So sánh "giọt nước mắt" của A Phủ (Vợ chồng A Phủ) và bà cụ Tứ (Vợ nhặt)
Nếu như giọt nước mắt của A Phủ là sự bất lực của chàng trai đang cận kề cái chết. Thì giọt nước mắt của bà cụ Tứ lại là giọt nước mắt của nỗi lòng người mẹ...
ĐỀ BÀI:
Cảm nhận của anh(chị) về chi tiết giọt nước mắt của A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Từ đó có sự so sánh với chi tiết giọt nước mắt của bà cụ Tứ trong truyện ngắn “ Vợ nhặt” của Kim Lân.
BÀI VIẾT:
Là thế hệ vàng làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất cho nền văn học thế kỷ 20, Tô Hoài được ví như “ Hạt ngọc của văn học”. Những sáng tác của ông được nhà phê bình Phạm Văn Nguyên nhận xét rằng ‘sự nghiệp văn chương của Tô Hoài là một kho báu’’. Khi khám phá kho báu ấy, ta không thể không nhắc đến tập Truyện Tây Bắc mà nổi bật trong đó là ‘ viên kim cương’ vợ chồng A Phủ. Thông qua câu chuyện về đôi vợ chồng người H’Mông, Tô Hoài đã đưa người đọc đến với miền núi Tây Bắc, từ đó giúp họ cảm nhận được những bi kịch, những áp bức mà người dân nơi đây phải gánh chịu trong xã hội xưa. Một trong những ‘ chi tiết làm nên hạt bụi vàng vàng của tác phẩm’ gây cho người đọc ấn tượng sâu sắc có lẽ là chi tiết giọt nước mắt của A Phủ. Giọt nước mắt ấy không chỉ thức tỉnh sức sống trong con người Mị, mà nó còn mang nhiều ý nghĩa lớn lao khác.
Chi tiết của văn học đơn giản là những biểu hiện, những tình tiết góp phần xây dựng nên cốt truyện, đồng thời nó cũng thể hiện được tư tưởng chủ đề của truyện. Đối với những chi tiết đặc sắc trong tác phẩm còn chứa đựng được những cảm xúc lớn lao, những tư tưởng sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm vào trong đó.
Chi tiết giọt nước mắt của A Phủ được xem là một trong những chi tiết đặc sắc nhất của tác phẩm. Giọt nước mắt đó nó không chỉ thể hiện sự bất lực của chàng trai đang cận kề ranh giới cái chết, mà nó còn là tác nhân đánh thức sức sống tiềm tàng và khả năng phản kháng tưởng chừng đã ngủ sâu trong con người Mị.
A Phủ là một chàng trai khỏe mạnh,được xem như người con của núi rừng đại ngàn Tây Bắc. Anh mồ côi cha, mẹ từ bé, bị dân làng bán cho người dưới núi. Nhưng với tính gan bướng của mình, anh đã trốn và lưu lạc đến Hồng Ngài. Đi làm cho nhà người, chẳng mấy chốc A Phủ cũng lớn, có thể săn bò tót, cày giỏi, rất được nhiều gái làng mê. Người ta còn nói với nhau rằng ‘ đứa nào lấy được A Phủ như được con trâu tốt trong nhà, chả mấy chốc mà giàu’ nhưng với chế độ phong kiến, với cái gọi là luật lệ làng một chàng trai khỏe như vậy nhưng cũng không đủ điều kiện để có thể lấy vợ. Tết đến tuy chẳng có quần áo mới như những chàng trai khác, nhưng anh cũng theo những chàng trai làng đem sáo, khèn, quả pao đi kiếm người yêu. Có lẽ, cuộc đời A Phủ sẽ là những chuỗi ngày sống tự do, vô tư nếu anh không đánh nhau với A Sử con trai của nhà thống lí Pá Tra. Chính sự việc này đã đưa cuộc đời anh sang một trang mới, A Phủ trở thành ‘ nô lệ không công’ cho nhà thống lí. Thế nhưng anh vẫn làm việc chăm chỉ, vẫn lạc quan yêu đời. Tuy nhiên, do một lần mải mê bẫy nhím đã để hổ bắt mất một con bò của thống lí mà A Phủ phải chịu cảnh bị trói ở cây cột trong góc nhà, bị bỏ đói và chịu rét mấy ngày liền.
Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nếu không có bếp lửa chắc Mị cũng chết héo.Mấy đêm nay, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. Nếu A Phủ “ Là cái xác chết đứng đấy Mị vẫn thế thôi”. Có lẽ, tâm hồn Mị giờ đây đã bị tê liệt, với Mị không còn có cái gọi là tình thương hay sự đồng cảm. Có hôm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy nó lại đánh Mị, mặc dù bị đánh như vậy nhưng đêm hôm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm hôm trước.
Lúc ấy đã khuya, như thường lệ Mị lại ra thổi lửa hơ tay. Ngọn lửa bùng lên, Mị trông sang, thấy “ Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã đem xám lại”. Có lẽ, đó chính là giọt nước mắt của sự bất lực, bất lực trước cái chết, trước sự vô lý của chế độ phong kiến đã dồn những người nông dân đến bước đường cùng. Lúc đấy, phải chăng A Phủ đã khuất phục và cam tâm chờ chết. Nhưng điều mà A Phủ không ngờ tới là chính giọt nước mắt đấy đã đưa cuộc đời anh sang một bước ngoặt khác.
Giọt nước mắt của A Phủ không chỉ cho thấy sự bất lực của chính bản thân nhân vật. Mà còn là tác nhân thức tỉnh sức sống tiềm tàng tưởng chừng đã bị lãng quên bên trong con người Mị. Từ giọt nước mắt của A Phủ, Mị nghĩ về giọt nước mắt của chính mình. Mị nhớ lại bản thân mình một năm trước cũng bị A Sử trói đứng như thế. Mị đau, Mị khóc “ Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được” nhưng chẳng có ai quan tâm Mị cả. Từ nỗi đau của chính mình, Mị như thấu hiểu, đồng cảm cho nỗi đau của A Phủ. Mị nghĩ về người đàn bà cũng từng bị trói đứng đến chết trong cái nhà này. Có lẽ, lúc này trong Mị đã phần nào hiểu được số phận của người phụ nữ trong nhà thống lí nói riêng và trong chế độ phong kiến này nói chung. Đó là họ không có cái quyền phản kháng, cái quyền tự do, hạnh phúc của một con người. A Phủ được xem như là tấm gương phảng phất hình bóng Mị ở trong đó.. Lần đầu tiên, Mị nhận thức được rằng “ Chúng nó thật độc ác”, lần đầu tiên Mị nhận ra rằng sự tàn bạo, bất công và vô lý của những cái gọi là “ Lệ làng” nói riêng và chế độ phong kiến nói chung đang ập lên vai những con người “ Thấp cổ bé họng” mà trước đó dù có bị bắt làm việc như con trâu con ngựa, bị đối đãi một cách tàn bạo Mị cũng chưa nhận ra được.
Mị cảm nhận được sự nguy khốn vô lý, sự tàn nhẫn mà chàng trai trẻ trước mặt Mị đang phải chịu đựng, mà chỉ có một con đường đó chính là cái chết “ Cơ chừng chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”. Lúc này, sâu trong thâm tâm Mị đã có cái gì đó trỗi dậy, Mị tự thắc mắc lòng mình, cũng như sự thắc mắc của tác giả “ Người kia việc gì phải chết”. Chính sự thắc mắc, phân vân ấy của Mị như là một thông điệp tác giả gửi gắm nhằm lên án sự bất công, vô lý mà chế độ phong kiến hà khắc đã đè nặng lên những người nông dân vô tội.
Chính giọt nước mắt của A Phủ, đã thức tỉnh sự yêu thương cũng như lòng đồng cảm bên sâu trong tâm hồn cô gái trẻ tưởng chừng như đã bị tê liệt. Lúc đầu Mị còn có sự đấu tranh tâm lý liệu khi cứu A Phủ rồi, cha con nhà thống lý có để yên cho Mị hay không.Nhưng có lẽ, lòng yêu thương trắc ẩn đã thôi thúc Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ. Thời khắc Mị giải thoát cho A Phủ cũng chính là Mị đang giải thoát bản thân mình khỏi sợi dây vô hình tưởng chừng như sẽ theo Mị đến lúc Mị “ rũ xương ở đây”.
Như vậy, chi tiết giọt nước mắt của A Phủ như “ ánh sáng” soi đường cho hai nhân vật đến với một cái kết hạnh phúc hơn. Nó không chỉ đưa cuộc sống của một chàng trai tưởng chừng như chỉ đứng ở góc bất lực chờ cái chết đã rẽ sang một trang mới với những hy vọng ở tương lai phía trước. Mà còn thức tỉnh sức sống tiềm tàng của cô gái “ đầy xuân, đầy tình” từ người đàn bà “ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Bên cạnh đó, qua chi tiết giọt nước mắt của A Phủ. Tô Hoài lên án,tố cáo chế độ phong kiến miền núi hà khắc đã đẩy những chàng trai cô gái đang tự do phơi phới sắc xuân, tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết thành những con người con người dửng dưng vô cảm, bị tê liệt về tâm hồn lẫn thể xác. Mặc khác, tác giả cũng gửi gắm những thông điệp “ dù trong những hoàn cảnh khốn khó, dù bị dồn đến bước đường cùng. Nhưng sức sống của con người không mất đi mà vẫn âm ỉ cháy. Chờ đến “ thời cơ” sức sống ấy sẽ bùng phát lên mạnh mẽ”.
Chi tiết giọt nước mắt là một trong những chi tiết được nhiều nhà văn vận dụng như giọt nước mắt của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “ Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu hay giọt nước mắt của Chí Phèo, Lão Hạc trong những tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Nhưng có lẽ đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc nhất có lẽ là chi tiết giọt nước mắt của bà cụ Tứ trong truyện ngắn “ Vợ nhặt” của Kim Lân. Nếu như giọt nước mắt của A Phủ là sự bất lực của chàng trai đang cận kề cái chết. Thì giọt nước mắt của bà cụ Tứ lại là giọt nước mắt của nỗi lòng người mẹ.
Trong truyện ngắn, giọt nước mắt của bà cụ Tứ được Kim Lân được tái hiện lại một cách đầy sinh động và mang những ý nghĩa nhất định. Chi tiết giọt nước mắt lần thứ nhất thể hiện cho của sự tủi hờn, của sự trách móc bản thân khi không làm tròn bổn phận của người mẹ. Đến một đám cưới nhỏ cũng không lo được cho đứa con trai của mình.Còn giọt nước mắt thứ hai lại là giọt nước mắt của sự hạnh phúc, sự vui mừng của người làm mẹ trước tình cảm mặn nồng của gia đình con trai.
Có thể thấy, nếu tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân đánh thức sức sống tiềm tàng trong Mị. Thì giọt nước mắt của A Phủ như là “ giọt nước tràn ly” làm bùng nổ sức sống đang cháy im ỉm trong con người Mị. Để từ đấy, Mị đã vùng lên giải thoát cho A Phủ và giải thoát cho bản thân mình khỏi sự áp bức, bất công của chế độ phong kiến. Mở ra cho bản thân và mở ra cho cả A Phủ một “con đường” ở đấy con người có thể yêu, có thể hạnh phúc và quan trọng là có được sự tự do. Bên cạnh đó, qua “hạt bụi vàng” này Tô Hoài cũng đã thể hiện được giá trị hiện thực cũng như giá trị nhân đạo mà nhà văn muốn gửi gắm tới người đọc.
(Nguồn: Học Văn Chị Hiên)
Xem thêm: "Giọt nước mắt của bà cụ Tứ" - Chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận