Những điểm trùng hợp kỳ lạ giữa Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng

Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng - người ở phương Nam, kẻ ở đất Bắc; người sau Tây lịch, kẻ trước Công lịch nhưng lạ lùng thay, hai con người này lại có những điểm tương phùng khó có thể giải mã.

Đỗ Thu Nga
11:00 23/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đôi nét về thân thế của Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng

Đinh Tiên Hoàng

Đinh Tiên Hoàng (22 tháng 3 năm 924 - tháng 10 năm 979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh. Ông là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt. Sinh thời ông có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, trở thành vị vua đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc.

Nhận định về Đinh Tiên Hoàng, các nhà sử học viết như sau:

Nhà sử học Lê Văn Hưu nhận xét: "Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết...".

nhung-diem-trung-hop-ky-la-giua-dinh-tien-hoang-va-tan-thuy-hoang-7
Tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng

Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: "Vận trời đất, bí rồi ắt thái, Bắc Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại bên Bắc triều Trung Quốc suy loạn rồi Tống Thái Tổ nổi lên. Ở Nam triều nước ta, 12 sứ quân phân chia quấy nhiễu, rồi Đinh Tiên Hoàng nổi lên. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy".

Nhà sử học Phan Huy Chú trong "Lịch triều hiến chương loại chí" nhận xét: "Xét nước ta từ thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc nhưng danh hiệu còn nhỏ không được dự vào hàng chư hầu triều hội... đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ, sách phong của Trung Quốc mới cho đứng riêng là một nước".

Sử gia Ngô Sĩ Thì trong "Đại Việt sử ký tiền biên" nhận xét: "Tiên Hoàng dấy lên từ một người áo vải, một lần nổi lên dẹp được 12 sứ quân. Rồi dựng nước, dựng kinh đô, đổi niên hiệu, chính ngôi vua. Võ công vang khắp, văn hóa đều đổi mới...".

Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng (18 tháng 2 năm 259 TCN – 11 tháng 7 năm 210 TCN), tên huý là Chính, tính Doanh, thị Triệu hoặc Tần. Ông là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc vào năm 221 TCN. 

Ông lên ngôi Tần vương năm 13 tuổi và trở thành Hoàng đế năm 38 tuổi. Thay vì tiếp tục xưng vương như các vị vua thời nhà Thương và nhà Chu, để đánh dấu mốc cho việc thống nhất Trung Hoa và chứng tỏ nhà Tần còn vĩ đại hơn các triều đại trước, ông tự tạo ra một danh hiệu mới là "Hoàng đế" và tự gọi mình là Thủy Hoàng đế.

nhung-diem-trung-hop-ky-la-giua-dinh-tien-hoang-va-tan-thuy-hoang-0
Tranh vẽ Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng là người đã đánh dấu sự khởi đầu của đế quốc phong kiến tập quyền Trung Hoa kéo dài mãi đến khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912. Sau khi thống nhất Trung Hoa, ông và thừa tướng Lý Tư đã thông qua một loạt cải cách lớn về kinh tế và chính trị, bao gồm thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền ở địa phương do triều đình chỉ định thay vì phân chia ban tước cho các quý tộc như trước kia, cho phép nông dân sở hữu đất, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, đi lại, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ.

Những điểm trùng hợp kỳ lạ giữa Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng

Mở đầu triều đại mới

Sử sách chép, Tần Thủy Hoàng là người sáng lập nên triều đại phong kiến đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 221 TCN. Trong khi Đinh Tiên Hoàng năm Mậu Thìn (968) đã lập ra nhà Đinh. Chế độ phong kiến ở nước ta được xem như ra đời vào thế kỷ thứ X thời Ngô – Đinh – Tiền Lê. Hai ông cũng là hai vị hoàng đế đầu tiên của chế độ phong kiến ở hai nước. 

Sau khi lên ngôi vua, Tần Vương Doanh Chính tự xưng là Tần Thuỷ Hoàng Đế. Chữ Thủy (始) có nghĩa là “đầu tiên”. Người thừa kế sau đó sẽ được gọi tiếp là “Nhị Thế”, “Tam Thế” và như vậy cho đến muôn đời.

Chữ Hoàng Đế (皇帝) đến từ thần thoại Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Hoa trước đó. Tần Thủy Hoàng hy vọng sẽ có sự thiêng liêng và uy tín của thời Tam Hoàng Ngũ Đế trước kia trong đế hiệu. Ngoài ra, chữ “Hoàng” (皇) có nghĩa là “sáng” hay “lộng lẫy” và thường xuyên được sử dụng như là một chữ chỉ thiên đường. 

nhung-diem-trung-hop-ky-la-giua-dinh-tien-hoang-va-tan-thuy-hoang-8

Với tên gọi Tần Thuỷ Hoàng Đế, Doanh Chính ví mình là vị vua có trần lực và thần lực, khai mở cho các đời vua sau của nhà Tần. Đồng thời cũng ngụ ý đây là triều đại vang danh trong lịch sử Trung Hoa. 

Trong khi đó, Đinh Bộ Lĩnh được “Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế” (Theo Đại Việt sử ký tiền biên) năm Mậu Thìn (968). Ông được sử ta gọi là Đinh Tiên Hoàng Đế, hoặc Tiên Hoàng Đế. Tên gọi ấy có ý nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Đinh, cũng là vị hoàng đế đầu tiên của thời kỳ độc lập, tự chủ.  

Thời gian trị vì

Thật ngẫu nhiên khi hai vị hoàng đế này đều có thời gian trị vì như nhau, tròn một vòng 12 chi. Đinh Tiên Hoàng đăng cơ năm Mậu Thìn (968). Đến mùa xuân năm Kỷ Mão (979) vua cùng con trai là Đinh Liễn bị Chi hậu nội nhân Đỗ Thích ám sát. Tính ra, thời gian ở ngôi của ông là 12 năm. Sử chép: “Vua Đinh, tên Bộ Lĩnh, người làng Đại Hoàng, động Hoa Lư, bình được 12 sứ quân, tự lập làm vua, ở ngôi vua 12 năm” (Theo Việt sử tiêu án). 

Tần Thủy Hoàng cũng ở ngôi 12 năm. Cụ thể, năm 221 TCN, ông đăng cơ, lập ra nhà Tần. Những mong triều đại thịnh vượng muôn đời, bản thân trị vì lâu dài, Tần Thủy Hoàng đã sai người đi tìm thuốc trường sinh. Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng trên đường vi hành chết đột ngột, kết thúc ngôi hoàng đế trong 12 năm.

Vương hiệu đánh dấu sự thăng tiến

Trước khi đăng cơ, cả hai có vương hiệu: Thủy Hoàng Đế là Tần vương, Tiên Hoàng Đế là Vạn Thắng vương. Sự thăng tiến trong danh hiệu này không chỉ là thăng tiến trong sự nghiệp mà còn đánh dấu sự thay đổi lịch sử quốc gia.

Ở Trung Quốc, thời nhà chua, các vua đứng đầu chỉ xưng vương, chư hầu thời Chiến Quốc cũng chỉ xưng vương. Nhưng từ Tần Thủy Hoàng chính thức xưng hoàng đế là sự thay đổi danh hiệu của vua đứng đầu thiên hạ.

nhung-diem-trung-hop-ky-la-giua-dinh-tien-hoang-va-tan-thuy-hoang-5
Đinh Bộ Lĩnh lập trận giả thời còn nhỏ

Đinh Tiên Hoàng cũng giống vậy: Từ khi dân tộc giành độc lập ở thời họ Khúc, những người cầm quyền ban đầu đều chỉ xưng Tiết độ sứ với tư cách là quan cai trị một vùng lãnh thổ thuộc Trung Hoa, dù thần phục về danh nghĩa nhưng đã độc lập thật sự.

Đến nhà Ngô, Ngô Quyền và các vua về sau mới xưng vương. Trong khí đó, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, “phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương” (Theo Đại Việt sử ký toàn thư). Đến lúc dựng nước, mở triều đại mới, ông xưng là hoàng đế, cũng là sự thay đổi lớn, tạo dấu ấn trong lịch sử quốc gia. 

Nghệ thuật xây thành của 2 vị đế vương

Đinh Tiên Hoàng là người đất bản bộ Hoa Lư. Khi đăng cơ, ông lấy Hoa Lư làm kinh đô. Trong buổi đầu mới dựng cơ nghiệp, kinh thành Hoa Lư được xây dựng không chỉ là trung tâm đất nước mà còn là căn cứ quân sự hiểm trở để phòng chống sự tấn công từ bên ngoài.

Thành Hoa Lư được xây dựng bằng cách nối các dãy núi đá trong tự nhiên bằng tường thành nhân tạo, từ đó tạo nên thành ngoại là thành Đông, vòng thành trong là thành Tây, thành Nam (thành Tràng An). 

nhung-diem-trung-hop-ky-la-giua-dinh-tien-hoang-va-tan-thuy-hoang-4
Vạn Lý Trường Thành

Trong khi đó ở Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng sau khi dẹp được các nước lân bang, thống nhất một một cũng nảy ra ý định xây thành. Ông xây thành để ngừa giặc Hung Nô từ phương Bắc lấn chiếm. Ông cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành cũng bằng cách nối các đoạn thành sẵn có của các nước chư hầu trước đó.

Dựng cơ nghiệp từ công cuộc thống nhất đất nước

Nghiệp đế vương của hai vị vua này cũng không phải xuất phát thuận lợi ngay. Cả hai ông đều nhờ tài năng, sức mạnh quân sự của mình mà bình định các nước chư hầu hoặc các thế lực phong kiến cát cứ, tạo nên một giang sơn thống nhất rồi mới lên ngôi trị vì.

Tần Thủy Hoàng đã từng có 7 năm sống trong nhân gian cùng mẹ là Triệu Cơ ở nước Triệu (257 TCN - 250 TCN). Còn Đinh Bộ Lĩnh, thời nhỏ cũng sống cùng mẹ ở một làng quê nghèo của Việt Nam.

Lúc Doanh Chính lên làm Tần Vương nước Tần, Trung Hoa đang bị phân chia làm nhiều nước khác nhau, ông lần lượt thôn tính 6 nước còn lại để nhất thống thiên hạ. Hoàn thành công cuộc bình định, ông lên ngôi Hoàng đế.

Ở nước Nam ta, loạn 12 sứ quân nổ ra năm Ất Sửu (965) sau thời Hậu Ngô Vương. Các quan lại cũ của nhà Ngô lần lượt chia làm các vùng cát cứ. Loạn 12 sứ quân tồn tại trong thời gian 965 – 968, Đinh Bộ Lĩnh dựa vào binh lực của Trần Lãm mà dẹp được, giang sơn thu về một mối. Ông lên ngôi hoàng đế. 

Dùng pháp trị

Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng cùng dùng chính sách cai trị nghiêm khắc, ở đây là dùng pháp trị. Tần Thủy Hoàng tạo nên Trung Hoa thống nhất từ sức mạnh quân sự. Để duy trì, củng cố quyền lực, ôn theo tư tưởng Pháp gia, cai trị đất nước cứng rắn, hà khắc với sự hỗ trợ đắc lực của Thừa tướng Lý Tư.

Trong thời gian trị vì, có nhiều sự kiện gắn với tên tuổi của ông nhưng không mấy tốt đẹp. Ông từng ra lệnh đốt Kinh thi, Kinh thư, sách vở trong vòng 30 ngày. Lại lệnh chôn sống 460 người ở Hàm Dương vì không cùng quan điểm. 

nhung-diem-trung-hop-ky-la-giua-dinh-tien-hoang-va-tan-thuy-hoang-3

Người có công lớn phò giá mình là Lã Bất Vi (tương truyền có thể là cha ruột) cũng bị ông “ân sủng” bằng một chén thuốc độc. Hay mẹ ruột là Triệu Cơ thì bị giam lỏng đến cuối đời. Lại tương truyền khi xây xong lăng mộ, ông sai đóng đường hầm, chôn sống những người thợ ở bên trong để họ không tiết lộ được bí mật... 

CŨng dùng luật lệ nghiêm khắc để cai trị nhưng Đinh Tiên Hoàng tỏ ra cái nhân nghĩa hơn Tần Thủy Hoàng. Do thời Đinh chưa có luật thành văn, nhà nước mới yên sau nội loạn nên ông dùng hình pháp để trấn trị. 

Việt Nam sử lược cho hay: “việc chính trị trong nước thì lúc bấy giờ còn có nhiều người quen thói lúc loạn, không chịu tuân theo luật lệ. Tiên Hoàng phải dùng oai để trừng trị những bọn gian ác: đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn, rồi hạ lệnh rằng hễ ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hay là cho hổ báo ăn. Hình luật uy nghiêm như thế, thì cũng quá lắm, nhưng nhờ có những hình luật ấy thì dân trong nước mới dần dần được yên”. 

Sử cũ cũng cho biết, những biện pháp trên chỉ mang tính răn đe cho kẻ khác sợ oai, vì thế “Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm” (Theo Đại Việt sử ký tiền biên). 

Cả hai triều đại đều ngắn ngủi

Đinh Tiên Hoàng và Tần Thuỷ Hoàng Đế khi mất đều đương quyền hoàng đế, người kế tục sự nghiệp đều là con thứ và sớm để quyền bính rơi vào tay quyền thần. Hai triều đại mà hai hoàng đế sáng lập do đó đều ngắn ngủi. Nhà Đinh chỉ tồn tại qua hai đời vua Đinh Tiên Hoàng và Vệ vương Đinh Toàn. Còn nhà Tần cũng qua hai đời vua là Tần Thuỷ Hoàng và Tần Nhị Thế Hồ Hợi, vị vua thứ ba Tần Tử Anh ở ngôi chỉ 46 ngày.

(Theo Wiki, Pháp luật Việt Nam)

Xem thêm: Đinh Tiên Hoàng: Từ chiến công hiển hách mở ra triều đại huy hoàng đến sai lầm lịch sử "bỏ trưởng lập thứ"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận