Mâm ngũ quả miền Bắc, Trung, Nam trong Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khác nhau thế nào?
Mâm ngũ quả Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 có ý nghĩa thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu đến ông bà, tổ tiên. Bày mâm ngũ quả ngày Tết truyền thống đẹp của người Việt.
Ý nghĩa mâm ngũ quả Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
Theo Wiki, mâm ngũ quả là mâm trái cây có 5 loại quả khác nhau được bày trong ngày Tết nguyên đán của người Việt Nam. Thông thường, mâm ngũ quả sẽ được bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc bày trên bàn tiếp khách. Các loại trái cây được bày trên mâm ngũ quả thể hiện ước nguyện của gia chủ tên gọi, màu sắc và cách thức sắp xếp của chúng. Mâm ngũ quả ngày nay được cách tân hóa nhiều, mang ý nghĩ trang trí cho không gian xuân nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh.
Theo quan niệm dân gian, mâm ngũ quả có chủ ý thể hiện ước muốn của người Việt: Phúc, quý, thọ, khang, ninh. Mâm ngũ quả có 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau tượng trưng cho quy luật trời đất theo ngũ hành là Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng). Bên cạnh đó, "ngũ" còn tượng trưng những ước nguyện của gia chủ về một cuộc sống sung túc, viên mãn: Phúc (may mắn); Quý (Giàu có, sang trọng), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), Ninh (bình yên).
Trao đổi về phong tục sắp xếp mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết: “Ngũ quả không tượng trưng cho âm dương – ngũ hành. Trong các từ thư phương đông cổ đại, chỉ có kinh sách Phật giáo là giải thích về ngũ quả mà thôi. Đó là 5 loại trái cây mà các tỳ khưu phải nấu chín hoặc gọt vỏ mới được ăn. Thứ nhất là loại quả có hạt như táo, hạnh, đào, mận .. Thứ hai là loại quả có da như dưa, lê, dâu ...Thứ ba là loại quả có vỏ như dừa, hồ đào, thạch lựu ... Thứ tư là loại quả có vỏ sần sùi như tùng, bách ... Thứ năm là loại quả có góc cạnh như ấu, các loại đậu lớn nhỏ ... Năm loại trái cây trên đây vốn được dùng để cúng dâng trong pháp hội Vu lan bồn, sau dùng để cúng trong nghi lễ thờ Phật, rộng ra, trong lễ tiết cúng tế nói chung”.
Ông Hùng Vĩ cũng cho biết, ý nghĩa của mâm ngũ quả đã thay đổi theo dòng chảy thời gian và biến thiên lịch sử. Ở trong Kinh Vu lan giải thích, khi Đức Phật còn tại thế, Mục Kiền Liên vì muốn cứu khổ cứu nạn cho vong hồn mẹ bị treo ở chốn âm ti mà ông cầu cứu Đức Phật thì Đức Phật dạy rằng: Rằm tháng 7 là ngày chư tăng tự tứ (hết mùa đi Hạ), hãy đem thức ăn, hoa quả cúng dường (chính là đem ngũ quả này dâng lên cho Phật tăng 10 phương) thì sẽ được vô lượng công đức và cứu khổ được cho mẹ. Vì vậy, khi Đức Phật còn tại thế (thế kỉ V trước công nguyên), ở Ấn Độ đã có tục cúng dường ngũ quả.
Còn theo truyền thuyết của người Trung Quốc, vào thế kỷ VI sau công nguyên, vua Vũ Đế nhà Lương là người đầu tiên mở lễ Vu Lan, sau đó thời Đường, thời Tống thịnh hành rồi lan tỏa ra dân chúng và dùng trong nghi lễ cúng dường nói chung, trong đó có tập trung vào Tết. Các nước Phật giáo thịnh hành thường bày mâm ngũ quả dâng tiến Phật tăng và tổ tiên.
Ông Hùng Vĩ cũng cho biết, mọi điều lệ, quy pháp tôn giáo khi đi vào thực tế đều vận động, biến đổi cho phù hợp với cuộc sống đa dạng và tục bày mâm ngũ quả cũng vậy. Mỗi vùng miền thì có những biến chuyển khác nhau thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa của vùng miền đó. Từ Bắc vào Nam các loại trái cây dùng để bày mâm ngũ quả rất đa dạng với nhiều biểu tượng, mong muốn của gia đình, mang những màu sắc của sự an khang, thịnh vượng, phát tài, phát lộc.
Tuy nhiên, một mâm ngũ quả truyền thống sẽ gồm các loại trái cây như: Chuối xanh - Tượng trưng cho gia đình sum vầy, quây quần, đầm ấm, bao bọc và chở che; Phật thủ xanh - bàn tay phật che chở cho cả gia đình; Bưởi vàng - Cầu ước sự an khang, thịnh vượng; Thanh long đỏ - Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc; Đu đủ vàng- Thịnh vượng, đủ đầy.
Ý nghĩa của một số loại trái cây được chọn bày trên mâm ngũ quả:
Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.
Phật thủ: Bàn tay phật che chở cho cả gia đình.
Bưởi: Mong muốn an khang, thịnh vượng.
Quả lê hoặc dưa lê: Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến.
Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.
Lê: Vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
Đào: Thể hiện sự thăng tiến.
Táo: Phú quý, giàu sang.
Thanh long : Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.
Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
Quả trứng gà: Lộc trời cho.
Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.
Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy.
Xoài (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.
Mâm ngũ quả miền Bắc, Trung, Nam trong Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khác nhau thế nào?
Tùy theo phong tục tập quán mà mỗi vùng miền ở Việt Nam có bày trí mâm ngũ quả Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khác nhau. Sự khác biệt này được thể hiện rất rõ rệt:
Miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành
Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành tương sinh tương khắc. Cụ thể, Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.
Người miền mắc sắp xếp các loại trái cây trên mâm ngũ quả xen kẽ lẫn nhau để trông đẹp mắt hơn, hợp phong thủy ngày Tết nất. Song người miền mắc không câu nệ nhiều hay ít, họ sẽ mua các loại hoa quả để bày đủ mâm. Thông thường, người miền Bắc sẽ bày mâm ngũ quả với các loại trái cây là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.
Hiện nay dù hoa quả trái cây rất đa dạng song người miền Bắc đa số vẫn bày mâm ngũ quả bằng các loại quả truyền thống trên. Có một số gia đình muốn cách tân một chút thì thêm nho mọng, táo xanh, hồng xiềm...
Miền Trung bày mâm ngũ quả thế nào?
Miền Trung là khu vực quanh năm nắng gió, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt và chịu nhiều thiên tai, ít hoa quả nên trong ngày Tết người miền Trung không quá câu nệ về hình thức. Đến Tết, người miền Trung có loại quả gì thì bày mâm ngũ quả loại quả đó, chủ yếu là lòng thành kính với ông bà tổ tiên.
Thông thường, mâm ngũ quả của người miền Trung sẽ có: thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt.
Miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong ước
Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo quy tắc " cầu sung vừa đủ xài", có nghĩa là mong ước một năm mới đầy đủ, sung túc và các ước vọng này ứng với các loại trái cây: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài gia một số gia đình có bày thêm dứa với mong ước con cháu đầy nhà. Một số nhà khác bày cặp dưa hấu với mong muốn cầu may mắn.
Mâm ngũ quả của người miền Nam trông khá bình dị và chân chất theo đúng mong muốn và cách sống của người miền Nam.
Với người miền Nam, trong mâm ngũ quả kiêng một số loại trái cây như: chuối, lê, táo (bom), cam, quýt. Việc kiêng kỵ này được xác định là do cách phát âm các loại trái cây này thể hiện sự không may mắn.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận