"Trạng Lường" Lương Thế Vinh và giai thoại kỳ lạ về chuyện đầu thai

"Trạng Lường" Lương Thế Vinh là 1 trong những vị trạng nguyên nổi tiếng nhất lịch sử khoa của nước Việt. Cũng vì tài giỏi hơn người mà cuộc đời ông gắn liền với nhiều giai thoại nhuốm màu huyền bí, trong đó có chuyện đầu thai.

Đỗ Thu Nga
10:00 14/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Trạng Lường" - người đặt nền móng cho Toán học Việt Nam

Lương Thế Vinh (17 tháng 8 năm 1441 - 2 tháng 10 năm 1496, còn gọi là Trạng Lường, tên hiệu là Thụy Hiên) là một nhà toán học, Phật học, và chính trị gia thời Lê sơ.

Lương Thế Vinh là người làng Cao Hương, huyện Thiên Bảo, Trấn Sơn Nam (nay là Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vũ Bản, Nam Định), tên tự là Cảnh Nghị. 

Từ nhỏ ông đã nổi tiếng với khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu và khả năng sáng tạo trong các trò chơi như bóng đá, thả diều, câu cá, bẫy chim. Một lần nọ, cùng bạn bè ngồi chơi dưới gốc cổ thụ, cả bọn thách đố nhau đo chiều cao của cây. 

Thay vì trèo lên cây như lời đề nghị của một người, Lương Thế Vinh lấy một cây gậy, đo chiều dài của nó rồi dựng gậy trên mặt đất, đo chiều dài bóng cây. Tính nhẩm một lát, ông ra kết quả. Đám bạn không tin bèn dùng dây đo lại, kết quả đúng vậy nên ai cũng thán phục. 

Nhờ tài toán học, Lương Thế Vinh không ít lần giúp những người xung quanh giải quyết các vấn đề khó khăn. Có lần, ông đến một khúc sông, thấy mấy người đang tìm cách đo chiều rộng của con sông để bắc cầu. Hôm đó, nước sông rất to và chảy xiết, họ không thể bơi qua.

giai-thoai-ve-chuyen-dau-thai-huyen-bi-cua-trang-luong-luong-the-vinh
"Trạng Lường" Lương Thế Vinh

Ông đề nghị mọi người không bơi qua sông mà tìm cho ông mấy cái cọc. Ban đầu mấy người này không tin nhưng khi thấy Vinh đóng cọc, ước lượng khoảng cách rồi tính nhấm và công bố chiều dài con sông, họ mới hoàn toàn thán phục vị thiếu niên này. 

Năm 1463, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên trong khi Quách Đình Bảo đỗ thám hoa. Khi đó, chàng trai làng Cao Hương mới 22 tuổi.

Là người quang minh, lỗi lạc nên ông được triều đình trọng dụng. Ông giữ nhiều chức quan quan trọng trong Hàn lâm viện. Đồng thời là 1 trong số 28 thành viên của hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông thành lập. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của ông cho nước nhà lại thuộc về lĩnh vực Toán học.

Với tài năng toán học xuất sắc, Lương Thế Vinh được dân gian gọi là Trạng Lường. Ông cũng tổng kết kiến thức, viết nên cuốn Đại thành Toán pháp. Cuốn sách này được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Ông cũng nổi tiếng với tài văn thơ, đối đáp và rất vừa ý nhà vua. Năm 1496, Lương Thế Vinh qua đời. Vua Lê Thánh Tông rất thương tiếc bèn viết bài thơ khóc Trạng:

Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua

Gióng khách chương đài kiếp tại nhà

Cẩm tú mấy hàng về động ngọc

Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa

Khí thiên đã lại thu sơn nhạc

Danh lạ còn truyền để quốc gia

Khuất ngón tay than tài cái thế

Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.

Giai thoại về chuyện đầu thai kỳ lạ của "Trạng Lường"

Chuyện đầu tiên

Tục truyền rằng, kiếp trước của Lương Thế Vinh đã thác sinh vào một nhà ở huyện Nam Xương (nay là Nam Ninh, Nam Định). Khi lên 7 tuổi được cha mẹ cho đi học, ở cạnh bên đường có con chó đá, mỗi khi cậu học trò này đi qua thì nó vẫy đuôi mừng.

Cậu học trò thấy vậy bèn về kể với cha. Người cha bảo: "Chó đá biết vẫy đuôi thì hẳn nó cũng biết nói. Con hỏi xem vì có gì mà nó mừng".

Hôm sau đi học qua, con chó lại vẫy đuôi, cậu bé đứng lại hỏi, con chó đáp: "Ngày sau cậu đỗ Trạng nguyên nên tôi mừng vậy".

Cậu bé về kể lại cho cha và người cha tin rằng sau này con đỗ đạt cao nên từ đó sinh kiêu ngạo, thường hay va chạm, tranh chấp với người khác. Mỗi lần như vậy, ông hay đe rằng: "Mai sau con ông đỗ Trạng nguyên, ông sẽ hỏi tội chúng mày" (Người ta cho rằng câu tục ngữ: “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” được xuất phát từ chính câu chuyện này).

giai-thoai-ve-chuyen-dau-thai-huyen-bi-cua-trang-luong-luong-the-vinh-7
Tranh "đám trẻ đùa nghịch"

Thấy cha như vậy, cậu bé buồn bã, can ngăn mãi không được đành nói với mẹ. Mẹ đáp rằng: " Mẹ thì hiền hậu mà cha lại kém đức, con không ở đây nữa. Xin từ giã mẹ, con đi chỗ khác đây!".

Cậu bé dặn mẹ cứ đến ngày ấy, tháng ấy thì tới làng Cao Hương, huyện Thiên Bản thì rõ. Lại còn dặn giữ lại sách vở của mình đã học. Nói xong thì mất.

Khi ấy người phương Bắc xem thiên văn thấy vận nước Nam đang thịnh, người tài nhiều, lại thấy Văn Khúc (sao văn học) sáng ngời nên sang nước Nam tìm cách trấn yểm. 

Còn cậu bé, khi còn ở Nam Xương hay đi chơi với một lũ trẻ trong làng. Thầy phong thủy người phương Bắc đi qua, biết sao Văn Khúc ở trong đám trẻ nhưng không rõ đứa nào nên mới bỏ một quả bưởi xuống hố sâu, đó lũ trẻ lấy lên được sẽ thưởng tiền.

Cậu bé không tự mình nghĩ cách mà bày cho bọn trẻ đem nước đổ xuống, khi hố đầy nước thì bưởi tự khắc nổi lên. Người phương Bắc gặng hỏi mãi mới biết đó là mưu của cậu bé nên nghĩ cách trừ nhưng không lâu sau đó thì cậu bé mất.

Chuyện thứ hai

Lại có lời truyền rằng, sau khi mất, hồn cậu bé thần đồng này tìm nơi thác sinh, lúc thầy phong thủy người phương Bắc xem thiên văn, biết vị thần ấy đã đi sang làng Cao Hương, ông liền đuổi theo thì thấy đã nhập vào một khối đá lớn. Nghe người khách lạ hỏi mua, chủ khối đá tưởng đùa đã nói: "Phải đủ trăm quan tiền tôi mới bán".

Khách trả đến bảy mươi quan nhưng người chủ không biết thế nào, tưởng bỡn cợt nên nhất định không bán. Khách thất vọng đành bỏ đi.

Khi ấy có một người đàn bà đi đồng về nghe được chuyện mọi người bàn tán về khối đá nên dừng lại đến giậm chân vào khối đá nói: "Khối đá này quý gì mà ông ta mua đắt thế?". 

Không ngờ vị thần trong khối đá ấy nghe thấy liền đầu thai vào người đàn bà này. Hôm sau, người khách phương Bắc quay lại định mua khối đá thì thấy thần đã xuất mất rồi nên nói rằng: "Bây giờ thì 1 đồng cũng chẳng mua". Biết là không trấn yểm nổi ông đành quay về phương Bắc.

Trong khoảng thời gian đó, hoàng tử Lê Tư Thành (sau là vua Lê Thánh Tông) ra đời. Đại Việt sử ký toàn thư viết về sự lạ trong việc sinh ấy như sau: "Mẹ vua là Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô thị, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Trước kia, khi còn là Tiệp dư, Thái hậu đi cầu tự, mơ thấy thượng đế ban cho một tiên đồng, thế rồi có thai. (Tục truyền rằng Thái hậu khi sắp ở cữ, nhân thử thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất)”.

giai-thoai-ve-chuyen-dau-thai-huyen-bi-cua-trang-luong-luong-the-vinh-0
Chân dung quan trạng Lương Thế Vinh (Đền thờ ông hiện đặt tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, Nam Định)

Tác phẩm Tang thương ngẫu lục cũng có đoạn chép cho biết thêm một số thông tin khác: “Khi trước Thái hậu có mang, chiêm bao thấy đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một vị tiên đồng giáng thế làm vua nước Nam và sai một ngọc nữ xuống để sánh đôi. Tiên đồng không vâng chỉ ngay, Thượng đế giận ném hòn ngọc khuê làm xây xát ở trán. Tiên đồng lạy tạ xin ban cho một người giúp việc. Thượng đế chỉ một viên trong ban sai theo đi giúp. Viên ấy cố từ, Ngài hẩy vào vai không cho từ. Lúc Thái hậu bừng tỉnh giấc thì sinh vua Thánh Tông, vế ngọc khuê ở trên trán vẫn còn”.

Vị thần được Ngọc Hoàng Thượng đế sai xuống giúp tiến đồng đã đầu thai vào nhà họ Lương ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản. Lúc sinh ra, thấy con mình rắn rỏi, tinh anh, người cha mới đặt tên cho con là Lương Thế Vinh. Lạ một điều, khi mới sinh ra cậu bé ngày đêm chỉ khóc ròng; cha mẹ rồi hàng xóm thay nhau bế ẵm, dỗ dành nhưng không có kết quả.

Lúc ấy, người mẹ kiếp trước nhớ lời con dặn đã tìm sang làng Cao Hương hỏi thăm. Nghe nói có nhà họ Lương mới sinh con trai, đứa bé khóc suốt ngày đêm nên tới xin bế thử. Lúc này đứa bé thôi khóc. Từ sau đó, người này thường xuyên sang thăm nom Lương Thế Vinh. 

Đến khi lớn, một hôm Lương Thế Vinh nói với mẹ trước rằng: "Mẹ về đem sách vở của con thuở trước cùng với số tiền con chôn ở dưới gốc cây táo mang sang đây cho con".

Bà mẹ về đào dưới gốc táo, quả nhiên thấy có tiền và sách liền đem cho Lương Thế Vinh. Cha mẹ đẻ hiện tại mới thực tin, lại thấy người cha trước của con đã mất bèn đón bà mẹ trước về ở cùng.

Đến khoa thi Quý Mùi (1463) triều đình mở khoa thi, Lương Thế Vinh về kinh ứng thí và đỗ Trạng nguyên, lúc vào yết kiến, Lê Thánh Tông thấy vai ông bị lệch, chợt nhớ đến câu chuyện trong giấc mộng lạ mà mẹ kể khi trước bèn tâu với Thái hậu. Thái hậu cho gọi Lương Thế Vinh vào xem mặt thì thấy đúng là người đã gặp trong mộng, bà vui mừng nói với vua: "Đây là người bề tôi mà thượng đế cử xuống".

Từ đó, Lê Thánh Tông hết mực tin dùng, coi trọng tài năng của Lương Thế Minh. Thật đúng là vua tôi khánh hội, một bước chẳng rời.

Xem thêm: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Nhà tiên tri hàng đầu cùng giai thoại khiến nhiều người trầm trồ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận