"Giọt nước mắt của bà cụ Tứ" - Chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm
Chi tiết được coi như “hạt bụi vàng của tác phẩm”. Đó là túi tiên, chứa đựng cảm xúc, tư tưởng và cái tôi riêng của nhà văn...
ĐỀ BÀI:
Phân tích "giọt nước mắt của bà cụ Tứ" trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân để chứng minh nhận định "chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm".
GỢI Ý BÀI VĂN MẪU:
Nhà văn Kim Lân được mệnh danh là “con đẻ của đồng ruộng””, là nhà văn “một lòng đi về với đất, với trời, với những giá trị thuần hậu nguyên thủy của con người Việt Nam”. Dù xuất hiện vào cuối giai đoạn văn học hiện thực 1930-1945, nhưng Kim Lân lại mang màu sắc khác biệt với các tác giả đi trước. Điển hình và cũng là xuất sắc nhất của ông trong giai đoạn này là truyện ngắn “Vợ nhặt” được in trong tập “Con chó xấu xí”, năm 1962. Tác phẩm là bức tranh chân thực về nạn đói năm 1945, là sự ngợi ca tình người, tình mẫu tử; trân trọng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của những người nông dân nghèo. Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn này là đại diện cho vẻ đẹp của người nông dân, người mẹ Việt Nam truyền thống. Tuy không được miêu tả chi tiết về chân dung và ngoại hình nhưng qua chi tiết hai lần bà rơi nước mắt khi Tràng dẫn người vợ nhặt về ra mắt, ta phần nào hiểu được về chân dung và số phận người mẹ nông dân ấy, đồng thời cảm nhận sâu sắc và thêm trân trọng biết bao tình yêu con vô bờ của bà.
Từ nhỏ, do nhà nghèo, Kim Lân đã phải bôn ba khắp nơi, làm nhiều công việc khác nhau như thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong… để mưu sinh. Có lẽ vì thế, hơn ai hết, ông thấu hiểu được nỗi vất vả, sự khổ cực của những người dân lao động nghèo. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình ở thể loại truyện ngắn và đến năm 1945, ông viết tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Nhưng sau này do mất bản thảo, Kim Lân đã dựa trên cốt truyện cũ để sáng tác truyện ngắn “Vợ nhặt”, một tác phẩm mang sức nặng tư tưởng của cả cuốn tiểu thuyết. Với biệt tài viết truyện độc đáo, mới lạ, nhà văn đã khắc họa thành công từng nhân vật, từ đó làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân. Kim Lân không chỉ thành công trong việc tạo dựng mạch cảm xúc, diễn biến tâm lý của nhân vật mà ông còn rất xuất sắc trong việc xây dựng các chi tiết nghệ thuật. Chi tiết hai lần bà cụ Tứ khóc: “Bà lão cúi đầu…qua cơn đói khát này hay không” và “kể có ra… thương quá” khi Tràng đưa cô vợ nhặt về ở giữa tác phẩm thực sự là điểm sáng thẩm mỹ cho truyện ngắn “Vợ nhặt”.
Chi tiết được coi như “hạt bụi vàng của tác phẩm”. Đó là túi tiên, chứa đựng cảm xúc, tư tưởng và cái tôi riêng của nhà văn. Chi tiết giọt nước mắt của bà cụ Tứ không chỉ là sự xót thương của Kim Lân cho những con người với số phận bé mọn, lay lắt, mỏng manh mà còn là sự tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến lạc hậu thời bấy giờ. Đây thực sự là điểm nhấn nghệ thuật của tác phẩm.
Bà cụ Tứ là một bà mẹ nghèo, già nua, “lẩm nhẩm tính toán” theo thói quen của người già. Bà là dân ngụ cư và sống cùng với con trai tên là Tràng. Hình ảnh bà cụ Tứ xuất hiện lần đầu ở giữa tác phẩm, trong một buổi chiều chạng vạng. Bà hiện lên với dáng đi “lom khom”, chậm chạp, vừa đi vừa “ho húng hắng”. Từ chân dung, ngoại hình của bà, ta cũng thấy như hiện ra trước mắt cuộc đời của một người phụ nữ tần tảo, yêu thương con vô bờ và đã chai sạn vì những khổ đau, nhọc nhằn trong quá khứ.
Truyện ngắn ‘Vợ nhặt” lấy bối cảnh là nạn đói năm 1945, giữa thời buổi đói khát đến quay quắt, khi con người đang phải đối diện với cái chết, anh Tràng nghèo khổ, xấu xí, ngờ nghệch lại tình cờ “nhặt” được vợ. Trong buổi chiều nắng heo hắt, tối sầm vì đói khát và chết chóc, Tràng đưa cô “vợ nhặt” về nhà. Trước tình huống éo le ấy, bà cụ Tứ đã có những cách ứng xử khéo léo và cả một dòng chảy suy nghĩ phức tạp.
Khi lần đầu gặp gỡ cô vợ nhặt, đứng từ ngoài nhà mà ngó vào trong, bà không thể không bất ngờ khi thấy có cô gái đứng đầu giường con trai bà. Hàng loạt câu hỏi hiện ra trong bà và phải đến khi Tràng thưa chuyện, bà mới vỡ lẽ. Lúc này, trong lòng người mẹ, bao suy nghĩ ào ạt ập tới. Nhưng rốt cuộc, bà lão cũng chỉ “cúi đầu nín lặng”. Bà không chỉ vỡ lẽ mà còn “ngậm ngùi”, “hiểu ra bao nhiêu cơ sự”. Hành động đó của bà là một sự ứng xử khéo léo, độ lượng mà bao dung. Người mẹ đã tế nhị giữa hai người con, đặc biệt là người dâu mới, gỡ bỏ những éo le, tủi nhục trước tình huống nên vợ nên chồng đầy sự chắp vá, bấu víu này. Bà cụ Tứ đã hiểu ra mọi chuyện và dù không nói ra thành lời, bà đã chấp nhận người dâu mới. Đây là trái tim của một người mẹ nhân hậu, hết lòng yêu thương con và là trí tuệ của một người từng trải. Trong nội tâm của bà cụ Tứ lúc này, nỗi ai oán, xót thương, nỗi lo lắng dành cho các con dâng trào. “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình thì…”. Câu nói này đã chất chứa bao nỗi tủi hổ, mặc cảm và oán trách bản thân vì đã không làm tròn trách nhiệm người mẹ của bà. Bà xót thương cho con trai mình với biết bao sự thiệt thòi. Đan xen với sự xót xa, oán trách, tủi hổ ấy là nỗi lo dâng đầy dành cho các con của người mẹ này. “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”.
Chữ “lo” ở đây không chỉ gắn với Tràng, con trai bà, mà còn cả người con dâu nữa. Đây là lần đầu tiên bà nhắc đến người con dâu nhưng bà đã nhân hậu, vị tha, coi cô cũng như con ruột mình và cũng lo lắng cho cô. Lòng người mẹ đã thật chân tình nói lên sự yêu thương, xót xa cho số phận ngặt nghèo của hai con và vừa mong, vừa lo hai con có đùm bọc nhau, cưu mang nhau được qua “cơn đói khát” này không. Lúc này, tất cả những cảm xúc đang chất chứa trong lòng tích lại thành những dòng nước mắt và “rỉ xuống” qua kẽ mắt “kèm nhèm” của bà cụ Tứ. Đây là biểu hiện của nỗi đau khổ, tủi phận, là nỗi lo lắng dành cho hai con canh cánh trong lòng. Giọt nước mắt đã “rỉ xuống” ấy có lẽ còn là sự vui mừng, giọt nước mắt của hạnh phúc khi trong tình cảnh ngặt nghèo này, con trai bà vẫn có được vợ. Kim Lân đã rất tinh tế khi miêu tả dòng nước mắt của bà cụ Tứ. Nó chỉ “rỉ xuống” chứ không tuôn rơi vì dường như cả cuộc đời của người mẹ tảo tần đã trải qua biết bao khổ đau để bà phải khóc cạn nước mắt của mình. Thế nên, giọt nước nước mắt rỉ xuống lúc này, phải chăng cũng là cảm xúc lắng đọng của gần một đời người đã qua nơi bà? Chân dung và số phận của bà còn được khắc họa qua hình ảnh “kẽ mắt kèm nhèm”. Sự vất vả, khổ cực của bà cụ Tứ có lẽ được thể hiện chân thực và đầy đủ nhất qua chi tiết này, khi người phụ nữ nông dân ấy trải qua đầy những khổ hạnh của cuộc đời. Phải yêu thương con đến nhường nào, người mẹ này mới có thể “rỉ xuống” những giọt nước mắt hiếm hoi của cuộc đời mình? Quả không sai khi nói dòng nước mắt là biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu với những đứa con vô điều kiện và là biểu hiện của một tấm lòng bao dung, vị tha. Bằng bút pháp nửa trực tiếp và hiện thực tâm lí, kết hợp với giọng văn chậm, đều, ngôn từ giản dị, phù hợp với nhân vật và đặc biệt là sự tinh tế, sắc sảo để thấu hiểu tâm lý con người, Kim Lân đã phác họa chân thực và rõ nét hình ảnh bà cụ Tứ: từng suy nghĩ, cử chỉ của bà đều toát lên dáng vẻ, sự trải đời của bà lão nông dân, dù nghèo khổ nhưng luôn lo lắng, yêu thương con.
Sau khi nói rằng sẽ chấp nhận chuyện hôn nhân éo le của hai con, bà cụ Tứ đã an ủi, động viên vợ chồng Tràng. Dù cuộc hôn nhân này dựa trên sự bấu víu, chắp vá, nhưng bà cụ Tứ vẫn dành sự trân trọng, yêu thương cho người con dâu “nhặt” được này. Bà nhắc đến chuyện làm mâm cỗ cưới để cúng tổ tiên, ra mắt mọi người. Người mẹ này mong ước có thể đường đường chính chính xác nhận với mọi người đây là con dâu của bà, vợ của Tràng. Bà cho người phụ nữ tầm phơ, tầm phào này một mái ấm, một vị trí trong cuộc đời, và trong cả gia đình nhỏ này nữa. Mong muốn chân tình này cho thấy người mẹ nghèo thật sâu sắc, tinh tế và vô cùng bao dung, nhân hậu. Bà chỉ mong sao hai con yêu thương, sống hạnh phúc với nhau. “Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi”.
Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu, bà lại bị bủa vây bởi những nỗi lo, sự mặc cảm về số phận “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”. Không chỉ là nỗi lo lắng trong đầu như ở đoạn trên mà lúc này đây, bà đã phải thể hiện nỗi lo, nỗi xót thương đến đứt ruột và thốt lên “u thương quá”. Bao cảm xúc như được dồn nén hết trong chữ “thương” để rồi giọt nước mắt của bà lại một lần nữa tuôn rơi. Nhưng không còn chỉ là “rỉ xuống” nữa mà trở thành “chảy xuống ròng ròng”. Nước mắt cứ thế chảy ra mà bà không thể kìm nén được. Hình ảnh này đã thể hiện sự xót xa dâng trào cùng nỗi lo trong lòng người mẹ. Bà không chỉ thương mà còn thấy có lỗi với con. Thân là mẹ nhưng lại không thể lo nổi cho con một mâm cỗ cưới, một đám cưới đàng hoàng. Trước chuyện hệ trọng cả cuộc đời của con trai mình, bà đã không thể làm gì để giúp các con vun vén hạnh phúc. Trong lòng bà ngập tràn niềm hờn tủi. Không còn là ngôn ngữ nửa trực tiếp mà đoạn văn này được Kim Lân sử dụng ngôn ngữ kể, tả rất đời thực. Tuy thế, ông vẫn xây dựng được thành công dòng chảy tâm lý cũng như nét tính cách của nhân vật này. Bà cụ Tứ hiện lên không chỉ với vẻ đẹp tâm hồn mà con tính cách mộc mạc chân thật của người mẹ.
Có thể nói, thông qua hai chi tiết ta thấy được nổi bật lên tình yêu con vô hạn. Trước tình cảnh éo le ấy, bà đã rất tế nhị, cố nén đi nỗi xót xa, tủi hờn để gỡ bỏ những tủi nhục khó nói trong tình huống nên vợ nên chồng của hai con. Nhưng rốt cuộc, nỗi lo lắng, sự xót thương bị đẩy lên đỉnh điểm và bà phải “rỉ xuống” những dòng nước mắt. Người mẹ gạt sự tủi hờn ấy và an ủi, động viên vợ chồng Tràng. Nhưng với sự ai oán, mặc cảm, nỗi lo số phận lại quay lại, đeo bám bà. Giờ đây, bà không còn nén được nữa và dòng nước mắt “chảy xuống ròng ròng” như một giọt nước tràn ly. Giọt nước mắt của người mẹ nghèo này chính là hiện thân của tình mẫu tử thiêng liêng, lòng bao dung, sự hi sinh nhưng cũng là sự bất lực của người mẹ khi không thể làm tròn trách nhiệm với con.
Thông qua những giọt nước mắt của bà cụ Tứ, Kim Lân còn tố cáo hiện thực chiến tranh thảm khốc đã đẩy con người đến những tình cảnh thê lương. Bà cụ Tứ là điển hình của người phụ nữ Việt Nam truyền thống với những phẩm chất tốt đẹp: bao dung, vị tha, giàu tình thương yêu và tinh thần lạc quan. Vẻ đẹp của nhân vật một lần nữa khẳng định chủ đề tư tưởng của tác phẩm: trong cái đói xơ xác, khi con người chỉ nghĩ đến sự đói khái, cái chết đang đến gần, thì tình yêu thương, sẻ chia, đùm bọc, niềm khát khao hạnh phúc gia đình, niềm hi vọng vào tương lai vẫn luôn rực cháy.
Qua hai chi tiết nghệ thuật, tác giả đã khéo léo gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình dành cho nhân vật. Qua đó, tư tưởng nhân đạo sâu sắc, sự đồng cảm, sẻ chia và niềm tin của Kim Lân với nhân vật lại càng ngời sáng. Bằng ngòi bút hiện thực và trái tim nhân hậu của mình, Kim Lân đã miêu tả được chân thực và cảm động cuộc đời và số phận của con người Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Không đi vào miêu tả chi tiết ngoại hình, tính cách của bà cụ Tứ, nhưng bằng dòng chảy nội tâm, bằng dáng vẻ cử chỉ, hành động, ta thấy được hình ảnh bà hiện lên chân thực và sắc nét, mang dáng dấp của người phụ nữ lao động lớn tuổi với những vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ. Chi tiết giọt nước mắt đã cho ta thấy sự am hiểu, tinh tường của Kim lân trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Nhà văn đã xây dựng rất thành công tình huống éo le, độc đáo và những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, điểm sáng thẩm mỹ của tác phẩm.
M. Gorki từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Kim Lân quả xứng đáng là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam, khi chỉ từ những chi tiết nhỏ bé mà sâu sắc, ông đã đặt cả một tài năng và tấm lòng nhân đạo của mình vào đó. Cùng với đó, thành công của truyện ngắn “Vợ nhặt” còn phải kể đến việc Kim Lân đã gây ấn tượng mạnh với độc giả bằng lối kể chuyện lôi cuốn, ngôn từ giản dị, phù hợp với mọi lứa tuổi. Có lẽ vì thế cho đến nay, “Vợ nhặt” vẫn để lại dư âm khó phai mờ trong lòng người đọc của nhiều thế hệ.
(Bài làm của bạn Linh Hoa – học sinh lớp LLVH và Luyện viết chuyên sâu cùng cô Ngọc Anh)
Xem thêm: Nhìn lại bài văn điểm 10 về tình người nồng đượm trong "Vợ nhặt" cách đây gần 20 năm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận