Luyện đề văn sao cho hiệu quả?

Dưới đây là một số bí quyết cần thiết cho việc luyện đề của các bạn học sinh ở giai đoạn nước rút này.

Đỗ Thu Nga
10:00 02/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

LUYỆN ĐỀ CÓ MỤC TIÊU

Nếu như các em ôn thi Đại học với mục tiêu đỗ vào ngành mình thích, trường mình mong, muốn có một công việc nuôi sống bản thân, chứng minh năng lực của mình sau này, thì việc luyện đề cũng vậy, các em cũng cần đặt ra mục tiêu khi bắt đầu Luyện đề nhé. Ví dụ như, khi các em kiểm điểm lại bản thân, nhận thấy mình còn yếu trong phần Đọc hiểu/ Nghị luận xã hội, thì các em sẽ bắt đầu học lại lý thuyết vững hơn và luyện tăng cường cho 2 phần này. Các em có thể chia chủ đề ra, mỗi tuần 2 chủ đề và luyện cho 2 chủ đề đó thật thuần thục, mục tiêu cuối tuần nhìn lại, mình phải nắm vững được các ý cơ bản của chủ đề đó và biết mở rộng nâng cao cho chủ đề đó, giúp đoạn văn/bài văn sáng tạo hơn. 

Khi các em luyện Đọc hiểu, không chỉ luyện liên tục từ đề này sang đề kia, trả lời liên tục từ câu hỏi này sang câu hỏi kia, mà mỗi khi luyện xong 1 câu hỏi, các em phải để ý tính chất, nội dung, các câu hỏi gợi ý vấn đề. Và khi luyện đến đề tiếp theo, hãy nhìn nhận lại xem dạng câu 1,2,3,4 đó mình đã từng luyện chưa, nếu mình từng trả lời 1 dạng câu hỏi tương tự vậy trước đó thì mình sẽ áp dụng tiếp tục phương pháp trả lời đó. Điều này giúp các em định hình được dạng câu hỏi và cách trả lời cho từng dạng, chứ không để bản thân bị cuốn theo câu hỏi, mỗi lần đọc đề là mỗi lần phải như “làm lại từ đầu” vì mình không có chủ tâm tư duy bao quát. 

luyen-de-van-sao-cho-hieu-qua-0

Khi các em luyện Nghị luận văn học, các em có thể luyện theo chuyên đề nhân vật hoặc tác phẩm, tức là không phải nay viết về nhân vật A1 trong tác phẩm A xong 1 bài, mặc dù chưa soi chiếu ý thiếu - đủ, chưa nhìn nhận lại từng đoạn, từng phần để xem mình làm như thế có đúng chưa, có được không, chỉ xem đáp án một cách qua loa nhưng mai lại luyện sang nhân vật B1 trong tác phẩm B, mình cứ nghĩ như thế sẽ luyện xong hết về các nhân vật, mình vui vì mình cái nào cũng luyện xong rồi, nhưng cuối cùng mới nhận ra, như vậy là chạy theo số lượng để an ủi bản thân mà thôi. Vì khi các em nhảy cóc từ nhân vật này sang nhân vật kia trong thời gian ngắn mà chưa khắc phục dần về nhân vật cũ, các em sẽ bị cuốn theo và không biết ở mỗi nhân vật, mình cần thêm - bớt điều gì, từ đó việc cải thiện điểm sẽ không thể phát huy như ý được. Vì vậy, các em có thể đặt ra mục tiêu luyện đề cho mình, trong 1 thời gian nào đó sẽ luyện cho các nhân vật trong tác phẩm A, rút ra được từng luận điểm cần có, rút ra được những giá trị chung của mỗi nhân vật trong tác phẩm A ấy, từ đó tối ưu hoá được việc luyện sau này. Mỗi khi luyện tác phẩm A, sẽ biết các nhân vật A1, A2, A3 đều có khung giá trị chung là gì, có những ý liên kết nhau như thế nào, như thế mình sẽ tư duy được khung chung - khung riêng cho mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật, không bị choáng ngợp trong vô vàn kiến thức riêng lẻ chất chồng. 

Luyện đề có mục tiêu còn là khi các em đặt ra kỉ luật thời gian, nhiệm vụ hoàn thành cho bản thân mình về một phạm vi kiến thức nào đó. Không nên xuôi theo thời gian, nghĩ mình còn nhiều thời gian để luyện mà không xác định mục đích rõ ràng của việc luyện. Ví dụ như các em còn chưa thuần thục ở Mở bài - Kết bài, thì các em sẽ sắp xếp riêng một cụm thời gian để chuyên luyện phần này, tăng cường cho phần này chứ không tuần này luyện một chút, bỏ tuần sau, tuần tới lại quay lại thêm một chút, thì các em rất dễ đánh mất thời gian quý giá của mình. Điển hình là sau 3-4 tuần mà phần ABC mình cần cải thiện vẫn lưng chừng như thế, không thật sự trọn vẹn cho mình yên tâm đi tiếp đến phần khác. 

Đặt ra mục tiêu khi luyện đề càng rõ ràng thì các em càng quản lí được sự tiến bộ của bản thân. Các em vẫn có thể tiến bộ nhanh chóng từ thời điểm này khi các em tìm ra phương pháp luyện phù hợp với mình, nên đừng vội “thoái chí từ nan”, các em nhé. “Những thứ chúng ta phải đối mặt có lúc trông như không thể vượt qua. Nhưng tôi đã học được một điều qua bao năm tập luyện và thi đấu. Tôi đã học được một điều từ tất cả những hiệp tập và rep khi tôi nghĩ rằng mình không thể nâng thêm một lạng tạ nào. Điều tôi học được là chúng ta luôn mạnh hơn ta tưởng” (Arnold Schwarzenegger)

LUYỆN THEO CHỦ ĐỀ

“Nhớ mang máng là mình từng luyện cái này rồi, mà giờ không nhớ rõ từng ý nữa” - Nếu như thế thì xem như mình chưa luyện rồi, vì sự thật là mình không nhớ nội dung cần nhớ, đúng không các em? Thế nên trong quá trình luyện đề, các em cần chia theo chủ đề để luyện, ví dụ trong Nghị luận xã hội, các em quy định tuần này sẽ luyện chủ đề Tuổi trẻ, thì mình sẽ xem và thực chiến qua các khía cạnh Giá trị/Sức mạnh hay Những điều cần làm,... cho chủ đề này. Khi mình gom nội dung theo chủ đề, các em sẽ quản lí được nội dung cần triển khai cho chủ đề đó, mỗi khi gặp lại, các em sẽ biết và nhớ mình cần viết những ý gì, mình đã từng khai thác gì trong chủ đề này để đưa vào đoạn văn/bài văn. 

luyen-de-van-sao-cho-hieu-qua

Luyện đề lộn xộn một theo thời gian, không có mục tiêu, không định hướng chủ đề nội dung mình đang luyện, lâu dần các em sẽ rơi vào tình trạng vùng kiến thức nào cũng “nhớ mang máng”, không nhớ rõ nội dung cần nhớ và rất tiếc nuối nếu như đi thi mình gặp lại đề mình từng luyện mà mình không thể nhớ rõ, các em nhé. 

LUYỆN CUỐN CHIẾU

Nếu như luyện một lần về nội dung A, chủ đề B mà từ đây đến thi, mình có thể nhớ rõ mồn một thì thật sự rất tuyệt vời. Nhưng hiện thực thường khắc nghiệt và thử thách hơn điều chúng ta mong, các em ạ. Khi mình luyện đề, không chỉ làm một lần là nhớ mấy tháng, luyện một lần về khía cạnh đó là xong xuôi, mà các em cần cuốn chiếu - tức là luyện lại một khía cạnh trong chủ đề đó, trong phạm vi kiến thức đó, trong tác phẩm đó vào vài tuần sau. Cứ cách một vài ngày - một vài tuần sẽ tự luyện lại phần đó một lần, có thể lần đầu luyện là một bài văn, lần 2 luyện cuốn chiếu lại sẽ là viết lại dàn ý hoặc một vài đoạn bất kì trong bài làm, hoặc đoạn đánh giá mở rộng, miễn là mình đang cuốn chiếu lại kiến thức đã luyện cho mình nhớ kĩ hơn, rành mạch và chính xác hơn. 

Nếu các em quan niệm luyện cuốn chiếu rất mệt mỏi, vì cứ cách một thời gian lại phải ôn lại kiến thức đó, tốn nhiều thời gian và công sức, thì các em có thể gia giảm phần cuốn chiếu của mình tuỳ theo trí nhớ của mình dành cho kiến thức đó. Ví dụ lần đầu mình luyện xong, lần 2 mình luyện lại thì mình vẫn còn nhớ những đoạn A,B,C trong bài, mình chỉ chưa nhớ kĩ đoạn X,Y,Z, vậy thì mình sẽ luyện - viết lại đoạn X,Y,Z đó để mình nhớ kĩ hơn, chứ không nhất thiết bắt buộc là các em phải luyện y hệt vào mỗi lần cuốn chiếu, các em nhé. 

Cho nên việc luyện đề rất cần sáng suốt lắng nghe bản thân và điều chỉnh liên tục qua từng giai đoạn, sao cho mình có thể khắc sâu kiến thức chuẩn - kiến thức mở rộng - biết triển khai kiến thức liên hệ, nâng cao chuyên sâu. Nhìn nhận được sự tiến bộ của bản thân qua từng giai đoạn ngắn - dài là một cảm giác rất thú vị, nó giúp các em thêm tin tưởng vào bản thân mình, tăng thêm năng lượng tích cực cho các em, giúp các em vững lòng mạnh dạn bứt phá ra khỏi vùng an toàn sợ hãi trước đây. Vì vậy, nếu có cơ hội để nhìn nhận sự tiến bộ đó bằng nỗ lực, kỉ luật và kiên trì cố gắng từ bản thân, chúng ta ngại gì không mạnh mẽ hành động, quyết tâm chinh phục, đúng không các em?

Vận động viên người Mỹ gốc Phi Jesse Owens từng chia sẻ thế này: “Những trận đấu quan trọng không phải là trận tranh huy chương vàng. Cuộc đấu tranh bên trong chính con người bạn – những trận đấu vô hình không thể tránh khỏi bên trong tất cả mỗi chúng ta – chính là nó đấy”. Hy vọng từ bài viết hướng dẫn này, các em có thể dần quyết tâm chiến thắng sự trì trệ và lộn xộn, mông lung và lưng chừng mà các em từng có trong hành trình chinh phục môn Văn nhé. 

(Nguồn: Thưởng thức sách)

Xem thêm: Nam sinh trường chuyên hé lộ "tuyệt chiêu" đạt giải nhất  HSG quốc gia môn Ngữ văn

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận