NLXH: Điều hạnh phúc
Nếu giữa cuộc đời, ta vừa biết yêu thương người khác mà không quên yêu thương chính bản thân mình thì ắt hẳn đó là điều hạnh phúc.
ĐỀ BÀI:
Hãy lắng nghe cuộc đối thoại sau:
- “Cuộc sống của một người không còn là của riêng người đó, từ ngày được sinh ra cho đến phút giây cộng hưởng với nhiều cuộc sống khác.” (“Quà của bố”, Trần Đình Dũng)
- “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” (“Hy Mã Lạp Sơn”, Xuân Diệu)
Là một người trẻ, anh (chị) suy nghĩ gì về vấn đề gợi ra từ cuộc đối thoại trên? Hãy viết bài văn trình bày quan điểm của mình.
BÀI VIẾT:
Trong cuốn sách được mệnh danh là bán chạy chỉ sau kinh thánh - “Nhà giả kim”, Paulo Coelho đã viết: “Chúng ta là những lữ khách trong cuộc hành trình vũ trụ, là bụi sao cuộn tròn và nhảy múa trong những dòng xoáy của sự vô tận”. Là “lữ khách”, là “bụi sao”, ta sẽ sống thế nào? Sẽ sống cho sao cho “Cuộc sống của một người không còn là của riêng người đó, từ ngày được sinh ra cho đến phút giây cộng hưởng với nhiều cuộc sống khác.” (Trần Đình Dũng) hay sống vì “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” (Xuân Diệu). Hai nhận định đưa ra hai cách sống tưởng chừng như hoàn toàn đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau, hòa hợp chúng để nhân cách ta ngày một hoàn thiện hơn. Nếu giữa cuộc đời, ta vừa biết yêu thương người khác mà không quên yêu thương chính bản thân mình thì ắt hẳn đó là điều hạnh phúc.
Tâm sự của Trần Đình Dũng cũng là tâm tình của nhiều người giữa cuộc sống luôn xoay vòng, thay đổi, ta cần yêu thương lẫn nhau, sống chan hòa với mọi người xung quanh. Sống trong sự nhân ái, sẻ chia khiến ta được bao bọc trong vòng tay săn sóc để từ đó nảy mầm lên những điều tốt đẹp. Cuộc sống chúng ta là cuộc sống chung, không chỉ của riêng ai, không chỉ vì cá nhân nào mà tồn tại. Quá trình phát triển của con người là quá trình tương tác với người khác để học ở họ những điều tuyệt vời hơn và học ở cả những điều chưa tốt. Một cuộc sống “cộng hưởng với nhiều cuộc sống khác” là cơ hội để mọi người gần gũi nhau hơn, nhân lên tình yêu trên thế giới này. Câu thơ của Xuân Diệu lại cho ta một suy nghĩ khác. John Mason đã tâm niệm: “Bạn sinh ra là một nguyên bản. Đừng chết như một bản sao”. Ta là cá thể duy nhất trong thế giới này, sẽ không có ai hoàn toàn giống ai dù là song sinh đi chăng nữa. Xuân Diệu nhắc chúng ta biết trân trọng giá trị bản thân, khẳng định tên tuổi của mình giữa cuộc sống. Biết “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” để sống trên chính đôi tay mình làm ra, là thuyền trưởng của chính cuộc đời mình chứ không phải dựa vào ai khác. Sống trong không gian riêng của mình là có chính kiến và giữ được chính kiến ấy, được quyền làm điều mình yêu, mình thích. Hai cách sống tưởng chừng đối lập nhưng đều có những điểm tích cực, hạn chế riêng, ta cần phải có sự lựa chọn sáng suốt để sống thật tích cực và ý nghĩa.
Khi ta sinh ra đã có mối dây liên kết với muôn người, không ai có thể tồn tại khi tách biệt hoàn toàn với xã hội. Trong “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, Rosie Nguyễn đã viết: “Hãy nhìn ngắm cuộc sống, cảm nhận những niềm hạnh phúc nhỏ bé, hãy yêu đời và yêu người dù cho bạn có đang trên đường hay không”. Vậy sống biết “yêu đời và yêu người” giúp ta vượt qua những khó khăn, thử thách cần đôi tay người khác giúp đỡ. Không một ai sinh ra đã là hoàn hảo, mỗi người có ưu điểm, nhược điểm của riêng mình. Nếu chúng ta cùng nắm tay nhau trên cuộc hành trình, những ưu điểm ấy sẽ được nhân lên, nhược điểm sẽ được che lấp đi từng ngày và đến khi biến mất. Mẹ Teresa đã cống hiến cả đời mình để giúp đỡ những người nghèo khổ. Cả cuộc đời bà đã là nguồn sáng cho biết bao số phận hẩm hiu. Trái tim nhân hậu của bà đã làm ấm lòng biết bao người và thúc đẩy họ biết yêu, biết thương những hoàn cảnh còn nhiều đau khổ. Cuộc sống của mẹ Teresa đã không còn là cuộc sống riêng của bà, mà đã trở thành cuộc sống chung của nhiều người, nhiều số phận. Nhưng sống biết yêu thương người khác không phải là quên đi bản thân mình, hi sinh một cách mù quáng, không biết điểm dừng. Đã có nhiều người chỉ mải mê cho đi, cho đi mà không xác định được tình thương của mình có đặt đúng chỗ hay không - họ cho đi những điều không đáng và vì những người không đáng.
Câu thơ của Xuân Diệu là lời nhắc nhở chúng ta phải biết yêu thương mình. Trân trọng giá trị bản thân thì mới được người khác trân trọng. Cuộc sống ngày càng phát triển, con người loay hoay kiếm tìm một chỗ đứng cho bản thân để không bị hòa tan giữa muôn người. Nếu quên mất chính mình mà cuốn vào vòng xoáy chung của xã hội, ta sẽ quên mất những khát vọng của mình, không vững vàng trên con đường mình đã chọn. Như Bill Gates đã từng chính mình khả năng của mình sau việc bỏ học đại học Harvard - con đường mà ai cũng sẽ đi theo. Quyết định của Bill Gates đã chứng minh ông hiểu rõ bản thân mình muốn làm gì chứ không hùa theo số đông. Sư kiên định ấy đã là một trong những bước ngoặt giúp ông thành công như ngày hôm nay. Vậy, khẳng định bản thân tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta tiếp bước trên hành trình dài. Nếu không được soi sáng bởi chính mình, cuộc sống sẽ như hang sâu tăm tối không lối thoát. Nhưng khẳng định giá trị bản thân, yêu chính mình không có nghĩa là thờ ơ, vô cảm trước tình cảnh của người khác. Đôi khi ta quá yêu bản thân mà không nhớ đến bất kì ai. Điều đó khiến ta chơi vơi, lạc lõng như giữa chốn không người. Và khi ta vấp ngã, ai sẽ là người nâng ta dậy. Câu trả lời là không ai cả nếu bạn chỉ chăm chú vào bản thân mình mà bỏ ngoài tai chuyện của người khác.
Như vậy, trong cuộc sống, ta cần kết hơp khéo léo, hài hòa hai lối sống: yêu người khác và yêu bản thân mình. Cuộc sống không bao giờ dừng lại, thế cuộc luôn xoay chuyển không ngừng, nếu như không biết thích nghi, không lựa chọn lối sống phù hợp trong hoàn cảnh phù hợp, con người sẽ rơi vào hố sâu không thoát được. Con người vừa phải hoà hợp với thế giới bên ngoài, vừa phải học cách nhận ra giá trị nội tâm, sự đặc biệt của chính mình. Nếu ta chỉ quan tâm đến sự sống xung quanh, chỉ quan tâm đến cảm xúc của người khác thì những giá trị riêng biệt, bản sắc cá nhân sẽ bị hoà tan. Khi ấy, ta đánh mất bản thân, sống cuộc đời của người khác, làm bóng lưng theo sau những thành công ấy, từ đó cuộc sống sẽ vô vị, không còn ý nghĩa nữa. Cuộc sống của chúng ta nên những quyết định, lựa chọn phải của ta, đừng vì người khác mà quên đi giá trị thật sự, ý nghĩa tồn tại của chúng ta. Ngược lại, nếu chỉ quan tâm chính mình mà quên đi cuộc sống xung quanh sẽ khiến bạn ngày càng thu hẹp mình hơn trong các mối quan hệ xã hội, dần tách biệt với mọi người. Bạn đặt cái tôi lên trên cái ta khiến mọi người xung quanh khó có thể hòa hợp với bạn. Từ đó bạn mất kết nối với cuộc sống xung quanh trong quá trình chỉ quan tâm chính mình. Việc sống hòa hợp với cuộc sống xung quanh và hiểu rõ giá trị của bản thân mình hỗ trợ cho nhau, giúp cuộc sống con người hoàn thiện hơn. Thật ra, mỗi chúng ta đều là tấm gương phản chiếu lẫn nhau. Cuộc sống xung quanh sẽ khai phá được ưu điểm và nhược điểm của bản thân. Mỗi người trên thế giới này đều sẽ có những bản ngã riêng của bản thân, những thử thách trong cuộc đời sẽ giúp chúng ta nhận ra được sự đặc biệt của chính mình. Bên cạnh đó, khi hiểu rõ bản thân, ta biết mình thích hợp vị trí nào, tham gia vào cộng đồng, hội nhóm nào cho phù hợp để xây dựng cuộc sống xung quanh tốt hơn.
Thế nhưng xung quanh ta vẫn còn nhiều trường hợp không dung hòa được hai mặt vấn đề, họ quá chú tâm vào người khác mà không chú ý đến mình. Họ hết sức cần vòng tay của mọi người chung quanh che chở như chính họ đã che chở chúng ta. Hay lại có những người chỉ sống trong “kén” của chính mình, họ cần sự giúp đỡ của chúng ta để thoát ra khỏi cái tôi quá lớn, để sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Dù yêu người khác hay yêu bản thân mình đều có mặt tích cực và tiêu cực, quan trọng hơn ta phải hài hòa được lợi ích chung và lợi ích cá nhân, vẫn dành tình yêu cho người khác bằng một tấm lòng đầy tình yêu với bản thân mình. Riêng tôi, tôi sẽ dành nhiều tình cảm cho những ai khó khăn, cần giúp đỡ để lan tỏa tình yêu thương. Nhưng không vì thế mà quên đi chính mình, trong trường hợp cần ý thức cá nhân lên tiếng, tôi vẫn sẽ bảo vệ chính kiến của mình chứ không bị hòa tan trong số đông.
Cuộc sống muôn vàn sắc màu tượng trưng cho nhiều trường hợp mà chúng ta phải lựa chọn cách sống sao cho phù hợp, thỏa đáng. Dù “Cuộc sống của một người không còn là của riêng người đó, từ ngày được sinh ra cho đến phút giây cộng hưởng với nhiều cuộc sống khác.” (Trần Đình Dũng) hay “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” như Xuân Diệu, ta đều sẽ hạnh phúc nếu dung hòa được cả hai.
Cuộc đời sẽ ánh lên những màu tuyệt đẹp của lòng nhân ái, sẻ chia nhưng sẽ càng rạng ngời hơn khi màu sắc ấy hòa thêm lấp lánh của giá trị bản thân mỗi người. Từng cá nhân là nốt trầm nốt bổng hòa tấu lên khúc nhạc cuộc đời bằng sự yêu thương lẫn nhau và trân trọng chính mình.
(Nguyễn Trần Phương Nghi - Lớp 12CV, Trường THTH ĐHSP TP.HCM)
Xem thêm: NLXH 200 chữ: "Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận