Phẩm chất nghệ thuật của tiếng cười trong tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng
Nghệ thuật gây cười trong “Số đỏ” nằm ở mọi chi tiết, mọi nơi, mọi góc độ, từ cách dùng từ, đặt câu, cách so sánh, cách tả cảnh, tả người, cho đến những lời nói của nhân vật hoặc của người kể chuyện...
Tóm tắt: Số đỏ là cuốn tiểu thuyết trào phúng viết theo khuynh hướng hiện thực, thành công của nó là đã gây được tiếng cười, một chuỗi cười dài giòn giã, hả hê từ đầu đến cuối tác phẩm. Vũ Trọng Phụng sáng tạo ra hàng loạt tình tiết, tình huống hài hước và các bức ký họa, biếm họa rất độc đáo và sinh động. Tác giả đã phát hiện ra một cách nhìn chính xác, sâu sắc bản chất và quy luật khách quan của xã hội đương thời.
1.
Trong lịch sử văn học Việt Nam từ những năm 1930 đến 1945, Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng phức tạp, tác phẩm và con người của ông có nhiều mâu thuẫn từ quan điểm chính trị, xã hội, sáng tạo nghệ thuật tới phương pháp sáng tác. Tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng do Nhà xuất bản Lê Cường in thành sách lần thứ nhất năm 1938, nhưng trước đó đã đăng lần đầu tiên trên Hà Nội báo từ số 40 (07/10/1936). Cuốn tiểu thuyết có số phận thăng trầm này là sự kết tinh của một tài năng trào phúng trác việt, là một kiệt tác của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học có tên tuổi đã đánh giá rất thấp giá trị của cuốn tiểu thuyết này. Vũ Ngọc Phan cho đây là “một lối khôi hài nông nổi”. Phạm Thế Ngũ cho rằng, “Truyện có tính chất châm biếm khôi hài, ngả sang lối khôi hài quá lố của sân khấu hay màn ảnh nữa”. Còn Hoài Thanh thì bất công hơn: “Văn chương hạ cấp. Đồ rác rưởi”. Ngược lại với những ý kiến trên, Trương Tửu nhận xét “Số đỏ” là cuốn tiểu thuyết “tả chân đến tàn ác”, “trào phúng đến chua xót”. Phan Cự Đệ nhận xét: “Thông qua một kẻ hãnh tiến là Xuân Tóc Đỏ, Vũ Trọng Phụng đã lên án cái xã hội lố lăng, giả dối, vô nghĩa lý”. Nguyễn Đăng Mạnh, một nhà phê bình có “con mắt xanh” đối với văn xuôi hiện đại đánh giá: “Đọc Số đỏ ta như được lôi cuốn vào một cuộc tả xung hữu đột của Vũ Trọng Phụng đánh vào đủ loại quái thai của xã hội thực dân tư sản”. Nguyễn Hoành Khung khẳng định: “Số đỏ cho thấy ngòi bút độc đáo của một tài năng lớn, một bản lĩnh nghệ thuật già dặn” và tiếng cười trong Số đỏ “đã nhằm thẳng vào cái xã hội trưởng giả thành thị học đòi văn minh rởm khi đó. Ngòi bút trào phúng cay độc của Vũ Trọng Phụng đã tung hoành thoải mái, đả kích tới tấp vào toàn bộ cái xã hội tư sản nhố nhăng, thối nát”.
Sau 1975, đặc biệt từ sau 1986, giới nghiên cứu phê bình và sáng tác văn học hầu hết đều xem “Số đỏ” là cuốn tiểu thuyết trào phúng tiêu biểu cho giai đoạn văn học 1930 – 1945. Tác phẩm được xây dựng từ những tình huống trào phúng ngẫu nhiên và những chân dung được vẽ bởi những đường nét biếm họa đến kỳ quặc. Hai mươi chương của tác phẩm là hai mươi tình huống trào phúng mà mỗi tình huống là một màn hài kịch, mỗi màn là một mâu thuẫn trào phúng. Trong đó có nhiều tình huống được dàn dựng bởi những tình tiết kỳ quặc đến quái dị. Chẳng hạn, cảnh đám ma Cụ Tổ vui như một lễ hội, cảnh thằng Xuân Tóc Đỏ đọc thơ quảng cáo thuốc lậu mà trở thành thi sĩ và cảnh hắn tặng “Tiết hạnh khả phong” cho bà Phó Đoan, cảnh lang Tì và lang Phế tố cáo nhau giữa nhà người bệnh, cảnh nhà cải cách y phục TYPN mắng vợ là “đồ lãng mạn”, “đồ đĩ” vì mặc quần áo tân thời, cụ cố Hồng thì bực tức vì không ai chịu đấm vào mặt mình cho được xứng đáng là một ông bố vợ chân chính, v.v... Trong thế giới nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng có một hệ thống hình tượng phổ biến và ám ảnh: hàng loạt nhân vật được tô đậm những nét tàn bạo, dâm ác, đểu cáng, tráo trở và giả trá. Một thằng lưu manh vô học như Xuân Tóc Đỏ hễ mở mồm là “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”, “tình bỏ mẹ”... bỗng chốc trở thành thi sĩ, bác sĩ, triết gia, anh hùng cứu quốc, hội viên Hội khai trí tiến đức, ngôn ngữ được ghi vào từ điển. Một mụ me Tây cực kỳ dâm ô được sắc ban “tiết hạnh khả phong”. Một ông Phán thuê tiền để được mệnh danh “ông chồng mọc sừng”. Một cụ Cố Hồng chả biết một tí gì nhưng cứ mở miệng là “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Rồi Văn Minh vợ, Văn Minh chồng, cậu Phước, sư Tăng Phú, lang Tì, lang Phế, đến cả những vị tai to mặt lớn như Toàn quyền, Thống sứ, vua Nam, vua Xiêm... đều là những con rối, thằng hề. Cuốn tiểu thuyết là một trận cười dài giòn giã, hả hê vào bộ mặt xã hội nhố nhăng, đầy nghịch dị. Sau trận cười, mọi người đều thấy tất cả là sự thật, là do có nguyên nhân khách quan mang tính quy luật của nó. Tác phẩm khám phá, thể hiện chân thật, sâu sắc về đời sống xã hội, con người và đạt đến đỉnh cao phẩm chất nghệ thuật của tiếng cười.
Có thể nhận thấy, ngòi bút trào phúng của Vũ Trọng Phụng đã chĩa thẳng vào lối sống giả trá, vô đạo đức của tầng lớp xã hội thượng lưu ở thành thị cùng với những hoạt động cải cách mị dân, bịp bợm, vô nghĩa lý của chính quyền thuộc địa phong kiến đương thời. Đối tượng trào phúng trong “Số đỏ” không chỉ là tầng lớp những ông chủ, bà chủ, giới thượng lưu trí thức đương thời mà còn dựng lên cả một thế giới, một xã hội đầy hài hước. Trong đó, đối tượng chủ yếu là cái xã hội trưởng giả thành thị, tầng lớp trí thức và những nhân vật trong bộ máy chính quyền thực dân phong kiến. Tác giả phơi bày, chế nhạo tất cả những cái xấu xa, bần tiện, đồi bại của một hạng người, một thời đại, phê phán bộ mặt giả trá của lối sống tư sản ở Hà thành và chửi thẳng vào những ô uế, trụy lạc của trưởng giả. Chính tác giả cũng đã nói: “tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa dâm đãng của bọn người có nhiều tiền”. Trần Đăng Suyền nhận xét: “Ngòi bút trào phúng của ông đã vẽ nên một loạt chân dung biếm họa sinh động điển hình cho cái xã hội giả dối, bịp bợm, đồi bại từ cụ cố Hồng, bà Phó Đoan, đến vợ chồng Văn Minh, từ nhà thiết kế mỹ thuật TYPN đến cô Tuyết, cô Hoàng Hôn”. Trong “Số đỏ”, Vũ Trọng Phụng đả kích thói xu thời lố bịch, vênh váo của một bộ phận giai cấp tư sản thời kỳ Mặt trận dân chủ, ông không chấp nhận những cái ngớ ngẩn, nhếch nhác, nhố nhăng. Hoàng Ngọc Hiến cũng nhận xét: “Không thể nói rằng đối tượng trào phúng của tác giả “Số đỏ” chỉ giới hạn ở những “ông chủ”, “bà chủ” của xã hội cũ. Thực ra, tác giả đã tạo ra cả một xã hội hài hước, trong đó ai cũng buồn cười, ngớ ngẩn, ngô nghê, lố bịch giống như những con rối”. Trong thế giới buồn cười ấy, nổi bật hơn cả là Xuân Tóc Đỏ, hắn ta xuất thân từ tầng lớp dưới đáy xã hội, không cha không mẹ, “lấy đầu hè xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm”. Xuân Tóc Đỏ kiếm sống bằng nhiều nghề: trèo sấu, trèo me, bán phá xa, nhật trình, cầm cờ chạy hiệu ở rạp hát, thổi loa kèn thuốc lậu, thuốc cao đơn hoàn tán, nhặt ban quần... Chính cái hoàn cảnh và sự lăn lộn ấy đã nhào nặn một đứa đầu đường xó chợ thành một Xuân Tóc Đỏ với đầy đủ tính chất “vô giáo dục”, “tinh quái”, “thạo đời” mà thực chất là một anh hề của xã hội. Cái bản chất lưu manh, vô lại đã giúp hắn nhanh chóng chui thọt và hòa nhập vào cái xã hội nhố nhăng, giả trá và dâm ô ấy. Cái thế giới nhân vật thượng lưu bấy giờ và Xuân Tóc Đỏ tuy hai mà một, chúng khác nhau ở cái vẻ bên ngoài và thành phần xuất thân, nhưng giống nhau về bản chất: đểu cáng, bịp bợm, giả trá. Có thể nói, Xuân Tóc Đỏ là một phương tiện hữu hiệu để Vũ Trọng Phụng bóc trần bản chất tầng lớp “thượng lưu trí thức” tư sản thành thị đương thời.
2.
Có thể thấy, đối tượng trào phúng của “Số đỏ” là đa đối tượng, do vậy tiếng cười trào phúng là đa cung bậc, đa sắc điệu. Hoàng Ngọc Hiến cho rằng, “Mục tiêu trào phúng của tác giả lớn hơn sự phê phán một giai cấp, tiếng cười của tác giả phủ định cả một xã hội ngớ ngẩn, nhí nhố, lố bịch, nhố nhăng (...). Nội dung tư tưởng của Số đỏ đạt tới trình độ phổ quát, tác giả phê phán một loạt thói rởm, tật xấu có thể trở thành phổ biến ở mọi chế độ xã hội: cấp tiến rởm, bình dân rởm, bằng sắc rởm”. Tác giả “Số đỏ” xuất sắc dựng đối tượng lên thành những bức chân dung sống động để tự nó diễn trò cho thiên hạ cười. Những bức chân dung hí họa này hoặc được nhà văn chọn vẽ bằng những nét hài hước nhất của nhân vật rồi cường điệu tô đậm lên, hoặc biến nhân vật đi đứng, nói năng, ứng xử máy móc như những con rối. Những Xuân Tóc Đỏ, Min đơ, Min toa, cụ cố Hồng, cậu Phước đều là những người máy, những con vẹt biết nói. Vũ Trọng Phụng hài hước với sự thật thà của lão thầy tướng số, đùa vui với sự ngớ ngẩn của vú già nhà Phó Đoan, giễu cợt với sự dốt nát nát của hai người thợ khi xếp chữ, bông lơn với hành động của chị hàng mía. Với những đối tượng này, nhà văn trào phúng không nhằm mục đích tiêu diệt mà tiếng cười ở đây gắn với cảm quan trào lộng, hài hước, bông lơn nhẹ nhàng hơn. Nhưng đối với những đối tượng có tính chất tiêu điểm, ngòi bút của Vũ Trọng Phụng trào phúng để “hạ huyệt” đối tượng bằng những ngón đòn nghệ thuật “hạ yết” điêu luyện. Tiếng cười ở đây không chỉ trào lộng, hài hước mà là châm biếm, đả kích sâu cay, là tiếng cười lớn như gầm thét, phẫn nộ. Đỗ Đức Hiểu nhấn mạnh: “Số đỏ là một chuỗi cười dài những cái cười nhại. Nó nhại một thời đại lịch sử lừa dối, có ý thức hoặc không có ý thức, những trào lưu văn hóa lừa dối. Cái “nghiêm túc”, “đứng đắn”, “quan trọng” bị nhại và trở thành cái buồn cười, cái lố bịch, cái trống rỗng, cái bịp bợm, tức là chính nó”.
Có thể thấy, tiếng cười trào phúng của Vũ Trọng Phụng vừa tiếp nối tiếng cười trong văn học truyền thống Việt Nam theo kiểu “tiếp nối và đứt đoạn”, vừa mang tính hiện đại của tiếng cười trong văn hóa phương Tây. Nhưng phẩm chất nghệ thuật của tiếng cười trong “Số đỏ” có ảnh hưởng sâu sắc tiếng cười trong văn học truyền thống như một đứa con tinh thần của văn hóa cười dân gian Việt Nam. Cười là một đặc điểm nổi bật của truyền thống văn học Việt Nam, kể từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, và đặc biệt là Tú Xương, Ba Giai Tú Xuất, Tú Mỡ là một dòng mạch cười lớn trong truyền thống văn học và văn hóa Việt. Dựa theo lý thuyết của M. Bakhtin trong Sáng tác của François Rabelais và văn hóa dân gian thời Trung cổ và Phục hưng thì có thể thấy, thơ Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo đến kỳ lạ, nó như đột phá vào lĩnh vực văn học nghệ thuật đỉnh cao của văn hóa dân gian Việt Nam. Tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương mang tính nhị năng và thủ pháp hạ yết, nó chứa đựng tiếng cười toàn dân và cảm hứng hiện thực phồn thực, bình dị. Mai Quốc Liên cho rằng, giữa thơ Hồ Xuân Hương và “Số đỏ” có cái cầu nối trực tiếp là thơ Tú Xương. Thơ Tú Xương là tiếng cười xã hội đô thị và làm xuất hiện những đối tượng mới của tiếng cười: chất liệu mới, vấn đề mới, nhân vật mới. Nó không còn là tiếng cười của văn học trung đại mang bản chất dân gian đậm đặc như thơ Hồ Xuân Hương mà là tiếng cười trào phúng, châm biếm, đả kích trực diện vào xã hội đương thời. “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng ký thác vào một nhân vật bất hủ, một sản phẩm của đô thị thuộc địa bát nháo, pha tạp, nhố nhăng và dị hợm. Số đỏ là một tràng cười lớn giòn giã, nhạo báng tất cả những sản phẩm tân thời mà bản chất của nó là sự rỗng tuếch, bịp bợm và giả trá. K. Marx cho rằng, giai đoạn cuối cùng của một hình thái xã hội là tấn bi hài kịch của chính nó, là để cho nhân loại vui vẻ rời bỏ một quá khứ mà họ chuẩn bị trải qua. Tác giả “Số đỏ” đã dùng cái cười để tiễn đưa một xã hội thuộc địa phong kiến đã đến giai đoạn lụi tàn, không còn phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Theo lý thuyết về tính nhị năng, tiếng cười mang tính đám đông và tính phổ quát, không chỉ một cá nhân, mà nhiều người, cộng đồng đều cười và cười mọi thứ đang tồn tại trong cuộc sống này. M. Bakhtin cho rằng, tính nhị năng của tiếng cười là “vừa hân hoan lại vửa giễu cợt, vừa phủ định lại vừa khẳng định, vừa hạ huyệt lại vừa tái sinh”, “làm lễ hạ huyệt thế giới cũ đồng thời cắt rốn cho thế giới mới”. Cái cười trong “Số đỏ” khác với cái cười của Tú Xương trước đó và Tú Mỡ cùng thời, nó có những nét gần với cái cười của Hồ Xuân Hương ở tính nhị năng. Tiếng cười trong Số đỏ vừa trào lộng, châm biếm, đả kích vừa phủ định cái tân thời rởm đời, giả trá. Vũ Trọng Phụng lột tả bản chất, sự hình thành, ý nghĩa nhân sinh của Xuân Tóc Đỏ, ông nhìn nó vừa như một cái gì ngồ ngộ, lạ đời, rất đáng cười. Có thể nói, nó là hệ quả của các mối quan hệ xã hội đương thời một cách ngẫu nhiên như một quy luật tất yếu mà Vũ Trọng Phụng đã phát hiện ra. Các nhân vật trong “Số đỏ” như bày ra một sân khấu lớn dành sẵn cho Xuân Tóc Đỏ thoải mái trình diễn những màn hài kịch nhân gian của mình. Tiếng cười trong “Số đỏ” là tiếng cười của cộng đồng, của tập thể và của toàn dân vừa mang ý nghĩa triết lý nhân sinh, vừa mang tính thời đại. Tài năng của Vũ Trọng Phụng là giải quyết một cách điệu nghệ các mâu thuẫn đặt ra trong tác phẩm, tác giả đã cường điệu, phóng đại một cách thoải mái để tạo nên những tình huống oái oăm vô lý, những tính cách kỳ dị, quái thai. Ông đã sáng tạo ra một thế giới hình tượng mà trong xã hội đương thời chưa có một nhà văn nào nghĩ tới, một thế giới bát nháo, hỗn tạp và “vô nghĩa lý”, tất cả là những con rối, những thằng hề. Nhưng đọc kỹ rồi ngẫm nghĩ thì thấy đúng cả, vì đấy là những sản phẩm hiện thực tất yếu của xã hội đương thời. Vũ Trọng Phụng đã sáng tạo ra một thế giới riêng – “Số đỏ”, thế giới ấy cứ hoạt động, ngụp lặn trong một xã hội riêng, một “nhân loại” riêng trong tính hệ thống và quy luật của nó.
3.
Trong cái xã hội đương thời, không chỉ có mỗi Vũ Trọng Phụng biết cười mà cả Tú Mỡ, Đỗ Phồn, Lý Toét, Xã Xệ (Tự lực văn đoàn) đều cười. Nguyễn Công Hoan cũng cười và đó là tiếng cười bùng nổ vui vẻ, Nam Cao thì cười gằn chua chát, Vũ Trọng Phụng trong “Số đỏ” cười rất mới lạ: thời sự, hiện đại và sâu sắc trong hệ hình văn học truyền thống. Có thể nói, nghệ thuật gây cười trong “Số đỏ” nằm ở mọi chi tiết, mọi nơi, mọi góc độ, từ cách dùng từ, đặt câu, cách so sánh, cách tả cảnh, tả người, cho đến những lời nói của nhân vật hoặc của người kể chuyện. Số đỏ cười bằng thứ ngôn ngữ “quảng trường” (M. Bakhtin), ngôn ngữ bụi đời đầu đường xó chợ, nó không thuộc lớp ngôn ngữ quý phái, quang phương. Ngôn ngữ trong “Số đỏ” được khúc xạ từ sự phản quang của xã hội đương thời vào chính tâm hồn, tư duy, con người của nhà văn và nó hợp thành một dàn nhạc hòa tấu nhiều cung bậc, đa âm sắc. Với ngôn ngữ ấy, “Số đỏ” nhại tất cả những cái tân thời giả trá, cái trào lưu chính trị cơ hội, về điều này có lẽ Vũ Trọng Phụng đã có cái nhìn tiên tri. “Số đỏ” còn có cấu trúc cách tân vượt thời đại, nó pha trộn giữa truyền thống (chương hồi) và hiện đại (gây cười, trào lộng, trào tiếu, trào phúng, nhại), sử dụng thủ pháp điện ảnh (lồng ghép, cắt dán, phân mảnh...) và liên văn bản: tiểu thuyết kết hợp với hài kịch, phóng sự, thông tấn, báo chí. Tuy tác phẩm có số lượng trang không nhiều (203 trang) nhưng cô đặc tất cả những vấn đề thời sự nóng bỏng, một thế giới nhân vật đại diện cho nhiều loại người, một bức tranh hoành tráng thâu tóm cả cái xã hội đương thời. Đó là một xã hội đầy những lố bịch, nhố nhăng, rởm đời, giả trá, lẽ ra phải biết xấu hổ thì lại hí hửng vênh váo, phô ra một cách trơ trẽn của những kẻ cơ hội, hãnh tiến tiểu nhân...
(Theo bài nghiên cứu của TS Mai Trương Huy)
Xem thêm: Hình tượng văn học không chỉ là thế giới sống mà còn là thế giới biết nói
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận