Thời niên thiếu Trần Quốc sống cảnh "con tin": Tưởng gian khổ, hóa ra lại là may mắn
Những năm tháng sống cảnh "con tim", xa Trần Liễu là điều tưởng chừng không may nhưng lại hóa ra may với Trần Quốc Tuấn. Vì nhờ đó ông được nuôi dạy trong môi trường chuẩn mực, được triều đình nhà Trần tỏ tường tấm lòng trung trinh.
Trần Hưng Đạo trở thành biểu tượng anh hùng trong lịch sử dân tộc không chỉ vì tài năng quân sự mà còn vì tấm lòng trung thành son sắt
Trần Liễu tuy trải một đời đau khổ nhưng ông lại có những người con kiệt xuất mà nổi bật trong số đó là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Trần Hưng Đạo không những là danh tướng Việt Nam mà còn là danh tướng của thế giới. Thế nhưng có một điều lạ là năm sinh của con người vĩ đại này lại không được ghi chép rõ ràng và đó có vẻ như là hệ quả của đoạn đời chìm nổi của người cha Trần Liễu.
Trước 1234, khi Trần Thái Tổ còn sống thì cuộc sống của Trần Liễu khá tốt với chức Thái úy, tước Phụng Càn Vương. Người con đầu của Trần Liễu là Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung được ghi rõ là sinh 1230. Theo Trần triều thế phả hành trạng thì mẹ của Trần Quốc Tung là Thiên Đạo Quốc mẫu Trần Thị Nguyệt, bà cũng là người đã sinh ra Trần Quốc Tuấn.
Có giả thuyết cho rằng Quốc Tung và Quốc Tuấn là anh em sinh đôi nhưng giả thuyết này bị bác bỏ vì nếu điều này tồn tại thì chắc chắn trong sách Thượng sĩ hành trạng vua Trần Nhân Tông đã ghi điều này. Điểm chú ý là trong sách Thượng sĩ hành trạng chỉ viết: “Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung là con thứ nhất (đệ nhất tử) của Khâm Minh Từ Thiện Vương (Trần Liễu)” chứ không hề nhắc tới Quốc Tuấn.
Và quan trọng hơn, nếu Quốc Tung và Quốc Tuấn là anh em song sinh thì người ta đã xác định được năm sinh của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là 1230 như người anh của mình. Nhiều khả năng là Hưng Đạo vương cũng như người em gái Trần Thiều (sau là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu – chính cung của vua Trần Thánh Tông) được sinh sau thời điểm 1234 (khi ông nội Trần Thừa mất trong lúc cha bị thất sủng) và trước thời điểm Trần Liễu làm loạn ở sông Cái (1237). Vì khoảng thời gian bị thất sủng đó, Trần Liễu bị bạc đãi nên ngay cả việc ghi ngày sinh của con cái vào tộc phả cũng lờ đi chăng (?).
Vụ làm loạn sông Cái có kết cục ra sao? Sử chép: Trần Liễu ở ngoài biển được hai tuần, tự biết việc mình làm không thể thành công được, nhân khi nhà vua ra chơi thuyền ở ngoài sông, Liễu giả dạng làm người đánh cá, lẻn đi thuyền độc mộc đến thuyền nhà vua xin hàng, nhà vua cùng Liễu đối diện nhau mà khóc. Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền nhà vua, tuốt gươm quát lên rằng: "Giết thằng giặc là Liễu". Nhà vua thấy thế, vội vàng đẩy Trần Liễu ẩn vào trong thuyền rồi bảo Thủ Độ rằng: "Phụng Càn vương đến xin đầu hàng đấy". Miệng nói, nhưng lấy mình che đỡ cho Trần Liễu. Thủ Độ giận lắm, vất gươm xuống sông, nói rằng: "Tao thật là con chó săn, biết đâu anh em mày hòa thuận với nhau hay trái ý nhau". Nhà vua đứng ra hòa giải, dụ dỗ Trần Liễu phải bãi binh, rồi lấy đất An Phụ, An Dưỡng, An Sinh và An Bang ban cho Liễu để thu lấy tô thuế làm bổng lộc, lại nhân tên đất đã phong ấy cho Trần Liễu hiệu là An Sinh vương, còn những người theo Trần Liễu khởi loạn ở sông Cái đều bị giết”.
Có thể thấy vì nhờ Trần Thái Tông che chở cho anh trai đến cùng mà Trần Liễu không bị giết nhưng các đồng đảng thì bị giết sạch để trừ hậu họa. Sở dĩ Trần Thủ Độ ép Trần Liễu đến mức làm loạn cũng là cách để cất một mẻ hết các thủ hạ đắc lực của Liễu cho khỏi di họa về sau hơn là để tình trạng nửa tối nửa sáng.
Cách mà Trần Liễu bị đổi phong thành An Sinh vương cũng có ý nghĩa rất sâu xa. Liễu vốn là Phụng Càn vương (tuân theo mệnh trời) nhằm thể hiện ý định sẽ là người chuyển ngôi từ Lý qua Trần. Còn “An Sinh” thì tức là yên ổn mà sống. Để Trần Liễu chịu yên ổn mà sống ở đất phong thì theo kiểu ngày xưa các vương (nhất là các vương bị nghi ngờ dã tâm) phải gửi con vào kinh như dạng con tin.
Sau vụ loạn sông Cái, Trần Quốc Tuấn và cả người em gái Trần Thiều đều không được sống cùng cha ở đất phong. Thay vào đó, họ bị giữ lại ở kinh thành Thăng Long và được giao cho cô ruột là Thụy Bà công chúa nuôi dưỡng. Cần phải nhớ là vào thời điểm đó, người được sử sách cho là mẹ ruột của Trần Quốc Tuấn: Thiên Đạo Quốc mẫu Trần Thị Nguyệt vẫn còn sống. Theo "Trần triều thế phả hành trạng" thì mãi sau khi Trần Liễu mất (1251), bà Trần Thị Nguyệt mới xuất gia làm ni sư, hiệu là Diệu Hương. Cha mẹ còn sống nhưng lại không được sống chung mà lại gửi lên kinh nhờ người khác nuôi dưỡng thì cũng là một hình thức cách ly, làm con tin.
Tuy nhiên, việc để Thụy Bà công chúa nuôi dưỡng anh em nhà Trần Quốc Tuấn là một nước cờ sáng của triều đình nhà Trần. Trước hết, việc để anh em nhà Quốc Tuấn ở Thăng Long là cách để Trần Liễu không thể có động thái gây loạn. Ngoài ra, việc giáo dục anh em nhà Quốc Tuấn trong môi trường tốt cũng là cách để bồi dưỡng nhân tài về cả tư tưởng, đạo đức và tài năng. Anh em nhà Quốc Tuấn dù phải sống xa cha mẹ nhưng cũng không hề chịu cảnh khổ cực vì người nuôi dưỡng họ lại chính là cô ruột. Lòng tốt của người cô ruột đã được thể hiện rõ trong vụ cứu Quốc Tuấn khi tư tình trái lễ với công chúa Thiên Thành (Đầu năm 1251, Trần Thái Tông muốn gả công chúa cho Trung Thành vương, nên đã cho công chúa đến ở trong dinh Nhân Đạo vương (cha của Trung Thành vương). Ngày rằm tháng giêng, Trần Thái Tông mở hội lớn, ý muốn cho công chúa làm lễ kết tóc với Trung Thành vương. Trần Quốc Tuấn muốn lấy công chúa, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng. Mẹ nuôi Trần Quốc Tuấn là Thụy Bà công chúa biết chuyện, sợ ông bị hại trong phủ, liền chạy đến cung điện cáo cấp, xin Trần Thái Tông cứu Trần Quốc Tuấn. Vua hỏi việc gì, Thụy Bà trả lời: "Quốc Tuấn ngông cuồng, đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo bắt giữ rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu". Trần Thái Tông vội sai người đến dinh Nhân Đạo vương, vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Trần Quốc Tuấn đã ở đấy. Hôm sau, Thụy Bà công chúa dâng 10 mâm vàng đến chỗ Trần Thái Tông xin lễ cưới Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn. Thái Tông bất đắc dĩ phải gả công chúa cho ông).
Và sự thật, trong môi trường giáo dục tốt, Quốc Tuấn trở thành con người tài đức vẹn toàn. Điều đáng khen của Trần Thái Tông là ông không hề hiềm khích nghi kỵ gì các người cháu, nhất là sau khi Trần Liễu qua đời năm 1251. Năm 1257, Trần Quốc Tuấn đã được giao giữ binh quyền rất lớn. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 9 (1257), (Trần Thái Tông) xuống chiếu, lệnh cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của Quốc Tuấn". Điều này cho thấy vào thời điểm đó, vua Thái Tông đã tin tưởng về cả lòng trung thành và tài năng của người cháu.
Việc vua Trần trọng dụng Trần Quốc Tuấn cũng không tránh khỏi xì xào lo ngại. Bởi thế mới có chuyện mãi đến năm 1285 vẫn còn người nghi ngờ bụng dạ của Hưng Đạo vương. Sử chép: “Khi bấy giờ nhà vua phải chạy loạn long đong, mà Hưng Đạo vương Quốc Tuấn vốn có danh vọng và tài trí lỗi lạc khác thường, lại còn hiềm khích về việc An Sinh vương ngày trước, vì thế nên nhiều người có lòng nghi ngờ; hơn nữa, khi Quốc Tuấn đi theo vua thường cầm cái trượng bằng gỗ, đầu trượng có cắm mũi sắt nhọn, nên ai cũng liếc mắt trông. Quốc Tuấn liền rút bỏ cái đầu sắt nhọn ấy, chỉ cầm cái trượng trơ những gỗ mà đi, bấy giờ người ta mới yên tâm”.
Dù nắm binh quyền cao, chịu những nghi ngờ nhưng trước sau Trần Quốc Tuấn đều giữ lòng trung thành với các vua Trần, từ ông chú ruột Trần Thái Tông đến người em họ Trần Thánh Tông rồi thời người cháu và cũng là con rể Trần Nhân Tông. Trần Hưng Đạo trở thành biểu tượng anh hùng trong lịch sử dân tộc không chỉ vì tài năng quân sự mà còn vì tấm lòng trung thành son sắt.
Những năm tháng phải làm “con tin”, sống xa Trần Liễu là điều tưởng chừng không may nhưng lại hóa ra may với Trần Quốc Tuấn. Thời gian đó, ông được nuôi dạy trong môi trường chuẩn mực và được triều đình nhà Trần nhìn rõ tấm lòng trung trinh. Chỉ khi có đủ điểm về tài năng và đạo đức, ông mới được trao vai trò rất lớn trong quân đội nhà Trần vì khi đó nhà Trần còn có những danh tướng tài năng, thân cận với hoàng thất hơn nữa như Trần Quang Khải hay Trần Nhật Duật. Còn nếu như Trần Quốc Tuấn được nuôi dưỡng hoàn toàn bởi Trần Liễu thì e rằng vua Trần cũng không dám trao hết binh quyền cho ông vì sợ ông bị ảnh hưởng bởi lòng hận thù của Trần Liễu.
Sau có giai thoại: “Lúc Trần Liễu sắp mất, đã cầm tay Quốc Tuấn, trăn trối rằng: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được". Quốc Tuấn ghi để trong lòng, nhưng không cho là phải”. Dù giai thoại này không hẳn là thật nhưng nói cũng làm sâu sắc tấm lòng trung thành của Hưng Đạo Vương.
(Nguồn: Một thế giới)
Xem thêm: Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng nước Việt mà châu Âu và Trung Quốc đều muốn có
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận