Tu tâm chính là cốt lõi của việc tu hành

Tu tại gia hay tu ở chùa thì điều quan trọng nhất chính là cái tâm của ta, đúng như câu người xưa vẫn nói "Phật tại tâm".

Đỗ Thu Nga
06:00 04/01/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dân gian có câu "thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Câu nói ấy thường được hiểu là cách "xếp hạng" mức độ khó trong quá trình tu tập. Khó nhất là tu tại nhà, đó là tu ở nơi mình sinh sống, tu trong chính bản thân mình. Tu ở chợ, tức là chốn đông người, nằm ở mức độ khó thứ 2. Còn lại, tu chùa là dễ nhất vì đây là môi trường quá tuyệt vời để tu tập.

Thực tế, câu nói ấy tuy cần phải xem lại sự chính xác của ý nghĩa, nhưng tựu chung, đó là câu "nói quá" nhằm cho thấy, tu tại gia, rộng hơn là tu tại tâm là điều mà mỗi Phật tử cần đặc biệt quan tâm, dành tâm sức bởi đó là điều cần thiết trong hành trình tu tập, cũng là điều không dễ thực hiện.

Tu-tam-chinh-la-cot-loi-cua-viec-tu-hanh-7
Mỗi Phật tử sống đúng chánh pháp đều có một ngôi chùa trong trái tim mình

Trong cuộc sống, ta thường bắt gặp các trường hợp như: Người rất thích đi chùa, rất trọng việc cúng kiếng, nghe đâu có chùa đẹp, Phật thiêng là tới, vẫn tin tưởng mình là "đứa con" chân chính của Phật. Nhưng trong đời thực, những người này lại rất vọng động, tham sân si đủ cả... Như thế thì làm sao có thể gọi là thực tâm tu hành, hướng Phật?

Có những trường hợp, coi việc "ăn chay niệm Phật" là cách thể hiện mình là Phật tử chân chính. Song nếu người ăn chay, niệm Phật mà đời sống không tu dưỡng đạo đức, làm ra những hành vi tệ hại, thì ăn chay cũng có ý nghĩa gì. 

Có không ít những cuộc khẩu chiến của những người “thuần chay” đối với người không ăn chay đã nổ ra, trong đó, nhiều Phật tử thuần chay đã buông những lời rủa xả, chỉ trích kịch liệt đối với người không ăn chay. Với cái tâm đầy phân biệt, thiếu độ lượng như thế, thì chắc hẳn đã không đúng với giáo pháp của Phật rồi.

Ngược lại, rất nhiều người, dù không đi nhiều chùa, không cúng, cầu nhiều và cũng không thường thể hiện ra bên ngoài mình là Phật tử, thậm chí cũng không phải Phật tử, nhưng với phẩm chất đạo đức tốt đẹp, thường xuyên được tu dưỡng, đã có một đời sống chuẩn mực, tốt đẹp và hạnh phúc, đó chính là đã sống đúng chánh pháp rồi.

Tu-tam-chinh-la-cot-loi-cua-viec-tu-hanh-9

Thực tế có những Phật tử tu hành rất nhiệt tình, siêng năng lễ chùa, làm công quả... Tuy nhiên, việc nhà lại bỏ bê, chồng con, vợ con không chăm sóc, gia đình ngày càng xa cách, rạn nứt, khiến bạn đời bực tức, khiến con không được giáo dục đúng cách, đó cũng không phải là người Phật tử chân chính.

Hòa thượng Viên Minh, Trụ trì Tổ Đình Bửu Long đã chia sẻ, mỗi Phật tử cần thực hành lời dạy của Phật ở mọi hành động trong đời sống. Người Phật tử cũng cần phải hoàn thành những trách nhiệm, nghĩa vụ, công việc của mình trong cuộc sống hàng ngày, chăm sóc gia trình trọn vẹn. Còn nếu chỉ hướng đến việc chùa, chiền, kinh sách mà bỏ quên những nghĩa vụ phải có, bỏ bê gia đình thì không phải là một Phật tử chân chính.

Trong kinh Phật cũng có nhắc đến lời dạy của Phật về người Phật tử tu tại gia. Trong đó, người Phật tử tại gia cần thực hiện những bổn phận và trách nhiệm như sau:

- Thứ nhất là bổn phận với chính mình. Đó là sự tu tâm dưỡng tánh, để cho thân tâm được an lạc, bình yên hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. 

- Thứ hai là bổn phận đối với gia đình, người thân. Người Phật tử ngay tại gia đình mình phải góp phần giúp gia đình được hạnh phúc chứ không chỉ “tu” cho riêng bản thân mình, bằng cách hiếu thảo cha mẹ, đối đãi chân thành, tốt đẹp, công bằng, tròn đầy, giữ gìn hòa khí để gia đình luôn có niềm vui.

Tu-tam-chinh-la-cot-loi-cua-viec-tu-hanh-1

Tu tại gia chính là việc đề cao sự nỗ lực tự thay đổi từ bên trong của mỗi ngày. Thay vì hướng đến cầu xin bên ngoài. Tuy nhiên, mỗi một người, trong cuộc sống của mình sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề: Mưu sinh, sự cám dỗ, dục vọng, cái xấu, cái ác, sự tha hóa, thỏa hiệp... và cả nghịch cảnh. Trong xã hội ngày nay, khả năng làm chủ bản thân của mỗi người trở nên mong manh vì bị kẹt trong nhiều hệ lụy và các sự ràng buộc chằng chịt với nhau, khiến việc tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý chí mạnh mẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ...

Nếu không có ý chí, không có trí huệ thì khó vững tâm trên con đường tu tập. Để tu tại gia, tu tâm theo đúng chánh Pháp, người ta cần phải có sự hiểu biết đúng đắn và chân chính về giáo lý đức Phật, và cần đến sự “khai thị” của các bậc tu hành chân chính. 

Một người Phật tử thuần thành, thấu hiểu kinh tạng, thì lúc ấy, đối với họ, điều quan trọng cốt lõi là hướng vào tu tâm. Kinh pháp cũng luôn nhấn mạnh về cái tâm, tu chính ở cái tâm. Kinh Hoa nghiêm có nói “nhất thiết duy tâm tạo”. Nghĩa là mọi thứ đều do tâm mình tạo ra. Nếu tâm thanh bình thì thế giới được thanh bình. Tâm con người mà vọng động, thì thế giới này cũng vọng động. 

Nếu đúc kết về việc tu hành theo đạo Phật một cách ngắn gọn, thì có thể khái quát trong 4 câu thơ sau: 

Không làm các điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Giữ tâm ý thanh tịnh

Là lời chư Phật dạy.

Tu tâm chính là cốt lõi trong việc tu hành, cũng chính là cách tu gian khó nhất nhưng là con đường mà nhất thiết mỗi Phật tử chân chính phải đi qua.

Chùa không ở xa xôi ngoài kia, Phật cũng không ở trên cao vời vợi. Nếu hướng Phật, tu đúng chánh pháp, thực hành lời Phật dạy thì trong trái tim mỗi người đều đã có một ngôi chùa, trong tâm mỗi người đã có Phật rồi.

Xem thêm: Gợi ý 8 bộ kinh Phật thường tụng và ý nghĩa cơ bản của từng bộ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận