"Người gác đền" số 1 của tuyển nữ Việt Nam được AFC vinh danh tài "cứu thua xuất thần": "Thiệt tình em thích không ai biết đến em"

Thủ môn Kim Thanh của tuyển nữ Việt Nam đã có tổng cộng 27 pha cứu thua, bỏ xa các đối thủ khác. Thế nhưng từ sâu trong thâm tâm, cô thích không ai biết đến mình, vì sao vậy?

Đỗ Thu Nga
10:14 10/02/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nữ thủ môn được truyền thông ví như "người nhện"

Trong bài viết tổng kết những con số và cầu thủ ấn tượng nhất ở Giải bóng đá nữ vô địch nữ châu Á 2022, AFC đã nhận định Kim Thanh là "thủ môn bận rộn" nhất ở giải, đồng thời cũng là người có tỉ lệ cứu thua nhiều nhất. 

Trên trang chủ của AFC có bình luận: "Thủ môn Việt Nam Trần Thị Kim Thanh có tỉ lệ cứu thua rất cao với 27 pha cứu thua trong 6 trận ở Asian Cup 2022. Cô ấy cũng chỉ để thủng lưới có 1 bàn trong 2 trận đấu gặp Thái Lan và Đài Loan ở vòng play off mang đến thành công cho tuyển nữ Việt Nam. Xếp tiếp theo là thủ môn New May Zin (Myanmar, 21 pha cứu thua), Cheng Ssu-Yu (Đài Loan, 19 pha cứu thua)".

Có thể nhận thấy rằng, những pha cứu thua đẳng cấp, đẹp đến chóng mặt của Thanh có giá trị cao không khác gì những siêu phẩm bàn thắng của Tuyết Dung, Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Thái Thị Thảo, Nguyễn Thị Bích Thùy.

Thu-mon-Kim-Thanh-la-ai-Tieu-su-thu-mon-Tran-Thi-Kim-Thanh-6

Trên mặt trận phòng ngự, phải nói rằng tuyển Việt Nam thật quá may mắn và tự hào khi có Kim Thanh chắn giữ trước khung thành. Cô làm nhiệm vụ với một cái đầu lạnh, chốt chặn an toàn, là chỗ dựa vững chắc cho đồng đội tuyến dưới trong nhiều giải đấu quan trọng. Và tại Asian Cup một lần nữa đã được chứng kiến sự tài hoa của Thanh.

Nhớ lại các trận đấu gặp "chị đại" Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (sau đó đã giành chức chức vô địch Asian Cup nữ 2022), dù tuyển nữ Việt Nam không thể giành chiến thắng do đối thủ vượt trội về đẳng cấp nhưng Kim Thanh vẫn để lại nhiều ấn tượng bởi có những tình huống ngăn chặn vô cùng đẹp mắt.

Cụ thể, theo thống kê của AFC, các đối thủ tại Asian Cup đã thực hiện 100 cú sút, 38 cú sút đi trúng đích về phía khung thành đội tuyển nữ Việt Nam trong 6 trận đấu.

Tiền vệ Tuyết Dung cũng từng chia sẻ thân thương về "người nhện" Kim Thanh: "Kim Thanh khiến chúng tôi rất vững lòng vì Thanh có thái độ thi đấu hết sức tập trung. Thanh tài năng, bắt bóng sệt, bóng bổng đều tốt. Những cú sút xa không làm khó Thanh. Thanh phản xạ nhạy bén, nhanh nhẹn”.

HLV Mai Đức Chung lại khẳng định một lần nữa về Kim Thanh: “Thanh ngày càng có độ chín về nghề nghiệp, đội tuyển nữ Việt Nam tự hào về cô ấy”.

"Thiệt tình em thích không ai biết đến em"

Còn nhớ, sau khi tuyển nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 2019, thủ môn Trần Thị Kim Thanh đã từng có chia sẻ rất thật về ánh hào quang xung quanh tài năng của mình. Kim Thanh nói: "Thiệt tình em thích không ai biết đến em".

Giải thích về suy nghĩ này, cô thủ môn sinh năm 1993 thật thà cho biết: "Vị trí nếu thắng thì được tung hô, lúc không được thì bị lời ra tiếng vào, dễ mất hết tự tin, xuống tinh thần".

"Sau SEA Games về, nhiều người khen thì khen thôi chứ thực sự em ngại lắm. Em trốn hết à. Thiệt tình, em thích mọi người không biết đến em, chứ giờ nhiều người biết em hơn, dễ lại giống như Bùi Tiến Dũng thì em cũng... "chết". Thà để im im, không nói gì em vẫn luôn nỗ lực, chứ mà tung hô quá, rồi đến lúc lỡ em có lỗi là bắt đầu bàn tán nhiều. Em sợ đến phiên em".

Sở dĩ có điều này là bởi Kim Thạnh cũng từng mắc sai lầm khiến cả đội thất bại, rồi sau đó dằn vặt bản thân cho đến ngày trở về nước. Đó là trận bán kết AFF Cup 2018, giải đấu đầu tiên mà cô được bắt chính cho đội tuyển nữ Việt Nam.

Thu-mon-Kim-Thanh-la-ai-Tieu-su-thu-mon-Tran-Thi-Kim-Thanh-7

"Năm 2018 , ban huấn luyện và bác Mai Đức Chinh đặt niềm tin vào em cho suất bắt chính tại AFF Cup nữ. Giải đó là lần đầu em thi đấu chính thức trong màu áo tuyển. Nhưng cuối cùng em để bị lỗi ở trận quan trọng. Đội thua chung cuộc 2-4 U20 Australia ở trận bán kết, chỉ đá được trận tranh 3-4. Lỗi em phán đoán sai, đứng sai vị trí để đối thủ lốp bóng qua đầu".

"Sau đó em mất tự tin vì sợ cơ hội sẽ không đến nữa. Giải đó lần đầu em thi đấu màu áo tuyển. Không biết đối thủ ra sao hết. Cũng run nhiều. Khi về rồi, nghĩ tới sai lầm là cứ khóc, buồn lắm. Đội trưởng Huỳnh Như lúc đó mới kêu em ra rồi bảo, thôi có gì đâu, sai thì sửa, mai làm lại".

Sau sai lầm ở AFF Cup 2018, Kim Thanh được ban huấn luyện tuyển nữ Việt Nam tạo cơ hội ở AFF Cup 2019. Kết quả, Kim Thanh đã thi đấu tốt, góp phần giúp đội vô địch và điều này tiếp tục lặp lại ở kỳ SEA Games 30. Đó là một giải đấu rất thăng hoa của Kim Thanh trên khung thành gỗ và tạo ra cơn sốt nhỏ trên MXH với nhiều lời ví cô kiên cường như Iker Casillas, hay đề xuất cô chuyển qua đội nam U22 Việt Nam thay thế Bùi Tiến Dũng, Văn Toản.

Thế nhưng, như tâm sự của Kim Thanh ở bên trên, và cũng có thể do chính cảm giác dằn vặt khi mắc sai lầm khiến cả đội thua cuộc mà Kim Thanh luôn khá rụt rè khi nhắc đến thành công: "Thiệt tình vì em cũng quen các đối thủ rồi, nhớ được sở trường của đối thủ để phán đoán nên ổn định được tâm lý, tự tin hơn. Thành công của năm nào thì vui năm đó được rồi. Vì năm sau vẫn còn giải đấu nữa mà".

Hành trình đến với khung thành gỗ của Kim Thanh

Thủ môn Kim Thanh (tên đầy đủ là Trần Thị Kim Thanh, sinh ngày 18/9/1993) là cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, chơi ở vị trí Thủ môn cho TP Hồ Chí Minh I và tuyển Quốc gia. 

Để có được sự ghi nhận như hôm nay, Kim Thanh đã nếm trải đủ ngọt bùi, cay đắng trong sự nghiệp. Theo tìm hiểu, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên từ nhỏ cô đã phải ra đồng phụ giúp cha mẹ.

Năm 14 tuổi, Kim Thanh mới bén duyên với bóng đá nhờ ưu thế chiều cao và độ lì lợm. Theo giới chuyên môn, độ tuổi đến với bóng đá của Kim Thanh là khá muộn, nhưng điều đó không ngăn được ánh hào quang của cô ở khung thành gỗ.

Kim Thanh cũng từ chia sẻ, khi bén duyên với trái bóng tròn, cô chẳng biết bóng đá là gì. Thậm chí khi lên thành phố tập một thời gian rồi cũng không biết người chỉ dạy mình là ai dù đó là HLV thủ môn Kim Hồng, người từng có 7 năm trấn giữ khung thành tuyển nữ Việt Nam và đảm nhiệm vai trò huấn luyện ở CLB TP.HCM rồi đội tuyển từ năm 2004 đến nay.

Thu-mon-Kim-Thanh-la-ai-Tieu-su-thu-mon-Tran-Thi-Kim-Thanh-5

"Năm lớp 8 có cô Mỹ Oanh về trường em tuyển cầu thủ nữ, được 2 bạn rồi nhưng vẫn cần thêm thủ môn. Vậy là sau đó thầy em giới thiệu em. Lúc đó em có biết gì đá bóng đâu. Ở trường em chạy điền kinh 100, 200m. Thầy thấy em cao cao, tay chân dài nên giới thiệu vậy để lên mấy cô chỉ dạy sau"

"Thiệt tình là hồi nhỏ em thích bóng chuyền. Chiều chiều đi đánh bóng chuyền, còn đá banh thấy mấy đứa con trai nó chơi, lâu lâu chạy vô bày đặt vậy thôi chứ có biết đá đâu".

"Lúc đầu lên trung tâm Tao Đàn (Quận 1, TP.HCM) em tập sức mạnh. Khi đó cô Hồng bận dạy các chị đội tuyển. Mà lúc đó em cũng không biết cô là ai hết. Cô kêu chạy thì chạy, tập tạ thì tập tạ. Khi nào cô từ tuyển về thì chỉ cụ thể động tác, đỡ bóng, bay người như thế nào. Hồi đầu tay chân bầm dập hết".

Lúc nào Kim Thanh cũng xem nhẹ và nói cho qua chuyện về những khó khăn trên quãng đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, rồi sau đó có vị trí ở đội tuyển nữ Việt Nam. Vì giống như rất nhiều đồng đội khác cũng xuất thân trong gia đình thuần nông, một trong những động lực của Kim Thanh là để "gia đình bớt đi một miệng ăn".

"Ban đầu ba cho em đi thể thao. Nhưng mẹ em không cho vì nhỏ giờ con mình có đi đâu xa đâu. Lên thành phố biết như nào đâu. Ba với em thay nhau động viên mẹ, con lên đó được người ta nuôi ăn học, cho tập bóng đá, con đi cho ở nhà đỡ phần nào đó".

Thu-mon-Kim-Thanh-la-ai-Tieu-su-thu-mon-Tran-Thi-Kim-Thanh-4

Theo báo Thanh Niên, một trong những chìa khóa mang lại thành công cho Kim Thanh là nghiên cứu rất kỹ các đối thủ, gần như thuộc lòng sở trường của các tiền đạo, biết họ thường dứt điểm ra sao, đá phạt thế nào, từ đó khi đối mặt tự tin hóa giải. Thói quen chuẩn bị tốt này giúp nữ “người nhện” của chúng ta càng thêm toàn diện và chủ động hơn ứng phó với từng kiểu đối thủ. Đàn chị Đặng Thị Kiều Trinh chia sẻ: “Vị trí đặc thù nên các thủ môn dễ bị ám ảnh lắm, nhưng Kim Thanh đã mạnh mẽ vượt qua được rào cản đó để có được ngày hôm nay. Từng tập chung nhiều năm với Kim Thanh, tôi biết rõ em rất siêng năng tập luyện. Khi có cơ hội đã cố gắng nắm bắt và dần trở nên khá toàn diện. Thể hình đối với bóng đá nữ tạm ổn rồi, khắc phục thêm vấn đề chơi bóng bằng chân thì Kim Thanh sẽ còn tuyệt vời hơn nữa”.

Ở tuổi 29, Kim Thanh đang đứng trước giai đoạn hoàng kim của sự nghiệp. Hy vọng cô gái mạnh mẽ này sẽ luôn giữ được nỗ lực cầu tiến và ý thức học hỏi, trau dồi không ngừng để luôn là “người nhện” đáng tin cậy trong màu áo CLB TP.HCM cũng như tuyển Việt Nam.

Xem thêm: Chuyện cảm động về Bích Thùy - "bông hồng thép" xé lưới Đài Loan, biến giấc mơ lọt vào World Cup trở thành sự thật

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận