Trắc nghiệm yêu văn học: Nhà thơ lận đận thi cử, thi 4 lần mới đỗ tú tài là ai?
Thi sĩ này là 1 trong những bậc thầy của văn học trào phúng Việt Nam. Ông có tác phẩm nổi tiếng là "Thương vợ".
Nhà thơ nào thi 4 lần mới đỗ tú tài?
A. Nguyễn Khuyến
B. Tú Xương
C. Tú Mỡ
ĐÁP ÁN: B - TÚ XƯƠNG
Nhà thơ Tú Xương được xem là một hiện tượng hiếm trong thơ ca Việt Nam. Ông sáng tác dường như chỉ để mua vui, để đọc cho bạn bè và người thân nghe, rồi tùy ý truyền khẩu. Trong thơ Tú Xương có thể cảm nhận rõ sự hài hòa giữa yếu tố hiện thực và trào phúc, nhưng trữ tình là gốc rễ.
Thông qua câu trắc nghiệm yêu văn học trên, chúng tôi xin hé lộ thêm đôi nét về cuộc đời, sự nghiệp của văn sĩ tài hoa này. Đồng thời cũng chia sẻ về cuộc đời lận đận thi cử của một nhà thơ lớn trên văn đàn Việt Nam.
Nhà thơ Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương (1870 - 1907) tự là Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Ông sinh ra ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc (nay là TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Tú Xương xuất thân trong gia đình nhà nho nghèo, cha là cụ Trần Duy Thuận làm chức Tự thừa ở dinh Đốc học Nam Định. Gia đình ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần là bởi vào đời nhà Trần lập công lớn được phong quốc tích (vua cho đổi họ theo vua).
Trong tất cả các tài liệu nói về Tú Xương đều không thấy có ảnh, nhưng dáng hình cụ Tú được người bạn học là hạc phong Lương Ngọc Tùng viết trong bài thơ "Nhớ rõ hình dung...":
Cùng làng, cùng phố, học cùng trường
Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương,
Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,
Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương.
Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường.
Mấy chục năm trời đà vắng bóng,
Nghìn năm còn rạng dấu thư hương.
Tú Xương đi học sớm và cũng nổi tiếng thông minh. Năm lên 10 tuổi, nhà có khách đến chơi, thấy trước nhà có một dãy chậu hoa, khách bèn ra cho ông câu đối: "Đình tiền ngũ sắc hoa" (trước sân có hoa năm sắc), Uyên liền chỉ vào lồng chim khướu treo ở hiên và đối: "Lung trung bách thanh điểu" (trong lồng có chim trăm tiếng). Khách nghe đối tấm tắc khen nhưng lại thở dài "đời thằng bé lại lẩn quẩn như chim nhốt trong lồng". Ông học chữ Hán cụ kép làng Thành Thị, tên là Trần Chấn Thái, ngồi bảo học ở Thành Nam.
Tú Xương cũng là một thi sĩ tài hoa nhưng cuộc đời ngắn ngủ. Ông sống vỏn vẹn 37 năm trong giai đoạn bi thương nhất của đất nước. Trước lúc ông ra đời 3 năm thì 6 tỉnh Nam Kỳ mất trọn cho Pháp. Tú Xương lên 3 thì Bắc Kỳ trong đó có Nam Định bị tấn công lần thứ nhất. Tú Xương 12 tuổi, Bắc Kỳ, Nam Định bị tấn công lần thứ 2 và mất nốt. Hiệp ước Harmand 1883 rồi hiệp ước Patenôtre 1884 thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên đất Việt Nam. Các phong trào kháng chiến chống Pháp diễn ra sôi nổi nhưng lần lượt thất bại. Tú Xương sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử đó.
Nhưng phải nói rằng, Tú Xương là người có chí, có tài làm thơ. Ông mang khát vọng học hành thành đạt để có cuộc sống tử tế. Năm 16 tuổi, ông đã đi thi hương, rồi kiên trì đeo đuổi đến tám khoa thi (các năm 1886, 1888, 1891, 1894, 1897, 1900, 1903, 1906).
Đến khoa thi năm Giáp Ngọ 1894, khi đã 24 tuổi, ông mới đỗ Tú tài thiên thủ, lấy thêm cuối bảng. Bốn khóa thi sau đó, ông tham gia để mong đậu cử nhân nhưng đều trượt. Tú Xương mất năm 1907 trên đường về quê ngoại ở huyện Mỹ Lộc.
Theo Từ điển Văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ 19 (Nhà xuất bản Văn học, 2018), Tú Xương sáng tác khá nhiều, chủ yếu là thơ Nôm, thường được truyền tay qua bạn bè mà phổ biến với công chúng.
Tuy nhiên, thơ của ông không được ghi ghép lại nên thất lạc nhiều, lại hay bị lẫn với thơ người khác. Hiện các nhà nghiên cứu đã tìm được trên 100 bài thơ Nôm của ông, viết bằng các thể loại thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, lục bát, song thất lục bát, phú.
Xem thêm: Trắc nghiệm yêu văn học: Dế Mèn là con thứ mấy trong nhà?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận