Tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Triết lý giáo dục đó là hai chữ "nhân bản"
Theo quan điểm của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một phương diện tối quan trọng của triết lý giáo dục, đó là hai chữ "nhân bản".
Như đã đưa tin, ông Nguyễn Kim Sơn đã được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kế nhiệm ông Phùng Xuân Nhạ. Sau khi trở thành người đứng đầu Bộ GD&ĐT, ông Sơn đã có buổi trao đổi với tờ VnExpress trao đổi về định hướng ngành giáo dục trong thời gian tới.
Theo tờ VnExpress, tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm thấy khá áp lực. "Áp lực này từ nhiều phía, Đó là sự kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân và xã hội. Áp lực còn đến từ phía bản thân tôi vì tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải hoàn thành tốt trọng trách được giao phó".
Trong cuộc trao đổi với tờ VnExpress, tân Bộ trưởng chia sẻ rất nhiều nội dung liên quan đến hướng phát triển của ngành giáo dục trong thời gian tới. Trong số đó, tân Bộ trưởng thẳng thắn chia sẻ về triết lý giáo dục của mình.
Khi được tờ VnExpress đặt câu hỏi: "Triết lý giáo dục mà ông theo đuổi là gì?" Tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời: "Về tư tưởng, định, hướng, quan điểm chỉ đạo thì các địa hội gần đây của Đảng đã nêu đầy đủ, nhất quán, việc của chúng ta là tập trung triển khai. Nhưng nếu nói về triết lý giáo dục thì tân Bộ trưởng cho rằng: "Vấn đề lớn và khó, không thể nói đôi lời mà xong, không thể nói thoáng qua, mà cần sự tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng".
"Tuy nhiên, tôi có nghĩ tới một phương diện tối quan trọng của triết lý giáo dục, đó là hai chữ 'nhân bản'. Yếu tố 'nhân bản' phải thể hiện, chi phối trong mọi tinh thần, chỉ đạo, chính sách, hành động, cử chỉ, phương pháp, tài liệu. Tinh thần "nhân bản" phải làm nền cho tất cả, từ xây dựng trường học - phải nghĩ đến chuyện giáo viên sử dụng nó ra sao, học sinh học tập thế nào. Từ từng cuốn sách, hệ thống học liệu cho đến kết quả của quá trình giáo dục. Từ dụng cụ nhỏ cho đến hệ thống thiết bị đều phải lấy việc phụng sự con người, cho con người, phát triển con người làm gốc rễ", ông Sơn cho biết.
Cũng theo tân Bộ trưởng, nhiều năm nay ông rất tâm đắc với quan điểm giáo dục đã được triển khai bước đầu ở đơn vị mà ông phụ trách đó là Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là quan điểm giáo dục cho từng người, giáo dục mang tính cá nhân hóa. Điều quan trọng của giáo dục thời đại 4.0 là đạt đến yếu tố từng cá nhân, từng đối tượng, đạt được mục tiêu giáo dục cho từng người.
"Công nghệ luôn luôn thay đổi, tri thức thì gia tăng nhanh chóng theo thời gian. Vì vậy, giáo dục phải chọn cho mình điểm tựa, chỗ đứng để trong bất kỳ sự biến đổi nào, giáo dục cũng phải lấy đó làm chỗ căn bản để vun đắp. Trong cuộc sống biến động về công nghệ và tri thức, cần phải tăng cường phát triển bản thân con người về cả phẩm chất, năng lực và đặc biệt là kỹ năng để có thể thích ứng. Đó là khả năng tiếp nhận, chọn lọc và tạo ra tri thức mới cho mình", tân Bộ trưởng nhận định.
Trong buổi trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Kim Sơn còn cho biết, nhóm việc được ưu tiên nhất thời điểm hiện tại chính là kỳ thi THPT quốc gia, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới...
Thứ hai là những việc dài hơi hơn, mang ý nghĩa trung hạn như công cuộc chuyển đổi số, thích ứng cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự nghiệp chuyển đổi số cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; triển khai luật Giáo dục, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học; quy hoạch mạng lưới các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học sư phạm trọng điểm... là những việc thuộc nhóm này.
Nhóm việc thứ 3 là những việc phải thực hiện lâu dài, là chương trình hành động của ngành để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó phát triển giáo dục và đào tạo phải nhằm mục tiêu lớn như phát triển toàn diện về con người, văn hóa gắn với khoa học công nghệ để tạo ra bước đột phá về năng suất lao động, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, tham gia vào việc khơi dậy khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường... Dù là việc lớn, lâu dài nhưng toàn ngành cũng phải bắt tay thực hiện từ bây giờ.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận