Giai nhân Hà Thành (P1): Nhan sắc "chim sa cá lặn" và mối tình "hữu duyên vô phận" của cô Bính Hàng Đẫy

Tứ đại giai nhân của của đất Hà Thành ở thế kỷ trước là cô Síu Cột Cờ, cô Phượng Hàng Ngang, cô Nga Hàng Gai, cô Bính Hàng Đẫy. Trong đó, cô Bính Hàng Đẫy có cuộc sống an yên nhất.

Đỗ Thu Nga
08:56 12/02/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cuộc sống "lá ngọc cành vàng" ăn miếng thịt gà, thưởng nhẫn kim cương của cô Bính

Cô Bính Hàng Đẫy tên thật là Đỗ Thị Bính sinh năm 1915. Giai nhân Đỗ Thị Bính là 1 trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi - một trong những thành viên của dòng họ Đỗ Bá Già (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). 

Ông Bính là nhà tư sản có tiếng một vùng, cứ nhắc đến tên ông là ai cũng phải kính nể. Thời tuổi trẻ ông đã được người trong vùng kính nể gọi là cụ Lợi. Khối gia sản khổng lồ của ông khiến ai cũng phải e dè. Ở thời kỳ hoàng kim, ông Lợi đã thầu khoảng 10 công trình lớn nhất Hà Nội

Cô Bính được sinh ra và lớn lên ở  nhà số 37 Hàng Đẫy (nay là số nhà 67 Nguyễn Thái Học), vì thế sau này khi được xếp vào tứ đại giai nhân Hà thành mà cô được gọi là cô Bính Hàng Đẫy. Hiện nay, ngôi nhà cố Bính ở vẫn giữ được dáng vẻ cổ xưa với lối kiến trúc của Pháp dành cho những gia đình quyền quý, thượng lưu thời bấy giờ. Trước cửa nhà vẫn còn nguyên dàn hồng gai - nhân chứng hiếm hoi gắn liền với những câu chuyện về cuộc đời của cô Bính. 

 

cuoc-song-binh-yen-cua-giai-nhan-ha-thanh-co-binh-hang-day-0
Hình ảnh cô Bính Hàng Đẫy (áo đen)

Ngay từ khi mới sinh cô Bính đã sở hữu làn da trắng như trứng gà bóc, nét mặt dịu dàng thanh tú. Cô Bính chỉ thích mặc áo dài màu đen để tôn lên được làn da trắng không tỳ vết của mình. Cũng chính vì sở thích này mà người Hà thành xưa gọi cô là "giai nhân áo đen".

Chính nét chuẩn mực con gái Á Đông cùng làm da trắng và cách cư xử nền nã, cô Bính trở thành nữ thần của bao công tử, văn nhân thời bấy giờ. Vì được sinh trưởng trong gia đình nề nếp, có gia phong nên từ nhỏ cô Bính đã được dạy dỗ cẩn thận và hết sức mực thước.

Cô Bính cũng là một trong những người con mà cụ Lợi vô cùng yêu chiều. Từ nhỏ cô Bính không thích ăn thịt gà, cụ Lợi lo con khảnh ăn nên đã mời đầu bếp nấu cho vua Bảo Đại về nhà trông nom chuyện bếp lúc. 

Trong một bữa cơm gia đình, cụ Lợi từng tuyên bố nếu con gái chịu ăn một miếng thịt gà thì ông sẽ thưởng một nhẫn kim cương, ăn hai miếng thì thưởng hai nhẫn kim cương. Đứng trước phần thưởng mà bố tuyên bố, cô Bính chỉ cười mỉm rồi từ chối.

Thế nhưng cụ Lợi không chịu bỏ cuộc, cụ tuyên bố sẽ thưởng cho đầu bếp nếu nghĩ cách giúp con gái cụ ăn được thịt gà. Mãi sau đó, tới khi người đầu bếp nấu món bún thang thì cô Bính mới xuôi lòng  ăn thử.

Gia đình có điều kiện lại được cưng chiều như báu vật nên mọi thứ tốt nhất trên đời cô Bính được sử dụng qua. Cô được gia đình cho đi học ở trường Tây. Cô Bính hội tụ đầy đủ những phẩm chất công, dung, ngôn, hạnh, sự trầm tĩnh, khôn khéo, dịu hiền mà trí tuệ. Dù là người đẹp nức tiếng, là cành vàng lá ngọc của nhà quyền quý nhưng cô Bính rất hòa đồng, giản dị và gần gũi mọi người. 

Biết con gái thích ngắm hoa, cụ Lợi liền sai người trồng cả giàn hoa hồng cùng phong lan trước sân nhà. Hình ảnh cô thiếu nữ ngồi ghế mây đọc tiểu thuyết ngắm hoa đã khiến nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp - con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh say đắm.

Mối tình "hữu duyên vô thực" với công tử họ Nguyễn

Sử sách từng ghi chép, vào năm 1930, gần phố Hàng Đẫy là khu Văn Miếu. Đó là nơi các công tử, văn sĩ thường xuyên đến học tập, luyện thơ... Khi ấy có công tử Nguyễn Nhược Pháp - con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh sinh sống tại đó nhiều lần nhìn thấy hình bóng cô Bính ngồi ngắm hoa đọc sạch đã đem lòng si mê. Công tử họ Nguyễn ngày nào cũng lấy cớ đi qua nhà người đẹp để có dịp bắt chuyện. 

Hồi đó, công tử Nguyễn Nhược Pháp làm việc ở báo Annam Nouveau, cũng vì mê cô Bính mà ông luôn mượn cớ đi qua nhà 37 Hàng Đẫy để ngắm nhìn. Tuần nào ông cũng lấy cớ qua đó hai, ba lượt. 

Có những lần chưa thấy cô Bính ra vườn tưới hoa, ông cứ ngồi đợi mãi, đợi đến khi nào nhìn thấy bóng dáng cô thì mới về. Khi ấy, họ chỉ cũng cảm mến nhau nhưng chỉ trao nhau những cái nhìn trìu mến rồi người ở người đi.

Cô Bính vốn là giai nhân nức tiếng lại đoan trang, có hiểu biết nên gia đình cô nghĩ, công tử Nguyễn Nhược Pháp cũng giống bao nhà thờ trẻ khác si mê cô là chuyện bình thường.

cuoc-song-binh-yen-cua-giai-nhan-ha-thanh-co-binh-hang-day-9
Vẻ đẹp của cô Bính khiến nhiều công tử, văn sĩ si mê, trong đó có nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp

Trong khi đó, anh chàng nhà thơ hơn cô Bính 1 tuổi Nguyễn Nhược Pháp thì lại mặc cảm gia cảnh nghèo khó chẳng dám ngỏ lời. Sự e ngại ấy đã khiến tình trong như đã mặt ngoài còn e. Và dù chuyện đó ai ai cũng biết nhưng anh chàng nhà thơ vẫn chưa một lần gặp gỡ chính thức cô Bính.

Đến năm 1935, Nguyễn Nhược Pháp cho ra đời tập thơ Ngày xưa. Và cũng từ đó, tên tuổi trong làng thơ của ông được chú ý nhiều hơn. Tập thơ Ngày xưa chỉ có 10 bài nhưng đủ để ông trở thành cây bút tài hoa trong giai đoạn đầu của phong trào thơ mới.

Khi đọc thơ ông ai cũng hiểu hình bóng cô gái trong đó đều lấy cảm hứng từ giai nhân Đỗ Thị Bính. Có đoạn Nguyễn Nhược Pháp viết:

"Tóc xanh viền má hây hây đỏ

Miệng nàng bé thắm như san hô

Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ"

Tuy nhiên, cuộc đời có những quy luật riêng đôi khi là sự nghiệt ngã nhưng lại chẳng tránh được giống như hoa đẹp không lâu, cảnh đẹp không được dài.

Đến năm 1938, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp tạ thế ở tuổi 24 vì bệnh lao. Thời đó, bệnh lao là bệnh nan y khó chữa khỏi. Dù đã tại thế nhưng trong lòng nhà thơ vẫn lưu giữ mãi hình bóng của cô Bính. Người đời từng nói rằng, nếu số nhà thơ Pháp không bạc thì có lẽ họ đã là cặp trai tài gái sắc của đất Hà thành rồi.

Cuộc hôn nhân êm ả với chàng kỹ sư trẻ

Trong tứ đại giai nhân đất Hà thành, cô Bính được xem là người có cuộc sống bình yên, viên mãn nhất. Tuy dang dở chuyện tình với chàng thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp nhưng may mắn thay, cô Bính lại gặp được người tâm đầu ý hợp.

Theo đó, gần 1 năm sau sự ra đi của nhà thờ Pháp, cô Bính được gia đình thuyết phục gả cho chàng kỹ sư tên Bùi Tường Viên. Ông Viên khi đó vừa đi du học Pháp về. 

 

cuoc-song-binh-yen-cua-giai-nhan-ha-thanh-co-binh-hang-day-7
Cô Bính và chồng là kỹ sư Viên

Ông Viên sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc, tương xứng với gia đình cô Bính. Anh trai ông là Bùi Tường Chiểu - một luật sư nổi tiếng thời bấy giờ. Sau này, ông Bùi Tường Viên giữ chức Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương (Tiền thân của trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội bây giờ).

Mặc dù chỉ là cuộc hôn nhân sắp đặt nhưng cô Bính và ông Bùi Tường Viên đã có một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, không gặp nhiều sóng gió như những vị giai nhân khác của Hà Thành.

Nói về cuộc hôn nhân của cặp trai tài gái sắc này, nhiều tờ báo thời đó nói rằng, đám cưới được tổ chức vô cùng linh đình. Quan khách ra vào nườm nượp như trẩy hội suốt mấy ngày liền.

Vào ngày đại hôn, cô Bính mặc trên mình áo dài được dệt từ những sợi chỉ vàng, sợi kim tuyến. Trang phục đẹp càng làm tôn thêm vẻ đẹp sắc nước nghiêng thành của cô.

Ngày về nhà chồng, cô Bính không hề có chút tình cảm nào với ông Viên bởi trước đó họ chưa từng gặp nhau. Tình cảm của hai người bắt đầu nảy nở kể từ khi về chung một nhà.

Cuộc hôn nhân "sắp đặt" của cô Bính hoàn toàn khác so với những cuộc hôn nhân "sắp đặt" khác ở thời bấy giờ. Ngày ấy, giữa cô Bính và ông Viên tồn tại tình yêu, sự ngưỡng mộ và cảm thông. Ông Viên chưa bao giờ lớn tiếng mắng vợ, lúc nào cũng nhỏ nhẹ và tỏ rõ sự tôn trọng nhường nhịn. 

Cô Bính và ông Viên sống với nhau rất hạnh phúc và đầm ấm. Kết quả của cuộc hôn nhân "sắp đặt" đó chính là những đứa con đáng yêu lần lượt ra đời. 

"Bà tiên" trong kháng chiến

Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng cô Bính chẳng được bao lâu thì cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra. Gia đình họ Đỗ và họ Bùi đều tham gia cách mạng. Thời điểm đó, hưởng ứng cuộc phát động Tuần lễ vàng, cụ Đỗ Lợi đã tặng Chính phủ Cách mạng lâm thời 45 lạng vàng, 18 căn biệt thự. Sau này, cụ Lợi còn tặng tổng cộng 31 căn nhà và biệt thự cho nhà nước.

Hưởng ứng chủ trương tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống năm 1946, cô Bính theo chồng tản cư lên vùng Tuyên Quang sống những ngày mà cả nước dành hết sức người, sức của cho cuộc kháng chiến oanh liệt.

Gia đình cô Bính sống trong một ngôi nhà nhỏ dưới chân núi, cuộc sống tuy có khó khăn trái ngược hoàn toàn với ở Hà thành nhưng cô thích nghi rất nhanh. Cô Bính cải thiện cuộc sống của cả gia đình bằng nghề làm bánh.

Với tay nghề khéo léo, bánh cô Bính làm ra có hương vị đặc trưng của Hà thành, thơm ngon không thể kiềm chế được. Cô Bính làm bánh quấn thừng, bánh xếp, kẹo... để bán trong các phiên chợ quê hoặc bán mối cho các hàng quán ở vùng Sơn Dương. Cũng ở đây bà bắt đầu trồng rau, nuôi gà, làm nước mắm...

Những ngày sống ở Tuyên Quang bà còn được bác sĩ Bùi Xuân Tám - em trai họa sĩ Bùi Xuân Phái dạy cách tiêm thuốc kilofooc để đối phó với bệnh sốt rét. Nhờ thông minh nên cô Bính nhanh chóng học được. Trong những năm kháng chiến di tản, cô Bính đã cứu sống được rất nhiều người khỏi bệnh sốt rét. 

Không chỉ tiêm thuốc cứu người, cô Bính còn chăm sóc người bệnh cẩn thận và hết lòng như người thân trong nhà. Suốt những năm tháng ấy, cô không nhận bất cứ một đồng tiền công nào. Người dân ở Sơn Dương vô cùng yêu mến, gọi cô Bính với cái tên khác là "bà tiên kháng chiến" hay "bà ké kháng chiến".

Đến năm 1954, sau 8 năm di tản, gia đình cô Bính rời Tuyên Quang về lại ngôi nhà cũ ở 67 Nguyễn Thái Học sinh sống. Đến năm 1986, chồng cô qua đời sau 10 năm chống chọi với bệnh ung thư.

Đến năm 1992, cố Bính qua đời (hưởng thọ 77 tuổi) vì căn bệnh cao huyết áp. Sau khi ra đi, cô Bính được mặc một chiếc áo cánh màu vàng mỡ gà trong cùng, bên ngoài là áo dài lụa bằng vải đen, ngoài cùng khoác chiếc áo dạ Mông Tự đen tuyền đúng như di nguyện. 

Có thể nói, cuộc đời của cô Bính Hàng đẫy không có quá nhiều sóng gió trong chuyện tình cảm song cô đã cùng chồng và gia đình trải qua những năm tháng thăng trầm cùng dân tộc. Song với 3 mỹ nhân khác của Hà thành thì cô Bính vẫn là giai nhân có cuộc sống êm đềm hơn cả.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận