3 nhà khoa bảng Hán học phê phán tật xấu của người Việt [Kỳ cuối]: Phan Chu Trinh chê giới có học bạc nhược, kiêu căng

Dù rất yêu nước, tự hào dân tộc nhưng Phan Chu Trinh vẫn thẳng thắn nhìn thấy hiện tình dân khí bạc nhược, chỉ biết mưu danh lợi bản thân. 

Đỗ Thu Nga
10:00 16/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phan Châu Trinh hay Phan Chu Trinh (1872 – 1926), hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, tự là Tử Cán. Ông là nhà thơ, nhà văn, và là nhà hoạt động chính trị thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.

Sinh thời, ông Phan Chu Trinh từng phê phán về thói xấu của người Việt. Ông cho rằng, sự hủ lậu của nền văn hóa trách nhiệm đầu tiên là của giới có học, là do sự bạc nhược nhưng kiêu căng của họ. Trong Đạo đức và luân lý Đông Tây, năm 1925, Phan Chu Trinh viết: “Tôi xem thấy lắm người danh dự không bằng ai, học thức không hơn ai, nhắm lại mình chưa khỏi hai chữ “đầy tớ người” mà khi ra đời với đồng bào đồng chủng đã có ý kiêu căng, bảo là thầy đây! Ta là ông đây!”.

Ông cảnh tỉnh: "Thầy đây, ông đây đã làm được điều ích lợi cho bọn chân lấm tay bùn kia chưa? Tôi cũng đã từng thấy nhiều người viết báo than thở rằng đạo đức nước nhà trụy lạc nhưng nói như nước chảy lá môn chẳng có hiệu quả gì. Vì sao vậy? Là vì các ông nói mà các ông ít chịu thực hành thì người ta không dám theo các ông cũng là phải. Huống chi luân lý các ông giảng đó tự tệ tục của chế độ chuyên chế tạo ra, không chính đáng, không hợp thời thì người ta không thèm nghe cũng không có gì là lạ”.

Ông tìm thấy nguyên nhân sâu xa: “Có lẽ da thịt huyết túy của người nước mình mấy ngàn năm nay đã bị cái hấp lực của huyết dẫn người Tàu chi phối hết cả, nên ngày nay đành làm nộm rối cho người Tàu mà không tự biết chăng? […] thầy hay bạn giỏi ở một bên mà không biết gắng sức bắt chước bước theo. Thậm nữa trằn trọc tráo trở, một hai toan tìm một nước thứ ba nào yêu thương mình mà vui lòng làm tôi tớ”, (Hiện trạng vấn đề, 1907).

Phan-Chu-Trinh-che-gioi-co-hoc-bac-nhuoc-kieu-cang-9
Chân dung Phan Chu Trinh

Phan Chu Trinh cũng thẳng thắn nhìn thấy hiện tình dân khí bạc nhược, chỉ biết mưu danh lợi bản thân. Năm 1906, ông đã thấy: “Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu cũng không dám ho he một tiếng”.

Chưa hết, ông còn thấy “Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích, là bởi ba bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, hám bả vinh hoa của các triều vua, mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua chẳng biết có dân”. Theo ông, còn do dân mình không chịu học hỏi gương sáng của thiên hạ. “Người nước ta thường tự xưng là đống loại, đồng đạo, đồng văn với Nhật Bản, thấy họ tiến thì nức nở khen chứ không khi nào chịu xét vì sao họ được tiến tới như thế?", (Đạo đức và luân lý Đông Tây,1925).

Ông chua xót nhận ra “dân tộc Việt Nam không phải không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm nay mà vẫn còn mê mê muội muội bịt mắt, vít tai không chịu xem xét, không chịu học hỏi lấy cái hay cái khéo của người”. Và “Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý”. Vì dân trí thấp nên lắm hủ tục, mất đoàn kết, khó chống được ai. “Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức. […], quyết không thể sống nổi trong thế giới này, lại còn chống cự ai được nữa”. (Thư gửi Chính phủ Pháp, 1906).q

Phê phán sâu sắc, thậm chí nặng nề, nhưng các ông không phải không tôn quý văn hóa dân tộc, không tôn quý đồng bào và đau xót trước hiện trạng này. Xuất thân từ môi trường Nho giáo, các ông hiểu đó là hậu quả của học thuyết, nền văn hóa - giáo dục này đã lỗi thời, lạc hậu. Sự phê phán, và cũng là tự phê phán này, nhằm hướng đồng bào tiến tới một nền văn hóa, giáo dục hiện đại, văn minh để “làm mới dân tộc”, đủ sức tự chủ, tự lực, tự cường cho công cuộc giành độc lập dân tộc. Thiết nghĩ đây cũng là bài học rất có ích cho hôm nay.

Xem thêm: 3 nhà khoa bảng Hán học phê phán tật xấu của người Việt [Kỳ 2]: Huỳnh Thúc Kháng chỉ ra 4 tật xấu

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận