Người lái đò sông Đà: Một khoảng lặng giữa những lớp sóng ngôn từ

Người lái đò sông Đà là kết quả của hành trình nhà văn Nguyễn Tuân về với vùng Tây Bắc xa xôi và hùng vĩ. Ở đó có "chất vàng mười" của thiên nhiên và con người Tây Bắc.

Đỗ Thu Nga
10:00 15/01/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hai hình tượng trong tùy bút là con sông Đà và người lái đò sông Đà đã thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân, đặc biệt là quan niệm về người nghệ sĩ. 

Xuyên suốt tùy bút, có những đoạn văn tưởng như chỉ là phụ cho những trang văn miêu tả sông Đà và người lái đò nhưng đó lại là những đoạn văn đậm chất thơ, là một góc nhìn của nhà văn về chất nghệ sĩ của con người lao động Tây Bắc:

“Dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh. Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng.

Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ... Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo”.

Đoạn văn trên nằm kế tiếp đoạn miêu tả cuộc vượt thác leo ghềnh đầy dữ dội của ông lái đò qua ba trùng vi thạch trận với những cửa tử đầy nguy hiểm. Nếu như những đoạn trước, sóng thác, trận địa đá, thác nước tạo nên sự dữ dội của một chiến đầy gian nan của người lái đò trên sông Đà thì đoạn văn sau là một không gian tĩnh, bình yên bên bờ sông Đà, đó là nơi hang đá lạnh, nơi ông lái đò chọn để nghỉ ngơi sau cuộc chiến không cân sức với sông Đà.

Chỉ trong một đoạn văn ngắn, những câu văn đậm chất thơ đã gợi lên trạng thái của cảnh vật sông nước và con người. Không còn những trùng vi thạch trận với ào ào thác dữ mà nhường lại nơi hang đá sông Đà là cái mát lạnh, là sự dịu êm, thanh bình của sóng nước. Và trong tâm trí của người lái đò dường như phút chốc đã không còn cảm giác về sóng dữ, thác ghềnh, tất cả đã tan biến khỏi trí nhớ. Một cảm giác thanh bình đã trở về trong không gian hang lạnh, trong tâm trí của người lái đò.

Giữa không gian hang đá đầy chất hoang sơ, thơ mộng, người lái đò bắt tay vào những công việc, thú vui và nét sinh hoạt hết sức dân dã, đời thường. Đó là nhóm lửa, nướng cơm lam. Hoạt động đó đã khiến cho không gian hang đá vốn lạnh lẽo, hoang dã trở nên ấm áp, vui vầy. Người lái đò đã tìm được cảm giác bình yên đầy thi vị, hòa mình vào cái bình dị của cuộc sống.

nguoi-lai-do-song-da-mot-khoang-lang-giua-nhung-lop-song-ngon-tu-8

Trong hang đá, bên đống lửa, những người lái đò bàn về các loài cá quý của sông Đà như cá dầm xanh, cá anh vũ, họ mường tượng ra cảnh những đàn cá từ trong hang túa ra, tạo thành những tiếng to như mìn nổ. Đó là sự giàu có của sông Đà, là câu chuyện của những con người cả đời gắn bó với sông nước, là niềm vui khi họ thuộc như “đóng đanh” vào từng luồng lạch, từng con thác và cả những loài cá quý hiếm của sông Đà. Câu chuyện về những loài cá sông Đà đã thể hiện tình yêu, niềm tự hào và sự gắn bó của những người lao động trên sông Đà.

Nếu như những người vừa giành chiến thắng sau những trận chiến thường sẽ bàn về những chiến công mà họ vừa trải qua. Trong đoạn văn, ông lái đò vừa trải qua trận chiến đầy dữ dội với sông Đà, trong cuộc chiến đó, ông lái đò như một dũng tướng xung trận, tỉnh táo, lão luyện điều khiển con thuyền. Ông như một nghệ sĩ tài ba, thực thụ trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh. Vậy mà, bên đống lửa, ông lái đò và mọi người không ai “bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua...”. Điều đó đã thể hiện sự khiêm nhường rất đáng trân trọng ở ông lái đò và những người vừa giành chiến thắng trong cuộc chiến với sông nước.

Đó cũng là một biểu hiện của chất nghệ sĩ trong tâm hồn người lái đò. Sau trận chiến với sông nước, người lái đò đã tìm đến cảm giác thư thái, bình yên, hướng tâm hồn mình đến cái đẹp của thiên nhiên qua các loài cá quý của sông Đà, không hề nói đến những chiến công. Một tư thế ung dung nghệ sĩ  giữa vùng sông nước. Hình ảnh này làm cho độc giả nhớ tới nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, cảnh cho chữ ở nhà giam giữa đêm khuya với tư thế ung dung, đạo mạo của một nghệ sĩ đang thăng hoa cái đẹp: “Cổ đeo gông, chân vướng xiềng, dậm tô những nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván”.

Đối với người lái đò, cuộc chiến đấu với sông Đà mặc dù dữ dội, nguy hiểm và đầy cam go nhưng đó là cuộc mưu sinh hằng ngày để ông và những con người nơi đây phải trải qua để có được cuộc sống. Vượt thác, leo ghềnh là câu chuyện thường ngày không có gì hồi hộp, đáng nhớ của họ. Chính điều đó đã làm nên những phẩm chất đáng quý của người lái đò và những con người lao động trên sông nước. Vừa am hiểu, tinh thông nghề lái đò, vừa dũng cảm, khiêm nhường và gắn bó với công việc thường ngày.

Nguyễn Tuân đã thực sự tìm được chất “vàng mười” trong tâm hồn người lao động Tây Bắc, đó là kết quả của hành trình kiếm tìm, tiếp cận và khám phá chất tài hoa nghệ sĩ trong tâm hồn con người lao động. Đoạn văn là một dấu lặng đầy chất thơ trong những trang văn tùy bút tài hoa, trên những “lớp sóng ngôn từ” của nhà văn Nguyễn Tuân, giúp độc giả có một cái nhìn toàn diện về vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà, thể hiện sâu sắc những nét phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân.  

(Theo ThS Nguyễn Thế Lượng - Trường THPT Hạ Hòa - Phú Thọ/ giaoducthoidai.vn)

Xem thêm: Chiếc thuyền ngoài xa: Giải mã ẩn số về cuộc sống của con người thời hậu chiến

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận