Nhân bản, nhân đạo và nhân văn trong văn chương
Trong nhiều bài NLVH, các bạn học sinh có thể vận dụng những trích dẫn về giá trị nhân đạo, nhân văn của văn chương; thiên chức, sứ mệnh, vai trò của người nghệ sĩ để làm chất liệu.
3 khía cạnh nhân bản, nhân đạo, nhân văn
“Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hay san bằng. Nhưng những tác phẩm đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa hoặc ngôn ngữ, cuối cùng vẫn nằm ở tính nhân bản của nó. Có thể màu sắc quốc kì, ngôn ngữ hay màu da chúng ta khác nhau. Nhưng máu chúng ta đều có màu đỏ, nhịp tim đều giống nhau. Văn học cuối cùng là viết về trái tim con người.” Quả thật, tinh thần nhân đạo trong văn học đã làm nên giá trị bất hủ của các tác phẩm văn chương. Bởi lẽ khi xét đến cùng, dù một tác phẩm văn học cần có giá trị nghệ thuật đặc sắc được biểu hiện bằng tài năng của tác giả, nhưng cái cốt lõi để người đọc lưu tác phẩm vào trái tim mình, lại chính từ "chữ tâm" của người cầm bút, như Nguyễn Du đã viết: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!. “Cái tâm - đó là tấm lòng, là tình người, tình đời của người cầm bút - mới là cái gốc, làm nên giá trị chân chính của văn chương”.
Về 3 khía cạnh nhân bản, nhân đạo, nhân văn mà các bạn có thể hiểu như sau:
- Nhân bản là lấy con người làm gốc. Chủ nghĩa nhân bản là chủ nghĩa coi trọng con người với thực thể hiện hữu của nó - sự sống còn và bản chất người (bao gồm cả bản năng vốn có và những giá trị khác). Do đó nói tới giá trị nhân bản là nhấn mạnh đến khía cạnh bản thể của con người.
- Nhân đạo: hiểu theo nghĩa đen là đường đi của con người. Con đường đó còn gọi là đạo lí. Đó là đạo lí phải tôn trọng quyền lợi chính đáng của con người, không được xâm phạm đến sinh mệnh, thân thể, sự tự do về tư tưởng cũng như tình cảm của con người. Chủ nghĩa nhân đạo đòi hỏi sự yêu thương, quý trọng con người, thuật ngữ này nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức.
- Nhân văn: cần hiểu theo ý nghĩa từng từ. Nhân là người, văn là vẻ đẹp. Nhân văn có thể hiểu là những giá trị đẹp đẽ của con người. Một tác phẩm có tính nhân văn là tác phẩm văn học thể hiện con người với những nét đẹp của nó, đặc biệt là những giá trị tinh thần như trí tuệ, tâm hồn, tình cảm, phẩm cách. Tác phẩm đó hướng đến, khẳng định đề cao vẻ đẹp của con người. Nhân văn là thước đo giá trị văn học của mọi thời đại.
Trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, tinh thần nhân đạo là tiếng nói gợi ca những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của con người như tài sắc, lòng hiếu nghĩa, vị tha, chung thủy trong tình yêu... Đó còn là tấm lòng của nhà thơ đồng tình với những ước mơ và khát vọng về tình yêu lứa đôi, về tự do và công lý; là sự đồng cảm, xót thương với bao nỗi đau, bị vùi dập của con người, nhất là đối với người phụ nữ bạc mệnh" trong xã hội phong kiến. Có thể nói, cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du là cảm hứng trân trọng và thương yêu con người bị áp bức, bị chà đạp.
Trong “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, giá trị nhân đạo trước hết được thể hiện ở phương diện tố cáo những thế lực độc ác. Đó là thế lực phong kiến miền núi lợi dụng chính sách cho vay nặng lãi để đọa đày người lương thiện, chà đạp quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của người lao động, nhất là những người dân nghèo. Tiếp đến là khẳng định, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của những người lao động nghèo khổ như Mị và A Phủ, đề cao sức sống mạnh mẽ, khát vọng tình yêu hạnh phúc và tự do ở họ. Con đường giải thoát cho nhân vật mà Tô Hoài đưa ra trong tác phẩm chính là đi theo Cách mạng, thể hiện qua đoạn kết của câu chuyện, A Phủ và Mị đã trốn tới Phiềng Sa và đi theo ánh sáng của Cách mạng để giải thoát cho cuộc đời tăm tối của họ.
Tinh thần nhân đạo là mạch nguồn chảy mãi không bao giờ vơi cạn trong quá trình hình thành và phát triển văn học. Bởi văn học luôn hướng vào con người, yêu thương và cải tạo con người; xây dựng xã hội, sửa cái xấu, cái ác, ngợi ca cái tốt; khơi gợi, khẳng định, trân trọng cái tốt, nuôi dưỡng cái đẹp phát triển. Chính tinh thần nhân đạo trong văn chương nghệ thuật đã bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho người đọc hoàn thiện bản thân, để mỗi chúng ta luôn biết hướng tới cái thiện, sống tốt đẹp trong cuộc đời.
Một số trích dẫn về tinh thần nhân đạo trong văn học
- "Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho tất cả loài người. Nó phải chứa đựng cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng... Nó làm cho người gần người hơn" (Đời thừa, Nam Cao).
- "Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã rung động tận đáy tâm hồn với những lo âu, bực bội, tủi hổ và những ước mong tha thiết của loài người. Đó chính là cái hơi thở, cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại" (Giáo sư Đặng Thai Mai).
- "Cuộc bể dâu mà con người nhìn thấy trong văn thơ dân tộc là máu trong tim của người nghệ sĩ" (Nhà thơ Tố Hữu).
- Chao ôi! đối với những người ở chung quanh ta, nếu ta không cố tìm hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương" (Lão Hạc, Nam Cao).
- "Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường, bênh vực cho những người không còn được ai bệnh vực" (Nhà văn Nguyễn Minh Châu).
- "Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vi cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học" (Nhà thơ Tố Hữu).
- "Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người" (Nguyễn Văn Siêu).
- "Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người" (Nhà văn Nga Marxim Gorki).
- "Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thương, cái tốt đẹp, cái thủy chung" (Nhà văn Nguyễn Khải).
- "Tư tưởng nhân đạo xuyên suốt văn học từ xưa đến nay. Khái niệm nhân đạo có những tiền thân của nó, trong lời nói thông thường đó là "tình thương, lòng thương người" (Giáo sư, nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn).
- "Văn chương không cần những câu trả lời mà nhà văn đem lại, văn chương chỉ cần những câu hỏi mà nhà văn đặt ra, mà những câu hỏi này, luôn rộng hơn bất kỳ câu trả lời tường tận, cặn kẽ nào" (Nhà văn Ý Claudio Magrid).
Xem thêm: Lý luận văn học: Quan niệm về người nghệ sĩ, văn chương và cuộc đời
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận