Hồ Quý Ly và 3 giai thoại tình ái ly kỳ

Sinh thời Hồ Quý Ly có nhiều thê thiếp. Ngoài những người sống cùng trong hậu cung, ông có một số bà vợ ở trong dân gian. Dưới đây là 3 giai thoại ly kỳ về chuyện tình ái của Hồ Quý Ly.

Đỗ Thu Nga
09:00 03/01/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hồ Quý Ly (trước có tên Lý Quý Ly, tự Lý Nguyên, sinh năm 1335). Theo gia phả họ Hồ, Quý Ly vốn thuộc dòng dõi xa với Hồ Hưng Dật, vốn người Triết Giang (Trung Quốc), sang là Thái thú Diễn Châu (Nghệ An) thời hậu Hán.

Hồ Quý Ly có 2 người cô được vua Trần Minh Tông lấy làm cung phi và đều trở thành mẹ của 2 vua Trần. Vì thế mà khi Nghệ Tông lên ngôi, vua đã tín nhiệm, cất nhắc Ly từ chức Chi hậu Tức cục Chánh chưởng lên Khu mật Đại sứ rồi lên Tiểu tư không, tiến phong Đồng bình chương sự, gia phong đến Phụ chính Thái sư nhiếp chính, Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương, Quốc tổ Chương hoàng. Sau đó ông cướp ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, truyền ngôi cho con là Hán Thương.

Trong thời gian nắm quyền, Hồ Quý Ly có nhiều thê thiếp và dưới đây là 3 giai thoại ly kỳ về chuyện tình ái của ông:

Gặp may trở thành phò mã

Chính sử chép, tháng 5 năm Tân Hợi (1371), vua Trần Nghệ Tông phong chức rồi gả em gái cho Hồ Quý Ly. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 5, lấy người họ ngoại là Lê Quý Ly làm Khu mật viện đại sứ. Hai chị em bà cô của Quý Ly, Minh Tông đều lấy làm cung nhân. Một bà sinh ra vua [Nghệ Tông], đó là bà Minh Từ. Một bà sinh ra Duệ Tông, đó là bà Đôn Từ. Cho nên vua khi mới lên ngôi rất tín nhiệm Quý Ly. Lại đem em gái mới góa chồng là công chúa Huy Ninh gả cho ông ta (Huy Ninh trước là vợ của tôn thất Nhân Vinh, Nhân Vinh bị Nhật Lễ giết hại)”.

Vào tháng 9 năm Canh Tuất (1370), một người hoàng thất giữ chức Phó ký lang, tước Thượng vị hầu tên là Trần Tung tự là Nhân Vinh (sử chép là Trần Nhân Vinh) cùng một số hoàng thân quốc thích, đại thần mưu lật đổ Dương Nhật lễ nhưng không thành nên giết.

Sau khi dẹp được loạn cung đình, Trần Nghệ Tông lên ngôi đã đem em gái góa chồng gả cho Hồ Quý Ly; hai người sống hòa hợp, hạnh phúc. Kết quả của mối duyên tình này là công chúa Huy Ninh đã sinh cho Hồ Quý Ly hai người con, con gái là Thánh Ngâu sau trở thành Khâm Thánh Hoàng hậu của Trần Thuận Tông; con trai là Hán Thương, sau này được Hồ Quý Ly truyền ngôi cho. 

Ho-Quy-Ly-va-3-giai-thoai-tinh-ai-ly-ky-0
Trần Nghệ Tông và em gái – công chúa Huy Ninh. Hình minh họa – Nguồn: truyentranh

Chính sử thì chép vậy, còn dã sử và truyền tụng dân gian lại cho biết câu chuyện ly kỳ về mối duyên tình của Hồ Quý Ly với nàng công chúa nhà Trần có hiệu là Nhất Chi Mai.

Tương truyền, Hồ Quý Ly lúc hàn vi thường theo người cha đi buôn bán đường biển. Một lần chở thuyền ghé vào bờ thì thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát chữ: "Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” (trong cung Quảng Hàn có một cành mai). Thấy lạ, lại hay nên Quý Ly nhẩm thuộc lòng lấy câu thơ đó. Đến khi Quý Ly đã làm quan, một hôm hộ giá vua Trần đi chơi, nửa chừng ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử, thấy trước điện rất nhiều cây quế, vua tức cảnh liền ra câu đối:

- Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế.

Các quan hầu cận cùng đi bất ngờ trước tình huống đó, ai nấy đều lúng túng chưa kịp ứng đối lại thì quan Ngự sử Quý Ly bỗng nhớ lại câu thơ trên bãi biển năm xưa, bèn đọc luôn:

- Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai.

Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh với nghĩa là:

Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế,

Quảng Hàn cung nọ một cành mai.

Nghe xong các quan phục tài của Ly, còn vua Trần giật mình kinh ngạc hơn bởi nhà vua có một công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai vô cùng xinh đẹp. Nàng ở trong cấm cung không ra ngoài. Vua hỏi Ly rằng: "Nhà ngươi làm sao biết được việc trong cung của ta có công chúa tên Nhất Chi Mai, nơi ở của công chúa là cung Quảng Hàn do chính ta đặt tên?".

Quý Ly cứ thực tình tâu lại việc tình cờ bắt gặp câu đối trên bãi biển, vua Trần cho là chuyện kỳ lạ, chắc duyên trời đã định bèn gả công chúa Nhất Mai cho Quý Ly. 

Vậy là nhờ câu đối trên bãi biển năm xưa đáp lại vế đối của vua Trần, Hồ Quý Ly bất ngờ lấy được mỹ nhân dòng dõi hoàng tộc. Và nhờ cuộc hôn nhân này mà đổi đời, dấn thân vào đường quan lộ.

Bị mỹ nhân thách thức đêm tân hôn

Nhiều tài liệu nhận định, Hồ Quý Ly là một nhà cải cách với tầm nhìn sâu rộng, bao quát. Bên cạnh đó là người có trình độ uyên bác nhưng không gặp thời. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép, Quý Ly đã dịch thiên Vô dật trong cuốn Thượng Thư của Chu Công; dịch và bình giải cuốn Kinh Thi của Khổng Tử, phê phán một số quan điểm của Luận Ngữ... Ông còn soạn ra cả sách Minh Đạo gồm 14 chương để nhà vua, hoàng hậu, cung phi học tập. Ngoài ra, ông còn viết khá nhiều thơ chữ Hán, chữ Nôm với nội dung chủ yếu để khuyên vua, dạy bảo con cháu, nhắc nhở quần thần... Đến thượng hoàng Trần Nghệ Tông cũng từng ban gươm và lá cờ đề 8 chữ cho Ly: "văn võ toàn tài, quân thần đồng đức".

Ấy vậy mà Hồ Quý Ly đã bất ngờ gặp thử thách văn thơ ngay trong đêm tân hôn với công chúa Trần triều. Đây là câu chuyện ít người biết rõ. 

Chuyện kể rằng, sau khi lễ cưới kết thúc, đến giờ tân lang vào động phòng hoa chúc, lúc Hồ Quý Ly đến bên giường, tân nương không chịu làm lễ hợp cẩn mà bắt chồng đứng bên ngoài màn đối đáp văn chương, thơ phú cho mình. Nếu hay khiến này vừa ý thì cho động phòng.

Ho-Quy-Ly-va-3-giai-thoai-tinh-ai-ly-ky-8
Đối đáp thơ văn. Hình minh họa – Nguồn: vnthuquan

Đầu tiên, Nhất Chi Mai ra vế đối: 

- Ai đấy phải nâng niu, chiều chuộng

Quý Ly đáp lại:

- Đây xin thề gìn giữ, chăm nom

Nhất Chi Mai lại xướng rằng:

- Đôi trái đào tiên chỉ dành cho người quân tử

Quý Ly đối lại trong niềm hạnh phúc:

- Một tấm thân ngà trong màn trướng duy mỹ nữ

Nàng công chúa tài sắc lại ra một câu đối nữa:

- Nơi ấy thiêng liêng, dành riêng cho chí sĩ

Trước câu đối này, Hồ Quý Ly thấy bối rối, nghĩ mãi không ra câu từ thích hợp để đối lại, đến khi đã quá nửa đêm mới đáp lại được:

- Chốn đó trắng trinh, xin hưởng lộc giai nhân

Bấy giờ công chúa Nhất Chi Mai mới dừng việc thử tài, cùng Quý Ly uống chén rượu giao bôi, động phòng hoa chúc.

Lấy vợ người làm vợ mình, nhận con người làm con mình

Hồ Quý Ly có bao nhiêu thê thiếp, có bao nhiêu con, đến giờ khó biết rõ chân tướng. Song nguồn tư liệu dân gian địa phương phần nào bổ sung thêm một số thông tin hữu ích, như tại xã Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) hiện có ngôi đền thờ bà Nguyễn Thị Dầm, một phi tần của Hồ Quý Ly được triều đại sau sắc phong Bảo Long Thánh Mẫu, Hoàng hậu đệ tam trinh tiết. Tương truyền bà Dầm là một thôn nữ, xinh đẹp một hôm đi cắt cỏ ven sông Đáy vừa làm vừa hát:

Tay cầm bán nguyệt đưa ngang,

Em là phận gái sửa sang cõi bờ.

Nửa vành trăng sáng đơn sơ,

Trăm ngàn ngọn cỏ ngẩn ngơ quy hàng.

Khi Hồ Quý Ly đang chỉ huy quân lính đánh trận tại thôn Ô Cách thì tình cờ nghe tiếng hát trong trẻo, thánh thót của cô thôn nữ nên lấy làm cảm mến, bèn ghé thuyền lên bờ hỏi chuyện rồi cho võng kiệu đón vào cung làm vợ, sau này bà Dầm sinh được hai người con gái.

Về khía cạnh tuyển lựa người vào hậu cung, trừ những phụ nữ kết duyên với vua khi họ còn cơ hàn, chưa có dược danh vị cao sang làm nên sự nghiệp, bước lên trên ngôi báu; hoặc tình cờ gặp gỡ mà trở thành vợ chồng, còn lại muốn được nên danh phận thì phải trải qua đợt tuyển tý nữ từ dân gian.

Theo quan niệm của giai cấp thống trị, hoàng đế là thiên tử nên họ có quyền sở hữu tất cả những gì họ muốn, tất cả những gì trong thiên hạ đều là của vua vì thế, việc tuyển chọn phi tần cho nhà vua được tiến hành trên quy mô rộng lớn nhằm lựa ra những người con gái tài sắc vẹn toàn vào cung. Thế nhưng ngoài công chúa Huy Ninh (Nhất Chi Mai) và phi tần Nguyễn Thị Dầm, Hồ Quý Ly còn một người vợ nữa và điều lạ lùng là người này cũng từng trải qua một đời chồng.

Ho-Quy-Ly-va-3-giai-thoai-tinh-ai-ly-ky-5
Chân dung Hồ Quý Ly

Trường hợp của công chúa Huy Ninh lấy Quý Ly là do sự định đoạt đơn phương của anh trai nàng là vua Trần Nghệ Tông, do đó sự kiện này đã bị sử sách phê phán. Đại Việt sử ký toàn thư có chép lời bình của sử thần Ngô Sĩ Liên: "Nhân Vinh chết vì thù nước, Huy Ninh để tang chồng mới được 6 tháng mà vua đã đem gả cho Quý Ly. Thế là làm hỏng nhân luân bắt đầu từ vua, mà kẻ làm chồng, người làm vợ cũng không có nhân tâm. Phá bỏ lẽ chồng vợ, đảo loạn đạo tam cương, thì làm sao mà chẳng sinh loạn?”.

Huy Ninh công chúa có 1 con gái với chồng trước, Hồ Quý Ly đã nhận làm con nuôi và phong làm công chúa Hoàng Trung, sau đem gả cho Trần Mộng Dữ, con trai của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. 

Ngoài ra, Hồ Quý Ly còn lấy vợ góa của Thượng vị hầu Trần Tông (còn gọi là Trần Tung), vốn có một người con là Trần Đỗ, sau được làm Cung lệnh, đổi thành họ Hồ, phong làm tướng cầm quân. Sử chép rằng: “Năm Mậu Thìn (1388), mùa hạ, tháng 5, lấy Trần Đỗ làm cung lệnh. Đỗ là con Thượng vị hầu Tông, mẹ Đỗ cải giá lấy Quý Ly, cho nên có lệnh này. Sau Đỗ đổi làm họ Hồ” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trên đây là một số giai thoại tình ái ly kỳ, thú vị vừa hư vừa thực của Hồ Quý Ly, một con người không thể thực hiện được ước mơ xây dựng một đất nước hùng mạnh, phú cường, để lại mối hận nghìn thu, như trong bài thơ của Nguyễn Trãi nói về Hồ Quý Ly có câu: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh hùng để hận đến nghìn năm). Cuối cùng vị vua tài ba ấy phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách, trước khi mất ông thổ lộ tâm tình xót xa, sự tủi thẹn của mình qua bài thơ “Cảm hoài”, trong đó có câu:

Cứu nước, tài hèn, thua Lý Bật,

Dời đô, kế vụng, khóc Bàn Canh.

Bình vàng đã mẻ làm sao gắn,

Đợi giá, ngọc vàng chẳng dám khinh.

(Theo Kiến thức)

Xem thêm: Hồ Quý Ly không hẳn là người tham sống sợ chết

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận