Mong ước của cô gái xương thủy tinh sống đầy nghị lực: "Có sức khỏe để làm được nhiều việc ý nghĩa"
Trong 16 năm chống chọi với bệnh xương thủy tinh, chị Hoàng Thị Dịu (34 tuổi, trú xã Hà Giang, H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã vượt nghịch cảnh, mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em ở địa phương.
Đủ tay, chân đã là hạnh phúc
Là con út trong gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ làm thuần nông, khi đang ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người (18 tuổi), biến cố bắt đầu ập đến với chị Dịu. Thấy cơ thể của mình không giống các cô gái khác, đi khám chị phát hiện bị hội chứng MRKH (hội chứng rối loạn khiến phụ nữ bẩm sinh không có tử cung hoặc âm đạo, không có kinh nguyệt, không thể có con - PV).
"Mình buồn lắm, không thể diễn tả bằng lời nỗi đau ấy. Bởi theo mình, niềm hạnh phúc nhất của phụ nữ là được làm mẹ. Mình rơi vào tình cảnh này, sao còn dám nghĩ đến chuyện yêu một ai đó nữa", chị tâm sự.
Quẫn trí, có lúc chị ra bờ sông Gạch gần nhà và có suy nghĩ: "Hay là trẫm mình xuống dòng sông để chấm dứt sự chịu đựng này".
Tuy nhiên, khi nghĩ về người mẹ tảo tần bao năm nâng giấc cho mình; nghĩ về câu nói của cha "xem mày như một thằng con trai"; rồi nghĩ đến những người tật nguyền không tay, không chân, thiệt thòi hơn mình nhưng họ vẫn sống vui vẻ và có ích, cô gái trẻ Hoàng Thị Dịu khi đó lại có thêm động lực động viên bản thân: "Mình có đủ tay, chân đã là hạnh phúc".
Từ đó, cô gái trẻ bắt đầu công việc làm lao công tại Bệnh viện đa khoa H.Đông Hưng. Công việc bình dị nhưng cô vui vì có những đồng nghiệp, những người bạn để hàn huyên mỗi ngày. Mỗi tối, Dịu lại kèm đứa cháu đang học lớp 1 học bài. Cháu bé được cô giáo khen vở sạch, chữ đẹp, cô giáo cũng khen Dịu kèm cháu tốt. "Thời điểm đó, mình thấy vui vì có thêm một công việc ý nghĩa để vẽ lên những gam màu sáng cho cuộc đời", chị Dịu kể.
Chấp nhận sống chung với hội chứng MRKH, song biến cố không dừng lại. Năm 30 tuổi, chị bỗng thấy cơ thể đau nhức khắp nơi, đặc biệt hai đầu gối ngày một sưng to. Nhiều lần chị tới khám tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mới phát hiện bị mắc bệnh xương thủy tinh. Bác sĩ chỉ định chị phải thực hiện 8 cuộc phẫu thuật, nhưng chính họ cũng không dám chắc chắn sau phẫu thuật sẽ khỏi bệnh, nên chị đã không tiến hành phẫu thuật.
Đỉnh điểm, một buổi chiều tháng 9.2020, khi đứng dưới hiên nhà, cơ thể của chị bỗng đổ về phía trước, cổ xương đùi bị gãy. Sau đó, chị phải nằm liệt giường suốt 4 - 5 tháng đằng đẵng, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào mẹ.
Tủi thân trước sự trớ trêu của số phận, trong nước mắt, chị xin mẹ được chết, xin mẹ hãy cho chị một liều thuốc độc để chị được giải thoát. "Tôi nghe con bé nói vậy mà lòng đau nhói, nghẹn ngào. Tôi lẳng lặng ra ngoài, để con bé kêu than sao cũng được. Thương con bé thiệt thòi đủ đường, nhưng càng phải vui vẻ để con bước qua cơn bĩ cực…", bà Đỗ Thị Hồi (75 tuổi, mẹ chị Dịu) nhớ lại.
Mong làm được nhiều việc ý nghĩa hơn
Chăm con gái một thời gian, sức khỏe của bà Hồi như quỵ ngã. Căn bệnh thoát vị đĩa đệm khiến bà phải nằm một chỗ, đau đớn tưởng chừng không qua khỏi. Bà đã phải gọi các con lại, nhắc nhở từng người, nếu bà "đi", các anh em phải thương yêu, chăm sóc chu toàn cho chị Dịu… May mắn thay, bà Hồi dần khỏe lại. Tinh thần của chị Dịu cũng dần dần vực dậy, suy nghĩ tích cực hơn.
Chị quay lại với những niềm vui nho nhỏ. Mỗi tối, dù không thể ngồi dậy, chị vẫn nằm và kèm cặp, chỉ dạy cháu học bài. Nhờ có sự trao đổi, tham khảo và học hỏi thêm các kỹ năng, kiến thức từ các giáo viên, việc kèm học cho cháu của chị ngày càng hiệu quả. Chị được cô giáo của cháu khen dạy học khéo léo. Thậm chí, một người hàng xóm cũng tin tưởng nhờ chị kèm thêm cho con khi cháu chuẩn bị vào lớp 1. Niềm vui vì làm được những điều có ý nghĩa trong cuộc sống góp phần thôi thúc chị phải sống, thậm chí sống ngày càng tốt hơn nữa.
Năm tháng qua đi, từ một cô gái nằm liệt giường, chị Dịu cố gắng luyện tập, nay chị đã ngồi được trên xe lăn. Từ việc chỉ kèm học cho cháu của mình, giờ đây, lớp học của chị đã có gần 10 cháu ở các lớp 1, 2, 3 theo học.
"Nhờ giáo viên gửi lời khen ngợi, các phụ huynh gửi gắm niềm tin mà tôi thêm tự tin, sống có ích hơn. Sắp tới sẽ có thêm các cháu học sinh lớp 4, lớp 5 cũng đến nhờ tôi kèm cặp. Tôi đều dạy miễn phí cho các cháu. Nếu ngày xưa tôi nói có đủ tay, đủ chân đã là hạnh phúc, thì đến giờ tôi hiểu thêm rằng, khi ngồi dậy được còn hạnh phúc hơn nằm rất nhiều", chị tâm sự.
Gần đây, anh Đỗ Hà Cừ (một người khuyết tật, trú tại TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Đội trưởng Câu lạc bộ không gian đọc Hy Vọng, đã kết nối với chị Dịu để biến căn phòng của chị có thêm một tủ sách với hơn 650 đầu sách các loại. Tủ sách có thể phục vụ tất cả lứa tuổi đến đọc sách, trau dồi thêm kiến thức.
Cuộc sống của người con gái suốt 16 năm sống chung với bệnh tật quái ác đã ngày càng trở nên đa sắc màu hơn. Mỗi ngày, chị đều bận rộn chuẩn bị bài học để buổi chiều có thể kèm cặp các cháu học bài, làm bài thật tốt sau giờ tan trường. Mong ước của chị ở thời điểm hiện tại chỉ giản đơn là "có sức khỏe, để ngày càng làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn".
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Nghị lực phi thường của người phụ nữ 8X và dự án thiện nguyện tâm đắc "Cùng em đến trường"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận