Ngồi thiền là gì và cách ngồi thiền đơn giản, đầy đủ nhất

Ngồi thiền đúng cách mang đến hiệu quả tuyệt vời cho sức khỏe, giúp tâm an nhàn, giúp con người tập trung, tốt cho sự phát triển của tư duy.

Đỗ Thu Nga
22:36 12/01/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thiền là gì?

Theo Wiki, Thiền có tên gọi đầy đủ là Thiền-na. Đây là thuật ngữ Hán - Việt được phiên âm từ dhyāna trong tiếng Phạn. Thiền là sự bất động của 6 căn không phóng dật, không bị dụ dỗ lôi kéo dính mắc 6 pháp trần gian bên ngoài thân ngũ uẩn, gây nên sự ham muốn thích thú đam mê. Định là sự hướng tâm của Ý thức để tác động chỉ đạo 6 căn nghe theo sự xuất nhập đóng mở và an trú vào một điểm trên cơ thể, nhằm tạo ra sự lớn dần về nội lực thân tâm thanh thản an lạc giải thoát hoàn toàn sau khi đã ly được dục và ác pháp trên thân tâm.

Theo Phật giáo Thích Ca, Thiền Định là sự bất động của tâm và thân theo từng cấp độ tăng dần theo nội lực của Ý thức cho đến đỉnh cao của sự giải thoát hoàn toàn của thân và tâm "định" vào một khối sau khi ý thức lực tác động làm cho hơi thở ngừng hoàn toàn một cách tự nhiên mà không bị ức chế hay rối loạn thân tâm.

Dưới góc độ của Yoga, thiền là một trạng thái tinh khiến, tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở, hoàn toàn đắm chìm trong ý nghĩ về ý thức vũ trụ. 

cach-ngoi-thien-don-gian-dung-nhat
Thiền là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở, hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về vũ trụ

Trong Yoga, thiền cũng là một bước quan trọng để người tập đạt được sự thể nhập hoàn toàn giữa ý thức cá nhân với Y thức vũ trụ ở trạng thái samadhi (định). Thiền trong Yoga là truyền thống thiền cổ nhất và cũng là một trong những loại thực hành đa dạng nhất. 

Tuy nhiên, theo Theo J. Krishnamurti (tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng của Ấn Độ): “Thiền không phải là phương tiện. Nó là cả hai: phương tiện và cứu cánh. Thiền là một điều phi thường. Nếu có bất cứ một sự bắt buộc, cố gắng bắt tư tưởng phải tuân thủ, bắt chước, thì thiền sẽ là một gánh nặng”.

Theo ghi chép của Đạo Phật, hành giả nhờ Định mà đạt đến một trạng thái sâu lắng của tâm thức. Trong đó toàn bộ tâm thức chỉ chú ý đến một đối tượng thiền định thuộc về tâm hay vật. Tâm thức sẽ trải qua nhiều chặng, trong đó lòng tham dục dần dần suy yếu. Một khi hành giả trừ được 5 chướng ngại thì đạt đến được 4 cõi thiền (tứ thiền định) của sắc giới và tri kiến vô thượng. Tri kiến này giúp hành giả thấy rõ các đời sống trước của mình, thấy diễn biến của sinh diệt và dẫn đến giải thoát mọi lậu hoặc. Hành giả đạt được 4 cõi thiền cũng có thể chủ động tái sinh trong cõi Thiên liên hệ.

Theo  Sư phụ Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng: "Thiền là một phương pháp làm cho tâm chúng ta an định. Tâm chúng ta hàng ngày rất phức tạp, rối ren. Thiền chính là phương pháp để đưa tâm chúng ta an định lại. “An” nghĩa là không nguy hiểm, “định” nghĩa là yên. Thiền là phương pháp để đưa tâm chúng ta trở về an định hay còn gọi là quản trị tâm mình. Hiểu một cách khác thiền là quay về tập làm chủ tâm của chúng ta”.

Trong nhà thiền có câu "tâm an định thì trí sáng tỏ". Thiền giúp tăng khả năng tập trung, tĩnh tâm, tăng sự kiên nhẫn để tâm được an định, bớt đau khổ, phiền não. Sư phụ Thích Trúc Thái Minh cũng chia sẻ: "Thiền vô cùng lợi ích trong học tập, nhất là việc ghi nhớ và sáng tạo. Cho nên các thiền sư họ rất sáng tạo, các con muốn học giỏi, thông minh và sáng tạo thì cũng nên thực tập thiền".

Những lợi ích của việc ngồi thiền

Nhắc đến thiền, người ta nghĩ ngay đến việc ngồi thiền. Song việc thực tập thiền bao gồm nhiều hoạt động khác như thiền hành (thực tập thiền khi đi bộ), nằm thiền (thực tập thiền ở tư thế nằm ngửa)... Các phương pháp thiền đều có cách thức thực hành chung là giữ cho tâm trí tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm. 

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, những điều không được như ý. Chính vì thế ngồi thiền sẽ là khoảng thời gian giúp cân bằng cuộc sống, giải tỏa căng thẳng... Thiền định mang đến nhiều lợi ích như:

Thiền giúp giảm stress, kiểm soát căng thẳng: Một nghiên cứu từ đại học Cambridge đã chỉ ra rằng thiền thường xuyên giúp làm giảm mật độ chất xám ở các vùng não liên quan đến lo lắng và căng thẳng. Thiền còn làm dịu mọi suy tư và giúp tâm được thư giãn.

cach-ngoi-thien-don-gian-dung-nhat
Ngồi thiền đúng cách mang lại hiệu quả đối với cả sức khỏe và trí lực

Thiền giúp cải thiện khả năng tập trung và cải thiện trí nhớ: Việc huấn luyện tâm trí chú ý quan sát đối tượng cụ thể khi ngồi thiền sẽ giúp sự tập trung của chúng ta được cải thiện đáng kể. Thiền với việc ngồi yên bất động chính là lúc tâm trí được thư giãn, giúp ta kiểm soát các suy nghĩ, hơi thở, nhịp tim... 

Thiền còn làm giảm các rối loạn thần kinh và trầm cảm: Thiền giúp chúng ta loại bỏ được các suy nghĩ tiêu cực từ đó giải phóng được sự bế tắc, tư tưởng tiêu cực. Thiền giúp mở rộng tâm, cho phép chúng ta nhìn mọi việc ở góc độ khách quan, tích cực hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thiền hiệu quả ngang với các liệu pháp điều trị trầm cảm. 

Thiền giúp cải thiện giấc ngủ: Các nhà tâm ý học cho biết, ngồi thiền giúp chúng ta bình tĩnh, kiềm chết cảm xúc tốt hơn. Khi ngồi thiền chúng ta có thể xem xét lại một các sáng suốt, từ đó gạt bớt được phiền muộn, lo lắng, giúp bộ não được thư thái hơn.

Thiền giúp tăng cường hệ miễn dịch, ổn định đường huyết, giúp xương chắc khỏe, giảm nguy cơ đột quỵ, bệnh tim.

Cách ngồi thiền đơn giản, đầy đủ nhất

Ngồi thiền không hề khó nhưng nếu ngồi không đúng sẽ không tốt cho sức khỏe. Dưới đây là các bước ngồi thiền cơ bản do Sư phụ Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng hướng dẫn:

Bước 1: Chuẩn bị ngồi thiền

Trang phục: Chúng ta nên mặc những trang phục thoải mái, mát mẻ, không gây nóng vào mùa hè và đủ ấm vào mùa đông; cũng như có sự co giãn hợp lý để có thể tiến hành các tư thế ngồi thật thoải mái.Ngoài ra, tháo bỏ đồng hồ để mạch máu lưu thông, tắt chuông điện thoại để tập trung vào việc thực tập thiền.Dụng cụ tọa thiền vững chắc, dễ chịu gồm có:1 bồ đoàn tròn đường kính 20-25cm, cao khoảng 10 cm.1 tọa cụ vuông rộng khoảng 80cm để trải dưới, bồ đoàn để ở trên.1 khăn mặt hoặc gối nhỏ dùng để chêm bên lòng bàn chân trũng.

Bước 2: Vị trí và thời gian ngồi thiền

Chúng ta có thể thiền ở bất cứ lúc nào và ở đâu: sau giờ làm việc căng thẳng, trong lúc rảnh rỗi vì thiền thực chất là bài tập cho tâm trí được thoải mái. Chúng ta có thể thiền trên bãi cỏ, sàn nhà, trên ghế hoặc trên giường. Trước khi bắt đầu ngồi thiền, chúng ta nên đặt báo thức. Do khi mới bắt đầu ngồi thiền, chúng ta thường cảm thấy thời gian trôi lâu hơn, đặt báo thức giúp mình không phải liên tục nhớ về thời gian; tránh việc mất tập trung. Với người mới thực hành nên thiền trong 10 phút, khi đã quen dần thì có thể tăng lên 15 – 20 phút mỗi ngày. Thiền trước lúc đi ngủ và sau khi thức dậy buổi sáng cũng là một lựa chọn rất tuyệt vời.

cach-ngoi-thien-don-gian-dung-nhat
Sư phụ Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng

Bước 3: Tư thế ngồi thiền

Có hai tư thế ngồi thiền là tư thế bán già và tư thế kiết già.Tư thế bán già: Ngồi gác chân nọ lên chân kia. Cụ thể là lấy bàn chân trái gác lên chân phải hoặc ngược lại.Tư thế kiết già hay còn gọi là toàn già: Để ngồi được kiết già đúng cách, ban đầu chúng ta ngồi khoanh chân tự nhiên, dùng hai tay nắm bàn chân phải từ từ gấp lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp, dùng tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.

Hai tư thế này đòi hỏi chúng ta phải kiên trì luyện tập, để có thể thực hiện được một cách thuần thục, đặc biệt là tư thế kiết già.

Các giai đoạn quan trọng trong một buổi ngồi thiền

Giai đoạn nhập thiền

Trước khi vào ngồi thiền, chúng ta khởi động các khớp từ đầu cho đến chân sao cho các khớp xương và cơ được giãn ra, thoải mái. Chú ý khởi động kỹ đến khớp chân, khớp háng, đầu gối và cổ chân.

Xác định mình sẽ ngồi theo tư thế bán già hay kiết già phù hợp với khả năng của mình.

Chúng ta trải tọa cụ ra, đặt bồ đoàn lên trên tọa cụ. Ngồi lên bồ đoàn, vặn người nhẹ nhàng rồi vắt chân lên ngồi.

Tiếp đó, đặt bàn tay phải để lên bàn tay trái. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân. Những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái vừa chạm nhau còn được gọi là bắt ấn Tam muội. Nếu lòng bàn chân bên nào trũng thì dùng khăn chêm vào cho bằng.

Lưng ngồi thẳng, ngay ngắn vừa phải. Đầu không ngửa về sau, không cúi xuống quá, mắt nhìn xuống, tầm nhìn từ 1m đổ lại. Mắt hơi khép, mở khoảng 1/3 mắt. Để đầu lưỡi hơi chạm hàm trên.

Dùng mũi hít thở 3 hơi thật sâu đều đều nhẹ nhàng. Khi hít vào quán tưởng “Mình đang hít không khí trong sạch đi vào lan tỏa khắp toàn thân”. Sau đó thở ra bằng miệng nhẹ nhàng, quán tưởng “Những khí độc, bệnh tật, phiền não trong cơ thể đi ra ngoài”.

Giai đoạn trụ thiền

Phương pháp số 1: Thiền sổ tức (đếm hơi thở)

Đây là phương pháp dành cho những người mới sơ cơ bước đầu thực tập thiền. Đầu tiên chúng ta tập trung vào đếm hơi thở. Thở tự nhiên bằng mũi. Theo dõi hơi thở vào hơi thở ra và đếm từ 1 đến 10. Kết thúc hơi thở vào và thở ra đếm một, hít vào thở ra đếm hai, lần lượt đến mười, rồi bắt đầu trở lại từ một.

Cứ đếm như thế suốt thời gian tọa thiền. Nếu trong lúc đếm từ một đến mười giữa chừng quên hoặc bị lộn số, chúng ta bắt đầu trở lại từ một. Sư Phụ dạy người sơ cơ học thiền phải kiên trì thực hành giai đoạn thiền này. Người nào chăm chỉ thực hành giai đoạn sổ tức thì sẽ dễ an định hơn.

Khi đã thực tập phương pháp sổ tức thuần thục, không bị quên, nhầm lẫn, đếm rõ ràng từng số, từng hơi thở thì chuyển sang giai đoạn “tùy tức”.

Phương pháp số 2: Thiền tùy tức (theo dõi hơi thở)

Phương pháp thiền tùy tức là phương pháp theo dõi hơi thở. “Tùy” là theo, “tức” là hơi thở. “Tùy tức” là theo dõi hơi thở. Ở giai đoạn này chúng ta không đếm hơi thở, mà chuyển qua theo dõi từng hơi thở một; hít vào thở ra nhẹ nhàng không có sự cố gắng dùng lực. Hít và thở tới đâu biết tới đó, hơi thở ra đến đâu cũng đều biết rõ. Sư Phụ chỉ dạy, nếu kiên trì công phu giai đoạn thiền tùy tức sẽ thấy tâm trong sáng, tĩnh lặng.

Phương pháp số 3: Thiền tri vọng (theo dõi vọng tưởng)

Khi đã theo dõi hơi thở ra vào tốt, chúng ta chuyển sang phương pháp theo dõi tâm mình, gọi là tri vọng. Khi xoay lại và theo dõi tâm chúng ta sẽ thấy những vấn đề đang xảy ra trong tâm. Tâm mình nghĩ đến việc này việc kia, những hình ảnh như đang nhảy múa, những tưởng tượng, ảo tưởng, âm thanh vọng tới. Đó chính là vọng tưởng và chúng ta nên cố gắng nhận thức, biết rõ từng vọng tưởng đó. Sư Phụ dạy khi có vọng khởi lên chúng ta biết là vọng và không theo vọng tưởng đó, cứ thế cho đến khi vọng tưởng bớt dần.

Giai đoạn xả thiền

Mục đích của xả thiền là để cơ thể hết tê mỏi, khí huyết lưu thông bình thường. Trước khi xả thiền, ta hít một hơi dài và sâu rồi thở ra bằng miệng như vậy 3 lần. Nên xả thiền theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, cử động toàn thân nhẹ nhàng trước, rồi cử động hai bả vai lên xuống.

Chúng ta cúi xuống, ngước lên, xoay sang hai bên, sau đó xòe nắm hai bàn tay. Chà xát hai bàn tay vào nhau tạo sức nóng rồi xoa lên trán, hai mắt rồi toàn bộ khuôn mặt. Chúng ta xoa mặt, xoa hai lỗ tai, xoa đầu, xoa gáy, xoa cổ. Bàn tay phải xoa từ vai xuống cánh tay, tay trái xoa từ nách xuống bên hông, hai tay kết hợp xoa một lượt rồi đổi bên. Tiếp sau, lòng bàn tay phải đặt lên ngực, tay trái trên lưng, hai tay kết hợp xoa một lượt (xoa ngang) tại 3 điểm: ngực, bụng, bụng dưới. Hai tay xoa thắt lưng, hông, đùi.

Thả lòng chân: một tay nắm đầu các ngón, một tay đỡ cổ chân từ từ đặt xuống rồi dùng hai bàn tay cùng xoa mạnh từ đùi đến bàn chân. Chà nóng gan bàn chân, chúng ta đổi chân làm xong thì duỗi thẳng cả hai chân rồi rướn người về phía trước, các ngón tay vừa chạm các ngón chân. Lúc này chúng ta có thể rời khỏi bồ đoàn hoặc gối, ngồi lặng yên vài phút trước khi đứng dậy.

Lưu ý thời gian xả thiền cũng tùy theo thời gian ngồi thiền, ngồi càng lâu thì khi xả thiền cần phải xoa bóp kỹ, giúp các mạch máu được lưu thông, gân cốt mềm dẻo.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận