Không có hư cấu thì không thể và không tồn tại tính nghệ thuật

Văn chương còn sáng mãi trong lòng độc giả không chỉ vì khắc tạc lại thẳng đơ hiện thực, mà còn sáng tạo, hư cấu những hình ảnh gắn bó, là minh chứng cho một cuộc tình dài của họ giữa mưa bom bão đạn, và khẳng định một lời thề hẹn, dẫu có chia xa thì tình vẫn còn mãi...

Đỗ Thu Nga
10:00 21/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Soi ngắm vào hành trình trải nghiệm văn học của mình, tôi càng thấm thía biết bao cái dở dang mà Vũ Cao đã kí gửi trong “Núi đôi”, để rồi tự ấy vút lên những khắc khoải tâm can trước hiện thực đắng đót của những người lính:

“Núi vẫn đôi mà anh mất em”

Chỉ vài chữ ngắn ngủi mà như một giọt nước long lanh rơi xuống mặt hồ tĩnh lặng, khơi lên trong tâm can người đọc những nhói đau không nguôi. “Vẫn” – “mà” là cặp quan hệ từ tương phản, vẽ ra trước mắt người đọc một khung cảnh đầy ái ngại xót xa, khi kí ức, minh chứng thuở mình yêu nhau vẫn còn mà sao người chẳng còn ở đây. Dẫu Vũ Cao lấy chất liệu từ câu chuyện của người lỡ dỡ chuyện tình sâu đậm nhưng ông đã kể lại bằng chính ngòi bút của mình. Ông đã hư cấu nên hình ảnh “núi” vẫn còn “đôi”, còn “anh mất em” mà câu thơ nhẹ tênh, như một lời trần thuật; nhưng ẩn sau đó lại là cả một nỗi cô đơn trống vắng, mà chỉ có người trong cuộc mới có thể cảm thấu. Nhịp ¾ ngăn cách câu thơ làm hai, như nốt lặng trầm cho trái tim rơi vỡ đang hụt hẫng khi đối mặt với sự thật bẽ bàng. Khi con người chết tâm, đau đắng nhất không phải là khóc ròng rã mà chính là vẻ ngoài bình thản đối diện, nhưng có ai nào hiểu được trái tim kia lổm chổm đến ra sao? Chính sự hư cấu đầy sáng tạo nhưng vẫn chân thực của ông mà câu chuyện tình ấy không chỉ sống mãi trên trang thơ của “Núi đôi” mà còn bất tử trong lòng độc giả, là minh chứng rõ nét cho tình yêu chân thành của con người giữa chiến tranh loạn lạc, và dẫu có chia xa thì trong trái tim vẫn không xóa nhòa. Mà trong dòng chảy văn học, không chỉ Vũ Cao hư cấu các hình ảnh trên để bảo lưu kí ức về những chuyện tình tựa như bông hoa nở rộ giữa sa mạc hoang vu, còn có Hoàng Cầm với “Màu tím hoa sim” sẽ mãi không quên người vợ đã khuất của mình – “Chiếc bình hoa ngày cưới/thành bình hương/ tàn lạnh vây quanh” hay ở văn học thế giới cũng có bài thơ “Đợi anh về” của Ximônốp “Bởi vì em ước vọng/ Bởi vì em trông ngóng/ Tan giặc bước đường quê/ Anh của em lại về.”, dẫu cho anh ở đâu thì em cũng hãy đợi hãy chờ. Mới lẽ, văn chương còn sáng mãi trong lòng độc giả không chỉ vì khắc tạc lại thẳng đơ hiện thực, mà còn sáng tạo, hư cấu những hình ảnh gắn bó, là minh chứng cho một cuộc tình dài của họ giữa mưa bom bão đạn, và khẳng định một lời thề hẹn, dẫu có chia xa thì tình vẫn còn mãi. Những điều ấy chạm sâu vào trái tim người đọc để tự thấu cảm những tiếc nuối và xót xa từ nội tâm mà không một lĩnh vực nghệ thuật nào khác có thể làm được.

khong-co-hu-cau-thi-khong-the-va-khong-ton-tai-tinh-nghe-thuat-7

Tiếp nhận văn học không chỉ đơn thuần là mạch dây bám vào trái tim người đọc tức khắc mà còn là cánh cổng đưa chúng ta đi qua không gian, thời gian để chạm đến những vùng đất, chân trời mới và phát hiện, thẩm thấu, cảm thông trước những vấn đề chung của nhân loại. Con người tự bao giờ chỉ còn đội lên mình những chiếc mặt nạ để rồi không thể phân biệt đâu là thực ảo như Nhật Chiêu đã viết trong “Mưa mặt nạ” – “…làm bằng chất liệu gì không rõ, trông tựa như da người, mà có thể đó chính là da người…”. Chẳng ai rõ đó là gì, chỉ là “trông tựa như”, “mà có thể đó chính là”. Một loạt câu nghi vấn đặt ra chỉ rõ nỗi băn khoăn mà họ đang nghĩ suy vì “không rõ”. Nhật Chiêu đã rất tài tình hư cấu nên hình ảnh “mặt nạ” ấy, mà khiến người đọc lặng đi, ngờ ngờ và ngẫm suy. Vốn dĩ chính khuôn mặt ta đang có làm bằng da bằng thịt, thế mà giờ cũng dần giả dối, không chân thực, cảm giác xa vời. Con người trong truyện ngắn trên không xa lạ với mỗi người đọc khi chính chúng ta ở đời thực cũng như vậy, mỗi một người trang bị cho mình không biết bao nhiêu khuôn mặt giả trang. Vẫn là khuôn mặt ấy, mà có thể biến hóa khôn lường, dường như thứ tác giả đề cập đến cũng chẳng phải mặt nạ nào mà chính là khuôn mặt ta đang đeo. Đó mới là thứ mặt nạ đáng sợ nhất? Cùng là hình tượng mặt nạ, Vũ Trọng Phụng đã khắc họa một gia đình, một xã hội không ai sống thật mà đều đeo những lớp mặt nạ giả trang khác nhau để tồn tại giữa những con người trong một cộng đồng cũng đeo những mặt nạ như thế - “Đám cứ đi…”. Bề ngoài nhìn vào là một gia đình, một cộng đồng thương xót cho người đã khuất nhưng thực chất, đó là những sự hả hê, giễu cợt và thậm chí là sân khấu để con người ta khoe khoang những gì họ có, phô bày kĩ thuật diễn xuất chỉ để có thể lấy những thứ vật chất phù phiếm. Hay Haruki Murakami đã hư cấu nên những con người cô đơn, lạc lõng nhưng vẫn phải tỏ ra mình ổn, thể hiện ra bên ngoài rằng mình không sao hết - một Naoko ôm trong lòng những mảnh vỡ nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi, một Toru sống vật vờ, vô định và không ngừng kiếm tìm sự tồn tại trong tình yêu và cả tình dục. Hình tượng mặt nạ không lạ trong văn học, nhưng Nhật Chiêu đã hư cấu nó theo cách của ông, về một làng đắm mình trong mưa mặt nạ và rồi những mặt nạ ấy về tay mỗi người mà họ chẳng rõ, đâu mới là mặt nạ, đâu mới là khuôn mặt thực của mình. Và nó khiến tôi ngẫm suy, từ bao giờ con người từ bao giờ là như thế, mặt nạ còn đeo nhiều hơn cả khuôn mặt thật của mình?

Xem thêm: Lý luận văn học: Cái đẹp trong văn chương

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận