Thương vợ chồng già nuôi 2 con ngờ nghệch, quay quắt trong đại dịch COVID-19
Người mẹ 61 tuổi không giấu nổi nỗi niềm u uất, lo lắng cho số phận của 2 đứa con bị thiếu oxy não di chứng tâm thần. Những ngày COVID-19 tràn về, gia đình quay mắt với miếng ăn, viên thuốc cho con.
Nhà vợ chồng bà Nguyễn Thị Sâm (sinh năm 1960) và ông Nguyễn Văn Đường (SN 1959) trú tại tổ dân phố 3 (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) lúc nào cũng có tiếng la hét, gầm rú, tiếng đập phá. Với những người lần đầu đến khu vực nhà bà sống ai cũng khiếp sợ, ám ảnh. Nhưng với người dân sống bao nhiêu năm ở khu vực này thì đó là chuyện thường như cơm bữa.
Hỏi ra mới biết, vợ chồng bà Sâm có 3 người con. Trong đó, người con đầu và con út mắc bệnh tâm thần từ lúc mới lọt lòng. Dù hai đứa con đã hơn 20 tuổi nhưng nhận thức vẫn như đứa trẻ lên ba. Mỗi khi lên cơn chúng lại la hét, đập phá đồ đạc trong nhà. Vợ chồng bà Sâm đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn chưa được an hưởng tuổi già. Ngày ngày hai vợ chồng tất cả mưu sinh nuôi 2 người con mắc bệnh tâm thần.
Trong căn nhà dựng tạm, rộng chừng 30m2 chật chội, xoay quay xoay lại không cẩn thận là va vào nhau. Để có chỗ cho 2 đứa con ngồi chơi, vợ chồng bà Sâm phải kê 1 chiếc giường ngoài sân cho 2 con ngồi, ở chỗ đó cũng tiện mắt bà vừa làm vừa trông con.
Ngồi tách vỏ sầu riêng nhưng mắt bà Sâm không lúc nào rời các con. Nhìn hai đứa con ngờ nghệch, nước mắt bà lại trào ra. Người phụ nữ ngoài 60 tuổi không giấu nổi nỗi niềm u uất, lo lắng cho số phận các con.
Bà kể, năm 1996 sinh con đầu lòng đặt tên là Nguyễn Đình Nguyên. Con trai được 8 tháng tuổi thì phát hiện bất thường. Cậu bé không nghe được người lớn gọi, chỉ biết lật chứ không biết bò. Cứ nghĩ ăn uống thiếu chất, chậm phát triển nhưng sau đi khám mới biết thiếu oxy não, di chứng để lại đến tận hôm nay.
Con gái út tên Nguyễn Thị Thơ (SN 2000) cũng giống anh trai, thiếu oxy não mà chân tay co quắp, người lúc nào cũng điên dại. Người con may mắn nhất là Nguyễn Thị Thủy (SN 1998) có thể trạng bình thường.
Bà Nguyễn Thị Sâm dừng lại, lấy tay quệt ngang hai hàng nước mắt, giọng nghẹn lại rồi tiếp tục kể: "Thương nhất thằng Nguyên, mỗi lần nó lên cơn là lại dùng tay đập thình thịch vào ngực rồi đập đầu xuống nền nhà. Bây giờ, trên đầu nó có mấy khối u lớn, tóc cũng không mọc được. Có những người lần đầu nhìn thấy nó, họ ám ảnh, sợ hãi mà không dám lại gần".
Cô con gái út cho gì thì ăn nấy và là người khiến vợ chồng bà Sâm khổ sở nhất. Mỗi khi lên cơn, Thơ lại đánh đập anh trai, la hét như bị "trời đày".
Cũng theo bà Sâm, Thơ hay lên cơn lúc nửa đêm nên vợ chồng bà chẳng có đêm nào ngon giấc. Mỗi đêm Thơ chỉ ngủ 2 - 3 tiếng, còn lại là dậy quấy phá. Đã ngoài 60 tuổi mà chưa bao giờ vợ chồng bà được nghe con gọi tiếng "bố mẹ".
Bao năm qua, vợ chồng làm được đồng nào đều dồn hết vào tiền ăn uống, thuốc thang cho 2 đứa con mang bệnh tâm thần. Mới đây, ông Nguyễn Văn Đường lại phát hiện mắc thêm bệnh tiểu đường, mắt mờ, chân chậm cộng thêm bị gai cột sống phải điều trị dài ngày. Bà Nguyễn Thị Sâm một mình xoay sở cơm áo gạo tiền, thuốc thang cho chồng con.
Cũng bởi lý do ấy mà trong câu chuyện của mình, vợ chồng bà Sâm luôn nhắc đi nhắc lại: "Nếu vợ chồng tôi lỡ có chết trước thì biết các con sống sao?".
Nói về người con may mắn nhất nhà, ông Đường tâm sự: Thủy lành lặn, được học hành tử tế. Song tốt nghiệp đại học gần nửa năm nay vẫn chưa có việc làm. Bị hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hiện Thủy đang mắc kẹt ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Đường cũng kể thêm, hiện giờ gia đình sống bằng số tiền 1,6 triệu đồng từ chính sách dành cho thân nhân người khuyết tật. Ngoài ra, vợ chồng ông không có thu nhập gì thêm. May mắn hàng xóm tốt bụng, cho vợ chồng ông ngồi bóc thuê hạt sầu riêng để có thêm vài đồng lo miếng cơm, viên thuốc cho các con.
Ông Nguyễn Xuân Lương - Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mil cho biết: Trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, địa phương đã hỗ trợ gia đình bà Sâm 60 cân gạo và nhu yếu phẩm. Song hoàn cảnh của gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn nên rất cần sự chung tay giúp sức của các mạnh thường quân.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ:
Bà Nguyễn Thị Sâm
Địa chỉ: Tổ dân phố 3, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông
SĐT bà Sâm: 0347.968.153
Xem thêm: Xót thương cảnh cậu bé 3 tuổi đeo khăn tang trắng khóc đỏ mắt đỏ mắt đòi bố mẹ trở về
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận