Hướng dẫn giải đề HSG Quốc gia môn Ngữ văn năm học 2023 - 2024

Đề thi HSG QG môn Ngữ văn năm học 2023 - 2024 đã gợi mở nhiều vấn đề hay, hấp dẫn cả ở câu NLXH lẫn câu NLVH. Dưới đây là một số gợi ý giải đề.

Đỗ Thu Nga
12:00 08/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đề văn này được giải theo sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thanh Huyền (THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương). Các bạn học sinh cùng tham khảo nhé:

CÂU 1

Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay?

1. Giá trị và cách khẳng định giá trị:

- Giá trị: cái làm cho một sự tồn tại nào đó trở nên có ích lợi, có ý nghĩa hoặc đáng quý ở một mặt nào đó. Ở đây là điều làm nên ý nghĩa tồn tại của một con người trong đánh giá của người khác và trước hết là trong sự tự cảm nhận của chính mình.

Con người, ai cũng muốn mình là một giá trị, trở nên có giá trị và được công nhận, khẳng định, thừa nhận giá trị của bản thân bởi đó là một động lực sống quan trọng thúc đẩy họ nỗ lực, cố gắng.

Người trẻ là người bắt đầu và đang trong hành trình tìm mình, định vị mình, khẳng định mình sẽ càng tha thiết và nóng lòng đến thành nóng vội với nhu cầu xây dựng và khẳng định giá trị bản thân trước chính mình (để có thể tự tin) và trước thế giới (để có thể tự hào, kiêu hãnh).

- Cách khẳng định giá trị: hình thức tiến hành/thực hiện nhu cầu được thừa nhận giá trị của mình.

+ Thực tế là không phải cứ có giá trị thì giá trị đó sẽ được thừa nhận, khẳng định. Dù “hữu xạ tự nhiên hương” song không phải ai cũng nhận ra, đánh giá đúng giá trị của “tự nhiên hương”. Hoặc có đôi khi, để được đánh giá đúng phải chờ đợi rất lâu, chịu đựng rất nhiều.

+ Mỗi cá nhân có con đường khác nhau để tìm mình, tạo lập giá trị, định vị bản thân. Mỗi thời đại với những điều kiện và đòi hỏi khác nhau cũng sẽ tác động đến từng cá nhân, chi phối họ lựa chọn cách thức khẳng định giá trị của mình.

2. Thời đại ngày nay - đặc điểm và yêu cầu với người trẻ:

a. Đặc điểm:

- Thời của trăm hoa đua nở, trăm người lên tiếng - thời của đa giá trị, nhiều tiếng nói vừa cộng hưởng, vừa xung đột, vừa bổ sung, vừa loại trừ nhau. Các giá trị cá nhân dù khác biệt cũng có cơ hội được khẳng định song lại cũng rất dễ bị lu mờ, bị chìm khuất, bị nhòe lẫn đi giữa các giá trị khác khiến nhu cầu khẳng định vốn luôn có ở người trẻ sẽ càng cấp thiết hơn, thúc đẩy người trẻ ráo riết hơn, quyết liệt hơn để không rơi vào tình trạng “vô tăm tích”.

huong-dan-giai-de-hsg-quoc-gia-mon-ngu-van-nam-hoc-2023-2024-j

- Kỉ nguyên công nghệ số với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (Block chain), internet vạn vật (IoT)... đang làm thay đổi nhanh chóng cách ta sống và làm việc. Sự tích hợp đa công nghệ với trí tuệ nhân tạo sẽ phục vụ đắc lực cho nhu cầu tìm kiếm, tạo lập và khẳng định giá trị của con người. Người trẻ với ưu thế là sự nhạy bén với cái mới, khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ rất cao sẽ càng thuận lợi hơn trong việc sử dụng nó cho những mục đích của mình.

- Thời đại của thay đổi chóng mặt, của rạn nứt đổ vỡ các mối liên kết, các hệ giá trị gây nhiều nhầm lẫn, hoang mang - nhất là cho việc tìm mình và tìm đường của người trẻ.

b. Yêu cầu:

- Sự nhạy bén - để không bỏ lỡ cơ hội, tụt hậu, lạc hậu, lạc thời; để thích ứng với các điều kiện cụ thể và biết lựa chọn một cách thông minh.

- Sự tỉnh táo - để tránh những cám dỗ, cạm bẫy, những trào lau tiêu cực, nguy hại; để không vì mải mê theo đuổi việc khẳng định mình mà mắc những sai lầm đáng tiếc.

- Sự hiểu biết - để lựa chọn và hành động một cách khôn ngoan, hiệu quả.

3. Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay?

a. Trải nghiệm - nên và không nên:

- Trải nghiệm: trải qua, kinh qua và nhận ra một điều gì từ sự trải qua, kinh qua ấy.

VD: trải nghiệm đọc sách, trải nghiệm du lịch, trải nghiệm một công việc, trải nghiệm một sự kiện, một mối quan hệ đời sống...

- Sự trải nghiệm - trải bằng toàn bộ sự sống và nghiệm bằng tất cả tâm hồn là vô cùng cần thiết, dù ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời, đặc biệt là ở thời điểm con người còn trẻ.

+ Có trải mới có thể mở rộng tầm mắt, mở rộng tâm trí với những vùng trời khác, những phần đời sống khác, những tình huống, sự việc, con người bên ngoài thế giới hữu hạn thuộc kiểm soát của cá nhân mình; Có trải qua, kinh qua mới thấy rõ và có cơ hội hiểu thấu bằng cái hiểu của mình chứ không phải qua lời giới thiệu của người khác; Có trải qua rồi mới nhìn rõ hơn bản thân mình và những gì mình đang có, đang hướng tới; Sự trải qua, kinh qua làm đầy vốn sống và làm nảy nở những cảm xúc, suy tư, những ý tưởng sáng tạo...

+ Truy nhiên, sự trải chỉ có thể mang lại tất cả những giá trị trên khi đi cùng với nghiệm (điều này vốn không dễ với một số người trẻ, vì thiếu chiều sâu, độ lắng của tri thức, vốn sống, kinh nghiệm sống...). Nghiệm, về bản chất là kinh qua thực tế để nhận thấy điều nào đó là đúng. Nó bao gồm cả sự trải qua và có thêm sự góp mặt của tư duy (suy nghĩ, chiêm nghiệm để nhận thức về một điều gì). Sự trải khi có thêm những thao tác của tư duy, sự can thiệp, soi xét của trí não mới thực sự trở nên có ích. Vậy nên, có người sống 20 năm mà vốn sống ắp đầy, kiến thức sâu rộng, suy nghĩ trưởng thành thực sự, có người đã ở tuổi tri thiên mệnh cũng vẫn chỉ là người nhiều tuổi.

- Không phải mọi sự trải qua đều cần/được phép. Có những sự trải nghiệm nên hạn chế, tránh xa:

+ Trải nghiệm theo trào lưu, theo sự tác động, lôi kéo của đám đông chứ không phải là sự lựa chọn cá nhân trên cơ sở suy nghĩ và hiểu biết.

+ Trải nghiệm một cách liều lĩnh, bất cần (hoàn toàn khác với sự dẫn thân của những người có bản lĩnh và khát khao sáng tạo, khát khao điều mới mẻ).

+ Trải nghiệm những điều luật pháp không cho phép (đua xe, sử dụng chất cấm...)

+ Trải nghiệm một cách hời hợt, cốt lấy “thành tích”, số lượng hoặc chỉ để khoe khoang, làm màu.

=> GÂY HẠI => CẦN BIẾT LỰA CHỌN

b. Ghi lại - việc làm khôn ngoan nên hình thành và duy trì trong suốt cả cuộc đời:

- “Ghi lại” là quá trình lưu giữ những gì đã trải qua. Có thể ghi lại bằng rất nhiều cách khác nhau: viết nhật kí, sử dụng công nghệ lưu trữ hình ảnh, lưu giữ những khoảnh khắc... Việc “ghi lại” luôn cần bởi có những sự việc, con người, tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ chỉ đến ở một thời điểm và một đi không trở lại; việc “ghi lại” còn cần bởi trí nhớ của con người có giới hạn và luôn có thể bị tác động để xáo trộn, đổi thay thậm chí tiêu biến.

- Để “ghi lại” trong nhật kí, tâm trí cần nhớ lại, chọn lọc và sắp xếp - ta được sống lại một lần nữa với những gì đã trải qua, khiến nó trở nên sâu sắc hơn, lắng đọng hơn trong tâm trí, ta được “tập thể dục” cho tư duy phát triển và hoàn thiện. Khi “ghi lại”, năng lực ngôn ngữ sẽ được hình thành và phát triển bằng chính việc lên ý tưởng, sắp xếp nội dung, diễn đạt thành lời văn cụ thể. Theo thời gian, nếu có ý thức với phương cách “ghi lại” này, ta sẽ biết cách trình bày một vấn đề sao cho rõ ràng, mạch lạc, lôi cuốn, hấp dẫn và thậm chí có màu sắc riêng.

- Mặt khác, “ghi lại” không chỉ là viết lại mà còn là lưu lại những khoảng khắc từng có. Đây là cách ta gìn giữ nó cho nhau, cho chính mình. Vì có những khoảng khắc, những cảm xúc, những suy nghĩ chỉ đến ở một thời điểm nhất định. Ghi lại để có thể nhìn lại, xem lại, sống lại với nó thêm nhiều lần nữa. VD: những chuyến đi, những khoảnh khắc bên người thân, những hình ảnh, sự việc, con người tình cờ gặp được... Ghi lại chính là cách để ta ý thức về nó, trân trọng nó. Điều đó khiến mỗi điều ta trải qua, mỗi khoảnh khắc của đời sống đều trở nên ý nghĩa hơn.

- Nếu có thể ghi lại, dù bằng bất kì cách nào, ta sẽ có điều kiện để xem lại, nhìn nhận lại, suy ngẫm lại một lần, nhiều lần nữa, để có thể thấu tỏ điều mà ở thời điểm nó hiện diện, ta chưa kịp nhận ra.

c. Tức thời chia sẻ lên mạng xã hội - cần có điểm dừng và sự lựa chọn khôn ngoan:

- Mạng xã hội là một không gian mở mà ở đó con người được tự do thể hiện bản thân, hình thành những kết nối rộng khắp và thuận tiện, dễ dàng; nơi mà sự tương tác diễn ra với nhiều hình thức (like, share, comment) và việc ngắt kết nối cũng dễ dàng chỉ với một nút bấm (block); nơi người dùng có thể chính danh, ẩn danh, hiện diện với nhiều danh tính khác nhau, thậm chí là nhiều nhân cách khác nhau.

- Tham gia mạng xã hội, ta có quyền tự do, chủ động. Sự kiểm soát nếu có cũng khá hãn hữu. Vì thế, ta thoải mái xây dựng hình ảnh bản thân, cởi bỏ áp lực khi đối diện với kẻ khác, cái tôi được/có thể giải phóng tối đa. Thậm chí, ta có thể xây dựng một cộng đồng tưởng tượng mà ở đó ta trở thành trung tâm của các mối quan hệ. Ta cũng thỏa sức sáng tạo và tự do kiến tạp các giá trị theo quan điểm của riêng mình.

- Khi lựa chọn chia sẻ lên mạng xã hội:

+ Lợi ích: Lan tỏa nhanh, dễ dàng gây chú ý; Đảm bảo tính thời sự của vấn đề muốn chia sẻ; Có thể tìm thấy những sự tương đồng và khác biệt về cả cảm xúc - tư tưởng - cách tư duy - nhận thức... từ đó có cơ sở thiết lập hoặc ngắt kết nối; Có những chia sẻ cá nhân nhưng lại kết nối được nhiều người, làm được nhiều việc có ích cho xã hội. VD: ý tưởng “Nấu cơm cho em” của ca sĩ Đen Vâu. Hơn nữa, việc chia sẻ dù bằng cách nào thì cũng giúp con người giải phóng cảm xúc, giải tỏa tinh thần để trở nên nhẹ nhõm hơn, hào hứng phấn khích hơn - đó cũng là một cách nâng cao sức khỏe tinh thần rất hữu hiệu.

+ Nguy cơ tiềm ẩn: Chìm đắm trong thế giới ảo dẫn đến ảo tưởng về bản thân, về các mối quan hệ; Việc bộc lộ mình một cách thái quá, chia sẻ thiếu kiểm soát có thể khiến bản thân trở nên lố bịch, hời hợt, nông nổi; Sự chia sẻ tức thời trên mạng xã hội có thể đem lại những kết nối mới song cũng có thể gây xung đột, rạn nứt, đứt gãy kết nối do sự khác biệt về quan điểm và thiếu kiểm soát, kiềm chế trong cách thể hiện quan điểm; Sự chia sẻ đôi khi không được đón nhận, được hiểu đúng dễ gây cảm giác hẫng hụt, thất vọng. Đôi khi, sau những ồn ào trên mạng xã hội lại là cảm giác trống rỗng vì nhận ra sự thiếu chân tình từ nới, từ người mình đặt nhiều kì vọng.

- Coi việc chia sẻ trên mạng xã hội như một phương cách khẳng định giá trị:

+ Đây là một lựa chọn không chỉ của người trẻ mà còn của cả những người không còn trẻ vì nó khá thuận tiện, dễ dàng, lại có thể theo ý mình, theo cách mình muốn. Đó là lí do dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt các trào lưu như Flex, tạo ảnh đại diện AI, tạo ảnh hoạt hình anime, livestream mô phỏng nhân vật ảo trên Tik Tok, check in khi đi du lịch...

+ Khi chia sẻ những trải nghiệm tích cực (du lịch mạo hiểm, đọc sách, đi từ thiện, đi tìm hiểu những giá trị văn hóa các vùng miền...) sẽ tạo hiệu ứng tích cực để lan tỏa hình ảnh đáng ngưỡng mộ của bản thân. Khi chia sử những trải nghiệm trong những hoạt động liên quan đến công việc (học tập, nghiên cứu...) sẽ tìm được những người đồng quan điểm, cùng chí hướng để hợp tác và cùng phát triển.

=> Mọi trải nghiệm tích cực đều làm nên giá trị của con người.

+ Khi chia sẻ những trải nghiệm tiêu cực sẽ gây hiệu ứng xấu và nguy cơ đánh mất giá trị bản thân, tạo nên hình ảnh của một cái tôi méo mó, xấu xí.

+ Việc chia sẻ tùy tiện, thiếu kiểm soát có thể dẫn đến đánh mất sự riêng tư hoặc sa vào sống ảo. 

4. Kết luận:

- Trải nghiệm - Ghi lại - Tức thời chia sẻ lên mạng xã hội hoàn toàn có thể là một phương cách đầy thú vị và hữu hiệu để khẳng định giá trị bản thân của người trẻ trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, để không sa đà, không thái quá, cực đoan thì các hoạt động này cần được kiểm soát bằng sự hiểu biết và thực hiện một cách thông minh, sáng tạo, có màu sắc cá tính rõ nét.

- Có nhiều phương cách khẳng định giá trị bản thân để người trẻ lựa chọn. Việc tập trung vào một phương cách duy nhất sẽ là thiếu khôn ngoan.

CÂU 2

“Các kiệt tác lớn là vô tận, mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình: như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng nó không có ý nghĩa khởi thủy hay chủ ý tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện” 

(Antonie Compagnon, Bản mệnh của lý thuyết: Văn chương và cảm nghĩ thông thường, Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2018, trang 123)

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

1. Giải thích:

- Các kiệt tác lớn là vô tận: là cách đánh giá về giá trị, về ý nghĩa được gợi mở của những tác phẩm có tầm vóc lớn (về tư tưởng cũng như về nghệ thuật).

- Mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách riêng của mình: sự phong phú trong cách tiếp nhận của độc giả đối với tác phẩm có tầm vóc - không chỉ là tiếp nhận bằng cái riêng biệt trong năng lực, sở trường của từng cá nhân mà còn là cái riêng trong bối cảnh của từng thời đại tác động đến sự tiếp nhận ấy.

- Các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ:

+ Người đọc đọc tác phẩm bằng hiểu biết và trải nghiệm cá nhân của mình.

+ Những trải nghiệm cá nhân được soi sáng trong chính quá trình đọc tác phẩm.

=> Đọc là kết nối trải nghiệm của người đọc với trải nghiệm của người viết bằng và qua tác phẩm - sản phẩm của trải nghiệm - tưởng tượng - sáng tạo mà nhà văn tạo nên. 

- Ý nghĩa khởi thủy: ý nghĩa nguyên gốc 

- Chủ ý của tác giả: ý đồ tư tưởng - nghệ thuật của nhà văn khi sáng tạo tác phẩm.

=> Mỗi tác phẩm đều có một ý nghĩa nguyên gốc được tạo nên từ ý đồ tư tưởng của nhà văn - nhà văn xuất phát từ ý đồ sáng tạo của mình mà tạo nên ý nghĩa khởi thủy (nguyên gốc, ban đầu) cho tác phẩm.

- Cái vô tận, ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh mà nó xuất hiện:

+ Cái vô tận, ý nghĩa của nó: giá trị, ý nghĩa của tác phẩm - ở tác phẩm lớn là không bao giờ cạn kiệt.

+ Tính thích đáng: thích hợp, phù hợp.

+ Bên ngoài bối cảnh mà nó xuất hiện: không liên quan đến bối cảnh xuất hiện của tác phẩm.

=> Sự vô tận (giàu có, phong phú, không bao giờ cạn kiệt về ý nghĩa) của tác phẩm sẽ đạt được khi ý nghĩa của nó không phụ thuộc vào bối cảnh thời đại mà nó ra đời, không cần dùng bối cảnh thời đại của nó để hiểu và tiếp nhận - Tác phẩm lớn sẽ có ý nghĩa vượt thời đại, có ý nghĩa với mọi thời đại, bạn đọc mọi thời đại đều có thể bằng trải nghiệm và hiểu biết của mình để tiếp cận và khai thác cái vô tận về ý nghĩa đó.

=> Ba nội dung cần làm rõ:

(1) Mỗi tác phẩm đều có nghĩa gốc, nghĩa ban đầu. Ý nghĩa đó do chủ ý của tác giả song cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào chủ ý của tác giả mà còn nằm trong sự biểu hiện khách quan của văn bản tác phẩm.

(2) Các tác phẩm lớn không bao giờ cạn kiệt ý nghĩa, mỗi thế hệ người đọc sẽ bằng trải nghiệm cá nhân mà tìm ra một ý nghĩa riêng cho tác phẩm.

(3) Điều khiến tác phẩm không cạn kiệt về ý nghĩa là ý nghĩa của nó vượt ra ngoài bối cảnh mà nó xuất hiện - có thể tạm hiểu là ý nghĩa của nó chạm vào những vấn đề có tính chất muôn thuở của nhân loại.

2. Lí giải:

a. Mỗi tác phẩm đều có nghĩa gốc, nghĩa ban đầu. Ý nghĩa đó do chủ ý của tác giả song cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào chủ ý của tác giả mà còn nằm trong sự biểu hiện khách quan của văn bản tác phẩm.

- Nghĩa gốc là ý nghĩa khách quan tồn tại trong văn bản tác phẩm, được tạo nên từ ý nghĩa khác quan của văn bản ngôn từ.

- Nghĩa gốc của tác phẩm được hình thành từ tư tưởng của nhà văn. Khi một ý tưởng được hình thành, nhà văn sẽ huy động vốn sống, năng lực tưởng tượng, liên tưởng, khả năng tư duy và sáng tạp để biểu đạt nó bằng tác phẩm nghệ thuật.

- Tuy nhiên, dù quá trình tiếp nhận có tính chủ động sáng tạo và văn bản văn học là cấu trúc gọi mời, nhưng như vậy không có nghĩa là có thể phủ định ý đồ nghệ thuật của người viết và ý nghĩa "ban đầu" là sản phẩm của ý định ấy. Bởi văn bản có những quy luật nội tại làm nên tính khách quan của sự tiếp nhận, để chống lại sự suy diễn tuỳ tiện hay gán ghép ý nghĩa một cách sống sượng. Có 3 căn cứ có thể dùng để xác định tính khách quan này: ngữ cảnh văn bản (giấy trắng mực đen), ngữ cảnh sáng tác (ý đồ nghệ thuật của nhà văn có thể được phát ngôn trực tiếp hay gián tiếp, hoàn cảnh thời đại, sự kiện dẫn đến việc ra đời tác phẩm...), ngữ cảnh văn hoá (nền văn hóa làm điểm tựa cho sự ra đời của tác phẩm, là hệ thống những cơ sở, giá trị văn hóa làm nền tảng để giải mã các biểu tượng trong tác phẩm...). Những căn cứ này giúp lí giải một cách hiểu là chấp nhận được hay không chấp nhận được đối với từng giai đoạn lịch sử văn hóa xã hội.

b. Các tác phẩm lớn không bao giờ cạn kiệt ý nghĩa, mỗi thế hệ người đọc sẽ bằng trải nghiệm cá nhân mà tìm ra một ý nghĩa riêng cho tác phẩm.

- Tác phẩm lớn chứa đựng tư tưởng lớn - những suy tư mang tầm khái quát triết học, những phát hiện, nghiền ngẫm có chiều sâu về thế giới, về con người, về quá khứ - hiện tại - tương lai, những dự cảm, tiên nghiệm xuất phát từ sự tồn vong của những giá trị trong cõi sống này - tạo thành chiều sâu tư tưởng, sự phong phú cho nội dung của tác phẩm.

- Tác phẩm lớn có hình thức nghệ thuật lôi cuốn, hấp dẫn - kích thích khát khao khám phá. Hình thức nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển tải nội dung tư tưởng, làm bộc lộ hoặc cất giữ những chiều sâu không cùng của tư tưởng.

- Xây dựng tác phẩm là quá trình kí mã. Đọc tác phẩm là quá trình giải mã. Quá trình ấy cần vốn sống, vốn văn hóa, kinh nghiệm đọc, năng lực tiếp nhận... Quá trình ấy cũng ít nhiều chịu sự chi phối của bối cảnh thời đại với các điều kiện về chính trị - kinh tế - văn hóa, về nhận thức - tư tưởng. 

=> Mỗi điều kiện khác nhau của thời đại, của xã hội, mỗi nền tảng khác nhau của cá nhân sẽ chi phối sâu sắc đến quá trình và và kết quả của việc giải mã tác phẩm văn học.

- Bước vào thế giới của một tác phẩm văn học, người đọc không chỉ là người khám phá mà còn là người sáng tạo. Mỗi trang sách mở ra như một cánh cửa dẫn vào không gian vô hạn của trí tưởng tượng, nơi mà trải nghiệm cá nhân và vốn sống của người đọc sẽ bù đắp thêm vào những khoảng trống, khoảng trắng giữa những con chữ, sẽ làm sống dậy cái thế giới mà những con chữ gợi ra, khiến nó trở thành hình ảnh, cảm xúc, để nó làm nảy nở trong mình những liên tưởng, tưởng tượng, suy tưởng… Nhờ đó, một tác phẩm có thể được tái sinh vô số lần, mỗi lần với một diện mạo mới, một ý nghĩa mới, đánh thức những suy tưởng, cảm nhận mới mẻ.

=> *Sự tiếp nhận khác nhau đối với tác phẩm, thậm chí với sự nghiệp văn học của một tác giả làm nên đời sống văn học với tất cả sự phong phú và sức sống, sự vận động kì diệu của nó.

      *Tiếp nhận một tác phẩm là nhìn thế giới qua con mắt của tác giả và nhìn lại thế giới qua con mắt của chính mình. Đọc một tác phẩm văn chương là đi qua nó và để nó đi vào trong tâm hồn mình, làm thay đổi con người mình, định hình lại mình.

      *Khi trải nghiệm cá nhân in dấu trong quá trình tiếp nhận tác phẩm, văn chương đã lặng lẽ thực hiện quyền năng kì diệu nhất của nó: khả năng biến hóa không ngừng trước mắt người đọc, không chỉ qua thời gian mà còn qua từng lớp vỏ cảm xúc, từng bức tường ký ức mà chúng ta xây dựng quanh mình...

c. Điều khiến tác phẩm không cạn kiệt về ý nghĩa là ý nghĩa của nó vượt ra ngoài bối cảnh mà nó xuất hiện - có thể tạm hiểu là ý nghĩa của nó chạm vào những vấn đề có tính chất muôn thuở của nhân loại.

- Trong thực tế sáng tạo, có những tác phẩm chỉ có giá trị nhất thời - vai trò của nó chỉ phát huy trong thời đại mà nó xuất hiện. Đó là những tác phẩm được khơi nguồn cảm hứng từ những vấn đề có ý nghĩa nhất thời hoặc do động cơ sáng tác là những mục tiêu mang ý nghĩa hữu hạn. Tất nhiên, những tác phẩm như thế vẫn có giá trị riêng của nó, song ý nghĩa của nó chỉ bộc lộ với một đối tượng độc giả hạn hẹp và chỉ thực sự khơi gợi hứng thú tiếp nhận trong một giai đoạn/thời điểm nhất định nào đó. Khi bối cảnh xã hội, thời đại gắn với vấn đề mà tác phẩm đề cập qua đi, nó sẽ không còn khả năng gieo gợi hứng thú, kích thích tư duy nữa.

- Khi vấn đề mà tác phẩm đặt ra nằm ngoài khuôn khổ của một giai đoạn lịch sử, một mô hình xã hội, một mục đích thực dụng, tức thời (những vấn đề mang ý nghĩa muôn thuở), khi nhà văn quan tâm và giải quyết vấn đề ấy không chỉ bằng tài năng sáng tạo mà còn bằng lương tâm, trách nhiệm trước sự tồn vong của những giá trị muôn thuở, tác phẩm ấy sẽ tồn tại bất hủ.

- Vấn đề mà tác phẩm đặt ra có thể là vấn đề nảy sinh ở thời điểm cụ thể, trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Song tác phẩm sẽ trở thành tác phẩm lớn khi khai thác và thể hiện nó với một tầm khái quát và đạt tới một chiều sâu tư tưởng để vượt ra khỏi giới hạn của một thời đại mà nó đề cập đến.

- Ngoài ra, "tính thích đáng bên ngoài bối cảnh" có được nhờ sự diễn giải của từng người đọc dựa vào căn cứ trong văn bản và kiến thức nền của họ, thông qua suy luận và trải nghiệm riêng của họ. Cách hiểu đích đáng là cách hiểu có thể được lập luận một cách thuyết phục (cho dù có thể khác lạ).

3. Bàn luận - mở rộng:

- Để tác phẩm lớn phát huy giá trị và bộc lộ ý nghĩa phong phú của nó cần một môi trường văn minh, tôn trọng những tiếng nói khác, tạo điều kiện cho những tiếng nói mới, những dấn thân, sáng tạo, những tư tưởng vượt thời đại; cũng cần lớp người đọc có tầm đón cao, có sự chủ động, tích cực trong tiếp nhận.

- Dù mỗi thế hệ người đọc có thể bằng trải nghiệm và tầm đón riêng mà khám phá một ý nghĩa khác trong tác phẩm thì cũng không thể bất chấp ý nghĩa khởi thủy của nó, bất chấp kí thác, gửi gắm của nhà văn, hoàn toàn áp đặt cảm nhận chủ quan của mình mà xa rời ý nghĩa khách quan của tác phẩm.

- Hoạt động đọc - tiếp nhận tác phẩm cần gắn với việc soi sáng những trải nghiệm đời sống - kết nối văn học với cuộc sống của chính mình cũng là cách để làm sâu sắc tâm hồn, giàu có đời sống của chính mình.

Diện dẫn chứng: tập trung vào các “tác phẩm lớn”/ “kiệt tác” của VHVN và VHNN

Ví dụ: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Chí Phèo (Nam Cao), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Tây du kí (Ngô Thừa Ân), Những người khốn khổ (V.Hugo)…, HS lưu ý phân tích hiện tượng tiếp nhận đối với các tác phẩm này để làm rõ các yêu cầu đề.

Xem thêm: Cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận