Tiếp cận Chí Phèo của làng Vũ Đại dưới góc độ từ xưng hô

Chí Phèo trong con mắt mọi người cũng như mọi người trong con mắt Chí Phèo hiện ra hết sức sinh động thông qua hàng loạt các từ xưng hô độc đáo. Có thể nói chính các từ xưng hô đã góp phần khắc họa thành công nhân vật Chí Phèo cũng như nêu bật nội dung, chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Đỗ Thu Nga
10:00 02/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chí Phèo trong con mắt mọi người

Rất nhiều từ ngữ mà tác giả Nam Cao cùng với dân làng “dành tặng” để gọi Chí Phèo hoặc nói về nhân vật này, đó là: hắn, nó, thằng Chí Phèo, Chí, mày, cái thằng không cha, không mẹ, anh… Khi Chí Phèo lần đầu tiên khật khưỡng xuất hiện trong tác phẩm, hắn chưa có tên. Tác giả gọi Chí Phèo là hắn. Đây là từ có tần số xuất hiện cao nhất trong tác phẩm. Làng Vũ Đại gọi Chí Phèo là hắn, nó. Lý Cường gọi là mày, cái thằng không cha, không mẹ. Bá Kiến gọi là anh, anh Chí, Chí Phèo, đôi khi nói trống. Thị Nở sau lưng Chí Phèo thì gọi là nó, hắn, nhưng trước mặt thì nói trống…

Dưới đây là bảng tổng kết các từ ngữ xưng hô của các nhân vật trong tác phẩm với Chí Phèo.

Đối tượng giao tiếp với Chí Phèo

Gọi Chí Phèo

Ví dụ

Làng Vũ Đại

– Nó

– Hắn

– Thằng

– Cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: Chắc nó trừ mình ra. (tr11)

– Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc (tr46)

Lý Cường

– Mày

– Cái thằng không cha, không mẹ

– Mày muốn lôi thôi gì?

– Cái thằng không cha, không mẹ này! (tr13)

Bá Kiến

– Anh Chí, anh

– Chí Phèo

– Nói trống

– Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?

– Chí Phèo đấy hở?

– Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? (tr15)

tiep-can-chi-pheo-cua-lang-vu-dai-duoi-goc-do-tu-xung-ho-9

Vợ Bá Kiến

– Nó

Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chặt…, nó chửi thì tai liền miệng đấy…

Thị Nở

– Nó

– Hắn

– Nói trống

– Sao có lúc nó hiền như đất. – Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào?

– Vừa thổ hả? Đi vào nhà nhé!

Mọi người trong mắt Chí Phèo

Chí Phèo nói về cha mẹ của hắn bằng cụm từ đứa chết mẹ nào, gọi Bá Kiến là ông Lý Kiến, cụ Bá Kiến, cụ Bá, lạy cụ, bẩm cụ, rồi bố con thằng Kiến, …, xưng là con, tao…. Chí Phèo xưng với bà bán rượu là ông, gọi bà bán rượu là con mẹ hàng rượu, mày. Chí Phèo gọi Thị Nở là mình, đằng ấy hoặc nói trống; xưng tớ… Dưới đây là bảng tổng kết các từ ngữ xưng hô của chính nhân vật Chí Phèo với các nhân vật khác trong làng Vũ Đại của Nam Cao.

Đối tượng giao tiếp với Chí Phèo

Chí Phèo xưng

Chí Phèo hô

Ví dụ

Thị Nở

– Nói trống

– Tớ

– Mình

– Đằng ấy

– Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui? (tr41)

– Đằng ấy còn nhớ gì hôm qua không? (tr41)

Cha mẹ của Chí Phèo

– đứa chết mẹ nào

– Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn… (tr11)

Bá Kiến

– Con

– Tao

– Ông Lý Kiến

– Cụ, cụ Bá

– Mày

– Nó

– Lạy cụ ạ. Con đến cửa cụ kêu cụ giúp một việc ạ. (tr24)

– Tao chỉ liều chết với bố con mày đấy thôi. (tr15)

– Cùng lắm, nó có giở quẻ, hắn cũng chỉ đến đi ở tù. (tr17)

Lí Cường (& Bá Kiến)

– Nó

– Thằng Lí Cường

– Bố con thằng Kiến

– Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi! (tr14)

– Thằng Lí Cường nó đâm chết tôi rồi. (tr14)

Bà bán rượu

– Ông

– Mày

– Nhà mày

– Hôm nay ông không có tiền, nhà mày bán chịu cho ông một chai. (tr23)

– Mày tưởng ông quỵt hở? (tr24)

Giá trị của các từ ngữ xưng hô trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo

Các từ xưng hô trong tác phẩm Chí Phèo đan cài khá phức tạp. Ở đây, chúng tôi chỉ chọn nhân vật Chí Phèo làm trung tâm để phân tích. Ngoài ra còn có nhiều từ ngữ xưng hô khác nữa: dân làng gọi Bá Kiến bằng cụ, cụ ông, thằng, thằng mọt già, thằng bố, gọi Lí Cường là thằng con, tác giả gọi Năm Thọ là hắn, nó, gọi Tự Lãng là lão Tự, gọi Thị Nở là thị, gọi Chí Phèo và Thị Nở là chúng,… Đặc biệt, chính Nam Cao hóa thân vào rất nhiều các nhân vật, đóng các “vai diễn” khác nhau, đến mức đôi khi rất khó phân biệt lời tác giả và lời nhân vật. Chẳng hạn không rõ Nam Cao hay Chí Phèo gọi bà bán rượu là mụ – một đại từ nhân xưng ngôi thứ ba mang đậm sắc thái miệt thị, coi thường – vì toàn bộ phần lời kể của tác giả về nhân vật này đều dùng từ “mụ”… Thông qua các từ ngữ xưng hô, tác giả tô đậm bức tranh về các nhân vật và thể hiện một cách tinh tế quan điểm của mình. Các từ xưng hô làm cho nhân vật của Nam Cao trở nên rất “đời”, như từ trang sách bước ra. Ngay cả cách Nam Cao “bình” về cách gọi “cái mả” thông qua lời của Tự Lãng cũng cho ta thấy sự thâm thúy, sâu sắc của nhà văn: “Có giàu có sang, có làm nên ông cả bà lớn nữa, chết cũng không ai gọi là cụ lớn mả! Lão sống có đến hơn năm mươi năm rồi mà chưa thấy một cụ lớn mả nào sốt! Chỉ có cái mả, cái mả đất. Ai chết cũng thành cái mả, say sưa chết cũng thành cái mả, lo gì?” (tr30)…

tiep-can-chi-pheo-cua-lang-vu-dai-duoi-goc-do-tu-xung-ho-7

Quay trở về với nhân vật trung tâm của truyện – Chí Phèo, trước hết, ta thấy ngay một điều là trong con mắt của nhà văn Nam Cao cũng như trong cách nhìn nhận chung của cả làng Vũ Đại, Chí Phèo không được trân trọng. Từ “hắn” và “nó” là hai từ cơ bản được dùng để chỉ nhân vật này, (trong đó, từ “hắn” xuất hiện với tần số cao nhất, 356 lần trong toàn bộ tác phẩm). Dù tác giả có cảm thông đến mấy với nhân vật của mình, ông cũng thể hiện rất rõ ràng một quan điểm: Con người này không phải là đại diện cho cái thiện, cái chính diện, cái cao cả, bởi hắn đã từ một con người bình thường trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, kẻ đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc… (tr28). Cuối tác phẩm, trước cái chết đầy đau đớn và khủng khiếp của Chí Phèo (và Bá Kiến), dân làng vẫn gọi là thằng, rồi bọn chúng nó (Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc; rõ thật bọn chúng nó giết nhau…(tr46). Duy nhất có một chỗ Nam Cao gọi Chí Phèo là thằng đàn ông, đó là khi hắn ôm lấy Thị Nở và Thị Nở kêu toáng lên. (Thằng đàn ông phì cười… Hắn vẫn tưởng chỉ có hắn mới kêu làng thôi (tr34). Cách thay đổi đột ngột từ chỉ ngôi thứ 3 này khiến ta hiểu ngay dụng ý của tác giả. Đó là bản năng đàn ông của Chí đã bị đánh thức; cái bản năng mà người ta tưởng đã bị chôn vùi sau những lần bóp chân cho bà Ba và suốt những tháng ngày sống không ra người, không ra quỉ.

Chí Phèo là kẻ không biết sợ ai. Cung bậc tình cảm cũng như tâm tính của hắn thay đổi theo cách hắn xưng hô với cụ Bá, (dù về tuổi tác, hắn chỉ đáng tuổi con cháu): lúc gọi là cụ, xưng con với hàng loạt các từ tình thái đi kèm thưa, bẩm, dạ, vâng, lạy… rất lễ phép, khi lại sẵn sàng gọi mày, xưng tao… Nhất là khi hắn đã nhận ra Bá Kiến chính là kẻ đẩy hắn vào bước đường cùng, hắn luôn miệng xưng tao. (Tao đã bảo là tao không đòi tiền (tr45). Một cách xưng hô “tiền hậu bất nhất”! Với người dân làng Vũ Đại mà đại diện là bà bán rượu, Chí Phèo cực kỳ ngông nghênh, coi thường, xưng ông, gọi mày, trong khi bà hàng rượu khiếp đảm chỉ dám xưng với Chí Phèo là chúng cháu. Đây là một cách xưng hô lệch chuẩn vì theo cách kể của Nam Cao, bà hàng rượu không hề ít tuổi hơn Chí Phèo. Hỗn hào hơn, Chí Phèo gọi những người đẻ ra mình là “đứa chết mẹ nào”!… Qua cách xưng hô của Chí, ta thấy rõ bản chất lưu manh của hắn.

Tuy nhiên, Chí Phèo không phải là một kẻ vô cảm. Không phải lúc nào hắn cũng nói năng thiếu sự tử tế và lễ độ như vậy. Hắn rung động trước Thị Nở, và những từ ngữ hắn xưng hô với Thị Nở vừa mộc mạc lại vừa chân thành. Và người đàn bà dở hơi là Thị Nở cũng vậy. Chúng nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của kẻ mới lớn, bằng một tình yêu rất bản năng:

– Giá cứ này mãi thì thích nhỉ!

– Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.

– Đằng ấy có nhớ gì hôm qua không?

Không ai có thể nghĩ từ miệng Chí Phèo, kẻ chửi cả trời cả đất, cả cha cả mẹ, kẻ gọi người đẻ ra mình là “cái đứa chết mẹ nào” – lại có cách xưng hô đằng ấy – mình – tớ trong lúc yêu, cả cái cách nói trống vừa bộc lộ sự lúng túng vừa thể hiện sự gần gũi, thân mật. Chính sự đối lập trong việc sử dụng từ ngữ xưng hô đã làm bộc lộ phẩm chất người nhất trong con người Chí Phèo, chứng tỏ hắn vẫn còn là kẻ biết yêu thương và rung động. Nhưng đó là lúc hắn yêu. Khi hắn trở về đúng con người hàng ngày của hắn, hắn lại gọi thị Nở là con đĩ Nở, rồi nó. Hắn gọi bà cô Thị Nở là cái con khọm già. (Hắn phải tự đến nhà con đĩ Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó (tr44). Đến đây, hắn lại bộc lộ đúng bản chất của một kẻ dưới đáy xã hội.

Như vậy, cách xưng hô của Chí Phèo với Bá Kiến rơi từ cung bậc kính trọng, đề cao ngay lập tức xuống khinh miệt, hạ thấp cho thấy Chí là kẻ hay thay đổi, không đáng tin, thậm chí một kẻ lưu manh hóa. Song cách xưng hô của Chí Phèo với Thị Nở lại khiến người đọc nghĩ rằng dù sao bản chất của một con người lương thiện, biết yêu thương vẫn còn tồn tại trong Chí. Song thật là tiếc, vì nó chỉ lóe sáng trong một vài ngày ngắn ngủi.

Ngoài nhân vật chính Chí Phèo, cách nói năng của Bá Kiến thể hiện qua các từ ngữ xưng hô cũng rất đáng lưu tâm. Bá Kiến đúng là một kẻ gian hùng. Trước mặt Chí Phèo, trong lúc Chí đang điên lên vì tức giận với Lí Cường, Bá Kiến có lối nói chuyện cực kỳ gần gũi và khôn ngoan: nói khuyết đại từ nhân xưng, gọi bằng tên, gọi là anh, rồi anh Chí… đầy thân mật. Bá Kiến cũng gộp cả mình và Chí vào một ngôi “ta”, (Có cái gì ta nói chuyện tử tế với nhau – tr15), để cố tỏ ra cho Chí Phèo thấy Bá Kiến đang đứng về “phe” của Chí – một cách lấy lòng đầy khôn khéo. Cách xưng hô đó đã thuyết phục Chí Phèo từ chỗ đang vô cùng giận dữ trở thành nhũn nhặn, biết vâng lời… Nhưng Bá Kiến lại không thật bụng. Cách xưng hô này cho ta thấy bản chất khôn ngoan, từng trải và gian xảo của hắn.

Các từ ngữ xưng hô trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao cũng phản ánh không gian làng quê Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Trong lúc tình cảm nhất, hai người yêu nhau cũng không gọi nhau là anh – em theo lối nói hiện đại, cũng không chàng – nàng sướt mướt kiểu văn chương lãng mạn mà thường chỉ xưng mình, từ này có thể đại diện cho cả hai ngôi, ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Cách nói với người có quyền thế bao giờ cũng là lạy cụ, bẩm cụ, thưa cụ, ạ… Cách gọi mụ, thị chỉ đàn bà cũng mang đậm dấu ấn xưa. Qua các từ ngữ xưng hô, sự phân định ngôi thứ, giai cấp trong xã hội thực dân nửa phong kiến càng được khắc họa đậm nét.

Như vậy, qua các từ ngữ xưng hô, bức tranh không gian, thời gian của xã hội đương thời giai đoạn 1930-1945 hiện ra đậm nét.

(Theo Thích văn học)

Xem thêm: Vì sao truyện ngắn Chí Phèo được coi là kiệt tác?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận