Sứ mệnh gieo yêu thương: Hành động đẹp của nhóm "Bình Dương xanh"
Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc thực hiện một nghĩa cử đối với thành phố mà mình đang sinh sống và làm việc, dẫu cho đó không phải là nơi các bạn sinh ra? Nếu chưa từng, thì dự án thu gom rác, khơi thông kênh mương, làm sạch đường phố của nhóm “Bình Dương xanh” có thể là một gợi ý thú vị.
Những thành viên của nhóm là tập hợp những lao động nhập cư tại Bình Dương, họ đã tìm được cơ hội làm việc và phát triển tại thành phố năng động này. Họ coi hoạt động vì môi trường như một cách để “trả ơn” thành phố đã cưu mang họ.
Đầu năm 2023, anh Đoàn Văn Tố (36 tuổi) cùng Nguyễn Trọng Đức (32 tuổi) ấp ủ một dự án phải làm một điều gì đó có ý nghĩa, đóng góp cho mảnh đất Bình Dương, nơi họ đang sinh nhai.
Anh Tố cho biết, bản thân sinh ra ở Thanh Hóa, lớn lên ở Vũng Tàu, lập gia đình ở Bình Thuận, nhưng lựa chọn định cư tại Bình Dương.
Vào đây gây dựng sự nghiệp gần như từ hai bàn tay trắng, đến nay, nhờ làm nhiều nghề, từ chụp ảnh, ghi âm đến quản lý nghệ sĩ, anh cảm thấy được mảnh đất này cưu mang rất nhiều: “Vì sao có ơn với Bình Dương, có thể nói nơi đây thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Lúc lên đây dường như bắt đầu từ con số 0. Theo năm tháng, tích lũy làm việc ở đây đã đem lại cho tôi hy vọng, mái ấm và căn nhà mà tôi đang ở. Không chỉ tôi mà rất nhiều người ngoài kia cũng mang ơn của Bình Dương”
Là một địa phương mũi nhọn về công nghiệp, dân cư tập trung đông đúc, vấn đề môi trường với Bình Dương là khó tránh khỏi. Những bãi rác dân sinh gần chợ, trôi nổi trên kênh rạch rất nhiều, gây ảnh hưởng lớn tới mỹ quan và chất lượng môi trường sống.
Nhận thấy điều đó, “Bình Dương Xanh” đã ra đời từ 2 thành viên, với nhiệm vụ đơn giản: Thấy rác là dọn! Rất nhanh chóng, ý tưởng ấy đã nhận được sự hưởng ứng từ hàng chục công nhân trẻ đang làm việc trên địa bàn tỉnh.
Chị Tạ Thị Bích Nguyệt (quê gốc ở Nam Định), một thành viên trong nhóm, chia sẻ: “Rác ở Bình Dương thì trước đây nhóm mình hay đi nhặt ở các khu phố. Còn khi mình đi tới những nơi tụ điểm ăn chơi, rác bị vứt bừa tràn ra đường, rất ô nhiễm, thiếu trong lành. Chúng mình muốn làm điều đó để mọi người nâng cao được ý thức”.
Mỗi tuần 4 buổi, nhóm “Bình Dương Xanh” bố trí khoảng 15 thành viên hoạt động/ngày, chia làm các tổ 2 người: phát quang, chặt cây, cào cỏ, cào bùn, cào rác gom lại, kéo rác lên bờ, đội quét dọn, hậu cần.
Các công đoạn phối hợp khá nhịp nhàng và được điều phối xuyên suốt. Mặc dù vậy, theo anh Đoàn Văn Tố, trong những ngày đầu thực hiện công việc làm sạch môi trường, nhóm cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn: “Lúc ban đầu nhóm đi lượm rác, sự trái chiều cũng nhiều. Họ hỏi, ủa sao rảnh vậy, cơ quan đoàn thể nào cử các bạn đến đây, ai cử các bạn đến, việc này là của nhà nước, tại sao lại làm vậy. Sau khi nghe lời hỏi han ấy, chúng tôi cũng trả lời, chỉ biết là dơ quá thì mới chung tay bảo vệ môi trường, không có ý gì khác”
Thậm chí, có một giai đoạn, nhóm gặp sự cố về hoạt động, nhưng các thành viên vẫn cố gắng duy trì bằng cách phối hợp và đồng hành với nhóm “Sài Gòn Xanh” để không bị gián đoạn.
Có những nơi đi qua, nhóm mất tới 20 ngày để thực hiện phát quang, dọn dẹp cảnh quan. Sự kiên trì, cùng cái tâm hướng về môi trường thành phố đã giúp nhóm “Bình Dương Xanh” dần chiếm được thiện cảm của người dân địa phương và các cấp chính quyền.
Từ chỗ bị chất vấn, hoài nghi, nhóm đã được một số UBND phường liên hệ và hỗ trợ các vật phẩm cần thiết cho công việc, hướng dẫn tiêm vắc-xin cho các thành viên.
Anh Đoàn Văn Tố cho biết, khi thực hiện dọn rác dưới kênh, nhóm phải đối mặt với những mối nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe: “Tôi được học hỏi từ mọi người và hỏi kiến thức, đã trang bị cho nhóm bao tay ba lớp, một lớp y tế ở trong, một lớp bao tay rửa chén, một lớp ở ngoài chống vật nhọn, vật sắc, tránh đứt tay, và bộ đồ bảo hộ xuống nước. Chỗ nào sâu quá, nước vào trong, không mặc được thì mình trưởng nhóm và một vài anh em có kinh nghiệm sẽ xuống nước để gạt rác vào bờ cho các bạn dọn. Chúng mình đã cố gắng khắc phục, vận động xin phường và các đơn vị tài trợ để hỗ trợ các trang bị bảo hộ, tiêm vắc xin cho anh em thành viên”
Một trong những bí quyết để “Bình Dương Xanh” thu hút và gắn kết các thành viên, đó là khi gia nhập nhóm, các bạn trẻ có thể được học hỏi, trau dồi thêm các kỹ năng mềm khác, như quay dựng video, các thủ thuật về mạng xã hội.
Chính các video clip ý nghĩa tích cực trên mạng xã hội đã giúp “Bình Dương Xanh” hiện kết nạp được khoảng 100 thành viên.
Trưởng nhóm, anh Đoàn Văn Tố tâm niệm: “Chúng tôi không có quyền cấm cản mọi người xả rác. Nhưng chỉ mong rằng, khi thấy hình ảnh anh em chúng tôi lăn lộn dưới dòng kênh, giữa các bãi rác dân sinh, thì mong rằng, mọi người nhìn vào thương một chút, hạn chế xả rác, cùng lan tỏa những điều tích cực vì cộng đồng, vì môi trường Bình Dương xanh và mọi nơi đều xanh”
Thời gian tới, bên cạnh việc phát huy các hoạt động thu gom rác, “Bình Dương Xanh dự kiến sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí làm thêm các bếp ăn không đồng giúp đỡ người cơ nhỡ. Xa hơn, nhóm mong muốn tổ chức các chuyến xe 0 đồng, xe cấp cứu 0 đồng để hỗ trợ người lao động, người khó khăn tại Bình Dương.
Rõ ràng, có nhiều cách để gửi lời cảm ơn tới thành phố mà chúng ta đang sinh sống. Có thể hành động của mỗi cá nhân khi nhìn dưới góc độ đơn lẻ là không đáng kể, nhưng khi mọi người tập hợp lại, cùng hướng về một mục tiêu chung và lan tỏa cảm hứng tới cộng đồng, những thay đổi sẽ đến.
Những thay đổi mà Bình Dương đang có, đến từ chính mỗi người dân, gồm cả những lao động nhập cư, mà địa phương này đang mở rộng vòng tay chào đón.
(Theo VOV)
Xem thêm: Sứ mệnh gieo yêu thương: Việc tốt của các thành viên CLB thiện nguyện "Đồng cảm"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận