Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ

"Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ" - để tạo ra 1 tác phẩm như thế rất cần người nghệ sĩ an chính là 1 nhà nhân đạo từ trong cốt tủy.

Đỗ Thu Nga
10:30 05/01/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Có ý kiến cho rằng: "Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ". Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên?

BÀI VIẾT THAM KHẢO:

“Nghệ thuật là sự vươn tới, sự níu giữ mãi mãi. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tình nhân đạo” (Nguyên Ngọc). Văn học lấy con người làm trung tâm và ý nghĩa thực sự của nó là nhân đạo hóa con người. Nhà văn phải hòa mình vào cuộc sống người dân, phải thấu hiểu, đồng cảm với nỗi thống khổ mà họ phải gánh chịu đồng thời sẻ chia, trân trọng niềm vui, nét đẹp tâm hồn họ. Chỉ có như thế, tác phẩm văn chương mới đạt giá trị đích thực, sống bất tử trong lòng người đọc. Có lẽ vì thế Lâm Ngũ Đường cho rằng: “Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ”.

Văn chương là hệ thống tác phẩm nghệ thuật bao gồm: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết,.. được sáng tác nên nhờ bàn tay sáng tạo, nhào nặn của nghệ sĩ và hướng đến con người. Nói ‘bất hủ” là nói đến giá trị bất biến, sự tồn tại, phát triển lâu dài của tác phẩm văn chương. “Huyết lệ” là từ Hán Việt chỉ máu và nước mắt, ở nhận định trên là “huyết lệ” của người cầm bút. “Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ” mang nghĩa những tác phẩm nghệ thuật đích thực xưa nay đều được viết bằng máu và nước mắt của nghệ sĩ. Câu nói khẳng định bản chất, quy luật của sáng tạo văn chương: tác phẩm văn học giá trị, mang sức sống lâu bền, được tạo nên bằng tâm huyết, tấm lòng nhân đạo của người cầm bút.

Van-chuong-bat-hu-co-kim-deu-viet-bang-huyet-le

Trong bất kỳ thời đại nào, con người luôn là đối tượng trung tâm của văn học . Nói như Các Mác “lấy con người làm đối tượng miêu tả chủ yếu,văn học có điểm tựa vững chắc nhìn ra toàn thế giới “ văn chương bắt nguồn từ cuộc sống và người nghệ sĩ từ hiện thực ấy phải làm sao biến thành những đứa con tinh thần riêng của mình-hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Điều đó đòi hỏi nhà văn phải biết rung cảm trước cuộc đời: với một tâm hồn hồn nhạy cảm, nhà văn thâm nhập vào đối tượng với một con tim nóng hổi giàu tình cảm để cảm nhận cái đối tượng khách quan ấy; sau đó biến nó thành cái chủ quan riêng thông qua cái nhìn của chính mình: “tưởng như chính mình sinh ra cái khách quan ấy”. Bởi lẽ gốc rễ của văn chương là tình cảm, nghĩa là người nghệ sĩ phải rung cảm biết sống mãnh liệt và hòa mình vào hiện thực xã hội, phải sẵn sàng hi sinh vì nghệ thuật, sáng tạo và “cho máu”. Không chỉ rung động khơi dậy cảm xúc trước những sự việc trong cuộc sống, nghệ sĩ cần có tấm lòng chan chứa tình yêu thương, phải đồng cảm với những nỗi đau và sẻ chia trước những bi kịch của con người. Bởi thế, tư tưởng càng sâu sắc mãnh liệt thì tác phẩm càng có giá trị. Leptonxtoi khẳng định: “một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Tóm lại văn học chân chính phải là thứ văn chương vị đời, nhà văn chân chính phải là nhà văn vì con người, tác phẩm mới đạt tới tầm nhân bản.

Tác giả Thạch Lam Có lẽ là một điển hình tiêu biểu cho những tác phẩm trong nền văn xuôi lãng mạn Việt Nam và Hai đứa trẻ là bước phát triển lớn của ông thể hiện rõ giá trị nhân đạo sâu sắc. Trước hết, truyện thể hiện niềm thương cảm yêu mến, sẽ chia đồng điệu của nhà văn dành cho những kiếp người nhỏ bé, chịu ít nhiều thiệt thòi trong xã hội cũ. Bối cảnh của Hai đứa trẻ là không gian phố huyện buồn tẻ, đan xen giữa làng quê – thành thị. Những khung cảnh nơi đây mang cảm giác yên bình, nhẹ nhàng nơi làng quê là chủ yếu: “Chiều, chiều rồi! Một chiều mùa hạ êm như ru và thoảng qua gió mát, với dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên bầu trời”. Khung cảnh đậm chất thơ trữ tình này như gợi nhiều hơn nữa không khí buồn bã, heo hắt, đơn điệu của cuộc sống nơi đây. Nhân vật Liên, nhân vật chính trong truyện mang đầy xúc cảm và tư tưởng dù chỉ mới 12 tuổi. Liên ngồi lặng bên mấy quả thuốc sơn đen và nỗi buồn của buổi chiều quê như thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; không chỉ có Liên, số phận của lũ trẻ xơ xác và những người lao động nghèo như: mẹ con chị Tí, gia đình bác Xẩm ở đây cũng nhạt nhòa dần trong bóng tối. Ngoài cuộc sống chán chường, vô vị ban sáng; tối đến học tập trung lại Phố huyện như để bắt đầu một cuộc sống thứ 2 trong bóng tối: một cách để hướng ra ánh sáng. Tất cả cùng chờ đợi một điều gì đó mới mẻ khác lạ so với cảnh đời buồn tẻ, quẩn quanh tù túng của cái ao đời phẳng lặng hàng ngày họ nếm trải. Thạch Lam không chỉ thấu hiểu, thông cảm mà còn rung lên hồi chuông cảnh tỉnh: hãy quan tâm nâng đỡ những con người bé nhỏ tội nghiệp đang dần bị xã hội lãng quên và vùi dập trong tăm tối; họ có thể vô danh nhưng đừng để họ trở nên vô nghĩ.

Van-chuong-bat-hu-co-kim-deu-viet-bang-huyet-le0
Nhà văn Thạch Lam

Ngoài việc đồng cảm, sẻ chia sâu sắc với cảnh tượng nơi Phố huyện, Hai đứa trẻ còn khẳng định, đề cao, trân trọng những ước mơ hạnh phúc khát vọng đổi đời của những người sống lặng lẽ trong bóng tối. Những tưởng con người dần mất đi niềm tin vào sự sống, ấy thế mà, “chừng ấy người trong bóng tối mong ước một cái gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Khoảnh khắc chờ đợi chuyến tàu đêm chính là tia sáng lẻ loi trong cuộc đời họ. Ánh sáng từ đoàn tàu đã tới nhưng ánh sáng thực sự, hạnh phúc thực sự thì mãi vẫn tồn tại trong tâm tưởng mà không biết khi nào mới thành hiện thực. Con tàu với những toa hạng sang, với đèn sáng trưng, đồng và kền lấp lánh và tiếng còi rít lên rầm rộ như mang theo cả một thế giới khác đối lập với cái phố huyện tăm tối, tĩnh lặng. Ước mơ hy vọng về một tương lai tươi sáng hạnh phúc giàu sang thật đáng trân trọng! Thạch Lam đem đến cho người đọc khát vọng yêu thương và tin tưởng vào cuộc sống. Hai đứa trẻ đã chứa đựng cả cái tâm lẫn cái tài của nhà văn lãng mạn Thạch Lam dành cho con người, quê hương đất nước mình, nó được viết nên bởi những ‘huyết lệ” chân thực nhất của tác giả

Nhà văn lấy con người làm trung tâm mọi thời đại nên họ có thể cảm nhận những gì vô cùng tinh tế, phức tạp trong đời sống cũng như thế giới tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của chính con người. Điển hình như trong các tác phẩm thơ của Hồ Xuân Hương ngang tàn bứt phá nhưng khơi gợi, được sự đồng điệu, sức lan tỏa vô cùng lớn. Tiếng thở dài chua chát của nhân vật trữ tình trong bài thơ “Tự Tình 2” của nữ sĩ được cất lên từ sự thấu cảm trước thân phận éo le làm lẽ của kiếp người phụ nữ trong xã hội phong kiến:

“Đêm khuya vắng vắng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Đêm khuya là khoảng thời gian vắng lặng yên tĩnh. Đó cũng là lúc con người sống thật với bản thân mình nhất, bộc bạch những suy tư trăn trở về bản thân cũng như cuộc đời. Tiếng trống canh dồn văng vẳng càng làm nổi bật cái tỉnh, cái trống trải của đêm khuya. Bà Chúa thơ Nôm cảm nhận rất tinh tế sự cô đơn rợn ngợp trước thời gian, bởi trong bước đi dồn dập ấy còn chưa đựng ít nhiều sự phá hủy; đồng thời là tâm trạng rối bời, bế tắc, không lối thoát của người phụ nữ. Nữ sĩ không sao thoát được cái cảm giác xót xa, lẻ loi bẽ bàng trước duyên phận éo le, ngang trái:

“Trơ cái hồng nhan với nước non”

Một câu thơ rất Hồ Xuân Hương! Trong câu thơ có cả nỗi đau và bản lĩnh của người nữ sĩ. “Trơ cái hồng nhan” là nỗi đau Xuân Hương nhưng ‘trơ cái hồng nhan với nước non” lại là bản lĩnh, là phong cách Xuân Hương. Nỗi đau bể bàng tủi hổ của người con gái khi duyên tình ngang trái được bộc lộ trong chữ “trơ” đầy ấn tượng. Với nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh từ “cái” khiến cho hồng nhan thêm rẻ rúng, mỉa mai. Đó chính là sự thách thức, thách đố của người con gái.

 “Nếu thơ là điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu” thì thơ Hồ Xuân Hương cũng là một “điệu hồn” đồng cảm, sẻ chia đối với cuộc đời khi thân phận éo le, tủi hổ của người phụ nữ trong Kiếp chồng chung. Vượt lên trên sự đồng điệu, tác phẩm của Hồ Xuân Hương còn trân trọng, đề cao vẻ đẹp tâm hồn cùng khát khao bứt phá phải vùng lên để đạt được hạnh phúc của người phụ nữ;

“Xuyên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Nghệ thuật đảo ngữ “xiên ngang, đâm toạc” được đặt lên đầu câu nhấn mạnh sự ngang tàn, phá phách của bà Chúa thơ Nôm. Hơn nữa nghệ thuật tương phản giữa “rêu, đá”- “xiên ngang mặt đất-đâm toạc chân mây” càng nhấn mạnh nỗi phẫn uất đến cực độ mạnh mẽ của “rêu, đá” tràn đầy sức sống như muốn vạch đứt, vạch trời ra mà hờn oán, không chỉ là phãn uất, đây chính là sự phản kháng . Câu thơ thể hiện một Xuân Hương bướng bỉnh ngang tàn không chịu khuất phục dù trong trạng thái đau khổ vẫn không làm mờ đi cá tính độc đáo của bà Chúa thơ Nôm. Có thể nói ngoài giá trị hiện thực thì giá trị nhân đạo cũng góp phần không nhỏ vào việc làm nên sức sống lâu bền cho một tác phẩm. Và Tự Tình 2 chính là cả tấm lòng, tâm huyết của nữ sĩ Hồ Xuân Hương gửi gắm và trong tác phẩm của mình.

Tuy nhiên nếu chỉ đề cao “huyết lệ” nhà văn thì chưa thực sự khách quan bởi lẽ hình thức nghệ thuật độc đáo cũng đóng góp quan trọng tạo nên sự bất tử hóa tác phẩm văn chương.  Nếu huyết lệ, tâm huyết tạo nên nội dung tư tưởng sâu sắc thì sức sáng tạo sẽ làm nên hình thức nghệ thuật đặc sắc, lôi cuốn. Hai yếu tố ấy hòa quyện vào nhau làm nên một tác phẩm hoàn hảo thống nhất. Nhận định trên vô cùng xác đáng khi nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học, nó đòi hỏi nhà văn trải qua lòng mình trước cuộc đời, cống hiến trọn vẹn nhiệt huyết và tấm lòng của mình vào trong tác phẩm. Có như thế người đọc mới dễ cảm nhận, thấu hiểu những tâm huyết tình, cảm của tác giả thông qua tác phẩm.

“Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ” và để tạo nên những tác phẩm văn chương bất hủ như thế rất cần người nghệ sĩ chân chính là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy. Không khó để nhà văn gửi gắm tâm huyết xúc cảm của mình về cuộc đời vào trong tác phẩm, chỉ cần họ sống hòa mình vào cuộc sống của nhân dân và “có một trái tim, một dòng máu nóng để yêu thương, cảm thông và chia sẻ".

Xem thêm:

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận