Thêm một bài văn hay đáng tham khảo về "Người lái đò sông Đà"

Đây là bài khá hay với góc nhìn mới của bạn Hà Thị Thế đáng để các bạn học sinh 2K6 tham khảo.

Đỗ Thu Nga
15:00 08/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong vở kịch “Người lái buôn thành Venice”, Shakespeare khẳng định “không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng”.  Đó phải là “thứ vàng mười đã qua thử lửa” sáng lên từ vẻ đẹp tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên vùng sông nước Đà giang hùng vĩ và thơ mộng mà Nguyễn Tuân đã từng cất công tìm kiếm và nâng niu trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của mình. Lối chơi “độc tấu” của Nguyễn Tuân đã khéo léo phô diễn vẻ đẹp hình tượng người lái đò qua đoạn trích “Mặt sông trong tích tắc … sau thuyền”. Cũng từ ấy, người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác ấy tiếp tục bừng sáng lên đặc điểm của con sông Đà và người lái đò sông Đà.

Nhắc đến Nguyễn Tuân, bạn đọc nhớ đến một người tri thức yêu nước, am hiểu sâu rộng nền văn hoá dân tộc, ông viết lên những tác phẩm rất mực uyên bác và giàu giá trị. Nếu như trước cách mạng văn học của Nguyễn Tuân chọn đến lòng người bởi vẻ đẹp hào hoa của những con người trong “Vang bóng một thời” thì sau cách mạng Nguyễn Tuân khiến người đọc rung cảm bởi sự tinh tế và tài năng trong việc vẽ nên những nét đẹp gân guốc những bình dị, gần gũi với đời sống con người. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận xét về Nguyễn Tuân như thế này: “Khi thì trang nghiêm cổ kính. Khi thì đùa cột bông phèng. Khi thì thánh thót trầm bổng. Khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng. Khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa”. Kỳ thực tôi đã hơn một lần chếnh choáng với những sáng tác của Nguyễn Tuân đặc biệt là tùy bút Người lái đò Sông Đà viết năm 1960. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế về miền Tây Bắc xa xôi rộng lớn – nơi đầu non của Tổ quốc năm 1958. Khi đọc tùy bút này, ta không khỏi thán phục trước hình tượng một một ông già đã ngoài 70 tuổi vẫn hăng say, miệt mài bên sông nước, vẫn sáng người lên khí chất của người chiến tướng, nghệ sĩ.

Nhà văn người Đức W.Goethe có nói: “Con người là điều thú vị nhất đối với con người, và con người cũng chỉ hứng thú với con người”. Văn học sự đề cập đến vấn đề nào thì điểm xuất phát và đích đến của văn học vẫn luôn là cuộc sống con người. Con người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong một tác phẩm, giá trị của một áng văn không chỉ được nhà văn đưa vào cốt truyện, các tình tiết mà còn chiếm phần lớn trong các hình tượng con người mà nhà văn tạo nên. Và xuyên suốt chặng hành trình cùng Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã thể hiện tình yêu da diết của mình cho những người lao động, cho thiên nhiên đất nước Việt Nam rất đặc biệt. Song song với hình tượng con sông Đà vừa hung bạo, dữ dội vừa trữ tình đằm thắm đó là hình tượng người lái đò sông Đà dũng cảm, nhanh nhạy, linh hoạt đưa con đò mưu sinh chiến đấu với sông Đà. Nguyễn Tuân đã từng có nhận xét ban đầu như thế này “cuộc sống của người lái đò sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa của một “kẻ thù số một”. Nhưng qua cuộc chiến đấu ấy, ông đã được bộc lộ tài năng và kinh nghiệm 10 năm gắn bó với thác đá sông Đà, theo Nguyễn Tuân, ông lái đò đã xuôi ngược trên sông đà không dưới 100 lần, trong đó có tới sáu 10 lần ông cầm lái chính. Quả là một người có kinh nghiệm dày dặn.

Ở cái tuổi 70, đầu tóc đã bạc trắng, ông lái đò Lai Châu hiện lên với vẻ ngoài đầy khác biệt: đầy phong sương, cơ thể còn hằn màu sông nước, gắn liền với nghề nghiệp của ông “tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh ra như kẹp lấy một cái bánh lái tưởng tượng, giọng nói ào ào như thác lũ sông Đà, nhỡn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó …” Thân hình ông như một pho tượng tạc bằng đá cẩm thạch, nước da ánh lên chất sừng chất mun, ánh lên nắng mưa sương gió của mây trời Tây Bắc. Tuổi đã cao nhưng cặp mắt ông Đò vẫn tinh anh thông thạo từng đường đi nước bước của sông Đà. Đặc biệt trên ngực ông có những …. – đó là vết tích của những ngày tháng chiến đấu vật lộn với Sông Đà mà Nguyễn Tuân dí dỏm ví nó là những “huân chương lao động siêu hạng”. Vẻ đẹp của ông đò già đã sáng ngời trên trang văn của Nguyễn Tuân. Hình tượng ấy khiến chúng ta hiểu rằng không phải là một chàng trai cao to lực lượng nào mà chính ông lão 70 tuổi với kinh nghiệm của mình sẽ khiến Đà giang hung bạo phải khuất phục dưới mái chèo ấy. Và cũng chính những năm tháng gắn bó với sông nước nơi đây, ông lái đò đã giữ được sức lực trai tráng bởi lẽ tất cả những cuộc chiến với thần sông, thần đá đã ngấm vào xác thịt ông, chỉ cần đến trận chiến, người con Tây Bắc ấy lại khỏe mạnh vững tin đương đầu. Đoạn trích trên là cuộc chiến giành lại sự sống từ con thủy quái dữ tợn của ông lái đò qua hai trùng vi thạch trận. 

them-mot-bai-van-hay-dang-tham-khao-ve-nguoi-lai-do-song-da-8

Ta tự hỏi rằng, liệu nhân vật ông lái đò có được nổi bật, yêu thích đến như vậy nếu Nguyễn Tuân chỉ miêu tả cuộc sống mưu sinh của ông lái đò trên mặt sông phẳng lặng, hiền hòa? Có lẽ là không. Chính nhờ cảnh vượt thác đầy cam con mà hết sức tài tình ấy, ta mới ngả mũ thán phục trước ông lái đò – người trí dũng song toàn như một viên tướng tài ba, thông minh linh hoạt và khéo léo như một nghệ sĩ trong nghệ thuật một thác sông Đà. Ông luôn trong trạng thái sẵn sàng nghênh chiến, sẵn sàng đối mặt với thác dữ, chinh phục “cửa tử” “cửa sinh”, vượt qua trận thủy chiến với đá chìm, đá nổi với những trùng vi thạch trận với hành động táo bạo nhưng vô cùng chuẩn xác. Có lẽ đối mặt với chất “ngông” của sông Đà, người lái đò cũng phải rất “ngông” mới trị được nó. Con người ấy “nếu phải treo ở những khúc sông êm ái thì ông cảm thấy rất dại chân, dại tay và buồn ngủ”. Ông “nhớ tỉ mỉ như đóng đinh vào lòng tất cả những luồng nước của những con thác hiểm trở”. Ông thuộc sông Đà như một bản sử thi, “thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu và cả những đoạn xuống dòng, thuộc từng quy luật phục kích của lũ đá”. Từ ngoại hình cho đến tính cách đã cho thấy người lái đò ấy thuộc về Sông Đà. Họ như một cái duyên tiền định, cái duyên mà người ta vẫn thường gọi “hữu năng thiên lý năng tương ngộ”. Chính sông Đà cả tỉnh đã tạc nên chân dung của người lái đò như một anh hùng ở giữa đời thường, một con người phi thường nhưng rất đỗi bình thường.

Và đẹp kì vĩ của con người trí dũng song toàn ấy được thể hiện rõ nhất qua cảnh một trùng vi thạch trận. Ở trùng vi thạch trận thứ nhất, những hòn đá Sông Đà được miêu tả như một đội quân “đá tảng”, “đá hòn”, “đá tiền vệ: đã bày ra thạch trận với năm cửa, bốn cửa tử và một cửa sinh ở tả ngạn. Bên cạnh đó nhà văn sử dụng một hoạt động từ trùng điệp để tô đậm sức mạnh của đội quân đá: “mai phục”, “nhổm cả dậy” đứng ngồi nằm “tuỳ theo sở thích” “ăn chết”, “canh cửa”, “hất hàm”. Cộng hưởng với những động từ ấy là những tính từ làm nổi bật tính hung bạo “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm”, “méo mó”. Tất cả là nổi bật lên một cuộc chiến không cân sức giữa con người và thiên nhiên. Ông lái đò một mình đơn phương độc mã gieo vào lòng người đọc báo thấp thỏm, lo âu, hồi hộp. Cùng với đó nước “phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá” tạo nên âm thanh dữ dội tăng thêm không khí chiến đấu ác liệt. Sóng nước tung ra một loạt các đòn hiểm hóc, đánh giáp lá cà, đá trải, thúc gối, … Có thể nói Nguyễn Tuân đã rộng mở sự tài hoa, uyên bác của mình để kho từ vựng phong phú sinh động đầy ắp trong mọi lĩnh vực của sự sống tuôn chảy không ngừng. Ta thấy ở đó màu sắc của thể thao, quân sự,… được miêu tả đậm đặc để đặc tả đá sông Đà. Bằng sự chủ động, sông Đà khiến những kẻ “non tay” phải gục ngã ngay từ tuyến đầu này. Nhưng con người trên thuyền ấy lại là một tay “lão luyện” , ông lái đò vẫn bình tĩnh giữ mái chèo bằng hai tay, giúp mái chèo không bị hất lên khỏi sóng dữ. Tuy nhiên trước sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên, ông lái đò nhỏ bé bị thương đầy đau đớn, tới mức mặt “méo lệch đi”. Sáng tạo từ “méo lệch” Nguyễn Tuân mang trong mình đầy dụng ý. Ông không chỉ diễn tả sự biến dạng của khuôn mặt “méo xệch đi” mà còn là sự biến đổi trong sắc mặt và đau đớn. Người đọc như hình dung rõ nét hơn về hình ảnh người lái đò và sự đau đớn của ông “mặt sông trong tích tắc loà sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng rà xuống mà châm lửa vào đầu sóng”. Ông lái đò mắt hoa lên nảy đom đóm, sóng đánh vào các vết thương bỏng rát như lửa. Dù rất đau đớn nhưng ông vẫn “cố nén vết thương, hai chân kẹp chặt cuống lái và không rời bỏ trận địa. Như vậy bằng sự điềm tĩnh, kiên định, ông lái đò đã vượt qua trùng vi thứ nhất. Vượt qua sự hung hãn ấy, vị thuyền trưởng lão là đã khiến sự hung hăng của cơn sóng có phần kệch cỡm, nực cười và rất đỗi trẻ con. Dù sóng có đánh dồn dập thế nào, sự chỉ huy ngắn gọn của ông lão như một tiếng còi kết thúc một trận đánh đầy dũng cảm.

Nếu ở trùng vi thạch trận thứ nhất ta khâm phục chữ “dũng” của ông lái đò, thì đến trùng vi thứ hai chữ “trí” lại hiện lên thật rõ nét. Bởi sau ải thách thức thất bại, dòng sông nham hiểm này tất nhiên không chịu thua, nó thay đổi chiến thuật và đổi cả sơ đồ phục kích. Đến đây dòng sông tặng thêm nhiều cửa tử “Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông Đà”. Cửa sinh bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn như có kế gì. Nó chủ động làm cho ông lái đò mất phương hướng, rối loạn, nhưng ông đã hiểu được tường tận sông Đà. Ông không lo là cái chiến thắng ngoạn mục vừa rồi mà “không một phút nghỉ tay mắt” ông “phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật”. Cũng chính vì Sông Đà mà ông luôn khắc ghi trong lòng dân “cưỡi lên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ” – một so sánh hết sức chân thật, thể hiện sự quyết tâm chinh phục thiên nhiên của người lái đò. Khi bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái xô ra định hút vào thuyền lôi vào tập đoàn “cửa tử”. Ông tấn công bằng cách “nắm chặt được cái bờm sóng đúng luồng rồi ông ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Hành động quyết liệt quả cảm, mạnh mẽ “nắm chặt cái bơm sóng, ghì cương bắm chắc mà phóng” đứa ông tránh, đứa ông đè, đứa ông sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường. Phải là một tay lái điêu luyện, một con người nhanh nhẹn linh hoạt mới có thể hành động được như vậy. Vị thuyền trưởng ấy tả xung hữu đột như “một chiến tướng dày kinh nghiệm” đưa con thuyền vượt qua tập đoàn cửa tử. Cuối cùng ông chiến thắng còn bọn đá tưởng thất bại thảm hại đưa cái mặt tiu nghỉu xanh lè thất vọng. Ở trùng vi thứ nhất ta khâm phục sức chịu đựng phi thường của ông lại đâu – một người cần có khi chiến đấu thì ở trùng vi thứ hai ta mãn nhãn với tài nghệ chèo đò vô cùng điêu luyện của người chiến tướng ấy.

Qua hai trùng vi thạch trận ta hiểu hơn về con sông Đà hung bạo và người tướng sĩ quả cảm – ông lái đò. Trùng vi thạch trận nham hiểm thuộc hàng bậc nhất sông Đà, trận bát quái do nó bày ra với những hòn đá già dặn, lão luyện. Chúng mai phục ẩn nấp, chuyên đánh đòn hiểm, liên tục đấy người lái đò vào tình thế bị động, dùng sóng nước để bao phủ, bẻ gãy cánh chèo, đá trái, thúc gối giở đủ trò thâm hiểm. Những trang văn phô diễn sự tài hoa uyên bác khi tìm kiếm cái đẹp phi thường trong những điều bình thường. Bằng khả năng “phù thủy ngôn từ, luyện đan ngôn ngữ” cùng với sự tổng hợp vốn kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, nghệ thuật tùy bút bậc thầy của Nguyễn Tuân đã khiến con sông Đà dữ dằn, hung bạo hiện hình rõ nét trên trang giấy, để rồi ta thấy hiện lên đằng sau đó vẻ đẹp của người lao động nơi đây chất vàng mười Tây Bắc.

Bằng trí tưởng tượng phong phú, Nguyễn Tuân đã khiến người đọc hình dung rõ nét hơn về tính cách hung bạo của sông Đà. Nó như một con thủy quái xuất hiện một cách dữ dội, phi thường lần đầu tiên trong những trang văn về sông nước. Đó là việc tổng tư lệnh chỉ huy trừng trừng và ác độc. Nó đã cài đặt bao boong ke chùm, pháo đài đã nổi sẵn sàng ứng chiến để dìm chết người đi qua đây, nhưng con thuyền du kích sẵn sàng xông pha trận mai, đối đầu với khu căn cứ quân sự số một của thiên nhiên Tây Bắc. “Đường lên Mường Lễ bao la – trăm bảy cái khác, trăm ba cái ghềnh”. Tây Bắc cứ làm người ta vương vấn với biết bao cảnh đẹp của núi sông hùng vĩ nhưng cũng khiến người ta kinh sợ bởi vẻ đẹp hung bạo của sông Đà, bởi ít nhiều nó đã chiến thắng và lấy đi cuộc đời của biết bao “đối thủ” đối đầu với nó. Nhưng không vì thế mà người ta rũ bỏ sông Đà, nó vẫn là linh hồn không thể thiếu của thiên nhiên Tây Bắc tiêu biểu cho chân lý: ai không “khinh suất” thì sẽ chiến thắng được nó, trở thành người bạn hằng ngày cùng đánh với nó “ván cờ” sinh tử.

Và có lẽ nếu Sông Đà không thác lũ, không gắt gỏng, không làm mình làm mẩy, không là con sông quỷ quái làm mình làm mẩy, không là kẻ thù số một của con người thì có lẽ không có được “chất vàng mười” như thế cho miền Tây Bắc xa xôi. Ai yêu sao nét tướng tài hoa nghệ sĩ của sông nước Đà giang. Hình ảnh người lái đò – một người lao động ở vùng Tây Bắc hoang sơ chắc chắn không mang một kì nghệ, kì tài quá đỗi đặc biệt như trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân người lái đò thực sự trở thành hình tượng chân thật và sống động qua ngồi bút của một văn xuôi cả cuộc đời say mê đi tìm và khẳng định cái đẹp. Trong cái gầm dữ của thác đá Sông Đà, người lái đò hiện lên như một anh hùng chiến đấu với con thủy quái hung hãn. Cuộc sống của ông mỗi ngày đều là giành lấy sự sống từ con thác giữ. Nhưng qua sự dữ tợn của thiên nhiên hình ảnh vị thuyền trưởng ấy hiện lên thật oai hùng. Nguyễn Tuân đã thành công khi phác thảo những nét bút hài hòa nhất về nhân vật điển hình của sóng nước Đà giang để tôn lên tài hoa phiêu bạt của nhân vật ấy. Qua đó cốt cách phẩm chất của họ cũng hiện lên thật vẹn tròn.

Người lái đò trong tác phẩm là người lao động vô danh, âm thầm giản dị nhưng cũng lớn lao kì vĩ nhờ chinh phục được dòng sông dữ, trở thành đại diện của người nông dân Việt Nam cần cù chăm chỉ. Với công việc thường ngày ông làm hết mình, là một “người nghệ sĩ chân chính”, một “tay lái ra hoa”. Công việc đó không chỉ kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình mà còn làm đẹp cho quê hương đất nước. Qua đoạn trích, Nguyễn Tuân muốn khẳng định người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà còn có trong lao động thường ngày. Người nghệ sĩ ấy khiến ta nhớ đến Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết:

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên 

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Họ là những con người bình thường giản dị nhưng có tình cảm sâu đậm với quê hương đất nước. Tuy không ghi danh sổ sách, nhưng sự đóng góp của những cá nhân ấy là không thể thiếu, họ đã làm đẹp cho cuộc đời, làm ra đất nước. Đó là những người lao động bình thường trong thời đại mới.

Qua trích đoạn về hai trùng vi thạch trận, Nguyễn Tuân đã thể hiện thật sâu sắc vẻ đẹp hình tượng người lái đò qua cuộc vượt thác và nét tính cách hung bạo của sông Đà. Qua đó ông bộc bạch những ước mơ của mình về một vùng đất Tây Bắc sẽ phát triển hơn, cuộc sống người lao động sẽ tốt hơn, người ta sẽ xây dựng Tây Bắc và Sông Đà để từ một con thủy quái dữ dội trở thành một đội quân hào hùng, phục vụ cho con người Tây Bắc. Đắm chìm trong tùy bút người đọc không khỏi cảm thấy gắn bó hơn với cuộc sống, yêu hơn uy lực ngàn đời của thế giới tự nhiên dù mạnh mẽ, khốc liệt nhưng vẫn đó thương nhớ trong lòng người.

Xem thêm: 8 dẫn chứng, nhận định "ăn điểm" cho "Người lái đò sông Đà"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận