Có lẽ Nguyễn Tuân là nhà văn Hà Nội rành Huế, đậm đặc "chất Huế" nhất

Nguyễn Tuân viết cái gì về Huế cũng hay, cũng sâu sắc. Điều đó chứng minh, ông phải là người rất am tường về đất Huế, con người xứ Huế. Và có thể gọi Nguyễn Tuân là một "mệ" Huế ("mệ" là người người Huế gọi người dòng dõi hoàng tộc). 

Đỗ Thu Nga
15:00 27/09/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Năm 1986, ông vô Huế. Mấy anh em viết văn trẻ chúng tôi đến nhà khách tỉnh 2 - Lê Lợi thăm ông. Nói là thăm ông, thực ra là để xem mặt nhà văn lớn. Ông cười, hỏi tên từng người, rồi lục ba lô lấy ra một nậm rượu và mấy cái chén mắt trâu Bát Tràng.

Ông vừa rót rượu, vừa nói giọng Huế ngọt lịm: “Cái thằng Vân ni được lắm, không thua gì thằng Chuồn Huế mô, dạ, mời mấy mệ thời!”. Ông đưa chén rượu đến từng người rồi bất chợt phán: “Các “mệ” làm chủ tập thể đi!”. 

Chả là hồi này cả xã hội ta đang hô hào “làm chủ tập thể”. Tôi rụt rè: “Thưa, sao anh biết rượu Chuồn?”. Ông cười vuốt râu, lại nói giọng Huế: “Mình đã uống rượu Chuồn từ khi các “mệ” chưa có trên cõi đời ni, nghe chưa!”.

Bố nhà văn Nguyễn Tuân là cụ tú Hải Văn, làm ký lục ở Tam tòa. Nhà ở Gia Hội. Cụ Tú ký lục là con của một bà người Huế, vợ ba của bố mình. Như thế Nguyễn Tuân cũng có “dòng máu Huế”. 

Nha-van-Nguyen-Tuan-va-Hue-6

Do công việc và tính thích ngao du, cụ Tú hay đi đây đi đó dọc sông Hương, lên Tuần, về Chợ Dinh, lúc nào Nguyễn Tuân cũng được đi theo cha. Giống như bố, cụ ký lục Hải Văn cũng đèo bòng thêm một bà Huế. Về hưu ở Hà Nội rồi, ông vẫn thỉnh thoảng “lén” vô Huế và dắt con trai theo. 

Nguyễn Tuân kể: “Có lần ăn cơm tại nhà bà Huế ấy, bố con tôi được bà thết một “bữa cơm muối”. Tôi nhớ đúng là có mười hai đĩa muối: Muối tiêu, muối ớt, muối mè, muối đậu phụng, muối sả, muối khuyếc khô…!”. 

Nguyễn Tuân còn kể nhiều chuyện cười “mệ Huế” bằng giọng Huế rất sành điệu như chuyện mệ ăn cắp quần ở tiệm may, mệ “tỉa” con dao bổ cau v.v... đúng “mệ Huế” không lẫn vào đâu được!

Những năm 1937-1939, buồn là ông xách cặp da, chống ba toong lên tàu vô Nam. Hồi đó mua vé Hà Nội - Sài Gòn, tàu đến Huế, muốn xuống cứ xuống. Xuống rồi đưa cái vé vào ga đóng dấu. Thế là khi đi tiếp thì cứ thế lên tàu mà đi. Có khi Nguyễn Tuân ghé Huế chơi hằng tháng. Có lần ông vô Huế ở khách sạn gần chợ Đông Ba. 

Đợt đó, ông được đi xem lễ tế Nam Giao. Cũng mặc áo dài đen, đội khăn đóng lên đàn. Đúng ngày tế, buổi sáng ở khách sạn, Nguyễn Tuân đi đánh răng bị thu hai giác tiền nước (đơn vị tiền lẻ hồi đó). Hỏi, ông chủ khách sạn thưa lễ phép: “Bẩm quan, hôm nay là ngày tế Nam Giao!”. 

Vô Huế, Nguyễn Tuân bao giờ cũng rủ bạn xuống đò sông Hương xuôi về rạp hát Bà Tuần tìm cô Ba Vĩnh, một đào hát hàng đầu Huế. Cô Ba Vĩnh đưa cho nhà văn mấy hào tiền lẻ, thế là đủ tiền để ung dung ra ngồi ghế hạng nhất và được đánh trống chầu khai diễn. Tan buổi hát, lại rủ cô đào Ba Vĩnh xuống đò, dông ra giữa dòng Hương đàn hát...

Sống xê dịch như thế mới có tư liệu để viết Thiếu quê hương, Chén trà sương, Những chiếc ấm đất, thả thơ hay nhiều chuyện trong tập bút ký nổi tiếng Vang bóng một thời. 

Theo Nguyễn Tuân thì một số truyện trong Vang bóng một thời lấy cảnh sinh hoạt ở Huế, có khi tên nhân vật cũng là  tên của một số người quen nổi tiếng ở Huế. Nhiều lúc ông ở đò lâu quá, chủ đò muốn đòi thêm tiền, thưa: “Bẩm quan, đến hạn phải hui đò!” (tức là lật úp đò đốt rơm để đáy đò khỏi bị hà ăn).

Sống nhiều ở Huế nên Nguyễn Tuân nói giọng Huế, cách ứng xử, dáng điệu Huế không khác chi người Huế. Ông bảo “Đò trên sông Hương cũng là một thứ khách sạn nổi. Có lần tôi sống hàng tháng trong cái khách sạn nổi ấy. Ngồi dưới đò viết truyện dài kỳ... Một phần Thiếu quê hương là viết dưới con đò Huế ấy”. 

Nha-van-Nguyen-Tuan-va-Hue-8

Cho đến tuổi 75, Nguyễn Tuân vẫn nhớ con đò bán hàng ăn đêm trên sông Hương: “…Một chiếc thuyền con, trước mũi treo ngọn đèn đỏ, cô lái đò hai tay thoăn thoắt bơi chèo, miệng rao lảnh lót: Nem nướng, chè thịt quay, chè cá thu, dấm nuốt …đ…â...y!…

Nguyễn Tuân phát hiện ra rằng chỉ có con đò Huế mới chèo chứ không chạy bằng buồm như đò trên sông Lam, sông Hồng, mặc dù gió ở đây rất nhiều. Hình như con đò Huế, lăng tẩm Huế, con người, giọng nói Huế đã góp một phần không nhỏ trong tính cách văn chương và sinh hoạt của Nguyễn Tuân.

Có người đã thống kê trong Vang bóng một thời xuất hiện 12 lần từ “dạ” và rất nhiều lời ăn tiếng nói của Huế như mô, tê, rứa, hai ông mụ, chuyện chi, dây lạt, ở riệt ở nhà v.v...  Trong tập bút ký Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi có 6/9 bút ký nhà văn nhắc tới Huế. 

Trong bút ký Nhớ Huế viết sau Mậu Thân có những chi tiết da diết, cảm động: “Nhớ Huế, có lúc tôi lần chần nơi hè phố Hà Nội, mân mê những đôi dép lốp cao su đen quai chéo, đúng kiểu Trị Thiên Huế…”, “Kết nghĩa tử sinh với Huế, Hà Nội thật đã chí tình. Một con đường trục chính Hà Nội, con phố động mạch của Thủ đô mang tên là phố Huế. Mỗi lần đạp xe qua ngõ Huế, phố Huế… lòng bổi hổi bồi hồi một nỗi niềm: “Kim Luông, Nam Phổ nước đổ về Sình…”. 

Đến sông Hiền Lương, “Nhớ Huế, tôi đã bao nhiêu lần tha thẩn một cách bồi hồi dọc bờ bắc con sông Tuyến… Nhìn cái nền ga xe lửa cũ chỗ ga Tiên An đó, mà  thấy như có thể chỉ hôm sau thôi, chỉ ngày mai thôi là tàu của tôi lại đã thét còi vang, chạy mãi vô Huế…”. Nhà văn nhớ chi li bắt đầu ga Hàng Cỏ vô tới cầu sắt Trường Súng ga Huế là 688 cây số…

Nguyễn Tuân là nhà văn đã viết rất tuyệt vời về ẩm thực Huế. Ông nhận xét rất tinh tế: “Màu trên sắc phục và trên mâm ăn lại càng phải nhiều màu. Có cái vẻ như là người sông Hương non Ngự thì ăn bằng mắt nhiều hơn bằng miệng. Những cái đĩa nho nhỏ, những cái chén xinh xinh, trên đó sắc màu của những miếng chín hài hòa giữa một bức tranh tĩnh vật ngon lành”. 

Ông đặc biệt thích nhấm rượu Chuồn với nem tré, tôm chua - vả xắt lát, chuối sứ xanh xắt lát ăn kèm với thịt lợn ba chỉ phay theo lối Huế. Thời gian nhà văn Nguyễn Tuân còn sống, các văn nghệ sĩ cố đô khi ra Hà Nội, ai cũng không quên mang biếu cụ Nguyễn xâu nem tré, lọ tôm chua, chục quả vả. 

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm (quê Huế) kể, một lần về quê ra, mang biếu Nguyễn Tuân một lọ tôm chua và chục quả vả. Mười hôm sau nhà thơ lại đến thăm cụ, vẫn thấy lọ tôm chua, xâu vả để y nguyên trên giá, bên cạnh chai rượu. 

Hỏi mới biết Nguyễn Tuân đã hẹn hai ông bạn thân là Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng đang đi vẽ xa về để được cùng thưởng thức “vị Huế”. Khi mời khách ăn món Huế, tự tay ông gọt quả vả, thái chuối xanh, luộc thịt lợn, gắp tôm chua ra đĩa với thái độ rất trân trọng...

Vào thời mở cửa, Nguyễn Tuân nhận ra vị trí của cố đô Huế trong kinh tế du lịch của đất nước. Ông viết bài kêu gọi cứu vãn Bạch Mã. Ông đặt vấn đề: “Sự nghiệp du lịch, văn hóa Việt Nam nếu không có một Huế?”. 

Trong bài Huế, một kinh đô đổi ngôi, có hai người bạn tên là Thần và Kinh đi tàu vô Huế. Kinh chiêm bao: sông Hương không còn nước chảy! Thần sợ quá, hồi hộp. 

Nhưng khi đi tàu vô Huế, qua cầu Trường Súng, thấy sông Hương thì reo lên: “Sông Hương đó, thành Huế, ga Huế miềng đó, chi mà lo sợ!”. Sông Hương mất thì còn chi Huế, còn chi mà làm du lịch. 

Nên ông viết: “…Quãng giữa vẫn là cái xứ Huế làm giàu cho du lịch toàn quốc. Thiên hạ bỏ ngoại tệ ra tới thăm Việt Nam mà lại không được nhìn Huế kỳ diệu thì thiệt là kỳ cục, Vậy ôi!”... 

(Theo Ngô Minh/ ANTG online)

Xem thêm: Một số mẩu chuyện vui về Nguyễn Tuân [kỳ 4]: Khoanh giò thời tem phiếu

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận