Phật tử thờ cúng ông Công ông Táo được không?

Hiện nay có không ít Phật tử thắc mắc rằng, khi nghe đĩa thuyết pháp và được biết đã Quy y Tam Bảo thì không thờ ông Địa, thần Tài. Vậy thờ cúng ông Công ông Táo được không?

Đỗ Thu Nga
15:01 24/01/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thờ cúng ông Công ông Táo là tín ngưỡng dân gian tốt đẹp của người Việt Nam từ ngàn đời nay. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, gia đình nào cũng sẽ chuẩn bị lễ phẩm tươm tất để tiễn Táo quân lên chầu trời, báo cáo tình hình ở dưới hạ giới.

Vậy Phật tử có được thờ cúng ông Công ông Táo không? Theo Phật học đời sống, từ xa xưa, người ta luôn tin rằng, mỗi lĩnh vực của đời sống con người đều có một vị thần cai quản nên thờ phụng, cúng bái các vị thần ấy thì sẽ được phù hộ. 

Người Phật tử sau khi Quy y Tam Bảo đều biết rõ "Quy y Phật không quy y trời thần quỷ vật". Tuy nhiên, tập tục thờ thần đã in sâu vào tâm thức, phổ biến trong dân gian Việt Nam nên một số Phật tử vẫn duy trì các hình thức thờ thần này.

Trong tinh thần phương tiện và bao dung của Phật giáo, những vị Phật tử nào chưa đủ Chánh kiến để phụng hành chỉ ba ngôi Tam bảo thì vẫn có thể duy trì tập tục thờ các vị thần này. Nhưng cần lưu ý rằng, đạo Phật không chủ trương thờ thần, mặt khác, những thành tựu trong đời sống đều do phước đức của tự thân đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại mà được, chứ không phải nhờ thần linh phù hộ.

Phat-tu-tho-cung-ong-Cong-ong-Tao-duoc-khong-8

Nói một chút về tục thờ Táo và Phật Táo tại tư gia, theo quan niệm của Nho gia: áo quân là chủ của một gia đình, đứng đầu trong Ngũ tự, tập hợp năm đối tượng thờ tự của mỗi gia đình: Táo (bếp), Tỉnh (giếng), Môn (cổng/ngõ), Hộ (cửa) và Trung lựu (máng xối/giữa nhà).

Theo Lễ Ký, thiên Khúc lễ hạ: Thiên tử tế trời đất, tế bốn phương, tế núi sông, tế ngũ tự; chư hầu tế phương mình ở, tế ngũ tự; đại phu tế ngũ tự; kẻ sĩ tế tổ tiên… Theo Táo quân chơn kinh, trong năm đối tượng thờ tự (Ngũ tự) thì: “Nay bỏ hết bốn, chỉ còn thờ một thần Táo mà thôi vì Lễ Ký nói: “Năng hạn đại hoạn tắc tự chi”, tức vị thần nào hay cứu nạn cả thì được phép thờ. Bởi Ông Táo coi họa phước nội nhà nên nhà nào cũng thờ. Bởi ngài như miệng lưỡi của sao Bắc Đẩu hằng ở phía Đông (cái nhà chái dưới bếp), mà coi lành thì cho phước, dữ thì cho họa”.

Đoạn trích dẫn trên cho thấy lý do tại sao tập tục thờ Ngũ tự ít phổ biến, trong khi tập tục thờ Táo lại có mặt ở hầu hết các gia đình. 

Đến đây, chức trách của Táo quân từ chỗ cai quản việc củi lửa bếp núc biến thành vị gia thần nắm quyền sinh tử, họa phúc của một nhà: Luôn theo dõi tường tận công tội của từng người để hàng năm lên trời tâu với Ngọc Hoàng.

Mục “Khuyến thiên văn” trong Táo quân chơn kinh viết: “Ta là Đông trù Tư mệnh, hưởng hương lửa mỗi nhà, bảo hộ sự khang thái cho mỗi nhà, giám sát việc thiện ác mỗi nhà, tâu trình công đức, tội lỗi mỗi nhà".

Thần hiệu “Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân” cho ta thấy Táo quân đã đảm trách cả việc bếp núc lẫn “tư mệnh”, quản lý sinh mệnh của các thành viên trong gia đình, hay hẹp hơn là gia chủ, tức thần Bếp/Táo quân đã gánh thêm công năng mới ngoài công năng nguyên thủy của mình.

Sự tích hợp thêm công năng “tư mệnh” đã chỉ ra xu hướng chuyển đổi tính chất truyền thống của vị thần Bếp này theo đà tiến bộ của con người đã có được khả năng làm chủ ngọn lửa.

Phat-tu-tho-cung-ong-Cong-ong-Tao-duoc-khong

Trong xu hướng càng ngày càng thiên trọng công năng phúc thần của Táo quân ở việc tách bạch Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân với Định phúc Táo quân ra thành hai vị gia thần riêng biệt.

Táo “Đông trù Tư mệnh” được thờ ở dưới bếp còn được gọi là Thổ Táo và “Định phúc Táo quân” được thờ ở trang thờ ở gian giữa nhà chính (trên bàn thờ tổ tiên hay trên khung cửa chính của gian giữa nhà chính, ngó mặt vào bàn thờ tổ tiên) – được gọi là Phật Táo.

Thổ Táo coi việc củi lửa bếp núc; Phật Táo theo dõi công tội của con người, đảm nhận việc lên trời (23 tháng Chạp) để tâu báo với Ngọc Hoàng.

Một Táo đảm nhận việc "ty hỏa" và một Táo là lo việc "đạt thiên". Kết quả điều tra điền dã ở Nam Bộ vào dịp Tết năm 2011 cho thấy, các bài vị thờ Táo quân trong hầu hết các gia đình, dù thờ dưới bếp hay trên trang thờ ở nhà trên đều là “Định phúc Táo quân”.

Điều này chỉ ra rằng tín lý thờ ông Táo ngày nay đã nghiêng hẳn về công năng xét tội định phúc và thế nhân đã không màng đến việc cầu vị gia thần bảo hộ gia đình được an toàn bởi tính hủy diệt của lửa, mặc dù họ vẫn bảo lưu tập tục thắp nhang hàng ngày ở bệ thờ ông Táo đặt ở dưới bếp lẫn ông Táo trên trang thờ ở nhà trên; và đến đêm 23 tháng Chạp, gia đình nào cũng làm lễ tiễn ông Táo về trời.

Ông Táo là hiện thân chức năng thông linh giữa con người và thượng giới do biểu tượng chuyển tải của lửa đảm nhận.

(T/h Phật học đời sống và Sách Khảo luận về Tết - Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng)

Xem thêm: Theo tín ngưỡng dân gian nên cúng ông Táo vào khung giờ nào ngày 23 tháng Chạp là tốt nhất?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận