Người tốt việc hay: Kỷ lục gia Châu Thành Toàn và ký ức đi hát rong gây quỹ giúp người khuyết tật
Kỷ lục gia Châu Thành Toàn tâm sự, trong quá trình vận động quyên góp, không ít lần gặp phải những tình huống oái oăm như bị dè bỉu, bị dọa đánh...
Nhiều năm qua, Châu Thành Toàn và nhóm bạn trẻ SV07 đã dành những năm tháng tuổi trẻ của mình hát ở bệnh viện, trò chuyện với bệnh nhân ung thư, nấu những bữa ăn lành gửi cho bệnh nhân, nấu tiệc ngọt trung thu cho học trò nghèo, đem chút vui vẻ bừng sáng đến cho người khiếm thị...
Năm 2020, anh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng xác lập Top kỷ lục thiện nguyện Việt Nam, để vinh danh những đóng góp của anh với 22 năm liên tục làm thiện nguyện (từ khi 15 tuổi).
Chàng trai “dành cả thanh xuân” để làm thiện nguyện
Anh Châu Thành Toàn là nhân viên của một trung tâm y tế. Ngoài giờ làm việc, anh đều dành hết khoảng thời gian rảnh rỗi của mình cho công tác thiện nguyện. Anh Toàn bày tỏ: “Mỗi ngày, tôi đều đi làm 8 tiếng như mọi người. Nhưng vì chữ “thương”, tôi gói ghém việc riêng của mình để làm thiện nguyện.
Tôi muốn mang một phần sức nhỏ bé của mình giúp đỡ cho các bạn yếu thế, làm nên nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa hơn. Mỗi năm có 14 ngày phép, tôi dành 12 ngày phép cho công việc thiện nguyện. Đó cũng là công việc mà tôi mong muốn và mơ ước”.
Tham gia chương trình “Đời rất đẹp” 2023, anh Châu Thành Toàn còn mang theo một tấm huy chương vàng ASEAN Para Games (Thế vận hội dành cho người khuyết tật).
Anh kể: “Trước đó, tôi chỉ được nghe tên anh Trịnh Công Luận. Trong một lần đón đoàn Para Games về, tôi vô tình được đẩy xe lăn cho anh Luận. Anh là một trong những vận động viên điền kinh lâu năm nhất ở Việt Nam. Cách đó hai ngày, tôi có xem trên mạng xã hội và biết anh có được 2 tấm huy chương vàng, 1 huy chương đồng.
Tôi không ngờ trong lúc đẩy xe lăn, anh Luận lại nói có quà dành cho tôi. Anh mở ba lô và đeo cho tôi tấm huy chương vàng. Lúc đó, mọi người đều rất ngỡ ngàng. Đó là sự trân quý của anh Luận dành cho tôi, mặc dù trước đó tôi và anh chưa bao giờ có một cuộc nói chuyện. Đây là tấm huy chương danh giá thôi thúc, giúp tôi ngày càng làm nhiều công việc hơn nữa cho thể thao khuyết tật. Gần 1.500 vận động viên trên đất nước Việt Nam này đều biết tôi, đó là điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc nhất”.
Nếu có kiếp sau, vẫn làm tình nguyện viên
Nhớ lại hành trình làm thiện nguyện hơn 20 năm qua của mình, anh Toàn chia sẻ: “Nhiều năm qua, tôi và đội tình nguyện SV07 đã làm nhiều hoạt động như xây cầu, xây nhà, làm chân giả cho những bệnh nhân ung thư cũng như những người nghèo không may gặp tai nạn bị mất chân. Mỗi năm, chúng tôi làm được từ 10-15 chân giả.
Khi mất chân, họ rất mặc cảm. Nhưng với khả năng và kinh nghiệm của mình, tôi có thể đi vận động và giúp các bạn có được chân giả, tái hòa nhập với cộng đồng, giúp các bạn chơi thể thao, học nghề… để có thể tự bươn chải, không trở thành gánh nặng của xã hội”.
Nói về nguồn kinh phí giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, anh Toàn cho biết: “Ngoài việc xin các mạnh thường quân, nếu nguồn kinh phí còn thiếu , tôi mang loa ra đường để hát rong, kêu gọi sự đóng góp của tất cả mọi người. Tôi mong rằng lời ca tiếng hát của mình có thể mang lại một chút gì đó ấm áp cho cuộc đời này”.
Trong quá trình vận động quyên góp, không ít lần anh Toàn gặp phải những tình huống oái oăm như bị dè bỉu, bị dọa đánh. Dù vậy, anh Toàn vẫn không ngại khó khăn mà hết mình đứng ra kêu gọi, mong nhận được sự ủng hộ của mọi người để thực hiện công việc giúp người, giúp đời đầy chân thành và ý nghĩa.
(Theo PLO)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận