Hoàng trong Đôi mắt của Nam Cao là những nhân vật điển hình.

Nhưng điển hình nghệ thuật không đồng nhất với điển hình xã hội. Điển hình xã hội không thể là cái cá biệt, Về bản chất, điển hình nghệ thuật cũng không phải là cái cá biệt, nhưng bên cạnh nội dung của loại, nó lại đồng then là cái cá biệt, là “một cá tính xác định”. Nói một cách khái quát, điển hình nghệ thuật là sự thống nhất cao độ, hoàn mĩ giữa tính khái quát tập trung và tính cá thể sinh động. Chính vì thế, khi xây dựng nhân vật điển hình, nhà văn phải phát hiện những chi tiết cá biệt, độc đáo, không lặp lại để làm nổi bật những nét, những tính cách quan trọng, những quan hệ tiêu biểu trong đời sống.

Ví dụ : Cái mặt đầy sẹo, những cơn say triền miên, những cuộc rạch mặt ăn vạ, “mối tình” với Thị Nở, nỗi buồn khi tỉnh rượu và cuộc trả thù đẫm máu của Chí Phèo là những gì rất cá biệt. Tính cách của Chí Phèo cũng rất độc đáo, có một không hai. Chí Phèo vừa là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, lại vừa là con người khao khát yêu thương, vừa là công cụ nguy hiểm trong tay giai cấp thống trị, lại vừa là người nô lệ thức tỉnh, vừa là thằng cuồng, là gã mất trí, lại vừa là kẻ có khối óc sáng sủa nhất làng Vũ Đại khi Chí biết đặt ra những câu hỏi sắc sảo vượt ra ngoài tầm khôn ngoan, lọc lõi của Bá Kiến. Nhưng nhờ có những nét cá biệt, độc đáo nói trên mà hình tượng Chí Phèo làm nổi bật tất cả những gì gọi là tủi nhục nhất của người nông dân ở xứ thuộc địa.

Nhân vật điển hình là hiện tượng nghệ thuật phổ biến, có thể tìm thấy trong những sáng tác ưu tứ thuộc mọi thời đại. Tuy nhiên, mức độ, ý nghĩa phổ biến và sức mạnh nghệ thuật của các điển hình không phải bao giờ cũng như nhau. Trong văn học cổ đại và trung đại, trong sáng tác của chủ nghĩa cổ điển hình tượng điển hình chủ yếu khái quát những thuộc tính của loại. Phải đến thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện thực mới sáng tạo được những điển hình đầy đặn, hoàn chỉnh và mang nội dung cụ thể – lịch sử sâu sắc.

Trong các thể loại văn học, nhân vật điển hình có hình thức thể hiện cụ thể khác nhau, ở thơ trữ tình điển hình thể hiện ở cảm xúc và tâm trạng. Trong trường hợp này, ta có thể nói tới tâm trạng điển hình, tình cảm điển hình,… Ở các thể loại tự sự, điển hình lại biểu hiện tập trung ở nhân vật và hoàn cảnh. Trong trường hợp này lại có thể nói tới nhản vật điển hình, tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình,…

Nhân vật điển hình là kết quả sáng tạo, là kết tinh của tài năng, kinh nghiệm nghệ thuật phong phú, vốn sống dồi dào, nhận thức sâu sắc của nghệ sĩ, bắt nguồn sâu xa từ hiện thực khách quan, từ niềm tin vào cuộc sống và khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện của quần chúng trong lịch sử. Do đó, điển hình luôn luôn là hình tượng nghệ thuât bất tử.

Nhân vật siêu điển hình là gì?

Siêu điển hình còn gọi là hình tượng vĩnh cửu. Nhân vật siêu điển hình vô cùng đặc sắc và phổ biến, có ý nghĩa toàn nhân loại (ví dụ: Prô-mê-tê, Ca-in và A-ven, Mê-phi-tô-phi-lê và Phau-xtơ, Ham-lét, Đông Gioăng, Đôn Ki-hô-tê, Tào Tháo, Gia Cát Lượng, AQ, Kiều, Chí Phèo,…). Vì nội dung thế giới quan, đạo đức và ý nghĩa toàn nhân loại sâu sắc vượt ra ngoài phạm vi đã sản sinh ra chúng mà chúng có một giá trị thẩm mỹ không bị lỗi thời.

Nhiều nhân vật siêu điển hình được cảm nhận như những biểu hiện tượng trưng của các thuộc tính của tinh thần nhân loại : khao khát chứng kiến và hành động, tự nhận thức, hoài nghi, tình yêu cái thiện,… Mỗi thời đại mới đem đến một cách cắt nghĩa mới đối với nhân vật siêu điển hình do tính đa nghĩa tiềm tàng của bản thân nó.

Vi-sao-tac-pham-van-hoc-phai-co-nhan-vat-dien-hinh-7

Chẳng hạn, Đôn Ki-hô-tê của Xéc-van-téc đã được cắt nghĩa khác nhau như là nhân vật hài hước, châm biếm, hay như nhân vật bi kịch. Hình tượng kẻ quyến rũ, một hình tượng phổ biến nhất trong văn học châu Âu lại có các biến tướng ở các thời đại khác nhau ; từ dạng hết sức tiêu cực (như Xa-tăng, kẻ hiện thân cho hỗn loạn và liều lĩnh trong văn học Nga cổ) đến dạng được biện bạch, bào chữa (như quỷ sứ trong trường ca của M. Léc-man-tốp).

Nhiều nhân vật siêu điển hình được sáng tạo lại dưới ngòi bút của tác giả đời sau mà vẫn mang nguyên tên chúng, ví như Ham-lét trong thơ Bơ-lốc Pa-séc-nác, M. Xvê-ta-ê-va, Ham-lét huyện Si-grốp, Ham-lét và Đôn Ki-hô-tê của I. Tuốc-ghê-nhép, Đông Gioăng trong Người khách đá của Pu-skin.

Nói chung, bất cứ hình tượng văn học nào của thời trước được đời sau cảm nhận như là hiện thời đều có tính chất siêu điển hình. Tuy vậy, người ta chỉ gọi là siêu điển hình các hình tượng đã trở thành danh từ chung, thường được nhắc nhở như là điển cố, được sáng tạo thường xuyên.

Xem thêm: Xuân Quỳnh - Cánh chuồn trong giông bão

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận