Sự thật về khả năng 'tìm lại của' ở ngôi cổ tự chuyên cúng đồ mặn dưới chân núi Quèn Tối
Ngôi cổ tự dưới chân núi Quèn Tối không nguy nga với rồng bay, phượng múa hay tô điểm bởi đồ thờ cúng trang nghiêm. Ngôi cổ tự này không trụ trì nhưng ẩn chứa rất nhiều câu chuyện ly kỳ khó giải thích.
Chùa Sống - cổ tự dưới chân núi Quèn Tối
Chùa Sống nằm cạnh đường mòn Hồ Chí Minh, dưới chân núi Quèn Tối thuộc xã Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình). Cổ tự này đã hứng chịu sự bảo mòn của nắng mưa, thăng trầm lịch sử... Nó là nhân chứng duy nhất còn sót lại chứng kiến biết bao đổi thay của mảnh đất mường Rụng này.
Ông Bùi Văn Bích (62 tuổi, trú tại xóm Thượng, xã Bảo Hiệu) là người đang trông coi chùa Sống. Ông Bích cũng không biết chính xác ngôi chùa có từ khi nào, vì không có tài liệu lịch sử ghi chép. Từ khi lớn lên ông đã thấy ngôi chùa sừng sững ở đó thách thức nắng mưa.
Ông Bích nghe các cụ kể, ngôi chùa có tuổi thọ hơn 1000 năm, khi mường Rụng còn là mảnh đất hoang vu, người dân còn đặt dưới sự cai quản của các dòng dõi quan lang mường xưa. Ngôi chùa được xây dựng bởi một vị quan có tài về thuật phong thủy. Phía trước chùa là một cái ao hồ rộng lớn, phía sau lưng là núi non cao vút, vững chắc.
"Từ khi bắt đầu trông coi chùa Sống, tôi đã gặp rất nhiều chuyện kỳ lạ mà đến nay vẫn không thể nào giải thích nổi. Một trong số đó là chuyện trùng hợp nhiều người bị mất của đến chùa cầu xin liền tìm lại được như tiền bạc, trâu bò, xe cộ...", ông Bích kể.
Ông Bích còn nhớ, cách đấy vài chục năm có vợ chồng anh Bùi Thị T. và chị Nguyễn Thị H. ở thị trấn Hàng Trạm (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) bị mất số tiền hơn 1 tỷ đồng. Sau đó vợ chồng đến chùa làm lễ xin với mong muốn tìm lại số tiền đã mất. Trùng hợp, ngày hôm sau họ phát hiện tiền rơi dưới gầm giường.
Anh T. - người mất tiền kể với báo Pháp luật Việt Nam như sau: Số tiền suýt mất ấy được tích cóp để chuẩn bị mua một mảnh đồi trồng cây, chăn nuôi nhưng bị kẻ gian lẻn vào lấy trộm. Vì tiếc tiền nên vợ anh T. lăn ra ốm. Đang cơn tuyệt vọng, anh T. được một người mách chùa Sống ở xã Bảo Hiệu linh thiêng nên vợ chồng sắp lễ mang đến cầu xin.
Trùng hợp thế nào, khi ngủ dậy, theo thói quen vợ anh T. mang chổi ra quét nhà cửa thì phát hiện bọc vải để ở dưới gầm giường. Thấy lạ, vợ anh T. tiến lại mở xem thì vỡ òa, đó chính là số tiền gia đình bị mất. Sau đó, vợ chồng anh quay lại chùa làm lễ tạ và đóng góp tiền tu bổ, tôn tại ngôi chùa.
Sau khi nghe chuyện của anh T., rất nhiều người lặn lội từ những nơi xa xôi đến chùa Sống để cầu xin. Và không ít người trong số đó đã tìm lại được tài sản bị mất của mình.
Cũng theo báo Pháp luật Việt Nam, trước đó, ông Vũ Văn Thuận (74 tuổi, người làng Thượng) cũng bị mất đôi trâu có gia trị bằng cả gia tài. Ông Thuận cũng không tin cặp trâu mà ông bị mất hơn 1 tuần lễ nhưng sau đó lại được.
"Đêm đó trời mưa lớn, sáng ngủ dậy tôi ra chuồng cho trâu ăn thì không thấy đâu cả, chỉ còn cái chuồng trống trơ. Cả gia đình tôi nhốn nháo lên, nhờ mọi người đi tìm khắp nơi nhưng đều vô vọng, nghe dân làng mách bảo nên đến ngôi chùa Sống cầu xin, may ra sẽ tìm lại được trâu.
Lần đầu tôi cũng nghi ngờ về khả năng tìm lại được trâu đã mất nhưng vì vợ tôi cứ năn nỉ và tôi cũng nghĩ tài sản đằng nào cũng mất rồi nên cứ làm lễ đến chùa thành tâm cầu xin, được thì tốt mà không thì cũng nhẹ lòng.
Sau khi hai vợ chồng tôi lên chùa xin, thật bất ngờ chỉ 2 hôm sau khi vợ chồng chuẩn bị đi ra ngoài ruộng thì giật mình thấy cặp trâu nhà mình sừng sững đứng trước cổng, như có ai đó mang nó về tận nhà vậy”, ông Thuận kể lại.
Kể từ đó, tin đồn chùa Sống linh thiêng có khả năng "tìm lại của" lan truyền khắp nơi. Người dân ùn ùn kéo đến đặt lễ, cầu xin tìm lại được đồ.
Cổ tự không trụ trì, chuyên cúng đồ mặn
Việc trông nom, nhang khói ở chùa Sống đều do ông Bích đảm nhiệm. Bởi từ xưa đến nay cổ tự này không có sư trụ trì. Được biết, gia đình ông Bích là dòng họ thứ 5 trông coi ngôi chùa này. Trước họ nhà ông Bích thì những người thuộc họ Đinh, Quách, Lường... trông coi.
Ông Bích tiếp nối nghiệp quản trang từ cha mình. Ông cho biết, cha từng là một thầy mo có tiếng trong vùng. Bởi vậy mà ông bích quen việc hành lễ, cúng báo.
"Vì đam mê với các bài cúng mà tôi học thôi, chứ thật tình tôi không nghĩ sau này mình sẽ trở thành một thầy cúng, và cũng chưa khi nào tôi nghĩa mình sẽ là người tiếp nối cha tôi chăm sóc ngôi chùa này”, ông Bích kể.
Theo quan niệm của người dân, dâng lễ ở chùa Sống đơn giản nhưng luôn luôn gồm 2 phần tách biệt. Một mâm lễ ngọt gồm trái cây, bánh kẹo; một mầm phải có thịt lợn hoặc thịt gà và các đồ ăn mặn.
Giải thích về tục cúng mâm lễ mặn, ông Bích cho biết: "Vì chùa của người Mường không chỉ thờ phật, mà còn thờ cả những vì thần núi của người Mường nữa. Do vậy theo phong tục của người Mường lễ vật khi thờ cúng bắt buộc phải có xôi thịt và các đồ ăn mặn. Tôi cũng chỉ làm theo phong tục từ ngày xưa các cụ để lại thôi”.
"Có nhiều người dưới xuôi lên nhờ tôi giúp, họ thấy tôi khấn vái bằng tiếng Mường nên tưởng tôi dùng thật hay đọc thần chú gì để cầu xin tìm đỗ đã mất. Nhưng thật ra là vì chùa của người Mường nên trước giờ khi khấn xin tôi thường dùng tiếng Mường trước", ông Bích nói thêm.
Được biết, vào năm 2011, Phòng Văn hóa huyện đã phối hợp với chính quyền sở tại khảo sát các đình chùa, miếu mạo để có thể phục hồi tôn tạo, nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị tín ngưỡng tốt đẹp của văn hóa xứ Mường. Ngôi chùa Sống cũng nằm trong danh mục đoàn đi khảo sát.
Anh Bùi Văn Nhị, Trưởng xóm Thượng cho biết, có nhiều người dân ở các địa phương khác tìm đến cổ tự để hành lễ với hy vọng tìm được tài sản đã mất. Song việc người dân cho rằng đây là ngôi chùa có khả năng tìm lại được những thứ đã mất chỉ là lời đồn đoán, không có cơ sở khoa học. Và những câu chuyện mang đầy chất tâm linh ấy có thể do chính người dân địa phương đồn thổi, mục đích là để tăng thêm sự huyền bí cho ngôi chùa.
Xem thêm: Đi tìm sự thật về ngôi chùa cắt vong, nhốt trùng lớn nhất Việt Nam
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận